CÂU HỎI: Các lễ sinh có thể rước thánh giá và nến vào cuối Thánh lễ không? Ngoài ra, những người đọc sách, giúp lễ và các thừa tác viên khác tham gia cuộc rước đầu lễ, họ có buộc phải tham gia vào cuộc rước cuối Thánh Lễ không? — S.T., Mumbai, Ấn Độ
TRẢ LỜI: Điểm này được giải quyết một cách tổng quát trong số 193 của Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (SLRM).
193. “Khi Thánh lễ kết thúc, thầy giúp lễ và các thừa tác viên khác cùng với phó tế và linh mục làm thành đoàn rước trở về phòng thánh theo cùng một cách và thứ tự như khi đi ra bàn thờ”.
Tuy nhiên, nguyên tắc chung này không đi sâu vào các chi tiết có thể xảy ra, và ta thường hiểu rằng không phải tất cả những người tham gia cuộc rước đầu lễ nhất thiết phải tham gia cuộc rước cuối lễ.
Hiện nay, người đọc sách và các thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường tham gia vào cuộc rước đầu lễ nhưng không nhất thiết phải tham gia vào cuộc rước cuối lễ là điều khá phổ biến. Chẳng hạn, khi các thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường được cử đi trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân ngay sau Thánh lễ.
Như đã đề cập trong một bài viết về chủ đề này vào ngày 28 tháng 1 năm 2024, thực hành này có sự khác biệt đáng kể, chỉ trong một số trường hợp, các thừa tác viên có thể được phép tùy chọn tham gia cuộc rước cuối lễ cùng với linh mục. Thông thường, họ sẽ ra về trong im lặng sau lời nguyện hiệp lễ.
Một trường hợp khác là người cầm bình hương và người cầm tàu hương. Qui Chế Sách Lễ Rôma số 276 liệt kê những thời điểm sử dụng hương và không bao gồm cuộc rước cuối lễ. Do đó, bình hương và tàu hương không được sử dụng trong cuộc rước cuối lễ.
Thông thường trong hầu hết các Thánh lễ trọng thể, sau khi kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể, người cầm tàu hương và cầm nến đi đến một nơi thích hợp bên ngoài cung thánh. Nến sẽ được tắt và bình hương sẽ được cất đi. Trong một số trường hợp, người phụ trách phòng thánh lấy than ra khỏi bình hương để tránh tình trạng than tiếp tục cháy gây khó khăn cho việc vệ sinh sau này. Sau khi để lại nến và bình hương, những người giúp lễ trở về vị trí của họ.
Điều này có nghĩa là vào cuối Thánh lễ, mặc dù họ vẫn tham gia vào đoàn rước, nhưng họ đứng ở một vị trí khác và không còn dẫn đầu đoàn rước nữa.
Điểm này được Đức Giám mục Peter J. Elliott miêu tả rõ ràng trong tập sách hướng dẫn Nghi thức phụng vụ Rôma hiện đại (Ceremonies of the Modern Roman Rite). Trong số 412, ngài viết:
"Sau khi ban phép lành, phó tế giải tán cộng đoàn. Quay mặt về phía cộng đoàn, ngài nói (hát) lời giải tán với hai tay chắp lại, sử dụng một trong những công thức được quy định. Sau khi cộng đoàn đáp lại, chủ tế và phó tế đi đến bàn thờ. Họ hôn bàn thờ rồi đi đến khu vực trước bàn thờ, nơi đoàn rước đang xếp hàng. Vị chưởng nghi hoặc một người giúp lễ có thể mang sách Tin Mừng đến cho phó tế để ngài có thể mang theo trong đoàn rước. Khi vị chưởng nghi ra hiệu, mọi người cúi đầu thật sâu trước bàn thờ hoặc quỳ gối nếu nhà tạm đặt trong cung thánh, không mang theo bất cứ thứ gì theo mình. Đoàn rước rời đi theo cùng thứ tự như khi vào, ngoại trừ người cầm bình hương (và cầm tàu hương) đi theo người cầm thánh giá và người cầm nến, nhưng không mang theo bình hương. Trong suốt cuộc rước, có thể hát thánh ca kết thúc hoặc chơi nhạc, tùy theo dịp lễ hoặc truyền thống địa phương".
Tác giả còn đưa thêm lời giải thích trong phần chú thích:
"Nhiều tác giả được chuẩn nhận chia rẽ về việc người cầm bình hương có nên dẫn đầu cuộc rước khi không mang theo bình hương hay không. Về điểm nhỏ này, có vẻ hợp lý, khi người cầm bình hương dừng hoạt động thì nên gia nhập vào hàng ngũ của những người giúp lễ phía sau thánh giá”.
Tuy nhiên, có một điểm không chính xác nhỏ trong văn bản trên, vì sách Tin Mừng không được mang trong cuộc rước cuối lễ (xem phần Giới thiệu sách Tin Mừng, số 22). Do đó, nếu phó tế phụ trách Lời Chúa đã mang sách Tin Mừng trong cuộc rước đầu lễ, thì trong cuộc rước cuối lễ, ngài sẽ đứng vào vị trí bình thường bên cạnh linh mục chủ tế.
Tóm lại, người cầm thánh giá và người cầm nến thường sẽ dẫn đầu cuộc rước cuối lễ. Các thừa tác viên sẽ theo thứ tự giống như trong cuộc rước đầu lễ nhưng có một số ngoại lệ.
G. Võ Tá Hoàng
https://epriest.com/
Nguồn: https://www.hoangcatholic.com/
https://epriest.com/
Nguồn: https://www.hoangcatholic.com/