08/02/2020 -

Cầu nguyện

932
Các con là muối đất và là sự sáng thế gian (Lm. J.Trần Đình Khả)
Chúa Nhật 5th TN
(Mt 5,13-16)
Vai Trò và Sứ Vụ
Các con là muối đất và là sự sáng thế gian
 

Nước Mỹ đang trong mùa tranh cử. Mỗi đảng tìm ứng cử viên sáng giá nhất đại diện cho đường lối và chủ trương của đảng. Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ tiếp tục là ứng cử viên tổng thống khóa hai của đảng Cộng Hòa. Đảng dân chủ đang trong tiến trình chọn ứng cử viên vòng đầu cho đảng. Các ứng cử viên đi tới nhiều tiểu bang gặp gỡ các cử tri, trình bày quan điểm của họ và vận động phiếu bầu cho họ. Cuộc tranh cử ứng viên lần thứ nhất ở Iowa tuần vừa qua vẫn chưa cho thấy ai sẽ là người được chọn làm ứng cử viên đại diện cho đảng Dân Chủ. Thứ ba tuần tới bỏ phiếu tuyển cử ở New Hamshire sẽ cho thấy rõ hơn ứng cử viên nào sáng giá hơn, và ngày 3 tháng Ba gọi là thứ Ba Siêu, sẽ cho biết ai sẽ là người được chọn làm ứng cử viên tổng thống đại diện cho Đảng Dân Chủ. Ứng cử viên được chọn sẽ là người đại diện cho đường lối và chủ trương của đảng để ra tranh cử ghế tổng thống Hoa Kỳ.  

Trong các truyện phim hay kịch bản cũng có những diễn viên đóng các vai trong câu truyện. Mỗi diễn viên cần phải đóng đúng để lột được những nét tính của nhân vật trong câu truyện. Chúa Giê-su nói về vai trò và sứ vụ của Kitô hữu nơi trần thế. Các Ki-tô hữu là những người được chọn là đại diện cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở trần gian. Ki-tô hữu đóng vai là môn đệ của Chúa Giê-su ở trần gian. Người môn đệ cần diễn đúng sứ vụ của mình là muối và ánh sáng cho thế gian như lời Chúa Giê-su truyền dạy: “Các con là muối đất và là sự sáng thế gian.”

Muối Ướp

Muối được dùng vào nhiều việc. Thông thường nhất là muối được dùng trong việc nấu ăn làm cho món ăn được đặm đà ngon miệng. Ngày xưa muối cũng được dùng để giữ cho thịt hay cá không mau bị hư. Dùng muối để ướp thịt ướp cá sẽ bảo quản thịt cá được lâu ngày, và có thể đem bán hoặc trao đổi lấy những món hàng khác. Muối là sản phẩm quí hiếm đối với con người ngày xưa. Quí hiếm đến nỗi nhiều nơi dùng muối để trả lương công nhật cho người làm. Đây cũng là lý do trong tiếng Anh có từ ngữ “salary” nghĩa là lương bổng, nguồn gốc của từ ngữ này là của từ ngữ “salt” là muối. Ngày nay muối là sản phẩm dư đầy và rẻ. Chúng ta thương nghe nhiều người ví “rẻ như muối” nhưng ngày xưa ví dụ như ở những vùng cao nguyên Việt Nam muối rất hiếm; người dân tộc thường đổi những thứ họ săn bắt được hay những hoa mầu của họ để lấy muối.

Muối cũng được dùng để giúp thanh tẩy và được dùng trong việc dâng hiến trong đền thánh Giê-ru-sa-lem. Cuối thế kỷ thứ nhất, muối cũng thường được dùng ở một số nơi trên thế giới để đốt lửa trong các lò đất. Muối được bỏ vào với củi giúp cho lửa bốc cháy nhanh và nóng lâu hơn. Nói chung là muối giống như chất xúc tác giúp tác động thêm cho lửa cháy nhưng không bị thay đổi bởi lửa.

Dù ngày xưa hay ngày nay, muối vẫn có vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của con người. Những đặc tính của muối có thể áp dụng cho bản chất và sứ vụ của người môn đệ Chúa Giê-su:
- Ki-tô hữu mang hương vị giá trị Tin Mừng đến tất cả mọi yếu tố đời sống con người trên toàn thế giới và trong các mối quan hệ và mọi hoàn cảnh chúng ta gặp.
- Ki-tô hữu cầu nguyện và tích cực hướng dẫn chống lại các cám dỗ hầu chúng ta có thể đứng vững và giúp người khác tránh thoát sự băng hoại của tội lỗi và những nết xấu của con người.
- Ki-tô hữu là những người liên tục thanh tẩy thế giới bằng cách loại bỏ những gì trái nghịch với Tin Mừng và những chủ trương đảo lộn bậc thang giá trị đời sống.
-Ki-tô hữu là những người liên kết những khó khăn và các thử thách của đời sống trong đức tin với hiến tế của Chúa Giê-su để được cùng dâng hiến với Ngài lên Chúa Cha.
- Sau cùng Ki-tô hữu là những người như chất xúc tác giúp cải hóa thế gian làm cho lửa đức tin được bùng cháy mau lẹ trong cuộc sống của con người, nóng bỏng hơn trong lòng chúng ta và trong lòng của những người khác cách vững bền. Đôi khi chúng ta cần sẵn sàng dấn thân đặt mình vào những hoàn cảnh sống ngổn ngang hỗn độn của những người khác để như những hạt muối đồng hành với họ trong tình thương cảm tạo điều kiện cho họ cảm nghiệm về đức tin.

