Thánh Martinô giám mục, sinh khoảng năm 316 trong một gia đình ngoại giáo. Ngài gia nhập quân đội Rôma ở Ý khi mới chỉ lên 15 tuổi. Dù song thân ngoại đạo, Martinô vẫn kiên quyết truy tầm về Kitô giáo. Ngài lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, sau đó bỏ binh nghiệp. Trước tiên, ngài làm đồ đệ của thánh Hilariô, ngài lập đan viện Liguygê, nước Pháp. Vì phản bác kịch liệt đối với lạc thuyết Ariô trong nhiều thành phố, ngài đã bị giam tù, sau đó ngài được trả tự do. Rồi khi được đặt làm giám mục giáo phận Tua (năm 372), ngài thành lập nhóm đan sĩ truyền giáo. Với tư cách là giám mục, thánh Martinô đã cùng với các đan sĩ truyền giáo đi giảng Tin Mừng ở các vùng quê thuộc miền Turen và các vùng phụ cận. Ngài qua đời năm 397.[1]
Tiểu sử của thánh Martinô giám mục chưa dừng lại ở đó. Chuyện kể rằng[2]: Vào một ngày tiết đông giá lạnh, Martinô cùng đồng bạn thấy một người ăn xin nằm co ro trước cổng thành phố. Áo quần mà người này đang mặc chỉ là tấm giẻ quấn trên người và ông ta đang run lên vì lạnh. Các binh lính khác thấy và họ đã bỏ đi, Martinô thấy và lòng chàng xao động, chàng thấy cần phải giúp đỡ người hành khất này. Chẳng mang theo vật gì trên người, Martinô liền cởi áo choàng, rút thanh gươm, và cắt tấm áo choàng đang mặc ra làm hai, tặng một nửa tấm áo cho người hành khất... Đêm ấy, Chúa Giêsu đã hiện ra với Martinô. Người mặc nguyên trên mình nửa manh áo mà Martinô đã cho người hành khất.
“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).[3] Lời ấy đã chiếm trọn trái tim của thánh Martinô giám mục. Lời ấy như đang rọi vào tâm hồn mỗi chúng ta trong bối cảnh đau thương hiện nay, và nên chăng người trẻ cũng để cho lời ấy biến cải mình.
Trong Tông huấn Đức Kitô đang sống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các bạn trẻ: “Sự tăng trưởng thiêng liêng của các bạn được biểu lộ trước hết bằng sự tăng trưởng của các bạn trong tình yêu huynh đệ, rộng lượng và nhân hậu.[4] Bên cạnh một số bạn trẻ thờ ơ như các người lính trong câu chuyện; chúng ta cũng cảm ơn Chúa, còn có nhiều người trẻ trong các giáo xứ, trường học, lại chẳng hề thờ ơ, họ dành thì giờ với người già và người đau yếu, họ đến thăm các khu dân cư nghèo,… những người trẻ khác tham gia vào các chương trình xã hội xây dựng nhà cửa cho người vô gia cư, hoặc phục hồi các khu vực bị ô nhiễm hoặc cung cấp nhiều loại trợ giúp cho người túng thiếu… Họ nhận ra rằng ở những nơi đó họ nhận được nhiều hơn những gì họ cho đi. Họ lớn lên trong sự khôn ngoan và trưởng thành khi họ dành thì giờ tiếp xúc với nỗi khổ đau của người khác. Lòng thương xót, óc sáng tạo và niềm hy vọng làm cho cuộc sống của họ lớn mạnh.[5]
Thánh Martinô giám mục còn là một người kiến tạo sự hòa thuận, ngài đã thấm đượm tinh thần của mối phúc thứ bảy: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Chuyện kể[6]: Bấy giờ có một việc khiến giám mục Martinô phải đi thăm giáo xứ Canđơ vì Hội thánh ấy đang bất hoà với nhau. Vì muốn tái lập sự hoà thuận, nên dù biết những ngày cuối đời của mình không còn nhiều, thánh nhân vẫn không vì thế mà từ khước ra đi. Sau một thời gian lưu lại thị trấn ấy, ngài đã tái lập được sự hoà thuận.
Nhìn về cuộc đời thánh Martinô giám mục, mỗi người chúng ta – đặc biệt là các bạn trẻ được mời gọi sống thực thi tình bác ái, xây dựng hòa thuận yêu thương, chiến đấu bảo vệ đức tin, nhiệt thành làm cho Ý Chúa được thực hiện.
Hãy nghe lời kêu mời của Đức Thánh Cha Phanxicô:[7] Tôi muốn khuyến khích tất cả các bạn trong nỗ lực này, vì tôi biết rằng, trái tim trẻ trung của các bạn muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn… Xin vui lòng, đừng để người khác làm nhân vật chủ động của sự thay đổi. Các bạn là người nắm giữ tương lai! Qua các bạn, tương lai đi vào thế giới. Các bạn hãy là nhân vật chủ động của việc biến đổi này… Hãy tiếp tục đánh phá sự lãnh đạm... Hãy vào cuộc như Chúa Giêsu đã từng làm… Hãy đấu tranh vì lợi ích chung, hãy phục vụ người nghèo, hãy là các nhân vật chủ động của cuộc cách mạng bác ái và phục vụ, hãy chống lại các bệnh lý của chủ nghĩa hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân hời hợt.
Lạy Chúa, xưa thánh giám mục Máctinô đã làm vinh danh Chúa khi còn sống cũng như lúc qua đời, nay xin Chúa cũng ban cho chúng con những hồng ân kỳ diệu, để chúng con cũng luôn biết làm sáng danh Chúa. Amen
[1] Các Giờ Kinh Phụng vụ. https://ktcgkpv.org/readings/prayer. Ngày 11/11.
[2] Susan Helen Wallace, FSP. “Các Thánh dành cho bạn trẻ” ngày 11/11. http://www.tinmung.net/CACTHANH/CACTHANHindex.htm
[3] Gc 2,13: “Vì Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót. Còn ai thương xót, thì chẳng quan tâm đến việc xét xử.”
[4] ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 163.
[5] ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 171-174.
[6] Trích thư của sử gia Xunpixiô Xêvêrô. “Thánh Martinô, con người khó nghèo và khiêm tốn.” Bđ 2 – Bđ Kinh sách ngày 11/11.
[7] Lược trích ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 174.