Lục địa Á Châu rộng lớn của chúng ta hôm nay được biết đến Tin Mừng là nhờ công khó của các nhà truyền giáo. Tuy nhiên, đã trải qua hơn nửa thiên niên kỷ, mà số lượng người theo Đạo tại đất nước Trung Hoa rộng lớn lại hết sức khiêm tốn. Lý do là vì những khác biệt về triết lý đông – tây, về những tổ chức xã hội và truyền thống tôn giáo lâu đời khác đã bám rễ rất sâu trong lòng dân chúng, cùng với não trạng cực đoan bảo thủ,… đã khiến cho người dân ở vùng đất này không đón nhận Tin Mừng, vì họ sợ phản lại với truyền thống của dân tộc. Điều này đã gây ra bao khổ đau và hy sinh cho các nhà truyền giáo. Hôm nay chúng ta cùng chiêm ngắm thánh Perboyre - một khuôn mặt truyền giáo đã hy sinh vì đạo Chúa trên mảnh đất Trung Hoa thế kỷ thứ XIX. Chúng ta cầu nguyện một cách đặc biệt cho đất nước này, một đất nước đang trải qua nhiều khó khăn về dịch bệnh, kinh tế, thiên tai… và những xung đột do khó chấp nhận các khác biệt về tôn giáo.
Thánh Perboyre sinh ngày 06 tháng giêng năm 1802, trong một gia đình nông dân lao động ở Quercy phía Tây Nam nước Pháp. Ngài có hai người anh và hai người chị đều ở trong Tu hội Vinh Sơn - Phaolô. Perboyre gia nhập dòng Lazarist (còn gọi là thánh Vinh Sơn) và được lãnh chức linh mục ở Paris năm (1825) 23 tuổi.
Sau khi làm linh mục, cha Perboyre đã giữ nhiều chức vụ trong nhà dòng mười năm, rồi được gởi đi truyền giáo tại Trung Hoa. Ngài học tiếng bản xứ, ăn mặc như người Trung hoa, cố gắng hòa đồng với những tục lệ điạ phương. Sau đó đến truyền đạo ở Kiang-Si, một miền núi nơi cấm người Tây phương đến trú ngụ. Cha Perboyre ngày đêm cầu nguyện và ước mong được tử đạo để làm chứng cho Tin Mừng. Sau bốn năm rao giảng Tin Mừng, Hoàng đế Càn Long ra sắc lệnh cấm đạo. Tuy nhiên, cha vẫn tiếp tục ẩn náu để giảng đạo.
Ngày 16/9/1840, cha bị bắt. Ngài bị đánh đập dã man, tay chân bị trói vào cột gỗ, và bị khắc trên trán dòng chữ “Tây Phương Tả Đạo” bằng đầu sắt nung đỏ. Những cuộc hành hạ kéo dài hàng tháng cuối cùng chúng đem đóng đinh cha ở Ou-Tchang-Fou vào ngày 11/9/1840. Một viên quan đã đề nghị cho cha Perboyre được tự do nếu ngài chịu bước qua Thánh giá. Cha can đảm không chịu lùi bước nên chúng càng hành hạ cha thật độc ác với nhiều phương cách mà chúng có thể tưởng tượng ra. Chúng đánh ngài bằng roi tre đập dập, làm cho da thịt cắt ra từng mảnh; chúng bắt uống máu chó vì chúng tin máu chó trừ quỷ. Cuối cùng, lúc treo ngài trên thánh giá chúng còn đánh đập tàn nhẫn cho đến trút hơi thở cuối cùng.
Trong Tông huấn Đức Kitô đang sống các số từ 175 đến 178, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi người trẻ hãy trở thành những nhà truyền giáo can đảm: hãy làm chứng nhân Tin Mừng bất cứ nơi đâu qua cách sống; hãy học cách bơi ngược dòng và chia sẻ niềm tin vào Chúa Giêsu cho người khác…
Chiêm ngắm cuộc đời truyền giáo của thánh Perboyre chúng ta cùng cầu nguyện cho công việc truyền giáo hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn ở đất nước rộng lớn nhưng bảo thủ này. Sứ mạng truyền giáo mà Chúa Kitô mời gọi qua các tông đồ và bao chứng nhân anh dũng, vẫn đang là lời mời gọi cấp bách đối với mọi Kitô hữu cách riêng là những người trẻ chúng ta hôm nay. Với tâm tình ấy, chúng ta cùng cầu nguyện:
Lạy Chúa vì yêu thương chúng con, Chúa đã xây dựng Giáo hội ở trần gian như dấu chỉ của ơn cứu độ. Xin Chúa thương ban và gìn giữ Giáo hội bền vững và phát triển trong tình thương của Chúa. Chúa cũng trao cho mỗi người chúng con sứ mạng làm cho Giáo hội Chúa được phát triển và lan rộng khắp hoàn cầu. Nhìn đến Giáo hội của Chúa đang hiện hữu nơi vùng đất Trung Hoa rộng lớn này, chúng con cảm thấy lòng mình đau đáu và thổn thức khôn nguôi, vì còn biết bao người chưa được nghe loan báo Tin Mừng của Chúa, còn rất nhiều nhà thừa sai phải sống âm thầm vì chính quyền không muốn họ hiện diện. Chúng con trao phó cho Chúa những chiến sĩ anh dũng, kiên cường trên mặt trận khốc liệt này. Chúng con cũng vững dạ tin rằng hạt giống đã gieo trong mục nát và đau thương, như hạt giống chứng nhân là thánh Perboyre, sẽ mang về mùa lúa bội thu. Chúng con khao khát cộng tác với Giáo hội làm cho cho hạt giống Tin Mừng được lớn lên, ít là bằng lời cầu nguyện thiết tha từ sâu thẳm cõi lòng chúng con trong giờ phút này. Amen