01/11/2024 -

PHÚT CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY

490
Ngày 01/11 - Các Thánh - trình duyệt đọc các dấu chỉ thời đại...
CÁC THÁNH
“TRÌNH DUYỆT” ĐỌC CÁC DẤU CHỈ THỜI ĐẠI và  
“PHẦN MỀM” ĐÁP ỨNG CÁC VẤN ĐỀ THỜI ĐẠI  ẤY
***
 
Tông huấn Đời sống Thánh hiến (Vita consecrata) số 35 đã nhấn mạnh cho các người sống đời thánh hiến rằng: Đòi hỏi hoán cải và nên thánh trước tiên liên hệ đến đời thánh hiến… Vì đã được kêu gọi chiêm ngưỡng và làm chứng cho dung nhan biến hình của Đức Kitô, những người tận hiến cũng được kêu gọi sống một cuộc đời “được biến hình” (Một cuộc đời “được biến hình”: lời gọi nên thánh)[1]“Suốt dòng lịch sử của Giáo hội, các thánh nam nữ luôn luôn là một nguồn mạch từ đó phát ra bao đổi mới trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Ngày hôm nay, chúng ta rất cần những vị thánh và chúng ta không ngừng cầu xin Thiên Chúa ban những vị thánh.”[2]

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông thư gửi những người sống đời thánh hiến nhân Năm Đời sống Thánh hiến[3] đã viết: Tôi ngỏ lời với toàn dân Kitô giáo hãy ý thức hơn ân huệ của sự hiện diện của biết bao người tận hiến, nối tiếp những đại thánh đã làm nên lịch sử của Kitô giáo. “Giáo hội sẽ ra thế nào nếu không có thánh Biển đức và thánh Basiliô, nếu không có thánh Augustinô và thánh Bênađô, nếu không có thánh Phanxicô và thánh Đa Minh, nếu không có thánh Inhaxiô Loyola và thánh Têrêsa Avila, nếu không có thánh Angela Merici và thánh Vinh Sơn Phaolô. Danh sách hầu như bất tận, cho đến thánh Gioan Bosco, chân phước Têrêsa Avila? Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: ‘Nếu không có dấu chỉ cụ thể này, đức mến hun nóng toàn Giáo hội có nguy cơ sẽ nguội đi, sự nghịch lý cứu độ của Tin mừng sẽ cùn đi, ‘muối’ đức tin sẽ hoà tan trong một thế giới trên đường tục hóa’. (Evangelica testificatio, 3)[4]

Như vậy, các vấn đề dành cho người sống đời thánh hiến được nêu bật ở đây:
 
Một là, người sống đời thánh hiến được mời gọi biến hình nghĩa là hoán cải và nên thánh.
Hai là, mọi thành phần trong Giáo hội cần chân nhận các vị thánh sống đời thánh hiến đã đóng góp nhiều những đổi mới cho Giáo hội dọc suốt chiều dài lịch sử.
Chiêm ngắm mẫu gương các vị thánh qua từng giai đoạn của lịch sử Giáo hội để ta thấy các ngài đã là những “trình duyệt” tuyệt vời đọc ra các dấu chỉ thời đại, đồng thời các ngài cũng tìm ra cách thế như những “phần mềm” hữu dụng đáp ứng lại các dấu chỉ ấy qua linh đạo mà các ngài thực hiện. Chiêm ngắm mẫu gương của các vị thánh qua từng giai đoạn lịch sử để những người sống đời thánh hiến chúng ta cũng bắt đầu cuộc hành trình lên núi Tabo để “được biến hình” và rồi cùng theo chân Thầy Giêsu lên tới đỉnh đồi Canvê trong tư cách là người môn đệ, là các vị thánh tiên phong của Giáo hội làm cho “muối đức tin” của Giáo hội “không bị nhạt” đi.

Đến lượt mình, mỗi người sống đời thánh hiến theo cách chung hay cách riêng hãy rèn luyện mình để làm sao luôn đọc ra được các dấu chỉ thời đại; đồng thời hãy sáng tạo ra cách thức đáp ứng lại các dấu chỉ ấy, chung tay góp phần đánh thức Giáo hội như các vị thánh trong suốt chiều dài lịch sử hai mươi thế kỷ qua.
 

