Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy: Đức tin là một trong ba nhân đức đối thần có nền tảng trong Thiên Chúa và trực tiếp hướng con người về Thiên Chúa. Đức tin còn là một hồng ân của Thiên Chúa, một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa đổ xuống linh hồn ta… Đồng thời, đức tin cũng là nhân đức giúp ta đi lên tới Thiên Chúa, cậy trông ở Thiên Chúa, nhận biết sự thật của Ngài, và hiến thân cho Ngài.[1]Nói cách khác, xét về phía con người, thì đức tin vừa là sự mở ra để lãnh nhận hồng ân từ Thiên Chúa, vừa là nỗ lực vươn lên và hướng về Thiên Chúa; nhưng đứng về phía Thiên Chúa, thì đức tin là một sự “hạ cố” để Thiên Chúa cũng có thể tin tưởng con người.
Theo chiều hướng ấy, cùng với anh chị em trong đại gia đình đức tin,[2] mỗi khi bắt đầu các cử hành phụng vụ, mỗi khi cầu nguyện chung hay riêng, chúng ta phải giục lòng tin-cậy-mến để ý thức mình thuộc về Thiên Chúa và đang đi vào tương quan mật thiết với Chúa.
Giờ đây chúng ta cùng trải lòng và gặp gỡ Thiên Chúa trong lời “Kinh Tin”. Chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và chúng ta cũng xin Chúa củng cố đức tin cho chúng ta: Lạy Chúa, con tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng. Con tin thật Đức Chúa Trời có Ba ngôi, Ngôi Thứ Hai đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội thiên hạ. Bấy nhiêu điều ấy, cùng các điều Hội Thánh dạy thì con tin vững vàng, vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng đã phán truyền cho Hội Thánh. Amen.
Nội dung lời kinh tóm lược Giáo lý căn bản của đức tin Ki-tô giáo bao gồm: việc nhận biết có mộtThiên Chúa là Đấng thưởng phạt vô cùng, có một Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai Nhập Thể và Cứu Chuộc. Đồng thời lời kinh cũng nhắc chúng ta về những chân lý khác thuộc Giáo lý đức tin mà Hội Thánh đã dạy buộc chúng ta phải tin vững vàng, một niềm xác tín mang tính cá nhân.
Tin Thiên Chúa công minh, thưởng phạt vô cùng, phận người chúng ta quyết chu toàn luật Chúa đã dạy. Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng Thiên Chúa công minh vô cùng nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa nhân từ vô biên, Ngài là một “người cha”[3] muốn tha thứ và muốn yêu thương con cái của mình. Vì thế, chúng ta nỗ lực để sống đẹp lòng Chúa, đi theo đường lối của Chúa và chúng ta tín thác vào lòng thương xót của Ngài.
Tin mầu nhiệmmột Thiên Chúa Ba Ngôi,một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của trí khôn con người. Chúng ta xin Chúa Giêsu - Đấng đã mạc khải mầu nhiệm này cho nhân loại giúp chúng ta hiểu được điều Ngài đã dạy. Thánh Au-gut-ti-nô khẳng định: “Khi nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi là nói đến tình yêu, một ngôi yêu, một ngôi được yêu và một ngôi là nguồn mạch tình yêu.”[4]Thánh Tô-ma A-qui-nô thì cảm nghiệm: “Khi ý chí của một người đã sẵn sàng để tin, người đó mới có thể yêu mến chân lý mà mình tin…”[5] Thánh Phao-lô cũng nói: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy…”[6] Như vậy tin chắc chắn một Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẵn sàng tin tưởng vào tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa và sống trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tin mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu Chuộc,chúng ta ý thức về cuộc sống của mình: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.”[7]
Thánh Tô-ma A-qui-nô nhắc rằng: “Không có đức tin thì không thể làm vui lòng Thiên Chúa được… Vậy nên, đức tin hữu ích để mở cánh cửa dẫn đến ước ao trong sâu thẳm tâm hồn mình là hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa, và theo nghĩa nào đó, đời sống đó khởi đầu ngay khi chúng ta có đức tin và chấp nhận để ơn Chúa hoạt động trong tâm hồn mình.”[8] Và để chăm chút cho đức tin của mình, chúng ta xin Chúa cho chúng ta ơn trung thành với những điều Hội Thánh dạy.
Dẫu biết là ngôi nhà đức tin của con người được xây trên nền tảng vững chắc là Thiên Chúa, nhưng niềm tin đó vẫn có nguy cơ bị lung lay, nghiêng ngả. Thân phận con người luôn có những yếu đuối bất toàn và tự bản chất con người hay thay đổi. Vì thế, hãy chăm chỉ cầu xin Chúa qua lời “Kinh Tin” đơn sơ, để đức tin được nuôi dưỡng mỗi ngày.