Vào thời Trung cổ, những người Công giáo bình dân được khuyến khích đọc ba Kinh Kính mừng mỗi ngày thay thế Kinh Thần vụ, vì hầu hết họ không biết chữ. Khoảng hai thế kỷ sau, việc đọc ba Kinh Kính mừng đã được bổ sung vào với những Lời của Thiên thần như chúng ta thấy ngày nay trong Kinh Truyền tin. Khi chuông nhà thờ vang lên vào buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều lúc hoàng hôn buông xuống, những người ở chung quanh khu vực nhà thờ ngưng làm việc, rồi bắt đầu đọc Kinh Truyền tin.
Những từ ngữ của lời Kinh Truyền tin tập trung tâm trí và cõi lòng chúng ta vào Mầu nhiệm Nhập thể, từ khi thiên sứ truyền tin cho Đức Mẹ Maria: "Đức Chúa Trời sai Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ Maria - và Đức Mẹ chịu thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần..." Trong mầu nhiệm này, Mẹ Maria giữ một vai trò quan trọng: “Này tôi là tôi tớ Đức Chúa Trời - Tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền." Mẹ đưa dẫn chúng ta cùng bước đi với Mẹ. Vì thế mà, cũng trong lời Kinh Truyền tin, hiệp với thiên sứ Gaprien, chúng ta hướng lòng lên Mẹ Maria mà dâng tiếng ca hân hoan chúc khen Mẹ dấu ái diễm phúc: “Kính mừng Maria đầy ân phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ.”Đồng thời chúng ta cũng xin“Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử.”Lời Kinh Truyền Tin còn nhắc nhớ việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, giúp chúng ta cảm nghiệm sâu xa việc Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta: “Ngay lúc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người - Và ở cùng chúng con.” Kết thúc lời kinh là lời nhắc nhở về sự chết và Phục sinh của Đức Kitô: …“thì xin vì công ơn Con Chúa chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá, cho chúng con ngày sau, khi sống lại được đến nơi vinh hiển. Cũng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen”
Chúng ta dừng lại mọi công việc ba lần một ngày để tuyên xưng Thiên Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, bằng lời Kinh Truyền tin.[1] Chúng ta cảm nghiệm mầu nhiệm ấy mang vẻ đẹp vĩnh cửu. Nếu như trước đây, Evà đã bất tuân phục lời Thiên Chúa, khiến cho sự thánh thiện nguyên thủy bị phá vỡ, con người phải đau khổ vì xa cách Thiên Chúa và phải chết, sợi dây ân phúc giữa Thiên Chúa với con người như bị cắt đứt; thì nay, nhờ Trinh Nữ Maria thưa “xin vâng” trong ngày “Đức Chúa Trời sai Thiên thần truyền tin,” sợi dây ấy đã được nối lại để chuyển trao ơn cứu độ và sự sống đời đời cho muôn người.
Bước đi với Mẹ trên con đường đức tin, noi gương Mẹ sống tín thác vào tình yêu thương cùng sự quan phòng của Thiên Chúa, chắc hẳn chúng ta sẽ có những kinh nghiệm rất riêng bên Chúa để cũng biết cộng tác vào công trình cứu chuộc như Mẹ. Nếu chúng ta sẵn sàng thưa tiếng xin vâng trước mọi biến cố vui, thương, mừng, sáng của cuộc đời; thì “Thiên Chúa có thể sống đời sống của Người trong đời sống của chúng ta.”[2]Hãy mở lòng ra để tiếp nhận Lời Hằng Sống qua những dấu chỉ trung gian Chúa gửi đến, nhờ đó ơn cứu độ sẽ tuôn đổ trào tràn ngay từ những phút giây hiện tại, vì lúc này ta đang dạt dào nguồn sống, nguồn an vui, nguồn hy vọng mà sẻ chia cho người khác.
Hơn thế nữa, vì “Chúa đến trần gian qua con đường Mẹ Maria, Chúa cũng muốn chúng ta đến với Chúa qua Mẹ; chúng ta không thể đi con đường nào khác để đến với Chúa ngoài con đường chính Chúa đã đi để đến với chúng ta… Ơn cứu độ đến với chúng ta qua Mẹ Maria, thì Chúa cũng muốn mọi ơn khác chúng ta lãnh nhận được cũng phải qua trung gian đó.”[3] Khi cùng với Mẹ Maria gẫm suy mầu nhiệm Chúa Cứu Thế qua lời Kinh Truyền tin, ước mong sao chúng ta luôn nhớ rằng: “Thiên Chúa muốn chúng ta hợp tác trong việc tạo dựng cũng như trong việc cứu rỗi. Nếu Chúa làm một mình, công trình sẽ hoàn hảo hơn, nhưng con người sẽ kém ‘cao cả’. Ta hãy theo phương pháp của Chúa.”[4]
Lạy Mẹ từ nhân, nguyện Mẹ thương đỡ nâng và đồng hành để chúng con không bao giờ chần chừ, lưỡng lự hoặc từ chối cơ hội ngày càng tiến sâu vào lịch sử cứu độ như Mẹ. Lạy RấtThánh Đức Mẹ Chúa Trời xin cầu cho chúng con. Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.
[1]Jared Dees, “Đọc Kinh Truyền tin,” 2017.
[2] Youcat VN, số 479.
[3] Thánh Louis Monfort,1001 danh ngôn các thánh, 2009, Nxb Tôn Giáo, tr.89.
[4] Đức Hồng Y Px, Nguyễn Văn Thuận, Đường hy vọng, số 584.