PHÉP LẦN HẠT
BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC BÀ
(Đức Maria MẸ của niềm hy vọng)
Ngắm Thứ Tư
…Mẹ Thấy Con Vác Thánh Giá…
Mời bấm vào đây để nghe
BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC BÀ
(Đức Maria MẸ của niềm hy vọng)
Ngắm Thứ Tư
…Mẹ Thấy Con Vác Thánh Giá…
Mời bấm vào đây để nghe
Trong đời sống ẩn dật và cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Mẹ Maria luôn đồng hành và dõi bước theo Con. Mẹ đã chứng kiến Con phải vác cây thập giá tủi nhục và đau đớn ê chề... Đó là sự thương khó mà Mẹ phải chịu để hiệp thông cùng với Chúa Giêsu, Con Mẹ. Sự thương khó ấy đã được miêu tả trong lời kinh“Phép lần hạt bảy sự thương khó Đức Mẹ.” Hôm nay, chúng ta cùng suy chiêm “Mẹ của niềm hy vọng nơi ngắm thứ tư” của lời kinh này:“Khi Đức Mẹ thấy con vác cây Thánh giá mà lên núi Canvariô, bởi cây Thánh giá nặng nên Người ngã xuống đất nhiều lần, quân dữ đạp dậy giục đi cho chóng. Đức Mẹ đau buồn sầu não, hai con mắt như hai suối nước chảy xuống đau đớn thảm thiết khốn cực mọi đàng, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.”
Mẹ Maria đã gặp Chúa Giêsu khi Người bị dẫn đi hành quyết. Thân hình rách nát bởi roi đòn, các môn đệ thân tín ngày nào giờ đây cũng bỏ chạy hết, xung quanh chỉ còn những tiếng la ó, nhạo báng, phỉ nhổ của dân chúng, cộng thêm sự xô đẩy và đánh đập của quân lính để giục đi cho chóng. Chúa Giêsu đã ngã xuống đất nhiều lần bởi sức nặng của cây thập giá. Mỗi lần thấy Con té ngã trái tim Mẹ lại quặn đau. Mẹ lặng nhìn theo từng bước chân Con lòng cùng lòng nên một. Mẹ đã không ngất xỉu; Mẹ không điên cuồng gào thét hoặc thất vọng; Mẹ không cố ngăn cản quân lính để chúng đừng hành hạ Người thêm. Mẹ nhìn thẳng vào mắt Người Con và biết rằng đây là giờ của Người… Sự đau khổ của Mẹ đã làm cho Mẹ không những trở thành Mẹ Chúa Giêsu, mà còn trở thành Mẹ của tất cả con cái đau khổ của Mẹ. Mẹ đã nhìn thẳng vào mắt những người đang muốn đáp lại sự đau khổ của họ bằng hận thù, trả đũa, hay thất vọng. Sự đau đớn của Mẹ đã làm cho trái tim Mẹ trở nên một trái tim ôm ấp tất cảcon cái Mẹ, dù họ ở bất cứ đâu; và Mẹ đã đem đến cho họ niềm an ủi nâng đỡ của Mẹ.[1]
Khi chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria thấy con vác Thánh giá và nhìn thấy tất cả những người mẹ trần gian đang đau khổ, hẳn rằng trong đáy lòng chúng ta cũng gióng lên những trăn trở: Tôi có thể còn đứng mãi trong sự đau khổ của tôi không?Tôi bị phản bội và bỏ rơi; tôi không bằng lòng với chính mình; tôi không có khả năng vươn tay ra để lấy đi những đau khổ của những người chung quanh tôi... Tôi muốn chạy trốn tất cả; tôi phàn nàn hoặc lên án; tôi thất vọng... Lời mời gọi thực sự của lời kinh là nhìn thẳng vào niềm hy vọng trong trái tim của Mẹ Maria. Hãy biết rằng càng sống lâu thì càng chứng kiến nhiều đau khổ, và càng thấy nhiều đau khổ thì chúng ta càng phải sống trong đau khổ. Nhưng chính trong sự đau khổ cùng cực của mình, chúng ta lại có thêm ơn thánh để liên kết trái tim bị thương của mình với trái tim bị thương của nhân loại. Hy vọng được che giấu trong chính mầu nhiệm của sự kết hợp trong đau khổ này. Mẹ Maria đã chọn kết hợp với Con yêu của Mẹ và ắt hẳn nhiều Maria khác trong đời sống gia đình cũng vẫn còn tiếp tục chọn niềm hy vọng này theo một cách thế đặc biệt mà họ sống.
Lạy Mẹ Maria, mỗi chúng con đây là những người đang bước theo con đường mà ngày xưa Con Mẹ đã đi. Nhưng, nhiều lúc chúng con như muốn gục ngã bởi những gánh nặng thập giá của cá nhân, của gia đình và của xã hội; nhiều khi chúng con gặp những khó khăn tư bề trong cuộc sống, chúng con cứ tưởng mình phải vác thập giá một mình. Hôm nay chiêm ngắm Mẹ, con thấy Mẹ luôn đồng hành bên cạnh Chúa Giêsu Con Mẹ suốt đoạn đường lên núi Sọ, con biết rằng Mẹ cũng luôn ở bên chúng con để nâng đỡ và phù trợ cho chúng con. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con vác thánh giá theo chân Chúa Giêsu cho trọn.
Giờ đây, cùng Mẹ chiêm ngắm Chúa Giêsu vác Thánh Giá, chúng ta hãy dừng lại để làm theo lời kinh mời gọi và hãy âm thầm xin Mẹ một ơn: “Khi ngắm sự ấy, thì đọc một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con vác Thánh giá theo chân Đức Chúa Giêsu cho đến trọn đời. Amen.”
[1] Suy niệm “Đàng Thánh Giá” 19/4/2019 do ĐTC Phanxicô chủ sự. Suy niệm của Nữ tu Eugenia Bonetti, 80 tuổi (1939) thuộc dòng Thừa sai Đức Mẹ An Ủi.