PHÉP LẦN HẠT
BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC BÀ
(Đức Maria MẸ của niềm hy vọng)
Ngắm Thứ Ba
…Mẹ Lạc Mất Con[1]…
Mời bấm vào đây để nghe
BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC BÀ
(Đức Maria MẸ của niềm hy vọng)
Ngắm Thứ Ba
…Mẹ Lạc Mất Con[1]…
Mời bấm vào đây để nghe
Dù rằng được đón nhận hồng ân lớn lao là ơn làm Mẹ Thiên Chúa, Đức nữ trinh diễm phúc vẫn trải qua những tháng ngày nơi dương thế với sự khắc ghi của biết bao dấu ấn khổ đau. Trào dâng lòng tin yêu cùng lòng mến sâu thẳm, các giáo hữu hằng nhớ đến Mẹ, và với lòng đạo đức bình dân những dấu vết đau khổ ấy giờ đây được biểu lộ và được đan kết lại thành những lời suy ngắm mang tên gọi thân quen là “Phép lần hạt bảy sự thương khó Đức Mẹ” hay ngắn gọn hơn là suy ngắm “Đức Mẹ bảy sự.” Và rồi, mỗi lần cùng nhau suy gẫm những sự thương khó này là mỗi lần ta vừa được hòa mình vào dòng chảy của lịch sử cứu độ, vừa được ngắm nhìn gương mặt Mẹ Sầu Bi một cách rõ ràng và sống động. Thêm vào đó, ta cũng dễ dàng nhận thấy cuộc lữ hành đức tin của Mẹ Maria không phải luôn luôn được phủ lấp bằng ánh sáng của niềm vui rạng ngời, bởi “ niềm tin của Đức Maria là niềm tin ‘đang trên đường’, một niềm tin phải luôn chìm vào trong bóng tối và phải vượt qua bóng tối.”[2]
Hôm nay, chúng ta suy chiêm “Mẹ của niềm hy vọng nơi ngắm thứ ba” của lời kinh: “Khi Đức Mẹ đem Con đi lễ đền thờ Giêrusalem, lúc trở về thì lạc mất Con. Mẹ thâu đêm những lo buồn khóc lóc, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.” Chúng ta hãy thành tâm cậy nhờ Mẹ mà đến với Chúa; đồng thời chúng ta cũng biết gắn kết với Mẹ không chỉ trong những khi bình an mà cả trong lúc biển đời dậy sóng khiến con thuyền đức tin nơi ta chao đảo, ngả nghiêng.
Hãy cùng nhớ lại khoảng thời gian ba ngày Mẹ lạc mất Chúa. Đó là ba ngày của lo lắng, đau đớn và sầu khổ. Đó cũng là ba ngày báo trước cuộc thương khó của Chúa Giêsu và là ba ngày “nằm giữa thập giá và phục sinh. Đó là ba ngày của sầu khổ vì vắng bóng Đức Giêsu, những ngày mờ tối mà tính chất trầm trọng được bộc lộ trong lời của người mẹ: ‘Cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con’.”[3]
Gia đình mỗi chúng ta nhiều khi cũng rơi vào những khoảnh khắc gian nan, đôi lúc niềm tin vào Chúa của mỗi người trong chúng ta sẽ không tránh khỏi những phút giây ngập ngừng và ngập chìm trong bóng tối như thế. Tuy nhiên, bóng tối sẽ nhanh chóng lùi xa, nếu như mỗi người nhận ra trước tiên rằng mình đã để “lạc mất Chúa” và gắng công tìm Chúa như cuộc trở lại đền thờ Giêrusalem của Mẹ năm xưa. Như Mẹ Maria nhiều những bà mẹ hôm nay cũng đau đáu đêm ngày khi con mình đang lạc xa Chúa, đang rời xa chính lộ. Và những bà mẹ ấy phải lên đường, phải hy sinh, phải quảng đại và yêu thương dấn thân.
Mỗi người, xin hãy cố gắng đừng để cho chính mình “lạc mất Chúa” ở bất cứ thời khắc nào, hay ít nhất cũng đừng để thiếu vắng sự hiện diện của Chúa quá lâu, vì đơn giản chúng ta mang nhiều yếu đuối và giới hạn của thân phận người phàm; vì hiển nhiên, đánh mất Chúa là chúng ta đánh mất tất cả. Hơn nữa, chúng ta cũng không vội quên lãng một sự thật đi kèm để luôn ý thức và nhắc nhở mình rằng: đến cả thánh gia Nazareth cũng không còn được gọi là “thánh” nữa khi không có Chúa hiện diện.
Qua lời kinh chúng ta thấy, Mẹ đã trải qua các sự thương khó tựa như “gươm sắc đâm qua lòng.”Gia đình của chúng ta cũng không thể tránh khỏi những chuyện như những gươm sắc thâu qua lòng đâu. Nhưng, chúng ta hãy có hy vọng như hy vọng của Mẹ Maria. Bắt đầu cuộc tìm kiếm, bắt đầu rảo bước trong quảng đại yêu thương.
Giờ đây, khi chúng ta suy ngắm sự lo buồn lạc mất con nơi Mẹ, chúng ta hãy dừng lại để làm theo lời kinh mời gọi và hãy âm thầm xin Mẹ ơn giữ trọn niềm khát mong được gắn kết với Chúa và không để “lạc mất Chúa” trong từng ngày sống: “Khi ngắm sự ấy, thì đọc một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con, chớ có đi đàng tội lỗi, mà bỏ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu nữa.”
Lạy Mẹ Maria, trong lúc này, Mẹ trải qua cùng thảm trạng như bao nhiêu bà mẹ chịu đau khổ vì con cái ra đi đến những nước khác với hy vọng tìm được cơ may có một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình, nhưng đáng tiếc là, họ bị tủi nhục, khinh rẻ và bạo hành, dửng dưng, cô đơn và thậm chí cả cái chết. Xin ban cho họ sức mạnh và can đảm. Amen.
[1] Lc 2,41-50
[2] ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giêsu thành Nazareth, Phần III Thời thơ ấu củaĐức Giêsu, Nxb Tôn giáo, tr.174.
[3] ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giêsu thành Nazareth, Phần III Thời thơ ấu củaĐức Giêsu, Nxb Tôn giáo, tr.172.