07/12/2024 -

Phụng vụ

42
Câu hỏi về phụng vụ: Áo Alba và Áo Surplice
Hỏi: Tại sao áo surplice trông giống như áo alba phiên bản rút ngắn? Có phải chúng luôn như vậy không? Tôi đã thấy một số áo có cổ tròn thay vì cổ vuông. Tôi cũng đã thấy áo alba và áo surplice có phần trên phía trước (gần cổ) được buộc lại với nhau bằng dây hoặc một dây xích nhỏ, giống như áo choàng. Có quy định nào về kiểu dáng của áo surplice và áo alba ở Hoa Kỳ không? - K.K., Austin, Texas

Trả lời của Linh mục Edward McNamara, giáo sư Phụng vụ và Thần học Bí tích.

Áo surplice là một biến thể của áo alba, xuất hiện từ khoảng thế kỷ 11, được đề cập lần đầu tiên trong một khoản luật của Coyaca, Tây Ban Nha, vào năm 1050, và trong một sắc lệnh của Edward the Confessor (1042–66). 

Có lẽ nó có nguồn gốc từ thời trung cổ ở Pháp, nơi mà trong mùa đông khắc nghiệt, các ca viên trong ca đoàn phải mặc da thú để giữ ấm. Vì điều này kém thanh lịch, nên một loại áo choàng rộng hơn đã được tạo ra để mặc bên ngoài áo da (tiếng Pháp cổ là sourpelis, từ tiếng Latinh trung cổ là superpellicium, từ super - «bên trên» và pellicia - «áo lông thú»), cuối cùng trở thành áo surplice (áo các phép) như chúng ta biết ngày nay.

Những chiếc áo surplice ban đầu được làm bằng vải lanh hoặc cotton trắng, dài đến chân giống như áo alba. Tuy nhiên, tay áo rộng hơn và dài hơn để che phủ phần quần áo lông thú, và dài ít nhất 10 inch quá đầu ngón tay, tạo thành các nếp gấp dọc theo cánh tay. Cổ áo hình tròn để đầu có thể chui qua, mặc dù đôi khi nó được mở ở phía trước và được cài bằng cúc và khuy. 

Theo thời gian, nó không còn dành riêng cho ca đoàn nữa, và được mặc bên ngoài áo dòng, nó được phép thay thế áo alba trong những nghi lễ không yêu cầu mặc áo lễ hoặc áo phó tế. Vì vậy, nó trở nên khá phổ biến trong việc cử hành các bí tích và các chức năng khác của linh mục như rửa tội, chúc lành khi Chầu Thánh Thể, cho ca đoàn và đoàn rước. Thật vậy, nó được sử dụng ở hầu hết mọi nơi ngoại trừ lễ phục để cử hành Thánh lễ.

Từ thế kỷ 16 trở đi, chiếc áo này trở nên ngắn hơn, thường dài đến đầu gối, nhưng ở một số nơi nó trở nên ngắn đến mức chỉ dài đến đùi. Đã có nhiều thay đổi về kiểu cách qua nhiều thế kỷ nhưng nó vẫn duy trì màu trắng hoặc trắng ngà, cả áo alba và áo surplice đều được trang trí bằng các loại ren và thêu khác nhau.

Áo surplice cũng được sử dụng bởi những người không phải là giáo sĩ, ví dụ như người lớn và trẻ em phục vụ bàn thờ. Đối với những người phục vụ bàn thờ, đặc biệt là trẻ em, các phong tục liên quan đến áo alba hoặc áo chùng của người giúp lễ linh hoạt hơn và cho phép có nhiều màu sắc và hình thức khác nhau trong khi áo surplice về cơ bản vẫn là màu trắng. Ngoài ra, ở một số nước Bắc Âu, chẳng hạn như Ba Lan và các quốc gia Baltic, áo surplice trắng, mặc bên ngoài quần áo thường ngày mà không cần áo chùng, thường được coi là trang phục phù hợp cho thừa tác viên phục vụ bàn thờ người lớn và trẻ em.

Cần phân biệt áo surplice với áo rochet (áo ren vắn), là một loại áo tương tự được sử dụng bởi các giám mục và các giáo sĩ cấp cao khác. Áo rochet được mặc bên dưới áo mozzetta (áo tím choàng vai của giám mục) và bên ngoài áo dòng. Nó là một loại áo bằng vải lanh trắng giống áo surplice chỉ khác ở chỗ tay áo ôm sát hơn thay vì rộng như áo surplice.

Luật phụng vụ hiện hành liên quan đến việc sử dụng áo surplice được tìm thấy trong một số sách phụng vụ. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma nói như sau về trang phục thánh của các thừa tác viên trong Thánh lễ:

114. Vì chưng, các linh mục tham dự Thánh lễ, nếu không có lý do chính đáng miễn trừ, thì nên thi hành nhiệm vụ chức thánh của mình như thường lệ, và do đó, mặc áo lễ tham dự với tư cách đồng tế. Nếu không đồng tế, thì mặc áo riêng của mỗi kinh sĩ đoàn khi cử hành phụng vụ hoặc áo surplice bên ngoài áo dòng.

336. Phẩm phục chung cho các thừa tác viên có chức thánh và các thừa tác viên đã được thiết lập thuộc bất cứ cấp bậc nào là áo trắng dài, có dây thắt ngang lưng, trừ phi áo đã được may sát vào người, không cần dây lưng. Trước khi mặc áo trắng dài, nếu áo này không che kín cổ áo thường, thì dùng khăn vai. Áo surplice không thể thay cho áo alba dù mặc ngoài áo dòng (chùng thâm), khi phải mặc áo lễ hay mặc áo phó tế, hay khi theo luật chỉ mang dây các phép mà không mặc áo lễ hoặc áo phó tế.

339. Các thừa tác viên giúp lễ, đọc sách, và các thừa tác viên giáo dân khác có thể mặc áo trắng dài hay một kiểu áo khác được Hội đồng Giám mục chấp thuận cách hợp pháp (xem số 390).

Các tài liệu khác, chẳng hạn như Nghi thức Giám mục, chỉ ra rằng người chưởng nghi thường sử dụng áo surplice bên ngoài áo chùng của mình, và các sách nghi lễ khác hầu hết cho phép sử dụng áo surplice và áo chùng thay thế cho áo alba.

Mặc dù có thể có một số quy định của giáo phận địa phương liên quan đến kiểu dáng và đường may của áo surplice và các lễ phục phụng vụ khác, nhưng không có quy tắc chung nào thực sự. Về cơ bản, tùy thuộc vào sự lựa chọn cá nhân của thừa tác viên về loại áo surplice mà người đó sử dụng. 

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ trích một số linh mục dường như gắn bó với thứ mà ngài gọi là “ren của bà ngoại”, có lẽ ám chỉ những chiếc áo alba và áo surplice gần như trong suốt phổ biến trong thời kỳ trước đó. Qua điều này, ngài khuyến nghị sử dụng các kiểu dáng đơn giản hơn phổ biến ngày nay, tuy nhiên ngài không thiết lập bất kỳ lệnh cấm hợp pháp nào.

114.864864865135.135135135250