Các “trình duyệt” đọc dấu chỉ thời đại theo dòng thời gian

 

Trả lời cho câu hỏi: “Đời sống thánh hiến bắt đầu từ khi nào?” đó là một vấn đề nan giải. Thiết nghĩ, chọn ý kiến cho rằng đời sống thánh hiến Kitô giáo bắt nguồn từ Đức Kitô cho chúng ta một giải pháp tối ưu, dẫn đời sống thánh hiến của chúng ta đến mạch nguồn của sự thánh thiện. Sống đời thánh hiến là bước theo sát Chúa Kitô và nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

Dọc theo dòng thời gian, những vị ẩn sĩ, những bậc đồng trinh, những tu sĩ khổ hạnh, những vị tử đạo… nơi những ngày đầu của kỷ nguyên Kitô Giáo đã làm nên đời sống của những người theo sát Chúa Kitô. Họ đã cùng lên núi Tabo với Chúa và họ đã can đảm như những nhân chứng sống động ngay từ buổi ban sơ dưới chân thập giá.

Thế kỷ thứ III, thánh Antôn Viện phụ (251-356) một mẫu gương can đảm từ bỏ để chọn lựa để sống cho Chúa trong bậc ẩn tu qua việc bán hết gia tài và đem phân phát cho người nghèo khó, sống giữa sa mạc hoang vu,… Thế kỷ thứ IV, rực sáng lên với hình ảnh Thánh Basiliô (329-379), người đã can trường để bảo vệ đức tin chân chính và giao hòa hai Giáo hội Đông Phương và Tây Phương bị chia rẽ vì những cuộc tranh luận về tín lý và vấn đề cá nhân. Thánh Athanaxiô (297-373) đã góp công trong Công đồng chung thứ nhất tại Nicêa với ý tưởng: “Ngôi lời đồng bản thể với Chúa Cha.” Thế kỷ thứ V, Thánh Biển Đức (Bênêđictô) (480-547) đã tạo ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tu trì của Giáo hội. Theo luật sống này, một ngày của tu sĩ được phân phối cho ba hoạt động chính là cầu nguyện, học hành và lao động nhưng ngài đã sắp đặt trật tự ưu tiên đúng với bản chất của nó: “Tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô.”  Thế kỷ thứ VII, Thánh Bêđa (673-735) đã có những trải nghiệm cuộc sống của người thi hành tác vụ đặc biệt trong lãnh vực tri thức như viết lách, đọc sách hay giảng dạy… Ngài đáp ứng lời Chúa mời gọi thưởng thức thời khắc hiện tại, chứ không chỉ chuẩn bị cho tương lai. Ngài dùng các năng lực của mình vào những điều tốt lành, vun xới tình huynh đệ, học theo Đức Giêsu và tận dụng những niềm vui bé nhỏ của đời sống để phục vụ. Thế kỷ thứ XI, Thánh Bênađô (1090-1153) không ngại cất bước khắp châu Âu để xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo hội.  Bênađô chú tâm hướng dẫn các thành viên của đan viện đến tầm quan trọng của tinh thần khổ chế trong việc ăn uống, phục sức; ngài củng cố cơ cấu của đan viện; ngài đã có công canh tân nếp sống đan tu...

Sang những thế kỷ sau, nếp sống đan tu dường như không đáp ứng được hoàn toàn mọi chiều kích trong đời sống Giáo hội. Thế kỷ XII, Thánh Đa Minh (1170-1221) là thành viên của kinh sĩ hội Osma, được ơn soi sáng nhạy bén với các dấu chỉ thời đại. Ngài lãnh nhận cho mình và cho Dòng mình nhiệm vụ giảng Lời Chúa, một nhiệm vụ thời ấy chỉ dành riêng cho các giám mục. Ngài nhận thấy tình trạng nguy biến của Giáo hội khi xuất hiện các người lạc giáo; ngài thấy các phương pháp trình bày giáo lý đức tin lúc ấy ít phù hợp; ngài thấy lối sống phản chứng của các giáo sĩ lúc bấy giờ;… Ngài nhìn nhận các giá trị và sự đóng góp cộng tác cho việc loan báo Tin Mừng của các thành phần khác trong Giáo hội. Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226) khám phá ra ơn gọi sống đời tông đồ nghèo khó. Ngài là mẫu gương tuyệt vời cho việc tôn trọng những gì yếu đuối và cho một sinh thái được sống cách trọn vẹn đầy niềm vui đích thực. Ngài cho thấy một sự chú tâm đối với sáng tạo của Thiên Chúa và đối những kẻ nghèo hèn cô đơn nhất. Ngài liên kết tất cả việc chăm sóc thiên nhiên, sự công bằng với kẻ nghèo, việc dấn thân cho xã hội và bình an nội tâm vào một điểm gắn kết chung với nhau, không thể phân ly.

