28/03/2023 -

Mục vụ

309
Hờn trách AI

Trong cuộc sống, có những người biết việc đang xảy ra là bất công, là không đúng, là làm tổn thương,… nhưng người đó không biết phải làm sao vì bản thân mình là “người nghèo” về mọi phương diện cả vật chất lẫn tinh thần. Một người đứng ở tận cùng của xã hội thì chỉ biết im lặng, đau đáu trong lòng cho đến chết, thời nào, chốn nào cũng có những con người “thấp cổ bé miệng.”

Ngày ấy, chàng trai trẻ Giêsu đi đến đâu là người người theo đến đó, nơi nào Ngài đến nơi ấy có niềm vui và sức sống dồi dào (Ga 10,1-10). Ngài kêu gọi và huấn luyện các môn đệ, sống chung với các môn đệ như bạn hữu (Ga15,15). Tình bạn thì đẹp lắm, không có phân biệt lớn nhỏ, sang hèn, quyền bính… ở đó chỉ có “tình yêu” và vui buồn có nhau. Lang thang “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”  (Mt 8,20). Một Giêsu sống nghèo giữa những người nghèo. Chung quanh Ngài chỉ có người nghèo, người đau bệnh, và cô thế cô thân (Mc 1,32).

Pô Hial, ngày đầu đến Tây Nguyên, cái cảm giác lọt thỏm trong những dãy núi trọc đầu và chơi với giữa những con người không cùng ngôn ngữ và nếp sống. Từ rụt rè, đến mạnh mẽ, không sợ gì “không biết gì để mà sợ”… Hi! Gọi là đi “truyền giáo” nhưng lại lơ ngơ giữa cánh đồng mênh mông, ngút ngàn. Đi cắt lúa mà không biết cách cầm liềm. Cảm giác đầu tiên của Pô Hial là buồn, buồn vì mọi việc mở ra trước mắt mình không như mình mơ. Pô Hial bắt đầu sứ vụ của mình bằng việc, bỏ mọi sự để đi học “học nói, học đọc, học viết và học ăn, học uống,” học cái “chất bụi bụi, lấm lem bùn đất” như những người mình đang sống… Mười mấy năm sứ vụ Jrai, Pô Hial cũng có chút chút gì đó hơi hám Jrai nhưng cái hơi hám ấy, cái chất bụi bụi ấy lại trở thành cái “khó chịu” của một vài người nào đó trong đời sứ vụ. Pô Hial luôn lựa chọn điều nào tốt nhất cho anh chị em bản địa, mình đang phục vụ.

Sống với và sống cùng những con người bé mọn trong thân phận “lang thang,” Thầy Giêsu đã đi đến và cảm thấu tận cùng nổi thống khổ của những người nghèo. Thầy cúi xuống chữa bệnh cho mọi kẻ đau, người óm trong ngày Sabat (Lc 6,6-11; Mt 12,9-14), bất chấp cho giới tri thức Do Thái lên án, tố cáo Thầy (Mc 3,1-6; Lc 6,7). Thầy vẫn dành điều tốt nhất cho con người (Ga 10,10). Thầy chấp nhận chết như một kẻ tội đồ, kinh tởm cũng chỉ vì dành điều tốt nhất cho con người, đó là “ơn cứu độ” (Ga 3,14-21).

Chọn điều tốt nhất cho con người, Thầy Giêsu chấp nhận chịu sỉ nhục và chết đau đớn trên Thập Giá như một tên tội phạm chịu án tử (Ga 19,1-34). Ngày ấy, trong đám đông hùng hổ kêu la “đóng đinh nó vào thập giá” (Ga 19,15), chắc chắn có nhiều người nghèo đang khóc một mình ở trong vài xó xỉnh nào đó trên đường đi. Người nghèo, trong mọi xã hội hay trong mọi cộng đoàn lớn nhỏ đều không thể lên tiếng hay có lên tiếng thì tiếng nói của họ cũng chỉ là tiếng nói đi vào không gian và trở về với chính mình. Thấy chứ, người nghèo thấy rõ những bất công, thấy rõ nỗi oan, đau khổ của Thầy trong bản án này. Nhưng chẳng có tiếng nói nào thốt ra từ trong những con người thống khổ lúc bấy giờ cả.

