06/11/2023 -

Nền tảng và lược sử

536
Năm Thánh nói gì?

Dẫn nhập

Một năm thông thường có 365 ngày và thời khắc như nhau, nhưng sao lại có năm ta cho chúng một nghĩa đặc biệt? Như năm “toàn xá,” “năm thánh,” “năm hồng ân.”.v.v. Bao nhiêu năm mừng một lần dịp đặc biệt đó? Mừng để làm gì? Năm nay Hội dòng Đa Minh Rosa - Lima mừng 50 năm thành lập và mừng năm thánh, nhưng năm thánh là gì và để làm gì?

Hội thánh có rất nhiều lần đã mừng năm thánh, 100 năm, hay 50 năm, hay 25 năm, hay 10 năm, hay những sự kiện đặc biệt. Điều đó đã có từ xa xưa và bắt nguồn từ trong Cựu Ước. “Năm Thánh” là thời kỳ hồng ân, đánh dấu một năm toàn xá, Thiên Chúa tha các tội và hình phạt do tội gây ra, một năm hòa giải giữa những người đối lập nhau, một năm hoán cải, lãnh nhận hồng ân của Thiên Chúa.

Cựu Ước nói gì về năm đặc biệt này, với mục đích gì, cách thức cử hành ra sao? Phần thứ nhất trở về nguồn gốc của năm thánh, phần thứ hai nói đến Hội dòng: sự hình thành, tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, phần hai của bài viết không nhằm kể lại sự kiện theo thời gian nhưng là đọc ra ý nghĩa của sự kiện và đặc biệt nghiệm ra tình thương Chúa trong hiện tại để: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng” (Tv 89,2).
​​​​​​
1. Nguồn gốc năm thánh

1.1. Định nghĩa


“Tháng thứ bảy, ngày mồng mười, các ngươi sẽ thổi tù và và giữa tiếng reo hò; vào ngày xá tội, các ngươi thổi tù và trong xứ” (Lv 25, 9). Thổi tù và, để công bố một năm được tha nợ và trả tự do. Tù và được làm từ sừng con cừu đực, tiếng Hipri là “yòbhèi
[1] và từ đây phát xuất hạn từ “năm thánh” (Jubilé, giubileo)[2]. Tiếng Latinh mượn từ tiếng Hipri, “ Annum Jubilaei,” dịch là năm thánh, năm hồng ân, năm đại xá[3], có nguồn gốc từ Kinh Thánh. Theo luật Môsê, cứ 7 năm thì những người nô lệ được trả tự do và đất đai được nghỉ ngơi: nợ được tha, con người vừa phải sống liên đới, chia sẻ với nhau về của cải, đồng thời phải hòa giải với nhau (kể cả kẻ thù). Theo quan niệm Kinh Thánh, “lễ” có đặc tính chính là mối dây liên kết giữa lễ với lịch sử thánh, vì đặt trong mối tương giao với Thiên Chúa, vì Ngài luôn hành động cho Israel - dân riêng của Ngài. Nhưng lễ lạc cũng ăn rễ sâu trong môi trường nhân loại.  Mừng năm thánh là mừng năm của Thiên Chúa và đồng thời cũng là thời kỳ biểu lộ đức ái với người đồng loại.

Các ngày mừng đặc biệt gọi là “lễ” nói chung mang ý nghĩa: hoặc nhắc nhở quá khứ, hoặc loan báo tương lai, hoặc nêu lên một đòi hỏi hiện tại, hoặc bao gồm các ý nghĩa trên. Tất cả các lễ mừng năm thánh liên hệ với việc nghỉ ngơi như ngày sabbat, năm sabbat.  Ta dừng lại nói đến ba loại “sabbat.” Trước hết nói về “ngày sabbat,” vì việc cử hành năm thánh là hoạ lại việc dân Israel nghỉ ngày thứ bảy - ngày sabbat, ngưng làm việc để nghỉ ngơi và tôn thờ Thiên Chúa. Vậy việc làm này không những mang  nghĩa vật lý mà còn nghĩa thiêng liêng - ngày dành cho Chúa và trả lại “đất đai” cho Chúa: “Hãy nói với con cái Israel... khi các ngươi vào đất Ta sắp ban cho các ngươi, đất đai phải nghỉ một sabbat kính Đức Chúa” (Lv 25,2). Mừng năm thánh trong ý tưởng với việc hòa giải, trả lại đất đai cho chủ cũ, xóa nợ, giải phóng nô lệ và cho đất được  nghỉ ngơi. Thời Tân Ước, năm thánh còn mang ý nghĩa mới mà chính Đức Giêsu mang đến - làm hoàn trọn Cựu Ước, đó là việc loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, giải thoát con người khỏi những trói buộc của tội và sự dữ, để họ được tự do, cho người mù được thấy, người đau ốm được chữa lành và công bố “một năm hồng ân của Chúa” (x. Lc 4, 18-19).

