04/11/2024 -

PHÚT CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY

2020
Ngày 04/11 - Thánh Carôlô Bôrômêô

Hôm nay Giáo hội kính nhớ thánh Carôlô Bôrômêô, một trong những lời khuyên có ý nghĩa thiết thực mà thánh nhân để lại cho chúng ta đó là: “Hãy làm mọi sự vì tình yêu, nhờ vậy, chúng ta sẽ có thể dễ dàng lướt thắng vô vàn khó khăn chắc chắn sẽ gặp phải trong đời sống hằng ngày; nhờ vậy, chúng ta sẽ có sức sinh Đức Kitô nơi bản thân mình cũng như nơi người khác.”[1]

Hãy “làm mọi sự vì tình yêu” là điều mà thánh Carôlô đã làm trong cuộc đời tại thế của ngài. Tình yêu thương bác ái được thánh nhân thể hiện qua hai cấp độ: yêu Chúa và yêu người. Với Chúa - thánh nhân hết lòng tin yêu và kính thờ, với tha nhân - ngài làm mọi việc vì yêu thương để mọi người được hạnh phúc bên Chúa. Như vậy, tình yêu thương là điều kiện tiên quyết để Đức Kitô lớn lên trong cuộc đời mỗi người và để mỗi người làm cho Chúa lớn lên nơi tất cả mọi người mà mình gặp gỡ hằng ngày. Cuộc đời của thánh Carôlô Bôrômêô đã nói lên mục tiêu đó.

Thánh Carôlô Bôrômêô sinh ngày 02/10/1538 tại Milan nước Ý, trong một gia đình quý tộc đạo đức thánh thiện, cha là Bá tước Gilbêtê Bôrômêô. Carôlô được giáo dục cả đạo đức lẫn tri thức đầy đủ và kỹ lưỡng. Cùng với sự thông minh và thánh thiện của ngài, nên năm 21 tuổi, ngài đậu hai bằng tiến sĩ: giáo luật và dân luật tại Pari, nước Pháp. Đức Giáo Hoàng Piô IV phong ngài làm Hồng Y - Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và là Tổng Giám mục Milan. Trong quyền hạn này, Ngài đã tổ chức việc triệu tập và tiến hành kỳ họp thứ ba và cuối cùng của Công đồng Tridentinô từ năm 1560–1564. Sau công đồng ngài trở về giáo phận, ngài phải đối diện với cơn khủng hoảng về đạo đức từ giáo dân đến giáo sĩ và các dòng tu. Ngài nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi, nên gương sáng và luôn luôn cầu nguyện để canh tân tất cả.

Trong công cuộc canh tân, thánh nhân bị nhiều người bất mãn chống đối. Họ tổ chức mưu sát ngài. Ngài đã viết nhiều tác phẩm có giá trị đặc biệt về mục vụ của các giám mục và việc dạy giáo lý của các cha xứ. Sau khi canh tân về đạo đức cho hàng giáo sĩ và giáo dân xong, ngài lại đối diện với nạn đói và dịch bệnh xảy ra năm 1570. Ngài kêu gọi các nhà quí tộc giúp đỡ người dân. Ít năm sau, vào 1576 bệnh dịch hạch bùng phát ở Milan. Quan chức và nhân viên quan quyền bỏ chạy vì sợ hãi bị lây nhiễm. Thánh nhân ở lại an ủi người bệnh, thành lập các bệnh viện mới. Ngài đặc biệt dùng tài sản riêng cũng như tiền quyên góp để mua quần áo, lương thực, thuốc men, lo lắng nơi ở...

Ngài cũng sai các linh mục, tu sĩ chăm sóc cả phần hồn lẫn phần xác cho các bệnh nhân và người nghèo; ngài tổ chức nhiều buổi cầu nguyện, kêu xin Chúa thương cứu vớt họ. Nhờ đó mà cơn bệnh ngặt nghèo này đã chấm dứt.

Thánh Carôlô đã dành cả cuộc đời của mình cho Chúa và cho tha nhân. Thánh nhân qua đời ngày 03/11/1584, hưởng thọ 46 tuổi. Đức Giáo Hoàng Phaolô V đã phong thánh cho ngài năm 1610.

Chiêm ngắm cuộc đời thánh Carôlô Bôrômêô chúng ta nhớ đến lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho các bạn trẻ, để thực hành đời sống theo gương thánh Carôlô Bôrômêô và nên một trong tình bạn với Chúa Giêsu: “Cho dù các bạn sống bao nhiêu trải nghiệm trong những năm tháng tuổi trẻ này, các bạn sẽ không bao giờ biết ý nghĩa sâu sắc và đầy đủ nhất của chúng trừ khi mỗi ngày các bạn gặp người bạn thân nhất của các bạn, người bạn có tên là Giêsu.”
[2] Trong tình bàn này: Nhờ hồng phúc ơn thánh của Chúa Giêsu, chúng ta được nâng cao một cách đến nỗi thực sự trở thành bạn bè của Người. Với cùng một tình yêu mà Chúa Kitô đã tuôn đổ cho chúng ta, chúng ta có thể yêu Chúa hơn và chia sẻ tình yêu của Chúa cho những người khác, với hy vọng rằng họ cũng sẽ chiếm vị trí của họ trong cộng đồng tình bạn mà Chúa Giêsu đã thiết lập.” [3]

Ước gì gương của thánh Carôlô Bôrômêô và lời mời gọi của Đức Thánh Cha thôi thúc chúng ta và đặc biệt là các bạn trẻ ý thức về chọn lựa: Hãy “sinh Đức Kitô nơi bản thân mình cũng như nơi người khác.” Xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh nhân cho chúng con được ơn này. Amen

 
 
[1] Bđ 2, Bài đọc Kinh Sách, ngày 04/11 – Lễ nhớ thánh Carôlô Bôrômêô.
[2] ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 151.
[3] ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 153.
114.864864865135.135135135250