13/05/2020 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

1566
PHÉP LẦN HẠT - 7 sự thương khó Đức Mẹ -1- Một Lưỡi Gươm Sẽ Đâm Thâu Tâm Hồn Mẹ
PHÉP LẦN HẠT
BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC BÀ

(Đức Maria MẸ của niềm hy vọng)


Ngắm Thứ Nhất
…Một Lưỡi Gươm Sẽ Đâm Thâu Tâm Hồn Mẹ
[1] 


Trong bài giáo lý về niềm hy vọng, tại buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày 10/05/2017, một nhân vật đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nêu bật đáng chúng ta chiêm ngắm trong tháng Năm này đó là “Đức Maria – Mẹ của niềm hy vọng.” Đức Thánh Cha mời gọi:

Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria - Mẹ hy vọng. Mẹ Maria đã trải qua hơn một đêm đen trong hành trình của Mẹ. Ngay từ khi mới xuất hiện trong lịch sử ở các trang Tin Mừng, hình ảnh của Mẹ nổi bật như thể Mẹ là một nhân vật trong một bi kịch… Ở đó, Mẹ không phải là một phụ nữ xuống tinh thần trước những bất trắc... Mẹ cũng chẳng phải là một phụ nữ mạnh mẽ phản đối, than trách hay lăng mạ chống lại vận mệnh... Trái lại Mẹ là một phụ nữ lắng nghe, đón nhận cuộc sống như được ủy thác cho chúng ta, với những ngày hạnh phúc và cũng với cả những ngày đầy thảm kịch mà không bao giờ chúng ta muốn gặp.
[2] Ở đó Mẹ rạng rỡ lên trong hình ảnh của một người Mẹ tràn đầy niềm hy vọng và tin tưởng nơi Thiên Chúa.

Kho tàng kinh đọc của Giáo hội có “Phép lần hạt bảy sự thương khó Đức Mẹ.” Lời kinh này diễn tả bảy sự kiện lớn tràn ngập đau khổ trong cuộc đời Đức Mẹ từ khi sinh Chúa Giêsu cho đến khi Chúa Giêsu chịu chết. Nhưng, đằng sau các sự kiện ấy, lời kinh lại hàm chứa trọn vẹn tâm tình hy vọng cậy trông khôn vơi của Mẹ vào Thiên Chúa.

Hôm nay, chúng ta suy chiêm “Mẹ của niềm hy vọng nơi ngắm thứ nhất” của lời kinh: “Khi ông thánh Simêon ẵm kính Đức Chúa Giêsu thì nói cùng Đức Mẹ rằng: "Con Bà ngày sau nên như bia bắn và gươm sắc sẽ đâm qua lòng Bà."  Đức Mẹ nghe lời ấy thì lo buồn đau đớn như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

Lời tiên báo này có vẻ như là một sự mâu thuẫn khó có thể chấp nhận: Vì một đàng, khi truyền tin cho Mẹ Maria, sứ thần Gabriel đã từng khẳng định rằng: “Bà đầy ân sủng”
[3]   “Con lòng Bà gồm phúc lạ”; nhưng đàng khác, trong biến cố này cụ Simeon lại nói tiên tri rằng: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”[4]  Thật là khó hiểu cho Mẹ và cho cả mỗi người chúng ta.

Mẹ lo buồn đau đớn có lẽ không phải vì e ngại rồi đây khi lớn lên Đức Giêsu có thể sẽ thay tính đổi nết, và rơi vào tình trạng “cá không ăn muối cá ươn” như lời tiên báo.Nhưng nỗi lo buồn ấy là nỗi lo buồn tự nhiên, mà trong hoàn cảnh của lời tiên báo đã làm mẹ ai cũng phải băn khoăn. Tuy nhiên hơn ai hết, Mẹ Maria là người hiểu thấu đáo ý nghĩa của từng sự việc vì lẽ: “Mẹ luôn ghi nhớ và suy niệm những lời ấy trong lòng.”
[5] Lại nữa, Mẹ còn có một tâm hồn trong sáng tinh tuyền, với một trực giác thiêng liêng bén nhạy trong tương quan mẫu tử với Chúa Giêsu.

Cuộc sống hôm nay của các gia đình, chắc hẳn các bà mẹ cũng thường nghe những lời tiên báo: Thai nhi bị dị tật sinh ra sẽ thành một đứa bé tàn phế cả đời…; đứa bé này ngang ngạnh lớn lên phá phách ngang tàng khó dạy lắm…; cháu bé không có khả năng tiếp thu, trí não của cháu chậm phát triển... Nghe những lời này lẽ nào các bà mẹ lại không lo lắng khổ đau. Thếnên, chúng ta không ngạc nhiên khi lời kinh diễn tả: “Đức Mẹ nghe lời ấy thì lo buồn đau đớn như gươm sắc thâu qua lòng Đức Mẹ vậy.”

Vâng, Mẹ Maria đã âm thầm bên Con Chí Thánh cho dù lời tiên báo như dao cắt kia còn đó. Mẹ đã dạy chúng ta nhân đức cậy trông, niềm hy vọng vững vàng ngay cả khi tất cả dường như tăm tối, bế tắc và không có ý nghĩa. Mẹ luôn tín thác nơi Thiên Chúa ngay cả khi hình ảnh Chúa dường như lu mờ... Trong những lúc khó khăn, Mẹ Maria - người Mẹ mà Chúa Giêsu ban tặng cho tất cả chúng ta – Mẹ đã đau khổ với con lẽ nào Mẹ không nâng đỡ chở che chúng ta luôn luôn.

Giờ đây, hãy dừng lại để làm theo lời kinh mời gọi và hãy âm thầm xin Mẹ một ơn: “Khi ngắm sự ấy, thì đọc một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con nhớ sự thương khó Đức Chúa Giêsu như Đức Mẹ thuở xưa. Amen.”

[1] Lc 2,35.
[2] Lược trích: ĐTC Phanxicô, “Niềm hy vọng Kitô giáo” (Giuse Phan Văn Phi, O.Cist. chuyển ngữ), Nxb Tôn giáo, tr 108-111 (buổi tiếp kiến chung 07/5/2017).
[3] Lc 1,28
[4] Lc 2,34-35
[5] Lc 2,19
 
114.864864865135.135135135250