1. 2Ý nghĩa và cách cử hành
 
Ngày thứ bảy - ngày sabbat: “Sabbat” diễn tả “nghỉ ngơi,” là ngày lễ nghỉ thánh của người Do Thái vào thứ bảy hàng tuần. Trong 24 giờ, không được làm việc, không mua bán và không có hoạt động tay chân, để dành riêng cho việc cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa[4].  Đây là thời gian nghỉ việc được thực hành bởi ý hướng tôn giáo, nguồn gốc có từ xa xưa và có lẽ họa lại điều được miêu tả trong St 2,2 “ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm [...] ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi.” Chúa sáng tạo trong sáu ngày, ngày thứ bảy, Ngài không sáng tạo nữa. Nói đúng hơn: ngày thứ bảy Thiên Chúa ngưng việc sáng tạo, nhưng vẫn quan phòng. Bản văn này không nói rõ về ngày sabbat nhưng ám chỉ và được ghi chép thành luật từ sau biến cố Sinai “ngươi hãy nhớ ngày sabbat, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày ngươi sẽ làm việc, còn ngày thứ bảy là ngày sabbat kính Đức Chúa [...] ngày đó ngươi không được làm công việc nào cả”(Xh 20,8-10; 31,12-17). Thiên Chúa sáng tạo sáu ngày, ngày thứ bảy Ngài ngưng lại. Để giải thích cho việc nghỉ ngày sabat, vừa dành để thờ phượng Thiên Chúa, vừa để thời gian nghỉ ngơi cho con người và xúc vật. Người Do Thái giữ nghiêm ngặt luật nghỉ này, họ dùng thời gian không những nghỉ ngơi mà còn để cầu nguyện, đọc sách Thánh, tại Giêrusalem còn có nghi thức dâng của lễ (x. Lv 23,3). Tóm lại, Kinh Thánh (theo bản dịch Giờ Kinh Phụng Vụ 2011) ghi chú ở câu trích sách Lv trên về ý nghĩa ngày sabbat, đối với Israel, ngày đó có hai nghĩa: “Thời gian mà mọi người cảm nghiệm và tưởng nhớ mình được giải phóng khỏi Aicập (x. Đnl 5, 12-15) và ngày báo trước việc họ được vào nơi yên nghỉ vĩnh viễn của Thiên Chúa” (x. St 2,2; Xh 20,8-11). Vì là lễ hàng tuần, nên ngày này có vị trí riêng, đặt trước các lễ hàng năm. Còn với người Kitô hữu, ngày này nhắc nhớ công trình tạo dựng của Chúa và ngày Chúa Phục Sinh, đồng thời cũng loan báo ngày con người được nghỉ ngơi muôn đời trong Thiên Chúa. (x. GLHTCG 2174-2175). 

Theo thói quen, ngày đó không làm bất cứ việc tay chân nào, không được đi quá một cây số, không được làm bất cứ việc gì (kể cả rửa chén, dĩa). Họ cùng nhau đến đền thờ (sau này là hội đường) để cầu nguyện, nghe đọc sách Thánh và nghe giảng. Ngày sabbat phải: “tránh đi đường, tránh kiếm lợi, tránh nói huyên thuyên” (Is 58,13). Ngày con người nghỉ ngơi, vừa để tôn vinh Chúa, dành thời gian chúc tụng Ngài, vừa để thân xác được nghỉ ngơi.

