04/03/2023 -

Mục vụ

630
Dấu chân truyền giáo - CÙI BẮP - học tiếng bản địa JRAI


“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga1,14). Thầy  Giêsu  bắt  đầu kiếp con người bằng biến cố truyền tin (Lc 1,30-38), Ngài đựơc sinh ra và lớn lên trong nếp sống văn hóa Do Thái (Lc 2,10-17), Ngài là một người Do Thái thật, Ngài sống và sinh hoạt tôn giáo như đồng bào mình (Lc 2,21; 39-40; 51-52). Ngài đã dùng  khoảng 30 năm để học làm người Do Thái. Từ một em bé Giêsu đến một Giêsu thực sự trưởng thành ở độ tuổi 30, một thời gian không ngắn cũng chẳng dư để hình thành một người thanh niên đầy sức sống và rất Do Thái.  

Thiên Chúa, Đấng sáng tạo nên con người, Ngài làm chủ vũ trụ vạn vật, nhưng để ở với con người và để cứu độ con người, Ngài đã tự hủy mình, hạ mình đến không còn thể  hạ thêm được nữa để học làm người (Pl 2,7-8).

Chiều tà, nắng tắt, một mình Pô Hial, trên con ngựa sắt, chạy tà tà từ làng về cộng đoàn. Từ trưa, Pô Hial đã uống rượu ở nhà người làng. Nay gia đình người làng uống rượu, người thân đã qua đời đúng một tháng. Pô Hial uống rượu không nhiều nhưng cũng đủ để “tê tê”. Đoạn đường dài, Pô Hial chợt nghĩ, không biết từ khi nào mình nói tiếng Jrai nhiều hơn tiếng Kinh??? Một ngày, ở cộng đoàn, chỉ nói tiếng Kinh với các dì nhưng rất ít. Trong làng thì chỉ có người Jrai nên tha hồ tám lung tung. Pô Hial cười thầm “đúng là cùi bắp”!!!

Mười mấy năm rồi còn gì, đời sứ vụ, nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi buồn. Pô Hial bước vào thế giới của người Jrai như một “con gà giữa bầy vịt”. Cả bầy, ai cũng cạp cạp, mỗi mình mình cục tác… ò ó o… Học tiếng, học tiếng và học tiếng… Pô Hial ép mình phải học tiếng Jrai, đọc sách về nếp sống của người Jrai, cùi bắp vẫn phải học không được nản lòng. Pô Hial có 6 tháng để học tiếng Jrai với một cô giáo Jrai, 6 tháng nhưng nghỉ hết 3 tháng rồi hihi. Học để biết cách đọc và cách viết, chứ nói thì Pô Hial chịu thua, học trước quên sau, miệng không nói được. Pô Hial cố gắng rất nhiều trong việc học, nơi nào có các nhóm Jrai học Lời Chúa, có các cha giảng Lời Chúa bằng tiếng Jrai là nó tìm  đến để nghe – viết một cách miệt mài… Nhưng, vẫn chưa nói được và nhất là nghe anh chị em ở làng nói thì … eo ơi không thể nghe nổi “gà vẫn là gà”. Pô Hial có chút buồn vì “cùi bắp” quá nhưng không nản. Mỗi tối vẫn tập đọc và viết, đọc Kinh Thánh bằng tiếng Jrai, học từ vựng Jrai … chỗ nào cũng thấy Jrai nhưng vô làng vẫn là “gà” nên mình nói mình nghe,  mình hiểu mình ên, người làng nói thì  bó tay.

Ngày ấy, Pô Hial đi lễ ở một làng, Pô Hial có cơ hội dùng cơm, uống rượu cần với cha Trần Sĩ Tín, dòng Chúa Cứu Thế. Nó than thở, vì học tiếng Jrai nhưng nói người làng không hiểu và người làng nói nó không nghe được. Cha Tín nhìn Pô Hial, người nở nụ cười hiền hậu “học ở đây nè con”, người chỉ vào anh chị em Jrai đang ăn – uống rượu cần, nói cười  hồn nhiên. Cha kể Pô Hial nghe về kinh nghiệm 20 năm học tiếng Jrai, 20 năm sống và làm việc với người Jrai… Pô Hial chợt sáng ra, nhớ lại lời của Đức Cha Micael Hoàng Đức Oanh “muốn nói được tiếng Jrai, vào làng mà học”…

Thầy Giêsu, đã hủy mình ra không để có thể làm người Do Thái, sống nếp sống Do Thái và nói tiếng Do Thái. Ước mơ nói – hiểu tiếng Jrai cứ thôi thúc để Pô Hial cố gắng mỗi ngày, chỉ là nói chút chút thôi cũng tốt  mà. Từ bé đến lớn, Pô Hial chưa tùng có cơ hội để học ngôn ngữ nên… cầu nguyện mỗi ngày thôi “xin Thầy hãy tỏ vinh quang và tình yêu của Thầy trên thân xác nhỏ bé của con”, vẫn cố gắng mỗi ngày.

Tạ ơn Chúa, Pô Hial được sai đến một vùng biên trắng tôn giáo. Chốn này, Pô Hial chẳng có việc gì làm (nhà cũng không có, chỉ ở nhờ nhà người Kinh) nên lang thang trong các làng. Pô Hial, lúc này cũng có chút ít vốn từ Jrai, bập bẹ làm quen với anh chị em Jrai để học nghe - nói. Pô Hial phải quên hết những gì mình đã học để “trở về như một em bé tập nói”. Một em bé lên 1- 2 tuổi đang tập nói.  Mẹ dạy “ba”, em nói theo “ba”.  Mẹ cầm cái ly “ly”, em nói theo “ly”. Mẹ chỉ con gà “gà”, em nói theo “gà”,… Em không hề thắc mắc “chữ này là động từ, tính từ hay giới từ…” Cứ như thế mỗi ngày, em lớn lên và nói một cách tự nhiên như bao người khác.

