Ba nhân đức đối thần tin – cậy – mến hướng chúng ta về Thiên Chúa. Nhờ đức tin, chúng ta nhận biết Thiên Chúa; nhờ đức cậy, chúng ta ước ao được kết hiệp với Thiên Chúa và tin tưởng Người sẽ trợ giúp chúng ta thực hiện điều đó; nhờ đức mến, chúng ta yêu mến Thiên Chúa vì chính Người, yêu mến người khác và yêu mến chính mình nhờ tình yêu chúng ta đặt nơi Thiên Chúa.[1] Đức mến, làm cho đức tin đức cậy được sống và triển nở; đức mến còn làm cho mọi nhân đức khác có hồn, và đổ đầy sự sống thần linh vào các nhân đức ấy. Về điều này, Thánh Phao-lô tông đồ đã quả quyết: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trong hơn cả là đức mến.”[2] Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-di-ô cũng khẳng định: “Đức mến là một nhân đức tuyệt vời. Đức mến vừa là phương tiện vừa là mục đích, vừa là chuyển động vừa là đích tới, là con đường dẫn tới chính Đức mến. Phải làm gì để yêu mến? Không cần những mưu mẹo nào khác, chỉ cần yêu mến, rất đơn giản thế thôi: như người ta học đàn bằng cách đánh đàn, học khiêu vũ bằng cách khiêu vũ.”[3] Cùng cách thức ấy, ta hãy cùng cầu nguyện xin Chúa gia tăng lòng yêu mến của chúng ta với Chúa và với anh chị em xung quanh bằng “Kinh Kính Mến”.
“Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa, thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen”
Dung lượng lời kinh chỉ có một câu rất ngắn gọn, nhưng lại gói trọn ý nghĩa nội dung giáo lý tinh túy căn bản của Ki-tô giáo. Vì mỗi lần ta thân thưa với Chúa bằng lời “Kinh Kính Mến” là ta được thêm ý thức để sống giới luật quan trọng nhất mà Chúa truyền dạy: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi… và phải yêu người thân cận của ngươi như chính mình.”[4]
“Yêu mến Chúa trên hết mọi sự” nghĩa là phải yêu Chúa với cả “con người toàn diện”[5]. Vì Thiên Chúa tình yêu là Đấng vô hạn trong khi con người là thụ tạo hữu hạn không thể nào đáp lại cho cân xứng. Thế nên, ta chỉ còn có một cách là yêu hết khả năng vốn có của mình. Nói như thánh Bê-na-đô: “Mức độ yêu mến Thiên Chúa là mến yêu không mức độ.”[6]Cụ thể hơn là ở hai bậc yêu mến cao nhất mà thánh nhân truyền lại cho chúng ta là “yêu Chúa vì Chúa” và “yêu tha nhân vì Chúa” thì điều ấy cũng đã được tóm gọn trong “Kinh Kính Mến” rồi. “Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa, thì con thương yêu người ta như mình con vậy.”
Thánh Au-gut-ti-nô đã chia sẻ kinh nghiệm sống trong đức mến rằng: “Đối với những ai yêu mến, Thiên Chúa biến đổi tất cả thành tốt; ngay cả những sai lầm và tội lỗi của họ, Thiên Chúa cũng biến đổi chúng thành tốt.”[7]Như vậy, khi thể hiện đức mến, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa, đem lại ích lợi cho tha nhân, và mang lại cho chúng ta ba hiệu quả nội tại cơ bản: đó là niềm vui tinh thần vì được tham dự vào sự tốt lành thánh thiêng của Thiên Chúa; sự bình ansâu thẳm vì ta được sống trong tình yêu của Thiên Chúa; và cuối cùng, là lòng xót thương – một sự cảm thông chân thành trước những cảnh khốn quẫn của tha nhân khiến chúng ta ra tay giúp đỡ và ủi an họ. Như thế khi sống đức mến trọn vẹn, ta sẽ nên như Thiên Chúa là “Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng.”
Khi bắt đầu các giờ kinh nguyện, mẹ Hội Thánh thường dạy con cái đọc “Kinh Kính Mến”, bởi vì đức mến là nền tảng và mục tiêu của đời sống cầu nguyện cùng với đức tin và đức cậy. Thánh Tê-rê-sa A-vi-la nhấn mạnh: cầu nguyện không phải là vấn đề suy tư nhiều mà là yêu mến nhiều, không phải chuyện của cái đầu mà là chuyện của trái tim.
Chúng ta hãy xin Chúa đốt lên trong lòng chúng ta ngọn lửa tình yêu, để đức mến chúng ta được nuôi dưỡng trong khi cầu nguyện cũng sẽ tỏa sáng trong cuộc đời của chúng ta.
Lạy Chúa, xin ban cho con lòng mến yêu, xin đổ đầy tình yêu Chúa trong đời sống chúng con. Xin dạy chúng con biết yêu như Chúa đã yêu. Amen