Năm thứ bảy - năm sabbat: “Bảy năm một lần, anh em hãy tha nợ [...] tuyệt nhiên, trong anh em không có người nghèo, vì Đức Chúa sẽ chúc phúc dồi dào cho anh em trong miền đất Đức Chúa ban cho anh em làm gia nghiệp” (Đnl 15,1). Việc làm trước hết là tha nợ. Nhịp bảy năm nhắc lại nhịp canh tác đất đai. Việc tha nợ cho tha nhân vì Chúa đã tha cho dân Israel. Tha nợ để trong Israel không còn phải nô lệ, không còn mang nợ và nhất là không để cho ai phải nghèo đói. Đây là một ước mơ lý tưởng, bởi sự nghèo đói ngược lại với lời chúc phúc của Chúa (x. G 42, 12-14), đồng thời, niềm tin của Israel đòi hỏi con người phải liên đới với nhau. Hơn nữa, phúc lành của Chúa là để chia sẻ cho nhau để rồi được nhân lên thêm nữa (x. Đnl 15,6). Năm đó cũng phải trả tự do cho người nô lệ: “Năm thứ bảy, anh em phải phóng thích họ về [...] tặng cho họ chiên dê, lúa mì” (c. 12-13). Không chỉ giải phóng người nô lệ mà còn phải cho nô lệ của cải. Vì đó là phúc lành của Chúa: giải phóng con người và cho họ được sống xứng với nhân phẩm của họ. Hơn nữa, trả tự do vì chính Israel cũng từng làm nô lệ và được Chúa giải phóng khỏi Ai Cập. Những gì lãnh nhận từ Chúa, cũng phải làm cho anh chị em.

Năm thứ bảy: “Trong vòng sáu năm, ngươi sẽ cày cấy ruộng đất ngươi, gieo trồng và thu hoa lợi. Nhưng năm thứ bảy, ngươi sẽ để đất ngưng sinh hoa màu, để đất hưu canh, những người nghèo trong dân ngươi sẽ được hưởng hoa màu đó, những gì còn lại thì bỏ cho dã thú ăn” (Xh 23, 10-11). Vậy năm thứ bảy - năm sabat là năm để cho đất đai được nghỉ ngơi, những gì tự đất mọc lên là để cho người nghèo được hưởng hoa lợi đó, và dã thú cũng được hưởng dùng. Vậy năm toàn xá này không chỉ dành đặc biệt cho con người mà còn cho cả thú vật và thiên nhiên. Qua đó, ta thấy có sự liên đới mật thiết giữa vũ trụ và con người, từ đó nêu bật ý nghĩa của việc tạo dựng: “Thiên Chúa làm nên và Ngài thấy rất là tốt đẹp” và lời chúc phúc của Đức Chúa “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất, cùng thống trị chúng.” “Thống trị” không mang nghĩa “chủ - nô,” người cai trị và kẻ bị trị, nhưng là thay quyền Thiên Chúa mà cai quản vũ trụ. Năm toàn xá nhằm nghĩa này, xét theo cách nào đó.

Năm thứ năm mươi: Cứ sau 49 năm thì toàn dân Israel mừng năm thứ 50. Truyền thống năm Hồng Ân này là cách mở rộng luật Sabbat của người Do Thái, một tuần phải nghỉ ngày thứ bảy - ngày Sabbat.

“Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá [...] đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người sẽ trở về phần sở hữu của mình [...] các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi” (Lv 25,10-13; xt. Lv 25,18-28; Ðnl 15,1-6). Việc mừng này nói lên trước hết việc Chúa làm chủ tất cả, từ đất đai đến mọi sự. Ngài dựng nên, trao cho con người canh tác và tất cả thuộc về Ngài, do vậy: “Đất thì ngươi không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ trong nhà Ta” (Lv 25,23). Vì vậy con người mừng năm này là để tạ ơn Chúa, Đấng đã ban hoa màu nuôi sống họ. Năm sabbat, con người không cày cấy và tự hỏi “chúng tôi sẽ ăn gì nếu không gieo vãi và không thu hoa lợi?” Đức Chúa sẽ cho “phúc lành của Ta đến với các ngươi năm thứ sáu, và phúc lành sẽ sinh hoa lợi đủ cho ba năm” (Lv 25,19-21). Thêm nữa là nghĩa công bằng; Chúa cho con người được cộng tác vào việc tạo dựng bằng cách cai quản, vậy họ phải làm cho vũ trụ đẹp hơn, tốt hơn và như vậy phải thực thi công bằng, sống công chính như đích đến của hạnh phúc con người (x. Is 32,15-20). Và trên hết, năm thánh nhắm đến chiều kích tha thứ, năm của lòng thương xót. Mừng năm thánh đi kèm sự hòa giải, trả lại đất đai cho chủ cũ, xóa hết nợ nần, giải phóng nô lệ và cho đất đai được nghỉ ngơi.