Thế kỷ XVI, Thánh Inhaxiô Lôyôla (1491-1556) được Thiên Chúa soi sáng, hướng dẫn phác hoạ một linh đạo về “sự phân định” và đòi hỏi làm mọi sự để “vinh danh Chúa hơn.” Thánh Gioan Thiên Chúa (1494-1550) thấu cảm sâu sắc những nỗi thống khổ của tha nhân. Ngài đã đi bước trước để thành lập “cộng đoàn anh em bệnh viện” và mở một nhà thương chăm sóc bệnh nhân. Lòng nhân ái của ngài tiếp tục tạo ra hấp lực và lan tỏa tới những tâm hồn khác cho tới ngày nay. Thánh Têrêsa Avila (1515-1582) đạt tới tột đỉnh cuộc chiến đấu chống lại các yếu đuối của bản thân. Têrêsa Avila cảm thấy hết sức đau buồn vì đã chưa yêu mến Chúa cho đủ, chị đã hoán cải để bước vào một đời sống sốt mến nồng cháy tràn đầy kinh nghiệm thần bí. Ngài đã vượt qua những thách đố của thời đại hôm nay bằng việc trở lại lâu đài nội tâm của mình, gặp gỡ Chúa, hoàn thiện bản thân và xây dựng xã hội cũng như Giáo hội. Cùng thời với ngài, Thánh Gioan Thánh Giá (1542-1591) đã làm cuộc “cách mạng nên thánh.” Ngài quan niệm rằng, mỗi người “theo cách của riêng mình” diễn tả ân sủng của Thiên Chúa. Vì sự sống của Thiên Chúa được truyền đạt “cho một số người theo cách này và cho những người khác theo cách khác.” Cuộc đời của ngài như là một cuộc cách mạng trên con đường nên thánh. Ngài không trở nên một bản sao của một vị thánh. Ngài đã hiến dâng cho Thiên Chúa trong niềm vui sáng tạo độc đáo.

Thế kỷ XVII, Thánh Vinh Sơn Phaolô (1581-1660) xuất hiện như là mẫu gương hoàn hảo về việc sống đức bác ái như Chúa Kitô dạy, luôn sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn. Ngài nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi bất cứ ai đang gặp đau khổ. Thánh Gioan Baotixita Lasan (1651-1719) là người được mời gọi tham gia vào sứ vụ giáo dục thanh thiếu niên bằng việc mở các trường học và thực thi sứ vụ giáo dục. Ngài đổi mới phương pháp giảng dạy, dùng tiếng địa phương thay cho tiếng Latinh để chuyển trao tri thức và rèn luyện đức tin cho các bạn trẻ.Thánh Luy Maria Grignion Montfort (1673–1716) nổi tiếng nhất với việc sùng kính Mẹ Maria - cổ võ đọc kinh Mân Côi. Ngài đã lập ra Hội Mân Côi kính Đức Mẹ ở rất nhiều nơi. Ngài đã tuyển chọn nhiều thành phần ưu tú trong giáo dân để cộng tác với ngài truyền bá và duy trì các Hội Mân Côi đã thành lập.

Thế kỷ XVIII, Thánh Alphongsô Ligôri (1696-1787) đã chăm lo đào tạo các thừa sai nhằm gởi đi phục vụ các bệnh nhân và giảng dạy về Chúa cho giới bình dân. Ngài thành lập Dòng Chúa Cứu Thế - một hội dòng mục đích truyền giáo cho các dân miền quê, đặc biệt là cho giới bình dân.

