08/07/2024 -

Nền tảng và lược sử

627
Công trình kỳ diệu Chúa làm - kỷ niệm 20 năm cung hiến nguyện đường Hội Dòng

 “Công trình kỳ diệu Chúa làm”

Mỗi lần có cơ hội nhìn lại, tôi cảm nghiệm ân tình Thiên Chúa cứ dào dạt tuôn đổ qua từng “gia vị” của cuộc sống. Gia vị ấy thấm qua từng con người, đặc biệt với chính Hội dòng, để rồi tôi nhận ra “trong mọi thử thách ấy chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,35).

50 năm nhìn lại, thật hãnh diện khi được tận mắt chứng kiến những “công trình” Chúa làm, thế nên chia sẻ về công trình của Thiên Chúa cũng là cách để tạ ơn Chúa và cao rao những kỳ công Người đã thực hiện.
http://daminhrosalima.net/Image/Picture/Hoc-Hoi/T%C6%B0%20li%E1%BB%87u/Nha%20Dong%202.JPG
Đi dọc theo quốc lộ 1K, hướng từ Sài Gòn về Biên Hòa, chúng ta sẽ nhìn thấy ngôi nhà nguyện Dòng Đa Minh Rosa Lima tọa lạc trong con hẻm nhỏ 168/7. Một không gian yên tĩnh được bao phủ bởi nhiều cây xanh càng tăng thêm vẻ đẹp linh thánh vốn có của nó. Công trình này được khởi công xây dựng năm 2002, đã được khánh thành và cung hiến vào ngày 7/7/2004.

1. 
Lịch sử hình thành

Ngược dòng lịch sử cách đây 51 năm, vào năm 1973, sau khi Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình ban sắc lệnh thành lập Hội dòng Đa Minh Rosa Lima (01/01/1973), Cộng đoàn nhà Mẹ được đặt tạm thời tại Tu viện Từ Đức, miền Mẹ Vô Nhiễm.

Đến năm 1974, khi dự án xây dựng Tu viện Trung ương Dòng ở Bọng Dầu, Xuân Hiệp, Thủ Đức không thành công, được sự hướng dẫn của Cha linh hướng Mattheu Phạm Văn Hóa, Hội dòng mua một khu đất khác thuộc địa bàn Xuân Hiệp – Linh Xuân, Thủ Đức để làm nhà mẹ. Sau khi ổn định, ngày 17.11.1974, Bề trên Tổng quyền Mônica Phạm Thị Mầu cùng các chị tổng cố vấn đưa chị em từ Tu viện Từ Đức về Xuân Hiệp.

Trải dải suốt hơn 30 năm, khi Hội dòng ngày một thêm đông, điều thao thức và trăn trở nhất của Hội dòng có lẽ không phải là miếng cơm manh áo mà là đời sống cầu nguyện, đời sống tâm linh của chị em.  Ngôi nhà gà theo thời gian cũng rệu rã xuống cấp khiến cho các sinh hoạt của Hội dòng và bầu khí cầu nguyện của chị em cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Đó chính là lý do (năm 2002) Hội dòng quyết định khởi công xây dựng nguyện đường mới trên mảnh đất Xuân Hiệp – Thủ Đức. Sau 2 năm thi công, năm 2004 ngôi nhà nguyện được hoàn thành trong bình an và phúc lành của Chúa. Một biến cố lịch sử, một dấu son được ghi trong lịch sử Hội dòng, đó là ngày 07/7/2004 nhà nguyện được cung hiến cho Thiên Chúa.

Đến nay, nhà nguyện đã trải qua vài đợt trùng tu. Ngôi nhà nguyện đầu tiên của Dòng được tu sửa từ nhà nuôi gà. Diện tích nhỏ hẹp và cũ nhưng là ngôi nhà chung ấm áp để chị em sum họp, gặp gỡ và cùng cất lên những lời kinh, tiếng hát ca tụng Chúa mỗi ngày. Đây chính là chất dầu để cho ngọn lửa đức tin, tình yêu dâng hiến luôn bừng cháy nơi mảnh đất mới lạ này.
Nhà nguyện cũ

Nhân dịp chuẩn bị mừng 50 năm thành lập Dòng, vào năm 2021 nhà nguyện được sửa sang lại mái, đồng thời cũng nâng cấp những hạng mục khác. Công trình được hoàn thành sau 3 tháng tu sửa. Tạ ơn Chúa đã ban cho Hội Dòng có một nguyện đường khang trang và mới mẻ.

2. Ý nghĩa  kiến trúc của nhà nguyện

Nhà nguyện Dòng tọa lạc tại vị trí trung tâm trên khu đất của Tu viện Nhà Mẹ. Điều này thuận tiện cho việc tham dự phụng vụ, tổ chức các sinh hoạt của Hội Dòng trong các dịp đại lễ cũng như sự viếng thăm của quý thân nhân, ân nhân và quý khách đến với Hội dòng.

Nhà nguyện có kết cấu hình chữ thập với tổng diện tích 2.655 m2. Mặt bằng chính sâu rộng, có sức chứa hơn 300 người. Cung thánh được thiết kế dạng hình tròn, tượng trưng cho sự hoàn thiện, tròn đầy và bền vững. Gian lớn chính giữa có mái cong cao, kết hợp với 2 bên hành lang tạo độ rộng rãi, thoáng mát cho nhà nguyện.

