24/01/2024 -

PHÚT CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY

2198
Ngày 24/01 - Thánh Phanxicô Salêsiô
Ngày 24/01
Thánh Phanxicô Salêsiô (1567-1622)
[1]
Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh
Người trẻ và lời mời gọi nên thánh.

 

Nếu phải giới thiệu cho người trẻ về một tài liệu giúp hướng dẫn họ con đường nên thánh, có lẽ ta không nên bỏ qua tập sách “Dẫn vào đời sống đạo đức” của thánh Phanxicô Salêsiô. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu tập sách tưởng cũng nên biết về tác giả của nó. Thánh Phanxicô Salêsiô tên thật là Phanxicô Bonaventura de Boisy (Francois-Bonaventure de Boisy) sinh tại Savoie năm 1567, sau được nhận thêm một tên de San để chỉ nơi sinh trong lâu đài De Sales, gần Thorens. Ngài là trưởng nam trong một gia đình có 10 người con. Ngài được đào tạo trong trường của các cha dòng Tên tại Paris 10 năm (từ 11 đến 21 tuổi), sau đó ngài học luật 3 năm tại Đại học Padoue và ra trường với bằng cấp cao nhất. Ngài đã từ bỏ danh vọng bằng cấp để trở về quê hương và đáp lại tiếng Chúa và trở thành linh mục lúc 26 tuổi. Ngài nhận nhiệm vụ trong vùng rất đông tín đồ theo phái Calvin, và ngài đã đưa nhiều người trở lại với Công giáo.

Năm 31 tuổi, ngài được Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII chọn làm giám mục. Ngài qua đời ở Lyon ngày 28/12/1622 khi được 55 tuổi. 43 năm sau ngài được phong thánh (1665), và 12 năm sau khi phong thánh thì được công bố là tiến sĩ Hội thánh (1877) do Đức Giáo Hoàng Piô IX, vì đã đem lại cho các Kitô hữu một “con đường thánh thiện chắc chắn, dễ dàng và êm ái.” Ngài là thánh quan thầy của giới báo chí, là một nhân vật đặc biệt của Kitô giáo thời mới. dòng Salêdiêng của thánh Gioan Bosco xem ngài như người cha tinh thần.

Trong suốt 20 năm Giám mục, ngài chú tâm đến việc canh tân đời sống tinh thần của giáo dân cũng như giáo sĩ, giám sát địa phận, thăm chừng các hoạt động xứ đạo, ngài lập lại trật tự trong các Đan viện; ngài đi dạy giáo lý, giúp đỡ kẻ nghèo, giải tội và rao giảng không mỏi mệt; ngài làm linh hướng; điểm đặc biệt là ngài viết rất nhiều thư mục vụ, người ta ước rằng ngài đã viết 50 ngàn lá thư trả lời cho mọi hạng người.

Ngài để lại hai tác phẩm vĩ đại: “Dẫn nhập vào đời sống đạo đức xuất bản tại Lyon vào năm 1608. Tác phẩm này hướng dẫn từng Kitô hữu dấn thân vào lòng đạo đức “chân thật và sống động”; tác phẩm thứ hai là “Chuyên khảo về tình yêu Thiên Chúa (1616), đây là tuyệt tác của văn chương linh đạo, ngài xem ý chí con người có khả năng vươn lên để biết và nhận ra tình yêu của Thiên Chúa.

Giờ đây, ước gì mỗi người trẻ hãy dừng lại để cảm nghiệm những lời chỉ giáo trong tập sách “Dẫn vào đời sống đạo đức” của thánh Phanxicô Salêsiô rằng: “Khi tạo thành vạn vật, Thiên Chúa, Đấng đã truyền cho cây nào sinh quả nấy theo từng loại. Cũng vậy, Người truyền cho các Kitô hữu là những cây sống động trong Hội thánh của Người phải sinh hoa trái đạo đức tuỳ theo phẩm chất, tuỳ theo hoàn cảnh sống và ơn gọi của mỗi người. (…) Thật là sai lầm và không thể chấp nhận được khi muốn loại trừ lòng đạo đức ra khỏi đời sống quân ngũ, khỏi các tiệm buôn, khỏi triều đình vua chúa, khỏi nhà cửa của những người đã kết bạn.”
[2] Vâng, “Mọi tín hữu, bất kể điều kiện hay bậc sống của họ, đều được Chúa kêu gọi, mỗi người theo cách riêng của mình, tiến đến sự thánh thiện hoàn hảo như Chúa Cha là Đấng hoàn hảo.”[3]

Tuy nhiên, sự thánh thiện của người trẻ phải mang tính cách hoàn toàn độc đáo cá nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh điều này khi nói: “Tôi cũng muốn nhắc nhở các bạn rằng các bạn sẽ không trở thành thánh thiện và tìm thấy sự thành toàn bằng cách sao chép người khác. (…) Các bạn phải khám phá ra các bạn là ai và khai triển cách nên thánh của riêng các bạn, bất kể người khác muốn nói hoặc nghĩ gì. Trở thành một vị thánh có nghĩa là trở thành chính các bạn một cách đầy đủ hơn, trở thành điều Chúa muốn mơ ước và tạo nên, chứ không phải là trở nên một bản sao.” [4]

Chiêm ngắm đường lối thánh thiện của thánh Phanxicô Salêsiô chúng ta nghiệm ra rằng: có lẽ Chúa không đòi mỗi người phải nên thánh bằng những con đường vượt quá sức riêng. Nhưng chắc hẳn, Chúa muốn mỗi người nên thánh trong vai trò và phận vụ của mình.

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người trẻ chúng con nên thánh bằng lời nói, bằng việc làm, bằng cuộc sống thường ngày của chúng con. Lạy Chúa Giêsu yêu mến, con muốn thưa với Chúa rằng, người trẻ chúng con khát khao nên thánh, xin Chúa giúp sức cho chúng con. Amen

Sr.MT. Minh Thùy
 

[2]  Trích “Đời sống đạo đức phải được thể hiện theo nhiều lối khác nhau” trong tập sách “Dẫn vào đời sống đạo đức” của thánh Phanxicô Salêsiô.
[3]  Công đồng Vat II, Hiến chế Tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, 11.
[4] ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 162.
114.864864865135.135135135250