Trong cuộc sống, đã bao giờ bạn cảm thấy chán nản, buồn bã, tuyệt vọng chưa? Tôi nghĩ chắc là có, ví dụ khi thi trượt, chia tay người yêu, ba mẹ la mắng, mất niềm tin vào cuộc sống… Nhà thơ Xuân Diệu cũng từng thốt lên:
“Hôm nay, trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.”
Cuộc sống luôn chuyển động theo quy luật của nó và thiên nhiên vũ trụ cũng hoạt động theo trật tự xoay vần, nhưng nội tâm của con người thì chuyển động phức tạp theo một lý lẽ riêng. Có những điều chúng ta ước ao đạt được và tưởng chừng như vậy sẽ hạnh phúc, nhưng khi đạt được rồi ta vẫn thấy chưa thỏa lòng và lại muốn tìm kiếm những điều khác nữa… Vòng luẩn quẩn cứ thế xoay vòng không biết đến bao giờ mới có thể thỏa mãn được hết những ước vọng ấy, thế nhưng một lúc nào đó chợt dừng chân lại, ta sẽ có thể khám phá ra những điều kỳ diệu của cuộc sống. Hôm nay, mời bạn cùng tôi đến “Nơi tình thương đong đầy” để khám phá điều đó nhé.
Nơi tôi mời bạn đến là Mái ấm Phan Sinh, nơi đây nuôi dưỡng khoảng 180 người bao gồm: các bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân bại não, những người già neo đơn … Nữ văn sỹ Mỹ Helen Keller, người từng trải qua nhiều thử thách nên thường than thân trách phận. Rồi một ngày bà chợt nhận ra những may mắn mình được hưởng. Bà tâm sự: “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày.” Thật vậy, khi đến thăm những bệnh nhân này, chúng ta sẽ thấy tất cả những gì chúng ta đang có đều là quà tặng thật quý giá. Bạn sẽ khó có thể hình dung được một nơi, trong đó những người bệnh nhẹ giúp đỡ những người bệnh nặng, các bệnh nhân tâm thần có thể chăm sóc cho nhau từ việc đút cơm, uống nước, uống thuốc, rồi thay tã, tắm rửa,… Ở đó không có bổn phận, không có hơn thua, mà chỉ có tình thương. Dù là người phục vụ hay người được phục vụ, mỗi người đều toát lên niềm vui và lan tỏa nguồn năng lượng tích cực ra xung quanh. Ở đó, bạn sẽ cảm nhận được mọi thứ đều rất thật. Không có diễn xuất, không có giả dối, không có che đậy. Con người sống với nhau bằng những điều dường như là bản năng nhất, và trên hết là họ đón nhận nhau như họ là.
Những người đến thăm có thể sẽ nhìn các bệnh nhân bằng ánh mắt tội nghiệp, đáng thương. Mà cũng phải, làm sao không thương cho được khi những con người ấy đã bị đẩy ra ngoài lề xã hội, bị gia đình loại bỏ, có khi là phủ nhận sự hiện diện của họ trong cuộc đời này. Làm sao không thương cho được khi mà nhiều người trong số họ bị xích tay, xích chân vào cạnh giường; hay phải ở trong một căn phòng ẩm ướt. Làm sao không thương cho được khi bầu khí xung quanh họ chỉ có tiếng thét gào, tiếng khóc mỗi khi lên cơn bệnh. Khi đến với họ, tôi mới hiểu được tại sao họ lại ở trong tình trạng như vậy, là bởi vì với những người bệnh nặng, họ không thể kiểm soát hành vi của mình nên có thể tự gây thương tích cho mình. Vì thế, khi cố định tay chân của họ vào cạnh giường là muốn tốt cho họ, để bảo vệ họ. Tôi thấy họ thật hạnh phúc vì chính ở đây, họ được yêu thương, họ được đối xử bằng tình thương và được trân quý nhân phẩm. Ở một góc độ nào đó, có thể họ bị thua thiệt với nhiều người về trí năng, sức khỏe, vật chất, tình cảm từ gia đình, hay là sự công nhận từ xã hội…nhưng mặt khác nhiều người lại không thể có được những điều mà họ đang có là sự đơn sơ, hồn nhiên, thanh thản giữa cuộc sống ồn ào, bon chen, sóng gió.
Bản thân tôi có lúc cũng đã kéo lê cuộc đời của mình khi không cảm được ý nghĩa của những công việc tôi đang làm, những trách nhiệm tôi đang đảm nhận, những dấn thân mà tôi đang thực hiện... Đến nơi đây, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có đôi tay để làm việc, có đôi tai để lắng nghe thấu cảm, có miệng lưỡi để nói lời chia sẻ, động viên. Tôi cảm phục và biết ơn những con người nơi đây, bởi họ cho tôi một động lực, một sự quyết tâm thay đổi thái độ sống. Hãy học cách nhìn lên để thấy bản thân còn nhỏ bé, và học cách nhìn xuống để biết trân trọng những gì mình đang có.
Mời bạn hãy đến và cảm nghiệm tại Mái Ấm Phan Sinh_Nơi tình thương đong đầy_ Tôi tin rằng bạn sẽ cảm nhận được thế nào là tình thương thật sự và bạn sẽ biết trân quý cuộc sống của mình. Mến chúc bạn muôn điều tốt lành và có một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa.
Maria Mỹ Lệ