Giữa cung thánh có bàn thờ tròn bằng đá với các vòng tròn tam cấp. Dưới chân bàn thờ có gắn xương của 4 vị thánh Tử Đạo Việt Nam, với ý nghĩa tôn kính các Thánh Tử Đạo. Các Ngài đã trở nên của lễ toàn thiêu, kết hợp với hy tế Thập giá của Đức Kitô khổ nạn. Khi tham dự thánh lễ hằng ngày, chị em cũng được mời gọi tham gia vào hy tế thập giá của Đức Kitô để thông phần vào việc cứu độ trần gian do Người thực hiện.
Trung tâm của cung thánh là Thánh Thần, Thánh Giá và Thánh Thể, nằm trên một trục thẳng cùng một vị trí, biểu tượng cho sự hiệp nhất. Biểu tượng này được lấy ý tưởng từ văn thư của Tòa Thánh gửi cho Dòng ngày (3/11/1998) mời gọi sự hiệp nhất giữa các miền Dòng. Những hinh ảnh này nằm ở nơi cao nhất tạo chiều sâu, cảm giác tĩnh lặng, thánh thiện và trang nghiêm, dễ đưa mọi người vào bầu khí thinh lặng, cầu nguyện, đặc biệt nhắc nhở chị em hướng về sự hiệp nhất với nhau trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Toàn bộ cung thánh được chiếu sáng bởi hệ thống đèn Led từ trên xuống. Hệ thống đèn này được trang trí trên phù điêu trống đồng với họa tiết chim hạc, như một sự kết hợp giữa kiến trúc phương Tây với văn hóa Việt. Trong Văn Hóa Việt, trống đồng là biểu tượng của đời sống tâm linh, trong khi chim hạc là biểu tượng của sự tinh tuyền, thanh khiết và sự cao quý. Đây là những giá trị mà những người sống đời thánh hiến luôn nỗ lực vươn tới trong ơn gọi của mình.
Bên dưới cung thánh được thiết kế 9 bậc, phân chia theo từng nhóm phù hợp với từng vị trí. Điều này cũng mang một ý nghĩa đặc biệt. Số 9, tượng trưng cho 9 phẩm Thiên Thần hay 9 tầng trời, nhưng chóp đỉnh là Thiên Chúa. Số 9 trong Kinh Thánh cũng diễn tả sự sung mãn, hoàn hảo của Thiên Chúa “ngày 8 là sự khởi đầu mới, cây mới, đơm hoa kết trái, sau đó đến ngày 9 thì kết trái. Đó là sự dồi dào do Chúa ban" (x.Lv 25, 20-22)

Nội thất nhà nguyện đơn giản nhưng tạo sự uy nghiêm với cấu trúc mái cong cao và luôn được chiếu sáng bởi hệ thống cửa kính nhỏ phía trên. Các cửa chính được thiết kế chắc chắn với chất liệu gỗ kết hợp với kính cao cấp, vừa tạo sự chắc chắn vừa mang lại nét thẩm mỹ cho ngôi nhà. Trên các cửa là các bức phù điêu 14 Đàng Thánh Giá, góp phần làm tăng thêm vẻ uy nghiêm, linh thánh của nhà Chúa.

Màu sắc chủ đạo của nhà nguyện là tông màu vàng nhạt, có sự kết hợp với màu trắng và màu nâu phía bên ngoài để tạo cảm giác êm dịu, thanh bình, nhẹ nhàng như chính tâm hồn của các chị em khi đến cầu nguyện nơi đây.
Nhà nguyện có 3 lối đi, lối chính giữa là bậc tam cấp với chiều cao khoảng 15m, hai bên là 2 con đường vòng giống vòng tay. Hình ảnh của vòng tay dang rộng ôm trọn ngôi nhà này muốn nói; nhà Chúa luôn rộng mở chào đón, quy tụ tất cả mọi người gần xa về bên Chúa để thờ lạy và ca tụng Người. Trong văn hóa Việt Nam, hình ảnh đôi tay mở rộng như ôm ai đó thường được sử dụng để biểu thị sự chia sẻ, sự quan tâm và sự ấm áp. Đây là một trong những hình ảnh thể hiện tình gia đình và tình huynh đệ trong đời sống cộng đoàn. Hai con đường cũng được trang điểm bằng nhiều cây xanh tạo nên vẻ đẹp duyên dáng cho nhà Chúa.

3. Ý nghĩa của nguyện đường

Nhà nguyện là nơi Chúa ngự, nơi gặp gỡ giữa Chúa và chị em, nơi cử hành các mầu nhiệm thánh. Vì thế, nhà nguyện chính là linh hồn và sức sống của Hội Dòng, là nơi nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mỗi tu sĩ.

Hằng năm, tại ngôi nhà nguyện này là nơi các chị em được thánh hiến cho Thiên Chúa qua các thánh lễ khấn, các dịp lễ tạ ơn kỷ niệm 25, 50, 60. Cũng tại nơi đây, chị em khắp nơi trở về họp mặt các dịp lễ của Dòng hoặc học hỏi bồi dưỡng cả về tâm linh lẫn tri thức.

Tạ ơn Chúa đã quan phòng và dìu dắt Hội Dòng bước đi suốt hành hơn 50 năm qua. Tạ ơn Chúa về “công trình kỳ diệu” Chúa đã làm cho Hội dòng. Đồng thời, chúng ta cũng ghi nhớ công ơn của quý dì tiền bối và tất cả chị em đã cưu mang những thao thức trong lời cầu nguyện và đã góp sức làm nên “công trình kỳ diệu” này. Đặc biệt, tri ân quý thân nhân, ân nhân đã chia sẻ vật chất cũng như cầu nguyện cho Hội Dòng, để hôm nay Hội Dòng đã mang một diện mạo mới, tuy chưa hoàn hảo, nhưng dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự hiện diện của ngôi nhà nguyện luôn là điểm tựa tâm linh vững chắc giúp chị em hoàn thành lịch sử đời mình trong lịch sử cứu độ.
 
Tham Nguyen
114.864864865135.135135135250