 Hoàng hôn ở Tây Nguyên đẹp lắm, Pô Hial thích tắm mình vào ánh hoàng hôn ở chốn này. Cuộc sống của Pô Hial hầu như luôn bị chi phối vì anh chị em, ưu tư về giáo dục các em nhỏ học hành tri thức, biết nhận định cuộc sống theo đường lối Kitô giáo, đồng hành đức tin, đời sống luân lý của anh chị em, làm gì để Tin Mừng được lan tỏa xa hơn nơi mình đang ở,… Tất cả những gì, Pô Hial đồng hành với anh chị em bản địa, làm sao để không mang dáng dấp “Kinh hóa.” Pô Hial sợ lắm, sợ mình làm điều gì đó không phải, sẽ xúc phạm đến nếp sống – ngôn ngữ của anh chị em. Chính vì thế, trước khi làm gì mới, tổ chức cái gì mới cũng bàn hỏi những người hiểu biết ở làng mới dám làm.

Trong công việc giáo dục, con em học biết tri thức, học chữ và nói tiếng phổ thông là không thể thiếu vì các em phải hòa nhập và sống với – sống cùng người Kinh. Bên cạnh đó, Pô Hial buộc các em phải học đọc và viết chính ngôn ngữ của mình. Các em luôn ý thức, mình là người Jrai. Các em nội trú ở với Pô Hial, khi ra khỏi nhà nội trú là biết đọc và biết viết ngôn ngữ của mình… Tất cả chỉ là muốn điều tốt nhất cho các con. Các con được lớn lên, được đi học, trưởng thành nhưng không bị “Kinh hóa.” Nhưng rồi, Pô Hial lại trở nên khác người, đối với những người giáo dục học cao – hiểu rộng trong môi trường sống của mình???
Thầy có hờn… có trách ai không khi một mình chịu nhục, chịu đau, chịu cay, chịu đắng,… trên con đường Thập Giá. Cuối cùng là chết giữa hai tên trộm cướp (Mt 27,38). Đâu rồi, những người Thầy thương mến, những người cùng ăn, cùng uống với Thầy; đâu rồi những đứa con Thầy yêu thương chữa lành và đâu rồi những người đã nghe và tin Lời Thầy giảng dạy??? Cô đơn đến tột cùng, đau đớn thấu tâm can “lạy Cha nếu có thể thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý Con mà theo ý Cha ” (Mt 26,39). Đâu đâu hết rồi... chỉ còn đó thánh ý Chúa Cha Thầy lặng lẽ vâng theo. Có lẽ, Thầy hiểu hơn ai hết, những đứa con “rất nghèo, bé mọn của Thầy,” cùng với những đứa con đã kết án và giết Thầy, chỉ có tha thứ mới hòa giải tất cả “lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)

Ưu tư vẫn mãi ưu tư, ở với người nghèo nên nhìn đâu cũng thấy nghèo, chỉ có tình người, niềm vui là không nghèo. Miệt mài ở chốn xa, nơi “trắng tôn giáo” (một cách gọi của nhà cầm quyền), Pô Hial luôn nằm trong tầm ngắm của “các anh áo xanh” (gọi là những người giữ an ninh trật tự). Ở những nơi như thế này, Pô Hial nghĩ “chỉ có người làng, người bản địa mới có thể bảo vệ mình”. Pô Hial kết nghĩa chị em với một người Jrai với mục đích để được thuộc về gia đình đó, thuộc về dòng họ Siu, trở thành người của làng. Chính gia đình, dòng họ Siu  ở làng  sẽ bảo vệ mình. Đây là điều tốt, tự nhiên người Jrai ở làng trở thành ân nhân của Pô Hial và nếu không muốn nói là ân của dòng nữa. Nhưng rất tiếc, nghĩa cử  “kết nghĩa” này được hiểu xấu đi đối với một vài người học cao - hiểu rộng: “uống máu ăn thề như phim kiếm hiệp” không cần thiết, không cần làm thế??? Tại sao người có trách nhiệm với Pô Hial lại để cho nó làm thế???

Đôi môi Pô Hial chợt mặn đắng, một sự tổn thương không nhỏ trong tâm hồn. Pô Hial bỗng cảm thấy, mình vô ơn với người Jrai, đau thật là đau nhưng không biết nói với ai, nói gì bây giờ??? Nhìn thập giá Chúa Giêsu, Pô Hial cảm thấy cô đơn đến tột cùng… biết hờn – trách ai đây?

