08/09/2024 -

PHÚT CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY

1406
Ngày 09/9 - Thánh Phêrô Clave

 

Nếu như phải chọn lựa giữa yêu mình và yêu người thì có lẽ chúng ta sẽ nghiêng về phía yêu mình nhiều hơn. Sự chọn lựa này bị lệch, vì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta là phải yêu người thân cận như chính mình.[1] “Nếu chúng ta yêu chính mình thì cũng yêu mọi người như chính mình. Bao lâu còn một người duy nhất mà chúng ta yêu họ không bằng yêu mình, đó chính là chúng ta đã không yêu mình thực sự.”[2] Giờ đây, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm chân dung thánh Phêrô Clave để từng người trong chúng ta thêm nội lực mạnh mẽ sống tình yêu thương, không còn hờ hững - lãnh đạm và vô cảm nữa.

Thánh Phêrô Clave là một linh mục dòng Tên, gốc Tây Ban Nha. Khát khao mãnh liệt của ngài từ lúc còn rất trẻ là được đi truyền giáo ở Nam Mỹ. Khi được gửi tới hải cảng Colombia - một nơi tập trung rất nhiều nô lệ đang được rao bán trên những chiếc thuyền lớn, khao khát mãnh lực kia đã được thực hiện.

Cảm thương với những con người khốn khổ bệnh tật, thiếu thốn và đói khát, cha tìm đến tiếp xúc, nâng đỡ, chăm lo, tạo lập mối dây liên đới yêu thương như một người mục tử và cũng như một người anh em gần gũi thân thiết. Bên cạnh việc chia sẻ của ăn vật chất và của ăn thiêng liêng, cha còn khơi gợi lên bản chất cao quý trong đời làm con Chúa cho những anh chị em mang thân phận của người nô lệ. Cha dùng những lời giảng dạy đơn sơ đầy thuyết phục để đem về cho Chúa rất nhiều tâm hồn thiện chí.

Nhìn vào những cố gắng gửi trao yêu thương nơi cha Phêrô Clave, chúng ta ước mong cho lối sống vô cảm được thay thế bằng sự đồng cảm và cuộc đời được cải thiện nhờ tình yêu dành cho mọi đối tượng như Lev Tolstoy đã kể: “Kẻ nghèo trong linh hồn, kẻ giàu có và bị hư hỏng, kẻ lạc mất linh hồn, kẻ kiêu mạn cũng như kẻ bị tật nguyền về thể xác. Nếu có thể, chúng ta cố gắng giúp họ trong bất ccách nào, bởi vì tật nguyền về tâm linh thậm chí còn tồi tệ hơn tàn tật về thể xác. Chúng ta yêu người khác, không phải cho lợi lộc cá nhân, mà bởi vì tình yêu mang đến cho ta hạnh phúc.”
[3]

Bước đến với những người nô lệ, hòa mình vào trong cộng đồng những anh chị em ấy, cha Phêrô Clave cũng đồng thời phải nhận lấy những sự miệt thị, khinh chê, xem thường và cả sự bách hại. Thế nhưng, hoa trái ngọt ngào nơi tâm hồn tràn ngập yêu thương vẫn luôn nở rộ. Đôi chân cha dường như không biết mỏi mệt và chùn bước trên hành trình phục vụ yêu thương. Nhờ hết lòng tín thác, nhẫn nại và vững tin vào Chúa mà cha Phêrô Clave -“người tông đồ của những người nô lệ” kiên trì vượt qua bao trở ngại, gian khó và thử thách dọc đường.

Sau những năm tháng bôn ba hết tình sống gắn kết với lý tưởng đong đầy yêu thương, cha sống âm thầm trong đau bệnh suốt bốn năm cuối đời. Cha không một lời kêu than, oán trách hay phàn nàn. Và rồi, cha đã trở về với Chúa trong an bình ở tuổi 74, ngày 08/9/1654, ngày mà cả thành phố đang sống trong vô cảm phải bừng tỉnh khi mất đi một vị mục tử thánh thiện, nhiệt tâm và tốt lành. Hơn 200 năm sau (1888), Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong cha lên bậc hiển thánh.

Đắm chìm trọn vẹn trong Thiên Chúa, Cha Phêrô thực thi bác ái, sẻ chia, hy sinh và yêu thương một cách mãnh liệt vì cha đã nhận ra được hình ảnh Đức Kitô khổ đau, túng thiếu, trần trụi nơi những con người thấp kém trong xã hội. Rong ruổi trên những nẻo đường sứ vụ, Cha đã “tạo ra hạnh phúc của mình bằng cách săn sóc đến hạnh phúc của người.”
[4]

Lạy Chúa, Chúa đã chọn thánh Phêrô Clave để ngài trở nên sứ giả cho tình yêu Chúa. Nguyện xin thánh Phêrô Clave thương chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con có được tinh thần hăng say và đồng cảm như ngài trên con đường tìm kiếm Chúa nơi tha nhân. Và khi ngắm nhìn mẫu gương cuộc đời của thánh nhân, chúng con sẽ không do dự, không chần chừ trì hoãn yêu thương, không thờ ơ, vô cảm nhưng sẵn sàng dấn thân với rất nhiều bạn trẻ khác trong sáng kiến làm việc thiện nguyện, tích cực trong tư cách công dân và tinh thần liên đới xã hội.[5] Amen
 
[1] Mc 12,31.
[2] Youcat Việt Nam, tr.248.
[3] Lev Tolstoy, Suy niệm mỗi ngày một kho tàng minh triết tinh túy, tr.173.
[4] Y Phan_CMC, 1001 danh ngôn các thánh, Nxb Tôn giáo Hà Nội. Tr.116.
[5]  Christus vivid, số 170.
114.864864865135.135135135250