23/02/2024 -

PHÚT CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY

1322
Ngày 23/02 - Thánh Pôlicap Giám mục
Ngày 23/02
Thánh Pôlicap Giám mục, Tử đạo

Người trẻ cần biết học cách sử dụng ngôn từ

 

Bước vào thế giới ngôn từ giao tiếp theo lối phá cách hiện hành của những người trẻ đang thể hiện qua các phương tiện truyền thông kỹ thuật số trên mạng xã hội, có lẽ không ít người trong chúng ta băn khoăn, trăn trở, lo lắng… Những thông điệp mà người trẻ muốn chuyển trao gần như được mã hóa. Những lời nhắn gởi yêu thương trở nên khó đọc nên cũng khó hiểu. Đó là chưa kể đến những ngôn từ gây tổn thương, bức xúc, rất dễ gây tâm trạng tiêu cực, chia rẽ, đổ vỡ… Giữa xu hướng chung ấy, giữa những vách ngăn mà giới trẻ có vẻ như vô tình tạo ra cho người khác, thì chân dung cuộc đời thánh Pôlicap với sự thẳng thắn trong lời nói, với ý thức sẵn sàng bảo vệ chân lý đức tin, sẽ thật phù hợp để giúp các bạn trẻ cùng nhìn lại và định hướng lại việc sử dụng ngôn từ của mình.

Thánh Pôlicap là môn đệ của thánh Gioan - một trong các tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu. Pôlicap đã giảng dạy cho người ta biết tất cả mọi điều ngài đã học được nơi thánh Gioan. Tận dụng lợi thế ngôn từ, Pôlicap đã sẻ chia món quà ân phúc Chúa ban khi giảng dạy những điều ngài học hỏi được. Sống trong giai đoạn đạo thánh Chúa bị bách hại nhưng vị giám mục thánh thiện, nhiệt tâm Pôlicap vẫn hăng say trong sứ vụ giới thiệu, bênh vực và làm chứng cho Chúa. Khi bị tố cáo và bị bắt giam vì tin theo Đức Giêsu, quan quân đã buộc giám mục Pôlicap phải dùng lời để xúc phạm danh thánh Chúa Giêsu để họ tha bổng cho ngài. Thay vì làm theo lệnh quan tòa, thánh nhân lại dùng lời để tôn vinh Chúa và tuyên xưng niềm tin một cách xác quyết: “Làm sao tôi lại có thể nguyền rủa Vua của tôi, Đấng đã chết vì tôi.” Thế là ngài được trở về với Chúa qua bản án thiêu sinh. Tuy nhiên, ngọn lửa ấy lại không đủ sức đốt cháy vị chứng nhân nên ngài còn chịu thêm ngọn giáo đâm vào trái tim, kết thúc cuộc đời lúc 86 tuổi.

Nhắc lại đôi nét sơ lược về thánh giám mục tử đạo Pôlicap, để khi nhìn vào cách thức người trẻ sử dụng ngôn từ để gửi trao thông tin trong xã hội hiện đại, ta thấy đâu đây vang vọng niềm thao thức: phải làm sao để cho ngôn từ được từng bạn sử dụng phải mang lấy giá trị hay ý nghĩa cao đẹp nào đó. Đừng ngần ngại, do dự, hoặc sợ hãi bị coi là “nhà quê” khi bạn không chạy theo những xu hướng đang được ưa chuộng. Hãy để cho người lớn được nghe, được đọc và hiểu về người trẻ qua chính ngôn từ của bạn.

Lưu tâm cách đặc biệt đến giới trẻ đang sống trong môi trường kỹ thuật hiện đại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh: “Những lối sống mới và cuồng nhiệt của người trẻ muốn khẳng định tính cách đang đương đầu với một thách đố mới: đó là việc tương tác với một thế giới thực và ảo mà họ bước vào một mình, dường như họ đặt chân đến một lục địa chưa hề được khám phá. Người trẻ hôm nay là những người trước hết phải thực hiện sự tổng hợp giữa những gì là cá vị, riêng biệt của mỗi nền văn hóa, và những gì là phổ quát. Điều này có nghĩa họ phải tìm ra những cách thế để đi qua sự tiếp xúc ảo và tiến đến sự liên lạc tốt đẹp, lành mạnh.”
[1]

Lúc này, ước gì lời nhắc nhở của vị cha chung đến được với từng bạn trẻ, khiến các bạn biết ý thức làm chủ và thánh hóa ngôn từ thường ngày. Hãy dùng những kiểu ngôn từ giản đơn, chân thành làm nên phương tiện giúp bạn tự huấn luyện bản thân. Hãy nhận thức rõ những nét năng động sáng tạo, độc đáo của tuổi trẻ để dấn thân phục vụ mà không phải là để tạo ra một cách thức thể hiện khác lạ.

Bằng nội lực sống mạnh mẽ, ước mong sao các bạn luôn tìm cách gắn kết với đời, với người và nhất là gắn kết với Chúa, bởi ngược lại, bạn sẽ không biết sự tròn đầy thật sự của tuổi trẻ, nếu… không sống tình bạn với Giêsu. Như một người bạn cảm nhận được ngôn từ rất riêng của nhau, hãy “nói chuyện, chia sẻ, ngay cả những điều thầm kín nhất với Giêsu…, đừng để thiếu đi tình bạn này trong tuổi trẻ của bạn.”
[2]

 Hiệp dâng lời nguyện cầu cùng với thánh Pôlicap, xin Chúa giúp chúng con, nhất là các bạn trẻ biết dùng ngôn từ để làm vinh danh Chúa và để gắn kết yêu thương. Xin đừng để chúng con “trở nên bản sao của một người khác,” nhưng cho chúng con “khám phá ra mình là ai và phát triển trong cách thức riêng của mình để nên thánh.”[3] Amen.




Sr.Mary Thùy Ngân

[1] ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 90.
[2] ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 150 và 156.
[3] ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 162.
114.864864865135.135135135250