Rất nhiều người trẻ quan niệm rằng, việc làm giàu là cách để khẳng định tài năng và vị thế của một con người. Chắc chắn cách làm giàu được tôn vinh nhất đó là làm giàu tâm hồn. Người có khả năng trao gởi những bài học tinh túy làm giàu tâm hồn qua con chữ một cách thi vị và tinh tế đó là một bậc thầy đáng kính. Xã hội nói chung và các độc giả nói riêng luôn yêu quý những bậc thầy như thế. Qua các tác phẩm, tâm hồn tác giả và độc giả trở nên phóng phú, hòa quyện và cuộc đời trở nên ý nghĩa hơn. Phút cầu nguyện hôm nay, chúng ta đến với thánh Eprem phó tế - tác giả của một số các tác phẩm thời danh. Nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, xin Chúa cho những ai đang dấn thân trên con đường tri thức này biết sử dụng ngòi bút để cống hiến cho mọi người những tác phẩm mang tính nhân văn.
Thánh Eprem sinh năm 306, tại Nisibis, miền Mêsôpôtamia, một tỉnh của đế quốc Rôma (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Eprem được lĩnh giáo từ các bậc thầy tu đức thời đó. Ngài là con người khiêm tốn. Ngài cho rằng: Tính kiêu căng phá đổ ơn Chúa và thiêu hủy mọi nhân đức; vì thế, thánh nhân chỉ xin làm phó tế.
Được Đức Giám mục trao cho trách nhiệm rao giảng lời Chúa, ngài dùng tài lợi khẩu để khêu gợi lòng nhiệt tình nơi các linh hồn. Chiến tranh bùng phát, thầy Eprem lưu ẩn ở Êdêssa. Nơi đây, ngài tận tâm phục vụ bệnh nhân và người nghèo. Đặc biệt ngài hoạt động trí thức bằng việc viết sách và giải thích thơ phú. Thánh Eprem đã viết các bài giảng bằng thơ, các thánh thi ca ngợi vinh quang Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria. Người ta gọi ngài là “cây đàn của Thánh Linh.” Thánh nhân qua đời qua đời ở tuổi sáu mươi bảy, do quá tận tụy săn sóc các bệnh nhân dịch hạch. Hiện nay, các tác phẩm của ngài vẫn còn được sử dụng trong Giáo hội.
Ngày nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, việc truyền bá thông tin và tư tưởng có tính đại trà và xô bồ. Những bài viết có tính giật gân, đánh lừa độc giả xuất hiện không ít. Đâu đó vẫn còn những bài viết mang tính thời vụ, những tác phẩm hàm chứa suy tư phiến diện. Các độc giả trẻ tuổi, đặt biệt là giới trẻ sẽ gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn và thẩm định các thông tin.
Kính nhớ thánh Eprem, chúng ta nhớ đến những người dùng cả cuộc sống để làm đẹp cho đời bằng các tác phẩm đặc sắc. Dường như những tác phẩm ấy đã trải qua sự thanh luyện khắc nghiệt. Từ khi chúng bắt đầu thai nghén trong tâm huyết của tác giả, đến khi chúng được ra đời thành tác phẩm, đó là khoảng thời gian không thể tính bằng ngày tháng đơn thuần. David Guterson từng nói: Lời khuyên tốt nhất về nghề viết mà tôi từng được nhận là hãy viết một cách nghiêm túc; bởi vì để làm nó thật tốt thì rất tốn thời gian. Một tác giả vô danh nào đó để lại tư tưởng sau: Khi làm giáo dục, bạn đang chạm đến cái vĩnh cữu. Vì bạn không biết mức độ tác động của nó được lan truyền đến bao giờ. Câu nói thời danh dành cho mọi nhà giáo thì cũng chính xác cho những người chủ bút.
Bởi thế, việc cải thiện bản thân vẫn là việc làm không ngừng của những người xây đời bằng con chữ. Điều này thật thâm thúy và đáng trân trọng dành cho các tác giả có tâm hồn hướng về Thiên Chúa và con người. Chúng ta không khỏi thắc mắc sự thành công của các ngài đến từ đâu. Thánh Eprem cho ta câu trả lời qua các lời tâm nguyện: “Lạy Chúa, xin đừng để lòng trí chúng con thiếu sự mặc khải thần linh của Chúa...”[1] Chúng ta dám tin rằng, có những tác động thần linh trên các tác giả, có sự soi sáng linh hứng từ Thiên Chúa qua những người cầm bút lương thiện như thế.
Lạy Chúa, thế giới này sẽ cằn cỗi biết mấy nếu thiếu vắng những con người cống hiến cho đời những tuyệt tác. Xin cho những ai đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cầm bút, luôn được dư tràn niềm khởi hứng và sáng tạo, sâu sắc và thâm thúy. Chúng con cũng cầu nguyện cho các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ với công việc chuyển tải nguồn sống trên những trang sách, xin cho các bạn vượt qua được những cám dỗ đong lượng tri thức bằng giá trị vật chất; nhưng luôn đặt vẻ đẹp thuần khiết của ý tưởng đúng với vị trí vốn có của nó. Xin Chúa giúp các bạn biết vun đắp và thực hiện ước mơ cao đẹp ấy. Amen
[1] Trích Bài đọc 2, Bài đọc Kinh Sách lễ nhớ thánh Eprem.