27/10/2023 -

PHÚT CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY

317
Ngày 28/10 - Thánh Simon Tông đồ
Trong Tông huấn Đức Kitô đang sống Đức Thánh cha Phanxicô đã nói với các bạn trẻ rằng: Giáo hội của Đức Kitô luôn luôn có nguy cơ nhượng bộ cho cám dỗ đánh mất lòng nhiệt thành, vì không còn nghe tiếng Chúa gọi mình chấp nhận sự mạo hiểm của đức tin và trao hiến tất cả mà không ngại nguy hiểm… Người trẻ có thể giúp giữ cho Giáo hội trẻ trung… Người trẻ có thể cống hiến cho Giáo hội vẻ đẹp của tuổi trẻ bằng cách canh tân khả năng của Giáo hội để “hoan hỉ với những sự bắt đầu mới, để hoàn toàn trao hiến chính mình, để được đổi mới và để luôn lên đường hướng đến những thành quả lớn hơn nữa.”[1] Nhận định này dẫn đưa chúng ta đến vị tông đồ mà Giáo hội kính nhớ ngài hôm nay, ngài có tên gọi Simon nhiệt thành. Giờ đây, chúng ta cùng chiêm ngắm ngài, mừng kính ngài và cùng xin ngài phù trợ để chúng ta đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh cha có được lòng nhiệt thành với Chúa như ngài, hầu có thể đem lại nét trẻ trung cho Giáo hội hôm nay.

Trong danh sách 12 Tông đồ, thánh Simon ở vị trí thứ mười (Mt 10,3-4; Mc 3,18; Lc 6,14-16; Cv 1,13). Thánh Simon Tông đồ được Matthêu và Marcô miêu tả là “người Canaan,” còn Luca lại miêu tả ngài là “người nhiệt thành.” Thực tế, hai cách miêu tả này tương đương nhau, bởi chúng có cùng một ý nghĩa. Theo truyền thống phương tây, có thể ngài đã đi rao giảng ở Ai Cập và Lưỡng Hà Địa, nhưng ta không biết đích xác về cuộc đời ngài. Các sách Tin Mừng cũng chẳng ghi chú một lời nào của vị tông đồ nhiệt thành này.

Cũng trong danh sách 12 vị tông đồ ấy, có đến hai vị tên Simon: một vị là tông đồ trưởng “Simon Phêrô,” và vị tông đồ chúng ta kính nhớ ngài hôm nay là “Simon nhiệt thành.” Hình ảnh của vị tông đồ nhiệt thành này dường như bị lu mờ trước hình ảnh của tông đồ trưởng, nhưng chúng ta lại cảm thấy yêu mến và quý trọng ngài biết bao với danh hiệu “nhiệt thành” được gắn cho ngài.

Nhiệt thành có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Nhiệt thành dẫn đến quá khích thì e rằng sự nhiệt thành ấy tai hại. Tuy nhiên, nếu sự nhiệt thành được thăng hoa thì sự nhiệt thành ấy thật hữu ích. Khi chọn “Simon nhiệt thành” Chúa Giêsu quả cũng mang theo sự liều lĩnh, một sự liều lĩnh hữu ích cho chương trình của Người. Có lẽ, Chúa Giêsu cũng thấy trước Giáo hội của Người có nguy cơ bị cám dỗ đánh mất lòng nhiệt thành, nên Chúa chọn một người nhiệt thành cho dẫu sự nhiệt thành ấy mang dáng vẻ quá khích, để rồi Người chỉnh đốn và cảm hóa con người nhiệt thành ấy phục vụ cho chương trình của Người.

Theo Chúa Giêsu, Simon đã đổi mới định hướng nhiệt thành của mình. Ông trở nên người nhiệt thành với Thầy, nhiệt thành với sứ mạng Tin Mừng cứu rỗi của Thầy, sứ mạng của Nước Vĩnh Cửu.

Quả thật, không gì đáng lo ngại cho Giáo hội của Chúa nếu ở đó các thành viên đã cằn cỗi, đã thiếu, và đã đánh mất lòng nhiệt thành. Lòng nhiệt thành là một cỗ máy chạy bằng tình yêu đối với những điều chúng ta làm. Nó cho chúng ta sức mạnh để đến bất cứ nơi nào chúng ta muốn và đưa chúng ta đến những nơi chúng ta sẽ không bao giờ tới được nếu thiếu nó. Vì thế, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ cống hiến cho Giáo hội vẻ đẹp của tuổi trẻ bằng sự nóng bỏng của lòng nhiệt thành này. Ngài mời gọi họ tham dự vào những cánh đồng sứ mạng mới trong các khung cảnh đa dạng nhất. Chẳng hạn, với các trang mạng xã hội, người trẻ được khuyến khích để đưa Thiên Chúa, đưa tình huynh đệ và đưa nhiệt tâm dấn thân vào tràn ngập các mạng ấy.
[2]

Thánh Simon đã theo Chúa Giêsu để trở thành Tông đồ tốt lành với sự nhiệt thành nóng bỏng dám nghĩ dám làm, dám phó mạng vì Chúa Giêsu. Còn người trẻ chúng ta thì sao? Chúng ta có để Chúa Giêsu lay chuyển chúng ta như Simon nhiệt thành không? Hãy sống một cuộc sống phục vụ, hãy trở nên một người trẻ “làm bất cứ việc gì cũng hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa” (Cl 3,23). Thánh Phanxicô Salêsiô đã nói, chỉ “làm theo Thánh ý Chúa thôi thì chưa đủ, mà còn phải làm một cách vui vẻ và nhiệt thành.”

Lạy Chúa, “lòng nhiệt thành nhà Chúa đêm ngày thôi thúc con.” Xin nâng đỡ và thêm ơn sức mạnh cho con để con có được lòng nhiệt thành phục vụ Chúa và Giáo hội như thánh Simon. Xin cho con lòng nhiệt thành khiêm tốn để con truyền thông Tin Mừng của Chúa đến với mọi người. Amen

 
 
[1]x. ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” số 37.
[2] x. ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” số 241.
114.864864865135.135135135250