02/03/2024 -

Nền tảng và lược sử

263
Đọc lịch sử Hội dòng dưới ánh sáng Lời Chúa
Matta Lê Thị Vân Anh

Hoa ban trắng xóa miền sơn cước. Én lượn quanh đồi. Xuân đến rồi! Khi vạn vật căng tràn linh khí của đất trời, khi đất Việt rộn ràng lễ hội tân niên, cũng là lúc Đa Minh Rosa kỷ niệm sinh nhật của mình. 50 năm là một chuỗi dài ân phúc. Ở khoảnh khắc Kim Khánh này, Đa Minh Rosa xin soi mình qua Thánh vịnh 78 để nhận ra biết bao ơn huệ như sương mát tuôn đổ trên đóa hồng đời mình. Bởi, Thánh vịnh ấy là một khắc ghi sâu đậm những biến cố quá khứ cùng những dấu lạ điềm thiêng, là những lỗi lầm được nhìn lên khung trời yêu thương của Thiên Chúa, và là một nhắc nhớ giữ giao ước trung thành.

50 năm, người ta hay nhìn lại thuở thiếu thời với nhiều hoài niệm, tưởng nhớ về những thời khắc huy hoàng, hoặc giai đoạn khó khăn gian khổ để nghiền ngẫm phận đời, để tri ân cuộc sống. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, thì hành trình đã qua vẫn chỉ là lịch sử. Lịch sử ấy chỉ trở thành lịch sử thánh, là ký ức tôn giáo khi con người biết suy chiêm và nhìn ra bóng dáng của Thiên Chúa trong lịch sử ấy mà thôi. Đây chính là điều mà tác giả Thánh vịnh đã chỉ vẽ cho chúng ta.

Con tim của đoàn dân Chúa tuyển chọn cứ mãi vang lên những nhịp đập tri ân trước đặc ân truyền lưu huấn lệnh của Đấng Chí Tôn. Tâm hồn họ cứ mãi thổn thức nhớ về những ngày tháng huy hoàng tươi đẹp: căn tính được hình thành, tên của Israel sẽ được nhận biết giữa muôn dân nước, có lề luật của Thiên Chúa dẫn đưa, có trái tim của Ngài ấp ủ, có giao ước để gắn bó, nương nhờ. Một đặc quyền, một vinh dự mà Israel không có quyền giữ lại cho riêng mình, nhưng phải luôn ý thức về bổn phận lưu truyền cho hậu thế.
 
Người đã ban huấn lệnh cho nhà Giacóp,
đặt ra lề luật cho Israen,
dạy tổ tiên chúng tôi truyền lại cho con cháu các cụ được tường,
hầu thế hệ tương lai kẻ hậu sinh cũng biết,
rồi mai ngày đến lượt kể cho con cháu mình.

Như vậy, chúng sẽ đặt niềm tin vào Thiên Chúa,
không lãng quên những việc Chúa làm
và tuân giữ lệnh Người truyền dạy.

 
Đó cũng là tâm tình mà Đa Minh Rosa khắc ghi trong tâm khảm mỗi khi ngân nga lời Thánh vịnh trên. Mùa Xuân năm 73 quả là một mùa xuân diệu vợi. Hạnh phúc xiết bao giây phút nhận Sắc lệnh lập Dòng. Ngày ấy, Đa Minh Rosa đã có mặt trong vườn hoa của Giáo hội, lưu giữ giọt sương đặc sủng của Chúa Thánh Thần. Đó là đặc sủng mà mỗi thế hệ phải không ngừng làm tròn đầy nơi cuộc đời của mình và truyền lại đặc sủng tinh ròng cho hậu thế.

Mà, tình thương của Chúa đâu phải chỉ mới choàng trên bông hồng Rosa từ Xuân năm 73 ấy, nhưng đã tỏa bóng từ rất xa xưa rồi. Từ khi Đa Minh Rosa chỉ là những nhóm nhỏ vô danh, chỉ có một trái tim thành ý muốn được dấn mình cho Thiên Chúa, cũng chỉ đơn sơ làm những công việc mưu sinh như bao người. Ngày ấy, chị em khó khăn trầy trật với số phận của đất nước; ngày ấy, người ta còn không biết mạng sống mình nay còn mai có mất chăng, thì nói chi đến chuyện lý tưởng xa xôi. Mơ hồ là thế, vô định là vậy. Ai mà ngờ, con đường Chúa dẫn đưa quá đỗi huyền siêu. Nhóm đạo đức ngày ấy giờ đã được đặt tên Đa Minh Rosa Lima rồi. Bởi vậy, mỗi khi ngâm lên vịnh khúc, chị em mới thấm thía thế nào là ân tứ dạt dào.

