03/11/2024 -

PHÚT CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY

813
Ngày 03/11 - Thánh Martinô Poret

Nếu cần tìm kiếm trong hàng chư thánh những mẫu gương uyên bác, tài giỏi về khả năng suy tư học hỏi, về kiến thức chuyên môn, về tư tưởng sâu sắc thì chắc hẳn, thánh tu sĩ Martinô sẽ hiếm khi được nhắc tên. Nhưng, dù cho “Martinô không được biết đến như một nhà trí thức hay tư tưởng thực thụ, nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa kêu gọi hết thảy chúng ta suy tư, hành động và yêu mến Người. Thánh Martinô đã không bao giờ xao lãng một lời mời gọi nào của Thiên Chúa. Lòng khiêm nhường tuyệt vời của ngài hẳn nhiên không được xây nên từ một tinh thần đơn sơ bình thường.” Tình bác ái, khả năng chữa lành bệnh tật và sự khôn ngoan trong việc hiểu biết những điều thuộc về Thiên Chúa chắc hẳn không được hình thành từ một khối óc thông minh tầm thường.[1]

Có lẽ, chính xuất phát điểm là con của một người mẹ Phi Châu nô lệ vừa được trả tự do, lại thêm phần lý lịch với biên nhận là con của “một người cha vô danh,” nên những tố chất khôn ngoan, nhanh nhạy cùng những khả năng đặc biệt nơi Martinô như bị nhạt nhòa. Và rồi, con đường tri thức cũng theo xu thế thời đại, cũng chịu ảnh hưởng, chịu tác động bởi định kiến và kỳ thị sắc tộc, nên nó rất ngắn, rất hẹp đối với những ai mang thân phận như cậu bé con lai da đen Martinô. Thật vậy, cánh cửa của trường lớp chính quy mở ra cho cậu trong thời gian khoảng một năm và sau đó khép chặt lại mãi.

Theo lối mòn của truyền thống, Martinô được gửi cho theo học nghề cắt tóc và chữa bệnh. Ngã rẽ này giờ đây trở thành con đường của tri thức, cơ hội, kỹ năng, phương tiện để ngài dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân một cách tốt nhất. Tiến xa hơn trong kinh nghiệm thiêng liêng, trong nỗ lực cố gắng học hỏi và khát khao nhận biết Thiên Chúa, Martinô phần nào đó đã giúp người khác thấu hiểu hơn những lý thuyết về Thiên Chúa một cách đầy thuyết phục.

Bước theo mẫu gương của thánh Martinô, mỗi người chúng ta nếu đứng trước cuộc đời nghiệt ngã bất công thì chúng ta đừng để mình bị nhận chìm trong sự thiếu hiểu biết, trong khổ đau, oán trách; nhưng chúng ta hãy giữ cho tâm hồn luôn rộng mở, dạt dào tình yêu, đầy sự thánh thiện, hết lòng đón nhận mọi sự trong ân sủng và bình an của Chúa. Thêm vào đó, nhờ đời sống tâm linh, nhờ sự gắn kết mật thiết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện mà chúng ta có khả năng tạo lập những đường nét tinh tế của tình mến, sự cảm thông, lòng trắc ẩn với muôn người, muôn loài và muôn vật như thánh nhân.


Trọn cuộc đời của thánh Martinô là những tháng ngày nối dài để hướng về Thiên Chúa và đáp lại cách tròn đầy lời mời gọi của Thầy Chí Thánh Giêsu: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”[2] Và khi đã hoàn trọn những cuộc đổi thay nhiệm màu về điều mà chúng ta quen gọi là “số phận” của ngài và của những ai có điều kiện gặp gỡ ngài, thánh nhân cũng hoàn tất cuộc hành trình nơi nhân thế và hân hoan trở về với Chúa khi tròn 60 tuổi (ngày 03/11/1639). Hơn 300 năm sau (năm 1962), ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII suy tôn lên bậc hiển thánh.

Với tinh thần khiêm nhường thẳm sâu cùng niềm tin vững vàng nơi Chúa, thánh Martinô đã để lại cho chúng ta vẻ đẹp của tấm lòng vàng, của sự khôn ngoan, của tri thức hiểu biết khi luôn hết tình và hết tâm phục vụ. Khơi gợi lên những điều này, chúng ta cũng đồng thời được mời gọi để nhớ đến những lời của thánh Giacôbê tông đồ khi ngài nhấn mạnh và khẳng định: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình, là cuộc đời công chính.”
[3]

Cùng nhau, chúng ta hãy chiêm ngắm vẻ đẹp này và hãy nguyện xin thánh Martinô chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta ý thức hơn về những điều Chúa gửi trao trong cuộc sống. Để từ đó, chúng ta đón nhận và sẻ chia trong sự sáng tạo, khôn ngoan và luôn ghi nhớ: “Khôn ngoan là đức tính trí tuệ cao nhất. Đức khôn ngoan chi phối các nguyên tắc hiểu biết, các nguyên nhân, kết quả của khoa học và tập trung vào những điều quan trọng nhất, mà đối với thánh Martinô, đó là những điều thuộc về Thiên Chúa.”[4]
 
Bao gồm tất cả giới răn
Tình yêu trọng nhất cội căn mọi điều.
Mar-ti-nô rất cao siêu
Yêu nhân thế nhiều, hơn chính tấm thân.
Xin tình yêu Chúa canh tân
Để yêu người thế ân cần thành tâm!


 
 
[1] Kevin Vost. Psy.D, Những con chó của Chúa, Học viện Đa Minh chuyển ngữ, tr.254.
[2] Mt 11,29
[3] Gc 3,17-18
[4] Kevin Vost. Psy.D, Những con chó của Chúa, tr.256, Học viện Đa Minh chuyển ngữ
114.864864865135.135135135250