01/06/2019 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

3675
Kinh Phó Dâng
Kinh phó dâng

 
Ý thức về giá trị và ý nghĩa của phận người, ta sẽ biết sống hết mình, biết trân trọng và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp. Ý thức bản thân là người Ki-tô hữu được thuộc về Thiên Chúa, được Thiên Chúa quan phòng gìn giữ, ta sẽ có được tâm tình sống động và những cảm nghiệm linh thiêng trong mối tương quan mật thiết với Chúa. Nếu ta chưa ý thức được thuộc về Chúa, nếu ta ý thức rồi và ước muốn nuôi dưỡng tâm tình ấy sống mãi, thì việc đọc và cảm nghiệm từng lời của “Kinh Phó Dâng” đó là việc làm hữu ích cho chúng ta.

“Lạy Chúa, con xin phó dâng linh hồn và xác con ở trong tay Chúa, Chúa đã phù hộ con ban ngày, thì xin Chúa cũng gìn giữ con ban đêm, đừng để con phạm tội gì mất lòng Chúa, cũng đừng để con chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Ước gì khi con sống hoặc lúc con chết, con đều giữ một lòng kính mến Chúa luôn.”

“Phó” là “trao”; “dâng” là “tặng một vật trang trọng cho một người trang trọng.” Như thế, “phó dâng” diễn tả việc ta để Chúa làm chủ sở hữu cuộc đời ta, vừa diễn tả việc ta tự nguyện dâng toàn bộ con người của mình cho Ngài như một lễ vật trang trọng.

Trên phương diện tâm lý tự nhiên, chẳng ai dám giao phó cho ai điều gì khi mà họ không cảm thấy có được sự an toàn và đảm bảo. Ông bà ta thường nói “không nên giao trứng cho ác” nhưng “phải biết chọn mặt gửi vàng.” Như vậy, ta thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con xin phó dâng linh hồn và xác trong tay Chúa” là vì ta cảm thấy an tâm, bởi được Thiên Chúa quan phòng phù hộ và chở che.

Hơn nữa, khi “dâng” cho một vị quan trọng cái gì, thì lễ vật là thứ đã được ta tuyển chọn và coi là tốt nhất. Thế nên, khi dâng hồn và xác cho Chúa, ta luôn luôn mong muốn dâng một tâm hồn trong sạch và một thân xác tinh tuyền. Nhưng, như thánh Phaolô ta lại thấy sự tốt lành của mình chỉ như là “bình sành dễ vỡ”
[1] nên ta khẩn khoản nài xin Chúa: “Chúa đã phù hộ con ban ngày, thì xin Chúa cũng gìn giữ con ban đêm, đừng để con phạm tội gì mất lòng Chúa, cũng đừng để con chết tươi ăn năn tội chẳng kịp.”

Trong tương quan tình yêu, hành động “phó dâng” phải được thực hiện một cách vô điều kiện, với tinh thần tự nguyện và ý thức tự do. Nghĩa là ta tự nguyện giao phó cho Thiên Chúa linh hồn và thân xác,
[2] để Ngài “toàn quyền” làm chủ cuộc đời ta và ta được hoàn toàn “thuộc trọn về Chúa.”[3] Về điều này, chúng ta hãy ý thức và xác tín mạnh mẽ như thánh Phaolô: Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa…”[4]

“Phó dâng” còn là thái độ dám sống thật, dám phơi bày trước nhan Thiên Chúa tất cả con người vốn có của mình. Bởi vì, tình yêu chân thật thì không che đậy, không dấu diếm ngay cả những gì là yếu hèn và tội lỗi xấu xa. Hơn nữa, bản thân mỗi người chúng ta biết Thiên Chúa luôn sẵn sàng đón nhận và tha thứ; Người biết cách chữa lành và thánh hóa; Người cư xử tế nhị và yêu chúng ta trước, ngay khi chúng ta còn là những tội nhân.[5]

Như thế, “phó dâng” trong tình yêu mới là sự “phó dâng” mang ý nghĩa trọn vẹn và sung mãn. Vậy, cùng với tâm tình của các tác giả Thánh vịnh Khôn ngoan ta hãy “phó dâng” hồn xác của chúng ta cho Chúa mỗi ngày: “Trong tay Ngài, lạy Chúa con xin phó thác linh hồn con, Ngài đã cứu chuộc chúng con lạy Chúa Trời thành tín.”[6] Hoặc trong niềm tin đơn sơ, với lời kinh thuộc lòng của người tín hữu bình dân, không cần nhiều những lý thuyết cao xa, chúng ta tin tưởng và thành tâm thưa lên lời “Kinh Phó Dâng” - lời kinh mà có thể nài xin Chúa giúp chúng ta “dù sống, dù chết cũng được giữ lòng kính mến Chúa luôn.”

“Lạy Chúa, con xin phó dâng linh hồn và xác con ở trong tay Chúa, Chúa đã phù hộ con ban ngày, thì xin Chúa cũng gìn giữ con ban đêm, đừng để con phạm tội gì mất lòng Chúa, cũng đừng để con chết tươi ăn năn tội không kịp. Ước gì khi con sống hoặc lúc con chết, con đều giữ một lòng kính mến Chúa luôn. Amen

 
[1]  2Cr 4,7
[2] Mt 10,30
[3] 1Cr 7,34
[4] Rm 14,7-9
[5] Rm 5,8
[6] Tv 30,6.
114.864864865135.135135135250