Sống trên vùng đất “rất Jrai”, người tin Chúa đếm không hết trên mười ngón tay, muốn làm quen với người mới, Pô Hial đã thử nhiều cách để làm quen nhưng hiệu quả nhất vẫn là cùng ăn – uống với anh chị em bản địa trong những ngày lễ hội (pơthi sat: lễ bỏ mả, mơnhum djơ hrơi djai: ngày giỗ, mơnhum rơngot mơnuih djai: uống vì nhớ người chết…). Cuộc sống của người ở làng, vui uống rượu, buồn uống rượu, khách đến chơi nhà uống rượu,… Những câu chuyện, nghĩa tình chung quanh ché rượu (ghè). Pô Hial cũng uống rượu, đi từ nhà này đến nhà khác, làng này đến làng kia. Uống để làm quen, để được trở nên “giống người bản địa chút chút thôi” cũng không dễ. Bản thân Pô Hial, làm gì có sức mà uống nhiều, uống chút thôi đã đầu đau như búa bổ… Cầu xin Chúa mãi mới thích hợp được ít thôi về đồ ăn, thúc uống của anh chị em. Ngày nay, tự nhiên Pô Hial trở thành người ăn nhậu có tiếng ở vùng truyền giáo. Pô Hial, nhiều lần chỉ biết cúi mặt khi bị nói thẳng thừng, giữa chốn đông người, dù không ai hỏi: Nó ăn nhậu uống rượu nhiều, ham vui, ăn nói lung tung… Nghe tim mình đau thắt lại, Pô Hial chỉ biết khóc trong lòng, vì chưa bao giờ mình ăn nhậu với những con người thánh thiện này. Ở đâu ra những lời nói chua cay quá. Thầy ơi! Hờn – trách ai đây?

Bốp! Ngươi trả lời vị thương tế như vậy sao?  Một cái tát đau đến Thầy không thể nhịn được nữa? (Ga 18,22) “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào, còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi” (Ga 18,23). Với Pô Hial, đây là cái tát bất công, bịt miệng Thầy Giêsu không để Thầy có cơ hội tự bào chữa cho mình, một sự lạm quyền của người thuộc hạ, trước một Thầy Giêsu cô đơn bị lên án tử.

Pô Hial đến Tây Nguyên này là tình nguyện, sau đó là bén duyên và mắc nợ người bản địa. Chính Thầy Giêsu là Người huấn luyện  Pô Hial trên đường sứ vụ “sứ vụ sống với người bản địa”, từ đây Tin Mừng sẽ được lan tỏa. Chúa Thánh Thần là Đấng thúc đẩy người bản địa trở về với Chúa và đón nhận, thương mến Pô Hial như người của gia đình, của làng. Pô Hial luôn tin tưởng và xác tín điều này. Pô Hial chỉ là cùi bắp chỉ biết làm những việc được giao và cắm đầu học những môn được học (Thánh Khoa). Pô Hial ít quan tâm đến những gì xảy ra chung quanh, sống khép kín trong lớp của mình. Pô Hial ước mơ nên thánh từ những việc nhỏ của mình… Khi bắt đầu đời sứ vụ, Pô Hial đã trở nên rất lạ, trải qua bao tháng ngày, tất cả là hồng ân, những gì Pô Hial sống – làm được cùng với anh chị em bản địa là ơn Chúa ban như không, tự nhiên đến mà thôi. Học – nói  tiếng bản địa, la cà, ngồi lê lết, ăn mọi thứ, uống và nhận hết những gì mà người bản địa cho mình, nghe anh chị em nói – nói anh chị em nghe,… Ơn tự nhiên Chúa ban, chính bản thân cũng không thể hiểu, tạ ơn Chúa.

Thầy Giêsu, đến thế gian, Ngài sống một cuộc đời chỉ biết yêu thương và chữa lành mọi vết thương cho con người. nhưng rồi Ngài lại lãnh một bản án bất công do con người “trao tặng.” Đời sứ vụ, Pô Hial, chịu không ít ấm ức với những đối xử bất công, những vết thương sâu trong tâm hồn không thể lành, những nỗi oan mãi mãi không tự bào chữa được,… biết nói với ai ngoài sự im lặng và chịu đựng. Chung quanh Pô Hial chỉ có người nghèo, thấp cổ bé miệng… lặng lẽ nhìn, rồi lặng lẽ quay đi khóc không thành tiếng.

Lạy Thầy, xin thêm niềm tin cho con, để con luôn tin Thầy là Đấng yêu thương con trong mọi hoàn cảnh. Xin thêm vào trái tim con, một chút thôi, tình yêu của Thầy để con không oán trách những đối xử bất công. Xin thêm sức mạnh của Chúa Thánh Linh để con tiếp tục sứ vụ cùng với người bản địa Tây Nguyên, không biết mệt mỏi hay chùng bước trước mọi bất công tứ bề đã, đang và sẽ đến. Con sẽ kiên cường … tạ ơn Chúa.

                                                            
 
 
 



 

 
114.864864865135.135135135250