Trên đỉnh cao của đồi Canvê, ba cây thập giá, ba tội nhân được treo lên đã để lại cho mỗi người trong chúng ta những tâm tình gẫm suy sâu lắng. Có một cái chết đem lại ý nghĩa vĩnh hằng, cái chết ấy đã biến thập giá trở thành Thánh Giá, bởi vì thập giá ấy đã treo Chúa Giêsu vô tội là Đấng Cứu Chuộc, Ngài chịu chết với tình yêu bao la tự hiến. Có một cái chết gọi là “chết lành,” bởi người tử tội đã kịp sám hối ăn năn và xin ơn thương xót, ngay ngày hôm đó “anh đã được ở trên Thiên Đàng.”[1] Có một cái chết được xem là “chết chẳng lành (chết dữ)”, người tử tội chưa kịp thống hối ăn năn, chưa kịp giao hòa với Thiên Chúa, tâm lòng còn cay nghiệt, nghi ngờ, chậm tin… Chúng ta đang mong cái chết nào?
Ắt hẳn ai trong chúng ta cũng mong cho mình được “chết lành.” Ai trong chúng ta cũng mong cho mình được chết khi có ơn nghĩa cùng Chúa. Ai cũng mong được may mắn lãnh nhận nước trời như anh trộm lành kia. Mong muốn cho con cái mình được cứu rỗi, các bậc tiền nhân đã soạn lời “kinh xin ơn chết lành” để hướng lòng mỗi người chúng ta và đặc biệt là các tội nhân cũng như các bệnh nhân biết dành thời gian dọn mình hầu được ơn chết lành.
Lời kinh dạy rằng: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đổ hết máu mình ra và chết trên Thánh giá, để đền tội chúng con và cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục. Xin Chúa ban cho chúng con được nhẫn nại can đảm chịu ốm đau bệnh tật, lập nhiều công phúc, xin cho chúng con được chết đang khi có ơn nghĩa cùng Chúa và được Chúa gọi vào Nước Chúa như người trộm lành xưa.Hãy nhìn lên Thánh Giá và hãy chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa để xin ơn can đảm, chịu đựng.
Vâng, Đức Thánh ChaPhanxicô có lần đã nói với các bệnh nhân những lời và những tâm tình như lời kinh đã dạy: “Bệnh tật khiến cho chúng ta bị khủng hoảng và dễ bị cám dỗ rơi vào thất vọng và nổi loạn, vì nghĩ rằng đã mất mọi sự. Nhưng chính trong các lúc ấy, đức tin vén mở cho chúng ta thấy tiềm năng tích cực của bệnh tật. Đức tin không làm cho bệnh tật hay khổ đau biến mất, nhưng cung cấp cho chúng ta một chìa khóa đọc hiểu, qua đó chúng ta có thể khám phá ra ý nghĩa sâu xa của điều chúng ta sống. Và Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa - ‘chuyên viên sự sống’ - trao ban chìa khóa đó cho chúng ta, giúp chúng ta tiến tới gần Chúa Giêsu hơn.[2]
Tâm tình này phù hợp với phần tiếp theo của lời kinh:Lạy Đức Mẹ Maria, Mẹ đã đứng dưới chân Thánh giá lúc Chúa Giêsu thở hơi cuối cùng, Mẹ đã thông phần đau khổ với Chúa.Suốt đời Mẹ đã suy ngắm các mầu nhiệm của Chúa, nhất là mầu nhiệm Thương khó và Phục sinh, sau cùng Mẹ đã chết êm ái, và được lên trời cả hồn cả xác. Xin Mẹ cho chúng con biết sống như Mẹ, được chết như Mẹ và cùng Mẹ hưởng hạnh phúc trên trời.
Lời kinh cũng dạy chúng ta hướng lòng về Thánh Giuse, Đấng bảo trợ các gia đình. Xin ngài trợ giúp các bệnh nhân trong các gia đình của chúng ta, như người gia trưởng đảm đang và ân cần: Lạy Thánh Cả Giuse, là đầu Thánh gia, là gương mẫu cho các bậc cha mẹ, Ngài đã được Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria giúp đỡ an ủi lúc sắp qua đời. Xin Ngài cho chúng con và cả gia đình chúng con được sống bình an, được chết lành như Ngài.
Ước gì trong Mùa Chay thánh và trong suốt cuộc đời, hình ảnh anh trộm lành – trộm cả nước thiên đàng nhắc nhớ mỗi người chúng ta, hãy năng đọc “kinh xin ơn chết lành” để xin Chúa cho chúng ta dọn lòng cho nên, được chết trong ân nghĩa của Chúa và được hưởng hạnh phúc đời đời.
Đó cũng là lời cuối cùng của “kinh xin ơn chết lành”:Lạy Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, xin cho chúng con được chết đang lúc có ơn nghĩa, được chết êm ái, được chết lành và được lên thiên đàng hưởng phúc thanh nhàn đời đời. Amen.