12/11/2024 -

PHÚT CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY

243
Ngày 12/11 - Thánh Giôsaphát

Ngày 12/11

Thánh Giôsaphát (1580-1623)[1]

Giám mục – Tử đạo
Chiến tranh Ucraina và sự hiệp nhất trong Giáo hội
[2]


Cuộc chiến tranh xâm lược tại Ucraina vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh có lẽ rất nhiều. Hôm nay, chúng ta hướng đến thánh Giôsaphát một vị thánh xuất thân từ Ucraina – một vị thánh chịu tử đạo vào giai đoạn Ucraina cũng có những cuộc chiến trước đây bốn thế kỷ, xin ngài phù trợ, xin ngài chuyển cầu để Chúa thương trông đến đất nước – con người và cuộc sống tại Ucraina.

Thánh Giôsaphát sinh khoảng năm 1580 ở Wolodymyr (Ucraina) trong một gia đình qúy tộc theo Chính Thống giáo. Ngay từ lúc còn trẻ, Giôsaphát đã gắn bó với Giáo hội Ucraina hiệp nhất với Tòa thánh Rôma và các Đức Giáo hoàng. Ngài vào tu trong dòng của thánh Basiliô, một dòng tu gắn bó với sự tái thống nhất với Giáo hội Rôma. Ngài tin rằng chỉ có các tu sĩ khổ hạnh và những người thấm nhuần phụng vụ mới có thể đưa các anh em Ruthènes ly khai trở về hiệp nhất với Hội thánh Công giáo. Ngài rất hy sinh, can đảm và dấn thân cống hiến cho sự hiệp nhất này của Giáo hội. Tưởng cũng nên nói thêm rằng, có ba thành phần Kitô hữu chính thức ở đất nước Ucraina: các Kitô hữu theo Giáo hội Công giáo Latinh - hợp nhất với Đức Giáo hoàng; các Kitô hữu theo Giáo hội Chính Thống Hy Lạp và các Kitô hữu theo Giáo hội Công giáo Hy Lạp. Vì thế, sứ vụ phục vụ cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô là điều cần thiết và quan trọng.

Trung thành và yêu mến Giáo hội, nên khi Giôsaphát được làm giám mục năm 1617, ngài đã viết một khảo luận hộ giáo, trong đó ngài bênh vực sự hiệp nhất của Hội thánh. Ngài soạn cuốn Giáo lý cơ bản để dạy cho dân chúng. Ngài dấn thân không mỏi mệt cho việc rao giảng, cải cách, tổ chức các Thượng Hội đồng, công bố những sắc lệnh của các Thượng Hội đồng, và cũng đưa ra những hình phạt chống lại những giáo sĩ bất xứng. Ngài ra sức hướng dẫn giáo dân hiểu biết và yêu mến đức tin Công giáo. Ngài tổ chức những buổi cầu nguyện và những lớp giáo lý nhằm giúp dân chúng sống thân mật hơn với Chúa Giêsu. Những hoạt động cải cách của ngài đã khơi dậy những phản ứng quyết liệt của giới quý tộc Ruthènes, vì họ thấy họ bị đe doạ mất hết những đặc quyền của giới quý tộc. Tuy nhiên, các quyền lợi của người Ruthènes hiệp nhất với Giáo hội Công giáo thì được ngài bênh vực. Vì thế, giới quý tộc chống đối ngài, chống đối việc du nhập các tập tục Công giáo Latinh và họ không thích có những thay đổi. Cuộc tấn công chống lại thánh Giôsaphát khởi sự từ giáo chủ của Giêrusalem; vị này đã đến Ucraina năm 1621, ông đã truyền chức cho các giám mục ly giáo ở Ruthènes, lại còn liên kết với thủ tướng của Lituaniê chống lại thánh Giôsaphát.

Nhiệt tình với sự hiệp nhất trong Giáo hội, nhưng thánh nhân bị tố cáo là phá hoại hoà bình xã hội, nên ngài đã bị sát hại một cách rất dã man đang khi ngài trở về nhà, sau khi tham dự phụng vụ ở nhà thờ lớn Vitebsk trong một cuộc kinh lý mục vụ ngày 12/11/1623. Thi thể ngài bị ném xuống sông Dvina. Năm 1867, Giôsaphát được Đức Thánh cha Piô IX tôn phong lên bậc hiển thánh.

Cuộc đời thánh Giám mục Giôsaphát qua đi, nhưng ngài đã ảnh hưởng lớn lao trên dân chúng và hàng giáo sĩ qua lời rao giảng, các tác phẩm và cách sống cương quyết của ngài. Chuyện kể lại rằng: Khi những gia nô xông vào nơi ở của ngài, ngài nói với họ những lời sau đây để bảo vệ những người trong nhà đang bị họ đe dọa và đánh đập: Xin Thiên Chúa ở với các con; nhưng tại sao các con lại hành hạ các tôi tớ của cha? Nếu có điều gì chống lại cha, thì này cha đây.” Ngay trước khi chết, lúc sắp sửa ngã gục dưới lưỡi đao và búa của kẻ bạo tàn, ngài còn nói với các kẻ thù: Các anh ghét tôi đến chết được, nhưng tôi luôn ôm ấp anh em trong lòng tôi, và tôi vui lòng chết vì anh em. Những lời ngài nói thể hiện sự xác tín của ngài rằng: điều giúp hợp nhất mọi người không phải là điều làm chia rẽ họ.

Người ta đã miêu tả thánh Giôsaphát là “người bảo trợ lỗi lạc nhất và cao quý nhất cho dân tộc Slavơ phương Đông, người có ơn gọi “tái lập sự hiệp nhất Kitô giáo trên toàn thế giới.” Ước gì người trẻ cũng học nơi thánh nhân lòng yêu mến Giáo hội, luôn luôn có tinh thần nhiệt tâm xây dựng Giáo hội một lòng một ý, đặc biệt là có tinh thần hiệp nhất các Kitô cho dù sống ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ vai trò gì...

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Giôsaphát can đảm anh dũng chống lại các bè phái gây chia rẽ Giáo hội. Chúa cũng đã cho thánh Giôsaphát nhiệt tâm xây dựng Giáo hội trong tinh thần vâng phục hiệp nhất. Xin Chúa khơi dậy nơi các bạn trẻ tinh thần thánh thiện, và sự nhiệt tâm vì Chúa và vì Hội thánh.

 


[1] SUSAN HELEN WALLACE, FSP, Các Thánh dành cho bạn trẻ, ngày 21/8, thánh Piô X.

[2] Bài đọc 2, Bài đọc Kinh Sách ngày 26/12 Lễ thánh Stêphanô. Lấy đức ái làm vũ khí.

114.864864865135.135135135250