Ánh Sáng

Hình ảnh về ánh sáng cũng rất phong phú trong Kinh Thánh. Tiên tri I-sa-i-a nói “dân Is-ra-en được tuyển chọn là “ánh sáng cho các dân tộc.” Thánh Phao-lô nói sứ vụ của ngài là “ánh sáng cho những nơi còn trong bóng tối” (Rm 2:19). Tin mừng Luca nói ông Si-mê-on đã tiên báo Chúa Giê-su “sẽ là ánh sáng chiếu tỏ cho dân ngoại” (Lc 2:32). Tất cả các bản văn này rất quan trọng và giúp chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa là ánh sáng cho thế gian. Ánh sáng hiện hữu không cho chính nó nhưng là để giúp người khác có thể nhìn thấy được. Như thế mục đích của ánh sáng là để có lợi cho người khác, chứ không phải là chỉ dành riêng cho người mang ánh sáng. Điều này chắc chắn áp dụng đúng cho dân Is-ra-en, một dân tộc được tuyển chọn để mang ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa nhờ đó những dân tộc khác có thể nhận biết Thiên Chúa. Chúa Giê-su sống cũng vì những người khác. Thánh Phao-lô cũng đã đi rao giảng truyền giáo nhiều nơi hầu nhiều người có thể nhận biết thông điệp Tin Mừng để được ơn cứu rỗi. Ki-tô hữu cũng là những người sống cho người khác. Là ánh sáng cũng không có nghĩa là kéo sự chú ý đến cho bản thân nhưng là giúp cho người khác nhìn thấy rõ hơn Thiên Chúa là Ai để họ được lôi kéo đến với Ngài. Đó chính là sứ vụ được trao cho chúng ta diễn trong vai trò là các môn đệ của Chúa.

Thánh Ma-thêu nói các việc lành chúng ta làm cũng là cách mang ánh sáng chiếu soi cho thế gian. Mục đích các việc tốt lành chúng ta làm là để giúp cho những người khác nhận ra sự tốt lành của Thiên Chúa để họ ca tụng ngợi khen tình thương của Chúa. Như lời Chúa Giê-su nói, “Sự sáng của các con cũng phải chiếu ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời.” Do đó, các việc lành chúng ta làm không có mục đích để sinh lợi cho mình nhưng là để khuyến khích người khác nhìn nhận và tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa và vào các việc làm của Ngài trong thế giới. Các việc tốt lành sẽ chiếu soi cho người khác thấy giống như ánh sáng của cây đèn được cháy sáng để trên bục hay như thành phố tọa lạc trên đỉnh núi cao không thể bị che khuất. Như vậy, người môn đệ không tìm công trạng từ các việc tốt lành mà họ được ủy nhiệm để làm. Trái lại họ luôn sẵn sàng nhìn nhận mọi việc tốt lành họ làm chỉ là sự hợp tác với ơn thánh của Thiên Chúa Đấng là nguồn khởi sự và giúp hoàn tất mọi việc tốt lành.