2. Dòng Đa Minh Rosa Lima mừng năm thánh
 
2.1. Sự hình thành

“Vậy hôm nay, ngày 01 tháng giêng 1973, ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Chúa Trời [...] sau khi đã bàn hỏi các Đấng Bản quyền liên hệ, tôi Phao lô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám Mục Sài Gòn, ban sắc lệnh này và tuyên bố thành lập theo Giáo luật:
“Dòng chị em đaminh, thánh rosa thành lima: congregatio religiosa sororum dominicarum sanctae rosae de lima.” (Trích “Sắc Lệnh Thành Lập, dòng Nữ Đa Minh Thánh Hiệu Rosa thành Lima thuộc địa phận Sài Gòn”).

Đọc lại những dòng này mà nước mắt vòng quanh, nước mắt hoan lạc, vì Chúa đã thương chọn những “tôi tớ” này làm vườn nho cho Chúa trong Hội dòng, với mục đích chính: “Làm sáng danh Chúa và thánh hóa các nữ tu trong dòng bằng việc giữ ba lời khuyên Phúc Âm, tu luật thánh Augustinô và luật dòng”; cùng với mục đích riêng: “Loan báo Tin Mừng, giáo dục thanh tiếu niên và thi hành bác ái bằng các việc từ thiện” (Nội Quy CVTH X, trang 21).  

Ngày thành lập Hội dòng là con số đẹp: 01/01/1973! Ngày đầu năm mới, tháng mới của năm Quý Sửu, con số đẹp theo tử vi mang lại nhiều may mắn, đúng là: “Phần tuyệt hảo, may nắm đã về con!” vì “Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành  cho con” (Tv 16,5). Phần sản nghiệp được hưởng chứ không do công trạng! Như các Lêvi, tạ ơn Chúa đã chọn ta và cho phép ta được phục vụ Chúa trong Hội dòng và Giáo hội. Đến ngay cả nhân mạng cũng đã có “bảo hiểm” nơi Chúa: “Số mạng con, chính Ngài nắm giữ.” Như việc Chúa chọn chi Lêvi để thi hành việc phụng tự, dù không có đất, nhưng cũng được các chi tộc khác đóng góp, và hơn tất cả đó là “Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng.” May mắn vì ngày đầu năm mới có phúc lành của Chúa, may mắn vì Hội dòng được sinh ra trong ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, may nữa là ngày của thế giới cầu cho hòa bình, chính vì vậy mà dù trong hoàn cảnh nào “tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn” (Tv 16,9). Ba chiều kích của con người đều ở trong trạng thái hạnh phúc tuyệt đỉnh, không những tâm hồn mừng rỡ, lòng dạ hân hoan mà thân xác cũng được nghỉ ngơi an toàn. Thiên Chúa là tột đỉnh trong bậc thang những điều tốt lành và còn hơn nữa là điều tốt duy nhất, là phúc lộc tuyệt đối và như vậy, ngày được khai sinh cũng là ngày có được hạnh phúc viên mãn vì “ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc!”

2. 2. Sự phát triển

50 tuổi, đúng là “ngũ thập nhi tri thiên mệnh,” một độ tuổi có thể thông suốt chân lý của Tạo Hóa. Hiểu được mệnh trời, nghĩa là nắm bắt quy luật tự nhiên và xã hội, biết xu thế thời cuộc nên dễ đến thành công. Nhưng “tri thiên mệnh” này cũng lại là do Trời ban, bởi chỉ một mình Chúa biết được con đường bí nhiệm dẫn tới sự khôn ngoan (x. G 28,12-27). Và trong sự khôn ngoan đó, Chúa đã cho Hội dòng tính đến năm 2023, chị em trong Hội dòng đã lên đến 382, hiện diện trên 7 địa phận với 27 cộng đoàn chưa kể đến thời điểm 2011 (Mười hai năm trước đó). Một con số không nhỏ và có thể nói là rất lớn đối với nhiều Dòng ở một số nước phương Tây. Con số nói lên điều gì? Dĩ nhiên là sức sống của Hội dòng mới là điều đáng kể, nhưng cả lượng lẫn phẩm giúp một Hội dòng tồn tại. Nhìn lại những gì Chúa ban để tạ ơn, vì “tất cả là hồng ân” để sám hối vì chưa sống đúng như lòng Chúa mong ước, để đón nhận lòng thương xót của Chúa, để nhắc nhau nên thánh và sống thánh trong từng phút giây hiện tại.