Thế kỷ XIX, Thánh Phêrô Julianô Eymard (1811-1868) đã đánh thức thế giới về lý tưởng làm bạn với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài được trao cho biết danh là “Đại Tông đồ Thánh Thể.” Cùng thời với ngài, Thá nh Gioan Bosco (1815-1888) đã sống đời tận hiến phục vụ trọn vẹn cho giới trẻ. Chính tình yêu như một người cha đối với giới trẻ đã thúc đẩy ngài khám phá ra phương pháp giáo dục chúng.Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-1897)   với cuộc đời ngắn ngủi trong bốn bức tường Dòng kín, đã trao tặng cho Giáo hội một con đường tu đức mới lạ, con đường thơ ấu thiêng liêng. Con đường ấy dường như đã bỏ qua hết những điều thường có trong việc nên thánh. 
Thánh Piô Piêtrelcina (năm dấu) (1887-1968) được một ơn đặc biệt là trở nên giống Đức Chúa Giêsu hơn bằng cách cảm nhận những dấu đinh của Chúa ẩn trong tay - chân và vết thương của lưỡi đòng nơi cạnh sườn một cách vô hình. Thánh nhân đã làm cho thế giới khâm phục bằng một cuộc sống hoàn toàn dành cho việc cầu nguyện và lắng nghe anh chị em... Ai đã đến để tham dự thánh lễ cha Piô dâng, để xin Cha lời khuyên hay để xưng tội, đều nhìn thấy nơi Cha một hình ảnh sống động của Chúa Kitô chịu đau khổ và Phục Sinh.
[5]

Thế kỷ XX, một thế kỷ bắt đầu với những tiến bộ khoa học vượt bậc. Thánh Nữ Faustina Kowalska (1905-1938) quay trở lại với nội tâm cõi lòng, đã đánh thức thế giới trở về với lòng Thương Xót của Chúa. Thánh Faustina hiểu rằng sự khốn khổ của con người không thể sánh với Lòng Thương Xót không ngừng tuôn tràn từ trái tim của Chúa Kitô. Do đó, thánh nữ đã trở thành nguồn cảm hứng cho một phong trào loan báo và cầu khẩn Lòng Chúa Thương Xót trên toàn thế giới.

Trái lại với bốn bức tường dòng kín, Thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997) đã mở cánh cửa đi ra với thế giới, làm nên một thương hiệu nổi tiếng có gắn “logo là trái tim yêu thương của Chúa Giêsu.” Thương hiệu ấy mời gọi mọi người sống giữa xã hội và thế giới biết mang Tin Mừng cho khắp mọi nơi, hoạt động vì sự lớn mạnh của hòa bình, hòa hợp, công bằng, nhân quyền và lòng thương xót,... xây dựng văn hóa của sự gặp gỡ sẻ chia bằng các việc bác ái xã hội, chăm lo cho người nghèo.

Thế kỷ XXI, tiến trình toàn cầu hoá được mở ra, một đàng ta lo sợ Giáo hội không còn các vị thánh, đặc biệt là các thánh sống trong bậc tu trì. Nhưng không, hàng năm, vẫn có những cuộc lễ phong thánh và trong danh sách các vị thánh vẫn nổi bật lên tên tuổi của những người sống đời thánh hiến.

 

Viết tiếp “chương trình” – làm mới các “trình duyệt”

 

Lược qua lịch sử để thấy các vị thánh sống đời dâng hiến đã rất nhạy bén trong việc nhận ra các dấu chỉ thời đại. Không những thế các ngài còn sáng tạo tìm ra các phương thức để đáp ứng lại các dấu chỉ ấy.