Cũng như Israel xưa, Thiên Chúa cũng dẫn dắt và cứu thoát họ từ một dân không tên tuổi, từ một đoàn dân bất lực không vũ khí trước lực lượng quân thù hùng mạnh. Vậy mà, họ đã được giải thoát khỏi vòng vây hãm ngoạn mục. Họ đã được tháo cởi khỏi những tháng ngày nô lệ đằng đẵng, để từ nay họ chỉ phụng sự Thiên Chúa mà thôi. Kinh nghiệm của mấy ngàn năm trước nay cũng là kinh nghiệm của chính Đa Minh Rosa Lima:
 
Trước mắt cha ông họ,
Người đã làm bao việc lạ lùng
tại cánh đồng Xôan bên Aicập.
Người rẽ Biển Đỏ cho họ vượt qua,
dồn nước lại như tường thành sừng sững;
d
ùng cột mây hướng dẫn họ ban ngày
và ban đêm lấy lửa hồng soi sáng.
Người xẻ đá giữa sa mạc hoang vu,
khiến nước tuôn tràn cho dân được uống,
từ khe đá, Người khơi dòng suối chảy,
nước đổ dạt dào như những con sông.

 
Đoàn dân thánh ấy truyền cho nhau một trực giác bén nhạy biết nhận ra những kỳ công của Thiên Chúa. Mặc ai có thể xem đó là may mắn ngẫu nhiên, hay tài nghệ của riêng mình, nhưng đoàn dân ấy truyền cho nhau những bản hùng ca về cuộc giải phóng oai hùng của Thiên Chúa. Đó chẳng phải là ru ngủ hậu thế bằng những tưởng tượng hảo huyền, hay để nâng sức mạnh tinh thần cho con cháu bằng những bài học triết lý. Không, có là một kinh nghiệm của cả một dân tộc về một ngôi vị Thiên Chúa dọc theo chiều dài lịch sử, một liên hệ rất thực đối với Đấng Toàn Năng. Họ truyền lại cho con cháu mình một đôi mắt tâm linh để nhìn mọi sự trong nhãn quan của Thiên Chúa. Đây là điều mà Đa Minh Rosa học hỏi được từ trưởng bối là nhà Giacop. Chỉ khi nhìn với đôi mắt siêu nhiên, trái tim chị em mới rung động trước tình thương hải hà của Thiên Chúa, tâm hồn chị em sẽ ngạc nhiên luôn mãi và tri ân Người.

Thế nên, ký ức là từ đẹp nhất. Bởi trong hoài niệm, con người ta kết nối với vùng trời dĩ vãng, làm sống lại những gì đã ngủ yên trong quá khứ. Nó khiến ta hòa điệu và hít thở chung bầu khí quyển của tiền nhân. Bởi vậy mà hiện tại lại càng thêm sâu sắc và rộng mở.

Nhưng nếu đó là những ký ức đau thương đen tối thì sao? Thì nó sẽ là những cái rùng mình kinh hãi, là những nhức nhối oán hận, là những xấu hổ cùng cực mỗi khi nhớ về. Nó làm cho hiện tại và tương lai cũng mang một gam màu xám xịt, nhuốc nhem. Đã bao lần ta tự hỏi, sao ký ức lại quan trọng đối với Israel thế nhỉ? Có chi thú vị với việc cứ nhắc mãi một chuyện dài thô ráp của tiền nhân? Phải chi đó là những chuyện vẻ vang hiển hách đáng tự hào, mà đây họ cứ mãi nhắc về những lỗi lầm yếu đuối cách tường tận rõ ràng!? Hóa ra đó là sự minh triết của một dân tộc với kinh nghiệm thiêng liêng dày dạn. Bởi chưng, nơi những mảng màu lấm lem cùng những góc khuất ấy, tình thương của Chúa được biểu lộ tỏ tường...