Những biến cố cuộc đời là những bài học và hồng ân nhận được:

Ngày 01/01/1973: Hội dòng được tách từ “Dòng Đa Minh, thánh hiệu Catarina de Siena” - thành lập 1956
[5]. “Ra đi là chết trong lòng một ít!” Bởi, từ một Hội dòng mới khai sinh được 17 năm giờ lại tách thành dòng mới. Tuy nhiên, trong cách nhìn đức tin “mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Chúa” (Rm 8, 28). Những ai yêu mến Chúa thì tất cả những gì xảy ra đều phục vụ cho ơn cứu độ của họ, vì lợi ích của họ. Thánh Tôma Aquinô có lần đặt câu hỏi về tội lỗi có sinh ích lợi không? Ngài trả lời rằng tội lỗi đem lại cho ta kinh nghiệm về sự tha thứ của Thiên Chúa và như vậy hối nhân có thể đáp trả sự tha thứ đó bằng khả năng yêu thương sâu sắc hơn tình yêu đã có trước đó. Cũng vậy, có lẽ mỗi người nhận ra hồng ân Chúa ban cho ta nhiều hơn cả những giới hạn và tội lỗi của chúng ta, để rồi cần một sự đáp trả bằng một tình yêu lớn, tình yêu với Chúa, với Hội dòng và với nhau.

Tiếp đến, sự ra đi có khi là cần thiết để phát triển, nhìn hình ảnh cộng đoàn tiên khởi: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, để mọi của làm của chung [...] đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ [...] họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến” (Cv 2,42-47). Bức tranh toàn cảnh rất đẹp! Nhưng nếu chỉ ở một lãnh thổ, một cộng đoàn trong đất Palestine; dù là đẹp, hoàn hảo thì cũng còn quá giới hạn: “Mọi tín hữu đều đồng tâm nhất trí, thường hội họp tại hành lang Salomon. Không một ai khác dám nhập đoàn với họ” (Cv 5,12-13). Một cộng đoàn lý tưởng mà “không một ai dám nhập đoàn với họ” và nếu các tín hữu chỉ ở lại trong sự khép kín của mình, thì có lẽ giờ chúng ta vẫn chưa có cơ hội biết Chúa và đón nhận Tin Mừng. Vậy phải có ngày mà “ông Saolo thì cứ phá hoại Hội Thánh [...] vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo Lời Chúa” (Cv 8,3-4). Mỗi người mỗi ngả và nhờ đó mà Tin Mừng ngày càng được lan rộng, số tín hữu ngày càng gia tăng.

Cũng vậy, Hội dòng có ngày tách và ra đi, mới gây dựng được “ba miền: Miền Mân Côi (Thái Bình); Miền Mẹ Vô Nhiễm (Bắc Ninh), Miền Mẹ Mông Triệu (Hải Phòng) [...]. Trong tinh thần hiệp nhất - theo hướng đi của Tổng hội - các miền, các cộng đoàn và từng chị em nỗi lực xây dựng Hội dòng mỗi ngày thêm thăng tiến và phát triển” (30 năm thành lập Hội dòng, tr. 30-31).

Làm thành một Hội dòng mới, nhân sự mới, cơ cấu và đặc sủng mới, trong đức tin, ta tin rằng Chúa Thánh Thần vẫn đang làm việc và hướng dẫn để ta sống và phát triển.