Sống trong lòng Giáo hội, chúng ta luôn được mời gọi nên thánh ngay cả khi chúng ta mới bước theo Chúa trong ơn gọi làm Kitô hữu. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Tôi muốn nhấn mạnh cách chủ yếu đến lời mời gọi nên thánh mà Chúa nói với mỗi người trong chúng ta, lời mời gọi mà Người cũng nói, một cách cá nhân, với từng người: ‘Hãy nên thánh, vì Ta là thánh’ (Lv 11,44; 1Pr 1,16).  Công đồng Vaticanô II đã nói rõ điều này: ‘Được củng cố bởi rất nhiều phương tiện cứu rỗi lớn lao như thế, tất cả mọi tín hữu, bất kể ở điều kiện hay bậc sống nào đều được Chúa mời gọi – mỗi người theo cách của riêng mình - đến sự thánh thiện trọn lành như chính Đức Chúa Cha là Đấng trọn lành’.”
[6]

 “Mỗi người theo cách riêng của mình,” chúng ta không nên nản chí trước các mẫu gương thánh thiện có vẻ như không thể đạt được. Có một số chứng từ có thể hữu ích và gợi hứng cho chúng ta, nhưng không phải là để chúng ta sao chép, vì điều ấy thậm chí có thể dẫn chúng ta đi sai con đường riêng mà Chúa có ý dành cho chúng ta. Điều quan trọng là mỗi tín hữu nhận ra con đường riêng của chính mình, là họ nói lên những điều tốt nhất của chính mình, những hồng ân cá nhân nhất mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng họ (x. 1Cr 12,7).[ 7]

Cách riêng với những người sống đời thánh hiến, Tông huấn Đời sống Thánh hiến[8] gợi mở các phương thức để người thánh hiến viết tiếp “chương trình” – làm mới các “trình duyệt” “nhận ra” các dấu chỉ thời đại trên con đường nên thánh:

Trước hết, hãy can đảm tìm lại tinh thần xông xáo dám nghĩ dám làm, óc sáng tạo và sự thánh thiện của các đấng sáng lập, để đáp trả những “thời điểm” đang xuất hiện trong thế giới ngày nay. Lời mời gọi này tiên vàn nhắm đến việc kiên trì trên đường nên thánh, giữa những khó khăn vật chất và tinh thần gặp phải trong cuộc sống hằng ngày (...) Phải xác tín vững chắc rằng việc cố gắng càng ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Chúa là điều kiện cần cho việc trung thành với linh ứng nguyên thuỷ của mỗi hội dòng (...) Càng trân trọng luật dòng, những người tận hiến càng có những tiêu chuẩn chắc chắn để tìm ra những phương thức thích đáng để làm chứng, đáp ứng những đòi hỏi của thời đại mà không xa rời linh ứng nguyên thuỷ. Nói khác đi là những người sống đời thánh hiến càng giữ luật dòng họ sẽ càng có cơ hội nên thánh.

Tiếp đến, lời gọi nên thánh chỉ có thể nghe được và nuôi dưỡng trong thái độ thinh lặng thờ phượng Thiên Chúa (...) Điều này giả thiết phải hết sức trung thành với việc cầu nguyện phụng vụ và cầu nguyện cá nhân, trung thành với thời gian dành cho tâm nguyện và chiêm niệm, thờ phượng Thánh Thể, tĩnh tâm hàng tháng và linh thao.

Hơn nữa, cũng cần phải khám phá lại những phương thế khổ chế điển hình trong truyền thống thiêng liêng của Giáo Hội và của mỗi hội dòng. Các phương thế này đã và còn tiếp tục nâng đỡ vững vàng cuộc hành trình chân thực tiến đến sự thánh thiện.

Ngoài ra, cũng cần phải vạch trần và lướt thắng những chước cám dỗ đôi khi xuất hiện, do mưu mô ma quỷ, dưới những dáng vẻ bề ngoài của sự thiện (...) Vì thế, con đường nên thánh bao hàm việc chấp nhận chiến đấu thiêng liêng. Đây là một đòi hỏi mà hiện nay không phải lúc nào người ta cũng quan tâm đúng mức.

Bước theo những chỉ dạy của Tông huấn Đời sống Thánh hiến để viết tiếp “chương trình” – làm mới các “trình duyệt” “nhận ra” các dấu chỉ thời đại trên con đường nên thánh là điều cần thiết. Nhưng, thiết nghĩ, một phương thế hữu ích không thể bỏ qua đó là cùng chiêm ngắm các thánh, những người đã cất bước đi trước trong hành trình “biến hình” sẽ làm cho chúng ta can đảm và mạnh mẽ hơn khi bước theo.