Cái yếu đuối của con người là hay lãng quên ký ức về Thiên Chúa. Mà đâu cứ phải không nhớ tới những ơn huệ của Thiên Chúa trong quá khứ mới là quên lãng, ngay cả khi ơ hờ và tầm thường hóa những hồng ân trong hiện tại đã là một sự lãng quên rồi. Thưở đầu đời, Israel nào đã gắn bó với Thiên Chúa và hiểu biết về Ngài nào đã sâu đậm cho cam. Hơn nữa, mỗi một kinh nghiệm lại riêng biệt đa màu. Thế rồi, họ đã vấp phạm cùng Đấng Tối Cao sau biết bao là ân lộc của Thiên Chúa. Tác giả thánh vịnh cảm nghiệm, trước biết bao ân huệ Chúa ban, nhưng:
 
Dân lại càng phạm tội mất lòng Chúa,
phản nghịch cùng Đấng Tối Cao tại miền hoang địa;
họ chủ tâm thách thức cả Chúa Trời,…

 
Đó chẳng phải cũng là bóng dáng của Đa Minh Rosa hay sao. Hồi tưởng về những ngày tháng Đóa Hồng Rosa sống trong bom đạn, hẳn phải đau thương lắm, hẳn phải thất vọng biết chừng nào, nào là cảnh ly tán, nào là cảnh chết chóc điêu tàn, thương vong, bỏ cuộc. Hẳn ngày ấy, Đóa Hồng Rosa đã sợ hãi lắm… Để duy trì niềm tin và hy vọng đến hôm nay, chắc đó là một quãng lặng, một đường hầm tăm tối của kinh nghiệm đức tin, của hoang mang, của thất vọng, của tương lai mịt mờ, của chán nản, than trách. Trong cái tăm tối và yếu đuối của phận người, đức tin của Đóa Hồng Rosa cũng đã phải chịu nhiều thử thách. Kinh nghiệm ân phúc trước đó đã bị khói lửa đạn bom phủ lấp che mất đôi mắt nhìn về Đấng toàn năng, trái tim chị em bắt đầu nổi loạn, ngờ vực, than van. Vậy mà, qua những giai đoạn đầy thử thách ấy, Chúa lại nâng niu vỗ về. Tạ ơn Chúa đã giữ gìn chị em đi qua những tháng ngày cùng quẫn, tối tăm. Tạ ơn Chúa về sự kiên nhẫn đồng hành ấy, cùng tri ân niềm tin vững mạnh của thế hệ tiền nhân, để cho Đa Minh Rosa vẫn còn thắm sắc đậm hương đến tận bây giờ.

Nhưng khi khói lửa chiến tranh nhường chỗ cho điệu hát hòa bình, cuộc sống bắt đầu trôi theo những hoan lạc trần thế, bộn rộn với biết bao chuyện đời. Những hư ảo của trần thế cứ bám chặt lấy chị em, rồi chị em cũng đã dần lãng quên Thiên Chúa, phản bội ân tình Người. Cuộc sống hiện tại giường như chẳng có chi gắn bó cùng Thiên Chúa. Lịch sử thánh ấy lại tiếp nối với một loạt sa ngã bất trung, cứ liên tục tái đi vấp lại. Với tâm tình sám hối thẳm sâu, chị em noi theo tác giả thánh vịnh và đoàn dân tuyển chọn để tự thú lầm lỗi của mình trước Thiên nhan:
 
Họ không giữ giao ước với Chúa Trời,
và chẳng chịu sống theo luật Chúa;
họ đã quên những việc Người làm
những kỳ công Người đã cho chứng kiến.
(…)
Thế mà dân cứ phạm thêm bao tội lỗi,
chẳng buồn tin việc lạ Chúa làm,…
(…)
không còn nhớ tay quyền năng của Chúa,

quên ngày Chúa cứu khỏi ách quân thù.
 
