Hỏi: Mới đây một chú giúp lễ nói với tôi rằng chú đã nhìn thấy là cây thánh giá trên ghế ngồi của Đức Thánh Cha bị đảo ngược. Đó đúng vậy không? Nếu có, tại sao? Phần tôi, tôi chưa hề nhìn thấy thánh giá nào như vậy. - D. K., Accra, Ghana
Đáp: Nếu tôi không lầm, chắc là chú giúp lễ ấy đã nhìn thấy một thánh giá Phêrô, chứ không phải thánh giá mà chúng ta thường thấy.
Việc sử dụng biểu tượng của cây thánh giá Latinh đảo ngược bắt nguồn từ một truyền thống cổ xưa, cho rằng Thánh Phêrô đã yêu cầu được đóng đinh ngược trên cây thánh giá, vì Ngài cảm thấy không xứng đáng chết theo cách giống như Chúa của mình. Có bằng chứng viết tay về truyền thống này từ trước năm 200.
Một truyền thống tương tự là anh trai của Thánh Phêrô, Thánh Anrê, cũng yêu cầu được đóng đinh một cách đặc biệt khác. Từ cái chết của Ngài, phát sinh thánh giá hình chéo (X) của thánh Anrê. Thánh giá này được vẽ lên cờ nước Jamaica và nước Scotland, và các thánh giá Thánh George và Thánh Patrick trên lá cờ của Vương quốc Anh.
Bởi vì Đức Giáo hoàng là người kế vị của thánh Phêrô, thánh giá đảo ngược là một biểu tượng tương đối thường xuyên của Dinh tòa Phêrô, cùng với biểu tượng khác như chùm chìa khóa và mũ ba tầng. Ví dụ, một thánh giá như thế được tìm thấy trong Đền thờ thánh Phêrô trên bức tường gạch, vốn đóng Cửa Thánh cho đến Năm Thánh kế tiếp. Ngoài ra, khi ĐTC Gioan Phaolô II đến thăm Israel, Ngài đã sử dụng một ghế ngồi với hình một cây thánh giá Phêrô ở phía sau. Do đó có thể là các ghế khác của Đức Giáo hoàng lặp lại kiểu thức này.
Theo như tôi biết, khi thánh giá này được sử dụng như một biểu tượng, nó không bao giờ có ảnh chịu đóng đinh của thánh Phêrô. Đúng là Vatican có nhiều ảnh vẽ cảnh thánh Phêrô, chẳng hạn ảnh được tìm thấy trên cánh cửa trung tâm bằng đồng của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, được Filarete đúc năm 1445. Tuy nhiên, đây là các hình vẽ lịch sử hơn là biểu tượng tôn giáo.
Việc sử dụng một cây thánh giá đảo ngược với hình ảnh của Chúa Kitô lại là chuyện hoàn toàn khác. Ít nhất, đó là sự thiếu tôn trọng và thường được coi như một biểu tượng ma quỷ hoặc biểu tượng chống Kitô giáo. Chắc chắn là một số người của giới nghệ thuật đã sử dụng hình ảnh này trong các bộ phim, video âm nhạc, vỏ bao đĩa nhạc và trang phục sân khấu để trình bày Satan hoặc Phản Kitô.
Trong một số nhóm người ngoại giáo, một hình thức đặc biệt của thập giá đảo ngược có thể trình bày biểu tượng của người Iceland và Bắc Âu về cái búa của thần Thor. (ZENIT.org 13-9-2011)
Lm. Edward McNamara,
Dòng Đạo Binh Chúa Kitô,
giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum, Rôma.
Chuyển ngữ: Lm. Nguyễn Trọng Đa