 
***

Việc chiêm ngắm các thánh luôn luôn làm cho cá nhân tôi được nhắc nhở hoán cải, được khích lệ canh tân, được mời gọi sáng tạo, được gia tăng lòng yêu mến, được thôi thúc gắn kết với Đấng mà các thánh luôn quy chiếu suốt cả cuộc đời.

Việc chiêm ngắm các thánh làm cho bước chân trong đời dâng hiến nở hoa, vì ở đó trong mỗi môi trường, trong mỗi công việc, mỗi sự kiện, mỗi biến cố, tôi gặp được một vị thánh đã đi bước trước làm gương và mở ra một quan lộ để hướng dẫn tôi. Và ở đó tôi reo vui hát ca trong âm thầm cùng với các bạn thánh rất đáng yêu này.

Việc chiêm ngắm các thánh cho tôi niềm vui và ước mơ một ngày nào đó tên mình cũng được xếp vào danh sách các vị thánh, có thể chẳng rộn vang hoặc vinh dự to lớn, nhưng ở trong sự âm thầm sâu thẳm tôi đã được nên thánh, nên giống Đấng tôi tôn thờ là Đấng Thánh.

 
***


Mỗi “số” một vị thánh, một dấu chỉ và một đáp án

 

Suốt dòng lịch sử Giáo hội, hơn hai mươi thế kỷ qua, việc trình bày mẫu gương các thánh bắt đầu từ trước đến sau hay từ sau tới trước, từ gần đến xa hay từ xa lại gần, từ “thánh lớn” đến “thánh nhỏ” hay từ “thánh nhỏ” đến “thánh lớn,”  đều làm cho các cảm nghiệm dường như mang tính gò ép. Vậy nên, người viết sẽ bắt đầu bằng lời mời gọi từ trái tim mình... từ vị thánh đã và đang giúp mình hoán cải và canh tân nội tâm và cuộc đời của mình, với ước mong có ai đó đang thao thức tìm kiếm “một cuộc biến hình” gặp được người cùng nhịp, cùng con đường và cùng sứ vụ trong hành trình nên thánh. Và như thế là đủ.

Xin mượn lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Đời sống Thánh hiến để tạm dừng: Ngày nay hơn bao giờ hết, những người tận hiến cần phải cam kết hướng đến sự thánh thiện hơn nữa, hầu trợ giúp và nâng đỡ bất cứ Kitô hữu nào đi tìm kiếm sự hoàn thiện. “Vậy cần phải khơi lên trong lòng các tín hữu một khát vọng chân thành đạt tới sự thánh thiện, một ước muốn mạnh mẽ hoán cải và canh tân bản thân, trong một bầu khí cầu nguyện càng ngày càng sâu đậm hơn, và trong tình liên đới tiếp đón tha nhân, đặc biệt những kẻ túng cực nhất.”
[9] Ước mong các vị thánh sống đời thánh hiến đi bước trước sẽ nên nguồn cảm hứng cho những người thánh hiến theo sau... NÊN THÁNH, cần phải NÊN THÁNH.
 

Nt. Maria Têrêsa Bùi Thị minh Thuỳ
Hội dòng Đa Minh Rosa Lima


 
 
[1] Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tông huấn Đời sống Thánh hiến, tiêu đề mục IV, chương I.
[3] Đức Thánh Cha Phanxicô. Tông thư gửi những người sống đời thánh hiến nhân Năm Đời sống Thánh hiến. Vatican. Ngày 21/11/2014, lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ.
[4] Đức Thánh Cha Phanxicô. Tông thư gửi những người sống đời thánh hiến nhân Năm Đời sống Thánh hiến. III,2.
[5] x. Trích bài giảng của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thánh Lễ phong Chân Phước cho Cha Piô năm Dấu Thánh 02/05/1999.
[6] Đức Thánh Cha Phanxicô. Tông huấn Gaudete Et Exsultate, Về lời kêu gọi nên thánh trong thế giới hôm nay. Số 10.
[7] Sđd. Số 11.
[8] x. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 37-38.
[9] x. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 39.
114.864864865135.135135135250