Thờ lạy là thái độ đầu tiên của con người khi nhìn nhận mình là thụ tạo đang đối diện với Thiên Chúa - Ðấng Sáng Tạo. Thờ lạy là phủ phục trước Thiên Chúa vinh quang[1] chí thánh và chí ái. Vì thế, tất cả những ai hiểu rằng mình là thụ tạo của Thiên Chúa đều khiêm tốn nhìn nhận Người là đấng cao cả, toàn năng và đều thờ lạy Người. Ai thờ lạy Thiên Chúa thật thì bái gối hoặc phục dưới đất trước mặt Người, khiêm tốn dâng lời khẩn cầu và tin tưởng vững vàng Thiên Chúa sẽ nhận lời người ấy.[2] Ắt hẳn đó cũng chính là tâm tình phải có mỗi khi đọc “Kinh Sấp Mình”, tâm tình được cô đọng theo Giáo lý đức tin đã dạy chúng ta.
“Lạy Chúa, con sấp mình xuống trước mặt Chúa. Con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện. Xin Chúa rất nhân từ hãy đoái xem sự nghèo ngặt con, và nhận lời con nguyện. Lạy Chúa, xin mở miệng lưỡi con, để con cao rao những lời ngợi khen Chúa.”
Lạy Chúa, con sấp mình xuống trước mặt Chúa: Câu kinh nhắc chúng ta ý thức về bổn phận thờ lạy Chúa, về mối tương quan thiết thân của chúng ta với Chúa. Chúng ta xác tín về quyền năng của Thiên Chúa trên cuộc đời của chúng ta. Và thái độ của chúng ta là thái độ tin yêu nhưng tràn đầy cung kính, tâm tình của chúng ta là tâm tình khiêm nhường, là kẻ phủ phục van xin trước mặt Thiên Chúa.[3]
Thái độ sấp mình thờ lạy Thiên Chúa diễn tả một đức tin vững mạnh: Con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện.Việc tin nhận Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, thánh Tô-ma A-qui-nô đã dạy chúng ta rằng: Thiên Chúa biết rõ chúng ta một cách hoàn hảo và trọn vẹn, nghĩa là Người thấu suốt tâm tình cũng như tư tưởng của chúng ta.[4]Thiên Chúa không chỉ biết chúng ta cả bên trong và bên ngoài như chúng ta bây giờ, mà Người còn biết mọi sự đang hiện hữu ngay bây giờ, đã hiện hữu trong quá khứ, sẽ hiện hữu trong tương lai, hoặc có khả năng hiện hữu. Do đó bất cứ cái gì có thể do vật thụ tạo làm nên, nghĩ tới hay nói ra, và tất cả những gì chính Thiên Chúa có thể tạo thành, Người đều biết hết. Cái nhìn hiện tại của Thiên Chúa xuyên suốt mọi thời gian và mọi vật. Sự hiểu biết của Thiên Chúa thì nằm trong sự hằng cửu, không bị bó buộc bởi thời gian…[5]
Đàng khác, Thiên Chúa không muốn để cho bất cứ ai không biết Người. Người không muốn tôn kính như một “Đấng Tối Cao” mà người ta chỉ cảm thấy hay đoán ra. Thiên Chúa muốn được nhận biết và kêu cầu như một Đấng hiện hữu thật và Người luôn mãi hoạt động.[6]
Khi đọc lời “Kinh Sấp Mình”, mỗi người chúng ta được củng cố về đức tin của mình, tin Thiên Chúa hiện diện, tin Thiên Chúa thấu biết hết mọi sự và tin Thiên Chúa sẽ nghe tiếng nguyện cầu của chúng ta.
Tin sự hiện diện của Thiên Chúa cho ta nếm cảm trước niềm vui Thiên đàng ngay ở đời này, ta cảm nghiệm ánh sáng của ơn phúc nhìn thấy Thiên Chúa, mục đích của cuộc lữ hành dưới thế này của ta. Ta sống với Chúa và Chúa ở bên ta. Do đó đức tin là khởi điểm của cuộc sống muôn đời. Vì thế, lời kinh chúng ta đọc là lời của niềm vui, bình an và của sự hiện diện Chúa ở trong con, con ở trong Chúa. Chúa biết rõ con và con yêu mến Chúa, con sấp mình thờ lạy và cầu xin Chúa nghe con.
Xin Chúa rất nhân từ nhìn đến thân phận của con, và nhận lời con khẩn nguyện. Câu kinh này giúp ta vững niềm tin vào một Thiên Chúa quan phòng luôn yêu thương, một Thiên Chúa biết chúng ta cần gì trước khi kêu xin Người, một Thiên Chúa luôn nghe lời chúng ta cầu nguyện. Đáp lại tình Chúa, bổn phận của chúng ta là xin Chúa mở miệng lưỡi con, để con cao rao những lời ngợi khen Chúa, lời ca khen trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Hiểu được tâm tình và những điểm giáo lý cốt lõi của lời “Kinh Sấp Mình” con khiêm tốn thờ lạy Thiên Chúa quyền uy, con tin thật Chúa luôn ở bên con và luôn nghe tiếng con kêu cầu. Con xin hứa sẽ cao rao ngợi khen Chúa luôn mãi không ngơi. Amen
[1] Tv 24,9-10.
[2] Giáo lý HTCG số 2628, Youcat Việt Nam số 485.
[3] Thánh Au-gút-ti-nô bài giảng 56,6,9 trích lại từ Giáo lý HTCG số 2559.
[4] Hr 4,13-14
[5] Kevin Vót.Psy.D. Hiểu Tô-ma chỉ một phút, tr 189.
[6]Youcat Việt Nam số 31.