11/06/2019 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

4018
Kinh Tin Kính- Đức Chúa Giê-su Ki-tô – Phục Sinh
Kinh Tin Kính- Đức Chúa Giê-su Ki-tô – Phục Sinh
Mời bấm vào đây để nghe

Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy rằng[1]: Ðức tin của những người đã được Rửa tội, cần được tăng trưởng. Chính vì thế, hằng năm trong đêm vọng Phục Sinh, Hội Thánh cho các tín hữu nhắc lại lời hứa khi lãnh Bí tích Rửa tội. Vì Bí tích Rửa tội là nguồn mạch phát sinh đời sống mới trong Ðức Ki-tô, từ đó phát sinh đời sống Ki-tô hữu. Một cách rộng mở hơn, hàng tuần vào ngày Chúa Nhật, Giáo hội mừng mầu nhiệm Phục Sinh và tuyên xưng đức tin bằng việc đọc Kinh Tin Kính trong Thánh lễ.

Trong nghi thức phụng vụ đêm Phục sinh vị chủ tể đã mời cộng đoàn xác tín lại niềm tin mà họ đã thường tuyên xưng qua việc đọc Kinh Tin Kính. Tuy nhiên, dấu ấn cảm động và linh thánh sâu lắng trong lòng mọi người dường như vẫn là câu thưa khi được hỏi:

Anh chị em có tin kính Đức Giê-su Ki-tô là Con Một của Chúa Cha và là Chúa chúng ta, đã được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra, đã chịu khổ hình và mai táng, đã từ cõi chết sống lại và đang ngự bên hữu Chúa Cha không ?

Bởi vì, phần đầu lời tuyên xưng nằm ở mầu nhiệm Nhập Thể, phần sau là ở mầu nhiệm Phục Sinh. Khi đáp "thưa tin" là nói lên cảm nghiệm về Chúa Phục Sinh ở trong cuộc đời chúng ta. Bởi vì chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, mà Bí tích Thánh tẩy là bí tích đức tin.
[2] Trong cuộc Vượt Qua, Ðức Ki-tô đã khơi nguồn Bí tích Thánh tẩy cho mọi người. Người nói về cuộc tử nạn sẽ phải chịu tại Giê-ru-sa-1em như "một Phép Rửa" Người phải lãnh nhận.[3] Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người bị đâm thâu trên thập giá[4] tiên trưng cho Bí tích Thánh tẩy và Bí tích Thánh thể là những bí tích ban sự sống mới:[5] từ giây phút ấy, chúng ta có thể "sinh ra nhờ nước và Thánh Thần" để được vào Nước Thiên Chúa (Ga 3,5).[6] 

Thánh Am-rô-si-ô đã nói: "Khi bạn được Rửa tội hãy suy nghĩ Bí tích Thánh tẩy xuất phát từ đâu, nếu không phải là từ Thánh Giá, từ cái chết của Ðức Ki-tô. Tất cả mầu nhiệm là: Người đã chịu khổ hình vì bạn. Nơi Người, bạn được chuộc; nơi Người, bạn được cứu."  Chúng ta đã được Thánh tẩy, thì chúng ta sẽ được cứu, nhưng thánh Phao-lô dường như muốn ra điều kiện cho chúng ta rằng: "Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ."[7] 

Nhắc nhở này của thánh Phao-lô cho chúng ta thấy hai mặt của niềm tin là: tuyên xưng ngoài miệng và tin thật trong lòng. Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy thêm, đức tin là lời đáp trả thích đáng của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Sự đáp trả từ bên trong lẫn bên ngoài.

Người có niềm tin vào Chúa Phục Sinh thì sống thanh thản ở giây phút hiện tại. Chẳng cần tranh thủ chiếm đoạt hay thu vén cho đầy lòng tham vì cùng đích của họ không phải ở trần gian này. Họ nhìn cuộc sống từ phía trên cao, nơi Chúa Kitô đã Phục Sinh đang đón đợi họ.

Chúa Kitô Phục Sinh đã đập tan thần chết. Sự chết đã không kiềm giữ được Ngài. Ngài bước vào cõi sống và đưa tất cả những ai tin vào Ngài cũng bước vào cõi sống. Tin như thế thì cuộc sống không còn bế tắc, bởi chết không là chấm dứt. Sự chết giờ đây mặc một ý nghĩa hoàn toàn mới là bước vào cõi sống trường sinh. Tin như thế, tuyên xưng như thế trong cuộc sống hằng ngày thì mỗi lần đọc lời kinh Tin Kính mới thấy mình được biến đổi.

Ước mong sao, lời chúng ta tuyên xưng sẽ làm biến đổi đời sống của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, trước cái chết thập giá, Chúa đã run sợ, nhưng không tháo lui, và Chúa đã chết trong niềm vâng phục tín thác, Chúa đã chiến thắng sự chết và phục sinh vinh quang.

Xin cho chúng con cũng được cùng vượt qua với Chúa mỗi ngày. Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ. Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống. Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã. Vượt qua những khắc khoải của niềm tin. Vượt qua những thành kiến con có về người khác. Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu. Và nhất là vượt qua cái chết đang sẽ đến trong đời chúng con, để một khi cùng chung phần sự chết với Chúa, chúng con cũng sẽ được phục sinh như Ngài. Amen

[1] GL HTCG số 1254.
[2]Mc 16,16.
[3] Mc 10,38; Lc 12,50.
[4]Ga 19,34
[5]1Ga 5,6-8
[6] GL HTCG số 1225.
[7] Rm 10,9.
 
114.864864865135.135135135250