05/06/2022 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

1616
Những lời nguyện tắt Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
Những lời nguyện tắt
Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

Mời bấm vào đây để nghe


Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ phải “tỉnh thức và cầu nguyện luôn”, “đừng sờn lòng nản chí”[1] và Ngài cũng lưu ý là “đừng lải nhải như dân ngoại”[2] vì không phải hễ nói nhiều là được nhận lời. Hiểu rõ ý nghĩa của việc cầu nguyện, thánh Biển Đức đã dạy các môn sinh của mình: “Chẳng phải do nhiều lời nhưng chỉ cần một tấm lòng thanh sạch, hòa với dòng lệ thống hốilà được Chúa nhận lời. Vì thế, lời cầu nguyện phải ngắn gọn - tinh tuyền.”[3] 

Truyền thống Giáo Hội kể lại rằng: Vào khoảng thế kỷ III, từ các giáo phụ sống trong sa mạc cho tới nhóm người hành hương Nga, từ các vị đan tu Tây phương cho tới Ðông phương, tất cả chỉ có một ưu tư, một tìm kiếm say mê: đó là có thể thực hành một lời cầu nguyện kiên trì được rút từ một câu Kinh Thánh hoặc một lời dốc lòng để lặp đi lặp lại suốt ngày sống, thúc giục lòng yêu mến và sự kết hiệp mật thiết với Chúa. Do đó, đã xuất hiện một trào lưu cầu nguyện mới với tên gọi “lời nguyện tắt”, “lời nguyện bắn tên” hoặc nói theo kiểu của Ca-si-a-nô là "cầu nguyện bằng lửa". Hình thức cầu nguyện này giúp cho các đan sĩ dễ dàng liên lỉ kết hợp với Chúa trong cô tịch và thanh vắng.

Trải dài suốt nhiều thế kỷ, hình thức cầu nguyện này đã nuôi dưỡng nhiều tâm hồn sống tràn đầy thiện hảo trong ân sủng và tương quan mật thiết với Chúa. Trong đời sống thường ngày của chúng ta, hẳn chúng ta cũng nên dùng những “lời nguyện tắt kính Thánh Tâm Chúa Giêsu” như những “mũi tên lửa” của tâm hồn khát khao tình yêu, bắn vào trái tim thương xót của Chúa Giêsu làm tuôn trào mạnh nguồn sự sống và dòng nước ân sủng, từ đó chúng ta được nuôi dưỡng, được “sống và sống dồi dào.”
[4]  

Kho tàng của Giáo Hội ngập tràn những lời kinh nguyện vắn tắt và cô đọng, tuy nhiên chúng ta được đánh động bởi những lời cầu nguyện giúp ta dễ dàng sà vào cung lòng Chúa, nương ẩn nơi Trái Tim Rất Thánh của Chúa trong mọi nơi mọi lúc:

Khi chìm ngập trong lỗi tội, ta khao khát lòng thương xót bao dung, miệng và lòng ta thốt lên lời nguyện tắt: “Lạy rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con.” 

Khi ta khô khan nguội lạnh, lúc ta chán nản muốn xa lìa Chúa, tim ta rung lên lời: “Lạy Trái Tim nhân lành Đức Chúa Giêsu, xin ban cho con kính mến Trái Tim Chúa mỗi ngày một hơn.” 

Khi ta khó ứng xử giữa dòng đời vạn biến, ta lặp đi lặp lại lời nguyện: “Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái tim Chúa.” 

Với việc suốt ngày chỉ lặp đi lặp lại cùng một lời kinh có vẻ như đơn điệu và nhàm chán, nhưng nhờ tác động yêu mến của con tim ta sẽ dần dần có được một cảm thức nhạy bén để “sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa.”
[5] Linh phụ Gio-an Ca-si-a-nô tin rằng, một lời kinh được lặp đi lặp lại, có sức thống nhất tâm hồn. Vì thế, để lời cầu nguyện của chúng ta đạt kết quả tốt, chúng ta phải kết hợp suy nghĩ của khối óc với ước muốn trong con tim, và mọi tác động của giác quan sao cho thống nhất hài hòa.

Lời nguyện vắn tắt là phương thế giúp ta sống trong trạng thái cầu nguyện liên lỉ. Vì thế linh phụ Ca-si-a-nô nói: "Tột đỉnh của sự trọn lành là biến tất cả cuộc sống với mọi nhịp đập của con tim của chúng ta trở thành một lời cầu duy nhất không ngưng nghỉ."
[6] Quả vậy, tim chạm vào tim, lòng chạm vào lòng, khát khao nên thánh và nên hoàn thiện của chúng ta chạm vào Trái Tim Cực Thánh của Chúa Giêsu bằng những lời nguyện tắt kết hiệp, lẽ nào không là việc của yêu mến hết tình ta dành cho Chúa sao ?
 
Hỡi ai vất vả gánh gian nan
Đường đời khốn khổ ách lầm than
Đến đây Ta sẽ cho bổ sức
Nương náu Thánh Tâm chốn an nhàn.
Hãy học với Ta đức khiêm nhường
Hiền lành nhân hậu và dễ thương
Rồi ách của con, nên êm ái
Và gánh của con, sẽ nhẹ nhàng.
Xin Chúa cho con chỗ náu nương
Trong Thánh Tâm Chúa tràn yêu thương
Nghỉ ngơi, bổ dưỡng bằng Thánh Thể
Thần lực nuôi con suốt dặm trường.
Xin Chúa cho con học hiểu bài
Thực hành trong suốt cõi trần ai
Trở nên nhân chứng tình yêu Chúa
Đời đời danh Chúa rạng, chẳng phai. 

[1] Lc 21,36; Lc 18,1
[2] Mt 6, 7                                                    
[3] Tu luật thánh Biển Đức, chương 20,3-4
[4] Ga 10,10
[5] St 17,1
[6] Gio-an Ca-si-a-nô, Thuyết giảng 10,7: SC 54, tr.81.
 
114.864864865135.135135135250