Ngày 7/11/ 2012: lại một lần “lệ đẫm vai rồi,” khi mà ba từ “chia – tách - cắt” lặp lại và một Hội dòng bây giờ trở thành bốn, gọi tắt là: Rosa-Lima, Bà Rịa, Phú Cường và Bắc Ninh. “Chia” nhân sự và tài sản. “Tách” những người đã từng sống với nhau, giờ tách ra để đi về hướng khác. “Cắt” những mối tương quan: những giọt nước mắt và những đêm mất ngủ vì phải chọn lựa “đi hay ở.” Một lần quyết định như một vết “cắt,” cắt tình cảm để chọn lựa một lý tưởng, cắt quá khứ để sống hiện tại. Trong ánh nhìn đức tin, ta đang chờ đón những đồng lúa mới, những sứ vụ mới, những khao khát mới của những tâm hồn thành tâm thiện ý. Chẳng phải “chia – tách – cắt” mà là như các Tông đồ xưa lên đường từng hai người một.

Gẫm chuyện, lại phải cất lên: “Tình thương Chúa đời đời con ca tụng!” Một lần quyết định và hôm nay, ta chỉ còn lại một Hội dòng, một đặc sủng, một lòng trí, một tinh thần. Tuy nhiên, trong sự hợp nhất đó lại có sự khác biệt: khác biệt về văn hóa vùng miền và giáo dục gia đình, khác về tính cách và cảm nghĩ v.v. điều đó làm phong phú Hội dòng, như thân thể có tay, chân, mũi, tai .v.v. nhiều chi thể mà chỉ một thân thể, mỗi chi thể có cấu trúc và chức năng riêng, nhưng hợp lại với một mục đích: làm cho thân thể ngày càng toàn vẹn hơn, đẹp và tốt hơn. Hội dòng cũng vậy, mỗi người mỗi khác nhưng tất cả đều là những người “ở lại”: ở lại với Chúa, ở lại với Hội dòng và ở lại với nhau; giờ cùng chung một ý hướng: xây dựng Hội dòng ngày càng hoàn thiện, đẹp và thánh hơn. Cùng giúp nhau đạt mục đích cuối cùng như lời Chúa mời gọi: “Hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2).

Ước mong những người cùng một chọn lựa, nay cùng đan tay để xây một Hội dòng lý tưởng như sách Công Vụ miêu tả: “Các tín hữu đồng tâm nhất trí [...] chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 46-47). Đó là lời ước và cũng là chủ đích của Tổng Hội XI muốn đưa chị em đến: “Đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện.”
        
  Kết


Mừng năm thánh không là gì khác ngoài việc nhìn lại thời gian qua để tạ ơn Chúa, tri ân nhau, để thấy tình Chúa thương: Ngài đã tha nợ, đã giải thoát ta khỏi mọi ràng buộc của sự dữ, cho ta được tự do làm con cái Ngài. Đồng thời, Chúa cũng mời gọi ta hòa giải với nhau, tháo cởi những nút thắt mà ta đã buộc nhau cách nào đó. Chúa Giêsu khi đến, Ngài cũng thực thi mục đích của “năm thánh,” nhờ Thánh Thần, đó là: “Loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn [...] công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố  một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).

Vậy năm thánh không chỉ là những tổ chức long trọng, mời nhiều người tham dự Thánh Lễ và có nhiều hoạt động, nhưng còn và trên hết là củng cố sự hợp nhất trong Hội dòng, Giáo hội và xã hội; tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho ta và thiết lập mối tương quan huynh đệ, để cùng hát lên “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 106,1).  

Thư mục
     
- Nội Quy Công Vụ Tổng Hội X.

- Kỷ yếu 30 năm thành lập Hội dòng Đa Minh Roma Lisa.
- Dubost M.Et autres (1989). Théo. L’Encyclopédie catholique pour tous. Ed Droguet et Ardant Fayard.
- Rey, A. (Sous la direction). (2006). Dictionnaire historique de la langue française: Dictionnaire le Robert.

 
Nt. Catarina Thùy Dung
 
[1] Dubost M. et autres (1989). Théo. L’Encyclopédie catholique pour tous. Ed Droguet et Ardant Fayard, p. 766.
[2] Rey, A. (Sous la direction). (2006). Dictionnaire historique de la langue française : Dictionnaire le Robert, p. 1929.
[3] Nt, p. 1929.
[4] Dubost M.Et autres (1989), p. 259.
[5] 30 năm thành lập hội dòng Đa Minh Rosa-Lima, tr. 26.
114.864864865135.135135135250