Sau cùng, hình ảnh ánh sáng cũng có thế là khả năng nhìn rõ vào thế giới chung quanh ta. Các thánh thường nói đến sự trong sáng mà các ngài có thể thấy qua các hoàn cảnh trong cuộc sống khi ánh sáng của Thiên Chúa soi chiếu trong tâm hồn và trí khôn của các ngài. Đôi khi vì lười biếng, hay vì quyến luyến những cái của thế gian, chúng ta thấy tiện và thích ở lại trong bóng tối hơn là trong ánh sáng. Nhưng khi chúng ta nhìn cuộc sống rõ ràng theo quan điểm của Thiên Chúa, thì lúc đó chúng ta sẽ nhận ra sự cần thiết phải sám hối và hoán cải để tiến lên trên đường thánh thiện. Ánh sáng này là ơn sủng ban cho chúng ta để giúp chúng ta loại bỏ đi những sự dối trá làm lu mờ trí khôn suy nghĩ và các quyết định của chúng ta khi chúng ta ở trong bóng tối. Đến với ánh sáng như thế có ảnh hưởng đến linh hồn của chúng ta giống như khi bước ra từ một phòng tối chúng ta bị chóa lòa bởi ánh sáng mặt trời ban ngày chiếu tỏa. Chúa Giê-su nói chúng ta cần mang ánh sáng Tin Mừng chiếu vào đời sống của những người đang ở trong thế giới tối tăm và lầm lạc. Để đóng trọn vai trò người môn đệ và sứ vụ là ánh sáng, chúng ta cần luôn ghi nhớ mình không phải là nguồn ánh sáng. Chỉ duy mình Chúa Giê-su là Ánh Sáng của thế gian (Gio 8:12). Sách Khải Huyền nói rằng nơi thành thánh Giê-ru-sa-lem trên trời sẽ không còn mặt trời hay mặt trăng, vì Con Chiên của Thiên Chúa sẽ là ánh sáng (KH 21:23). Chúng ta, những người môn đệ, không phải là nguồn của ánh sáng; chúng ta được tuyển chọn để là những cánh cửa sổ qua đó ánh sáng của Chúa Giê-su được chiếu vào thế gian.

Con Cái Sự Sáng

Sau khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chủ sự nói em bé hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Ki-tô, rồi trao cho người đỡ đầu cây nến được lấy lửa từ cây nến Phục Sinh và nhắn nhủ cha mẹ cùng người đỡ đầu: “Anh chị em là những bậc làm cha mẹ và người đỡ đầu, ánh sáng này được trao phó cho anh chị em chăm nom, tức là lo lắng cho em nhỏ này đã được Chúa Ki-tô soi sáng, luôn luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin. Nhờ đó khi Chúa đến, chúng được ra nghinh đón Người với toàn thể các thánh trên trời.” Một số người nhận lấy cây nến sau nghi thức rửa tội và đưa về gói cất đi như vật kỉ niệm của ngày rửa tội cho em bé hoặc đưa về và không biết làm gì với cây nến đó. Nhưng một bà mẹ chia sẻ, mỗi năm đến ngày lễ mừng sinh nhật của con, bà lại đem cây nến đó ra đốt cùng với những cây nến mừng sinh nhật cắm trên chiếc bánh. Các cây nến nhỏ cắm trên bánh được thổi tắt, nhưng cây nến rửa tội được giữ cháy sáng. Năm nào cũng làm như thế cho đến khi em bé rước lễ lần đầu.

Hai hình ảnh muối và ánh sáng này là để chấn chỉnh lại bất cứ lầm lẫn nào về tôn giáo cho rằng đức tin chỉ là cảm nghiệm riêng tư của mỗi người. Chính đức tin nơi chúng ta khiến chúng ta trở nên những người mang ảnh hưởng đến với những người sống ở thế giới chung quanh mình. Tính chất “muối” và “ánh sáng” của chúng ta không phát sinh từ chúng ta; những bản chất này phát sinh từ Thiên Chúa đến với chúng ta như những ân huệ được trao ban cho chúng ta. Là Ki-tô hữu, chúng ta chỉ đơn giản được gọi để sống những ân huệ đó hầu những người khác có thể cảm nghiệm được chất “muối” và “ánh sáng” của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta cần đóng trọn vai người môn đệ và diễn đúng tính chất muối của người môn đệ nghĩa là sống yêu thương và là ánh sáng sống theo chân lý của Thiên Chúa, và như thế là chúng ta chu toàn sứ vụ gây ảnh hưởng tốt cho thế giới chung quanh chúng ta. Và chúng ta diễn đúng vai và sứ vụ của chúng ta trong kịch bản cứu chuộc của Chúa Giê-su ở trần gian.

Wauconda là một phố nhỏ trong tiểu bang Illinois. Suốt 40 năm vào dịp lễ Giáng Sinh, hai cây thánh giá sáng lấp lánh được đặt trên đỉnh tháp nước của thành phố. Nhưng đến một năm hội đồng thành phố nhận được một thư đe dọa sẽ kiện thành phố về hai cây thánh giá đó với lý do là phải phân cách tôn giáo và quốc gia biệt lập. Hội đồng thành phố vội vàng quyết định gỡ bỏ hai cây thánh giá xuống khỏi tháp nước.

Khi dân chúng trong phố Wauconda nghe tin đó họ đồng lòng cùng nhau dựng thánh giá và đèn sao sáng nơi mỗi căn nhà của họ trong phố. Và như thế, thay vì chỉ có hai cây thánh giá thì bây giờ có hàng trăm cây thánh giá sáng tỏa khắp phố. Xe chạy trên xa lộ từ xa cũng có thể nhìn thấy ánh sáng. Suốt đêm ánh sáng chiếu tỏa như ban ngày bởi vì mọi người quyết định bật đèn sáng.

L. M. J. Trần Đình Khả
114.864864865135.135135135250