18/10/2024 -

PHÚT CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY

1165
Ngày 18/10 - Thánh Luca tác giả sách Tin Mừng
Về thánh Luca không ai cho biết Ngài sinh ở đâu và sinh vào năm nào, nhưng theo nhiều tài liệu để lại ngài là một lương y hành nghề ở Antiôkia, là người Hy Lạp ngoại giáo trở lại, và là môn đệ của Thánh Phaolô.[1] Ngài là tác giả sách Phúc Âm thứ ba và sách Tông đồ Công vụ. Ngài biết Đức Giêsu ngang qua thánh Phaolô. Sau khi trở thành Kitô hữu, ngài cùng đồng hành với thánh Phaolô nhiều năm trên đường giảng đạo.[2] Ngài cũng là một văn sĩ giỏi. Tin Mừng về cuộc đời của Chúa Giêsu do Ngài viết diễn tả văn phong độc đáo, cách hành văn lưu loát và cách truyền cảm rất điêu luyện và thu hút của Ngài.

 Ðọc Phúc Âm của thánh Luca chúng ta sẽ nhận ra lòng thương xót của Chúa một chủ điểm nổi bật nhất mà ngài cảm nghiệm sâu sắc. Ngài đã thuật lại nhiều dụ ngôn rất cảm động có ý nghĩa đặc biệt cho dân ngoại rằng Chúa đến để tìm kiếm những gì đã mất như: dụ ngôn hai người con, người trộm lành, ông Giakêu thu thuế, người Samaritanô nhân hậu, người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình…

 Phúc Âm Luca còn diễn tả tấm lòng tha thiết của Chúa dành cho những người nghèo đói, những thành phần bị xã hội gạt bỏ, bị áp bức và kém cỏi. Ở đó, ngài minh chứng đạo Chúa Kitô là đạo phổ quát.
Phúc Âm Thánh Luca cũng là Phúc Âm của niềm vui. Ta thử tưởng tượng nếu cảnh Giáng Sinh không có các mục đồng, hoặc không có Chúa Hài Nhi nằm trong máng cỏ; hoặc phụng vụ không có lễ Chúa Lên Trời và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống; hoặc các giờ kinh Phụng vụ không có thánh thi Magnificat, Bênêđictus và bài ca của ông Simêon thì sẽ thế nào? Từ đầu và trong suốt Phúc Âm của thánh Luca rất nhiều khúc đoạn nói về niềm vui như: tin vui loan báo cho ông Zacaria, truyền tin cho Đức Maria. Những niềm vui liên tục khi Thánh Gioan chào đời, lúc Chúa giáng sinh... Niềm vui trong chương 15 là niềm vui thương xót: khi chủ tìm thấy con chiên lạc, khi người đàn bà tìm được đồng tiền mất, khi người cha gặp lại người con hoang. Và niềm vui hân hoan của các tông đồ khi trở lại Giêrusalem chứng kiến Chúa lên trời. Ðúng như Harnack đã nói: “Có những nét vui tươi, can trường và chiến thắng âm vang trong toàn bộ cuốn Phúc Âm của Thánh Luca từ trang đầu cho tới trang chót.” Không có Phúc Âm Luca, Phúc âm của niềm vui, có lẽ Phúc âm mất đi rất nhiều ‎ý vị.

Chiêm ngắm thánh Luca qua Tin Mừng của ngài chúng ta xin Chúa cho chúng ta nhận ra lòng thương xót của Chúa đang bao phủ cuộc đời của mỗi chúng ta để chúng ta ngụp lặn trong tình yêu và niềm vui ơn Cứu độ. 

Trong Tông huấn Đức Kitô đang sống
[3] Đức Thánh cha Phanxicô đã nói với các bạn trẻ rằng: Tin Mừng dành cho mọi người, không phải chỉ cho một số người... Các con đừng sợ ra đi đem Đức Kitô đến với mọi cảnh vực của đời sống, đến những vùng ven của xã hội, thậm chí đến với những ai dường như xa xăm nhất và dửng dưng nhất. Chúa tìm kiếm mọi người; Người muốn mọi người cảm nhận hơi ấm lòng thương xót và tình yêu của Người… Lời mời gọi này của Đức Thánh cha như được mở ra và được minh họa một cách thiết thực bằng những gì mà thánh Luca đã sống và ghi lại trong Tin Mừng của ngài.

Cảm nghiệm được niềm vui thương xót, tha thứ và sự thi ân của Chúa, chúng ta sẽ sống tốt, chúng ta sẽ mau mắn quay về. Nhưng, nhận ra lòng thương xót của Chúa trong cuộc đời mình thôi chưa đủ, chúng ta cần phải mau mắn loan truyền lòng thương xót của Chúa và họa lại thật đẹp khuôn mặt của Thiên Chúa Thương Xót cho anh chị em sống chung quanh chúng ta.

Lạy Chúa, trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, con tim chúng con đã bao phen xao động lạc hướng, bởi chúng con chưa xác tín sâu xa về tình yêu thương xót của Chúa. Hôm nay, khi lật giở từng trang Tin Mừng của thánh Luca, tâm hồn chúng con trào dâng một niềm hạnh phúc biết ơn, vì ở đó chúng con khám phá ra lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con mỗi ngày biết dành thời gian đọc lại Tin Mừng để chúng con ôn lại mối tình muôn thuở của Chúa, cùng để cho Chúa chạm gõ vào con tim và biến đổi lối sống của chúng con. Amen

 
 
[1] Theo lá thư Phaolô gởi cho Timôthêô “chỉ mình Luca ở với Cha.”
[2] Thư Thánh Phaolô gởi Philêmôn ngài liệt kê Thánh Luca vào số “những cộng sự viên của ngài.”
[3]x. ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” số 177.
114.864864865135.135135135250