 Bình thường, người Jrai ít nói, người Jrai nói nhiều chỉ khi ngồi chung quanh một bữa ăn đơn giản và quanh ché rượu cần mỗi khi có việc ở gia đình. Người Jrai uống rượu khi có người chết (mơnhum tơpai arang djei ), lễ bỏ mả (pơthi sat), nhớ người thân chết (mơnhum rơngot  mơnuih djei), mang củi đến nhà người thân (djă ba djuh), đám hỏi (djă kong),… Ở làng, gia đình nào có lễ tiệc là cả làng cùng đi, đông vui lắm. Pô Hial kết nghĩa với một người ở làng (ngă adơi amai) nên được coi như là người làng (Người Jrai coi trọng lời hứa khi kết nghĩa, sống chết có nhau. Kết nghĩa với một người trong gia đình là mình thuộc về đại gia đình đó, làng đó). Chính vì thế, mọi việc gì ở làng Pô Hial đều đi với tư cách là người làng. Từ đó, Pô Hial tập nghe thật nhiều rồi mới nói. Pô Hial đi nghe người làng xử kiện, đi uống rượu ở nghĩa trang, uống rượu ở gia đình,… Pô Hial tập la cà, lệch bệch như người Jrai, ăn mọi món ăn của người Jrai, rượu nào cũng nhấm, ai cho gì cũng không biết từ chối,… Tối về, Pô Hial lặng lẽ, ôn lại những gì mình đã nghe và thấy.  Đến một lúc nào đó, như một đứa trẻ lớn lên theo thời gian và biết nói thật nhiều, Pô Hial cũng đã nói được chút ít tiếng Jrai. Tạ ơn Chúa, Ngài luôn làm nhiều điều kỳ diệu trên thân xác nhỏ bé của con.

Pô Hial học tiếng Jrai, học nếp sống của người Jrai chung quanh ché rượu cần, ngồi mòn mông  quanh những tô lá mì truyền thống, chạy xe đến xẹp xương sống,… nhưng rồi vẫn thấy mình “cùi bắp”, vẫn sống bên rìa cuộc sống của anh chị em. Pô Hial vẫn là “gà cục cục” giữa đàn vịt. Thầy Giêsu làm người Do Thái thực sự chứ không như một nhà vua vi hành, giả làm người nghèo, Ngài sống – chết vẫn là người Do Thái. Học một ngôn ngữ để nghiên cứu không khó nhưng học để sống với chính người dân tộc ấy, đối với Pô Hial thật không đơn giản???  Không phải học giỏi ngôn ngữ là có thể nghe và hiểu được anh chị em nói và dễ dàng chấp nhận nếp sống của dân tộc ấy đâu.

Đến với một dân tộc khác, nếu người sứ vụ không cúi xuống để học ngôn ngữ (một loại ngôn ngữ mà ra khỏi làng nói chẳng ai hiểu), nép mình để học sống nếp sống của làng (một nếp sống mà có ai đó cho là cổ hủ, bảo thủ, mọi rợ), trở nên nhỏ bé để được dễ bảo (không biết gì để biết người bản địa nhiều hơn),… Người sứ vụ sẽ dùng quyền để chọn sự dễ dãi cho mình, thay vì giúp người bản địa sồng niềm tin bằng chính ngôn ngữ và nếp sống Jrai, người sứ vụ sẽ bắt họ sống niềm tin theo ý mình, theo ngôn ngữ của mình.

Em ơi! Từ này trong tiếng Jrai là giới từ, là tính từ bổ nghĩa gì đó… Pô Hial chịu thua. Đối với Pô Hial, học tiếng Jrai (học thổ ngữ), không có văn phạm, ngữ pháp phức tạp. Tiếng Jrai đơn giản như chính người Jrai. Pô Hial học tiếng Jrai như một đứa trẻ học nói và từ đó lớn lên theo thời gian thôi. Pô Hial hy vọng, sau này, trong Hội dòng sẽ có những chị em đến chốn này, sẽ có cách học tiếng Jrai khoa học hơn để có thể giúp chị em mình học tiếng Jrai tốt hơn.

Tạ ơn Chúa, Ngài luôn làm những điều kỳ diệu trên thân xác nhỏ bé của con, xin tiếp tục rót thêm vào trái tim con tình yêu dành cho người bản địa, Jrai để con học nghe – nói tiếng Jrai với người Jrai; xin thêm niềm tin vào đời sống đức tin của con để con biết sống - chia sẻ niềm tin với anh chị em bản địa, bằng chính ngôn ngữ và nếp sống của anh chị em; xin Ngài đổi mới đời sống của con để con dám sống đời tu trong nếp sống, văn hóa của anh chị em Jrai  và cuối cùng xin thêm Thánh Thần để Ngài hướng dẫn con trong mọi việc con làm, để đẹp lòng Chúa và mang lại niềm vui cho anh chị em bản địa, con đang phục vụ. Sống với người bản địa, con trở nên nhỏ bé trong thế giới của người bản địa, xin cho con mỗi ngày được lớn lên trong nếp sống - ngôn ngữ của người bản địa để con có thế “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15), để được một chút xíu của Thầy Giêsu khi mang thân phận người Do Thái.

                                                                Pô Hial
 
 
 

 
114.864864865135.135135135250