À thì ra là vậy! Khi con người ta kinh nghiệm đủ dày, đã kinh qua những sương gió của cuộc đời, tầm nhìn họ lớn lao hơn và xa hơn bao giờ hết. Chỉ có những tâm hồn trưởng thành qua những vấp ngã mới có đủ bình thản và chiều sâu để đọc được ý nghĩa nơi những gì là thô kệch nhếch nhác. Một khi tâm đủ lặng, tầm đủ lớn, người ta mới can đảm lượm lặt và trân quý những gì mà trước kia mình muốn loại bỏ và che đậy. Như Israel kia, với ý thức tình yêu bất tận của Thiên Chúa và với một trái tim khiêm hạ thẳm sâu, họ mới có thể nhìn trực diện vào tội lỗi của mình với tâm hồn thanh thản an bình. Bởi chính khi chối bỏ quá khứ hoặc an tâm với sự “thánh thiện” của mình là khi con người lãng quên Thiên Chúa. Thiên Chúa của ký ức thì chẳng vội vàng, nhưng kiên nhẫn chờ đợi sự cải hóa và trưởng thành của con người khi cảm nghiệm tình thương của Ngài. Thiên Chúa dạy con người biết nhìn vào sự thật của phận người hèn mọn để nhận ra hồng ân dạt dào của Chúa. Ngài thúc đẩy con người tiến xa hơn trong hành trình tiến về hoàn thiện.

Vẻ đẹp của thánh vịnh ở đây chính là không dừng lại ở tội lỗi để dày vò tâm tư vô ích, nhưng là không ngừng ngước nhìn lên tình thương của Thiên Chúa, không ngừng thanh tẩy và tắm gội trong những nghiền ngẫm về ân phúc dạt dào. Bởi thế, ký ức đen tối đã được thanh luyện tinh tuyền, được chữa lành trong sương mai của Lòng Thương Xót. Tạ ơn Chúa vì tình thương hải hà của Chúa đã tuôn đổ dạt dào trên Israel ngày ấy, cũng đã thấm đẫm trên lịch sử của Hội dòng chúng ta. Thế nên, hòa với tâm tình tri ân của tác giả thánh vịnh, tâm tư chị em rung động mà ngân lên:
 
Người vẫn xót thương, thứ tha, không tiêu diệt,
nén giận đã bao lần, chẳng khơi bùng nộ khí.

 
Ghi niệm về một lịch sử dệt từ ân sủng, thấm đẫm tình thương và dạy hậu thế hiện tại hóa những kinh nghiệm xưa cũ là để giữ họ luôn ở trong sự kết nối với Thiên Chúa tình yêu. Nếu chỉ nhìn về quá khứ với lòng tri ân, nhưng lại chẳng hề thay đổi hiện tại thì đó sẽ là một khập khiễng. Nhìn lại quá khứ để tri ân và thanh luyện ký ức, song là để canh tân và thánh hóa hiện tại của mình. Nơi Bí tích Thánh Thể là sự hiện tại hóa và làm sống động hóa một ký ức về tình yêu tự hiến, về sự chiến thắng của tình yêu trên những tội lỗi bất trung. Nơi Tấm Bánh Thánh ấy, quá khứ, hiện tại lẫn tương lai tìm được điểm đồng quy. Quá khứ được chữa lành, hiện tại tìm được sự viên mãn, tương lai có gốc rễ của lòng hy vọng ...
 
Như vậy,
chúng sẽ đặt niềm tin vào Thiên Chúa,
không lãng quên những việc Chúa làm
và tuân giữ lệnh Người truyền dạy.

Nếu ai đó nhìn vào quá khứ để khinh chê, trách cứ thì đó chính là tự đoạn giao với lịch sử và ký ức của mình. Bởi lịch sử 50 năm của Hội dòng chính là sự tổng hòa và giao thoa của lịch sử từng người. Những đỉnh cao hay thoái trào của lịch sử tập thể cũng là những dấu vết của những thăng trầm lịch sử cá nhân. Thế nên, mỗi chọn lựa giữa thiện toàn hay sự dữ sẽ là một khoảnh khắc kiến tạo nên lịch sử; mỗi một cố gắng vươn lên không mỏi mệt để kiện toàn chính mình trong ơn thánh; mỗi một cố gắng trung thành với đặc sủng; mỗi một khắc quyết để Thiên Chúa làm trung tâm và chủ tể của cuộc sống chính là sự viên mãn của lịch sử. Vì thế, hãy nhìn vào lịch sử dân thánh, Đa Minh Rosa mới có thể tri ân, thanh thản và đầy hy vọng:
 
Điều chúng tôi đã từng nghe biết
do cha ông kể lại cho mình,
chúng tôi chẳng giấu gì con cháu cả,
sẽ tường thuật cho thế hệ mai sau:
sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của Chúa,
với những kỳ công Chúa đã làm.

 


114.864864865135.135135135250