Yêu mến, tin nhận Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể là một sức mạnh vững vàng để ta vượt qua cám dỗ, thử thách của những đòi hỏi hiểu biết bằng lý trí về Bí tích này trên lộ trình đức tin mỗi ngày. Nhận ra Đấng đã đi đến tận cùng của tình yêu tự hiến và trao ban Mình Máu làm của ăn nuôi dưỡng nhân loại, chính là một cảm nghiệm ở tận sâu tâm hồn, một ân sủng đức tin và tình yêu. Thế nên, ta phải làm mới lại đức tin của chính mình luôn mãi, không chỉ bằng việc đón rước Chúa Giê-su khi ta tham dự bàn tiệc trong Thánh Lễ một cách thường xuyên và trung thành, mà còn bằng những tâm tình khao khát thiêng liêng. Nhờ đó, ta sẽ chất chứa niềm hy vọng được bước đi với đức tin sống động trong sự kết hợp mật thiết với Chúa.
Thánh An-phong-sô đã nuôi dưỡng tâm tình khao khát ấy bằng lời “Kinh Rước Lễ thiêng liêng.” Chúng ta tin chắc chắn lời kinh ấy cũng là lời nuôi dưỡng tâm hồn của chúng ta:
“Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Bí Tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao rước Chúa vào linh hồn con. Nhưng, bởi vì bây giờ con không thể rước Chúa được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng, chẳng khác gì như con được rước Chúa thật. Con xin đón rước Chúa, cùng kết hợp làm một với Chúa cho trọn. Xin Chúa đừng để con lìa bỏ Chúa bao giờ.”
Mở đầu lời kinh ta thân thưa: “Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Bí tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao rước Chúa vào trong linh hồn con.” Tâm tình của thánh An-phong-sô giải nghĩa cho chúng ta hiểu tại sao gọi Bí tích Thánh Thể là Bí tích Đức Tin – Bí Tích Tình Yêu. Vì, khi đọc lời kinh ta tỏ bày niềm tin thật của riêng ta và cũng là niềm xác tín của Giáo Hội: Chúa luôn hiện diện bên ta qua Bí tích Thánh Thể để thực hiện lời hứa yêu thương: “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế.”[2] Cũng thế, khi thưa lên lời kinh ta tỏ bày cùng Chúa khát vọng “yêu mến Chúa trên hết mọi sự”[3] và bởi vì yêu Chúa nên ta “ước ao rước Chúa vào trong linh hồn”.
Tình yêu chỉ có thể đáp trả bằng tình yêu. Khi rước Chúa ta nhận biết Chúa yêu ta trọn vẹn nên Người ở lại trong Bí tích Tình Yêu, thì đáp lại ta cũng yêu Chúa trên hết mọi sự. Lúc ấy, trái tim ta được thỏa lòng mến yêu Chúa, lòng trí ta được hạnh phúc ở trong Chúa như lời Người mời gọi: “Ai ăn thịt và uống máu ta, thì ở lại trong ta, và ta ở lại trong người ấy.”[4]
Tuy nhiên, nếu vì một lý do hay hoàn cảnh nào đó ngăn trở như đau ốm, tuổi già, hay không có linh mục để dâng Lễ, những khó khăn liên quan đến hoàn cảnh sống, khoảng cách về địa lý,… khiến ta không thể nào được rước Mình Thánh Chúa mà lòng ta những khao khát, ước mong được ở cùng Chúa; thì hãy học theo thánh An-phong-sô khẩn khoản nài xin Chúa: “Xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng, chẳng khác gì như con được rước Chúa thật.”
Thông thường, theo cách tự nhiên thì ta đến với Chúa và gặp Chúa trong Bí tích Thánh Thể, nhưng vì lý do bất thường và lòng ta khao khát nên ta mạo muội xin Chúa đích thân hạ cố đến với ta. Ta tin tưởng Chúa sẽ nhận lời vì thế ta hứa: “Con xin đón rước Chúa, cùng kết hợp làm một với Chúa cho trọn. Xin Chúa đừng để con lìa bỏ Chúa bao giờ.”
Đọc lên từng lời kinhvới sự chú tâm sâu sắc và ý thức, ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc thông phần vào hy tế của Đức Ki-tô khi tham dự Thánh Lễ. Thêm vào đó, ta cũng thoáng nghe được âm vang của lời mời gọi đến thờ lạy, tôn kính Thánh Thể Chúa. Vì quả thật “Hội Thánh và trần gian rất cần đến sự tôn thờ Bí tích Thánh Thể. Chúa Giê-su đang chờ chúng ta trong Bí tích Tình Yêu này. Đừng từ chối thời gian đến gặp Người để tôn thờ, để chiêm ngắm tràn đầy đức tin và sẵn sàng đền tạ những tội lỗi của trần gian”.[5]
Ước mong sao lời kinh trở thành một phần không thể thiếu trong việc ươm mầm và nuôi dưỡng đức tin. Ước mong sao lời kinh được đọc và chú tâm suy gẫm với trọn tâm tình để ta thêm yêu mến Thánh Thể Chúa.
[1] Bản gốc sách kinh cũ: “Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa trong linh hồn con. Song le bởi vì bây giờ con chẳng có thể mà chịu Chúa cho thật được, thì xin Chúa con ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng vậy, chẳng khác gì như Chúa đã ngự vào thật, thì con xin ẵm lấy cùng hợp làm một cùng Chúa co cho trọn, xin Chúa chớ để cho con lìa bỏ Chúa bao giờ. Amen”.
[2] Mt 28,20
[3] Lc 10,27; Mc 12,29
[4] Ga 6,54-56
[5] Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 1380.