03/02/2020 -

Cầu nguyện

946
Dâng Chúa Giê-su trong đền thánh (Lm. J.Trần Đình Khả)
Dâng Chúa Giê-su trong đền thánh
“Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa.”(Lc 2,22-23)
Mời bấm vào đây để nghe
 
Truyện vui kể về ba linh mục dòng trông coi ba xứ đạo. Một cha dòng Tên, một cha dòng Đaminh và một cha dòng Phanxicô. Ba cha nói chuyện về việc chia sẻ đóng góp cho Chúa.

Cha dòng Tên nói, “Sau khi thu tiền ở nhà thờ, tôi vẽ một vòng tròn rồi tung tiền lên, đồng nào rơi trong vòng tròn thì tôi giữ lại. Đồng tiền nào rơi ra ngoài vòng tròn thì tôi dâng cho Chúa.” 

Cha xứ dòng Đa Minh nói, “Tôi thì khác, tôi kẻ một đường ngang chia ranh giới hai bên rồi tung tiền lên, đồng tiền nào rơi bên phải tôi giữ lại, đồng tiền nào rơi bên trái tôi dâng cho Chúa.”

Cha dòng Phanxicô nói, “Tôi chẳng cần vẽ vòng kẻ ranh gì cả. Tôi tung tiền lên trời dâng cho Chúa. Đồng tiền nào Chúa không giữ để cho rơi xuống đất thì thuộc về tôi và tôi giữ lại.”


Dâng hiến lễ vật lên cho Thiên Chúa là phần quan trọng trong đời sống đạo.

Đời Thánh Hiến

Hàng năm, Giáo hội Công giáo kỷ niệm Ngày Đời sống thánh hiến để nhìn nhận vai trò thiết yếu của những người tận hiến trong đời sống của Giáo hội và cầu nguyện cho họ.

Ngày này được đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thành lập vào ngày 02/02năm 1997, ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, và cũng được gọi là Ngày lễ nến, kỷ niệm Chúa Kitô, Ánh sáng của thế giới, đến với thế gian. Những người nam nữ tận hiến cuộc đời trong ơn gọi linh mục và tu trì cũng được kêu gọi để truyền bá ánh sáng và tình yêu của Chúa Giêsu Kitô thông qua chứng tá độc đáo của họ, như chăm lo phần thiêng liêng, gíup người nghèo, săn sóc những người yếu đau, cầu nguyện chiêm niệm hoặc qua nghề nghiệp chức vụ chuyên môn của họ.

Đức cha James Checchio, trưởng ủy ban linh mục và tu sĩ thuộc hội đồng giám mục Công Giáo Hoa Kỳ nói Giáo Hội nhìn nhận: “Những người nam nữ thánh hiến là một kho tàng đặc biệt trong Giáo hội; qua họ, tình yêu của Chúa Giêsu trở nên hữu hình. Bằng cách dành cả cuộc đời để theo Chúa Kitô, những người tận hiến đặc biệt có thể tiếp cận với những người ở vùng ngoại biên xã hội và mang thông điệp Tin Mừng đến cho tất cả những người nghèo khổ.”

Trải qua nhiều thăng trầm và biến đổi lịch sử theo thống kê năm 2019, Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam có khoảng 7 triệu người, chiếm khoảng 7% dân số. Có 5.000 linh mục, hơn 5.000 đại chủng sinh và tu sinh. Hiện có 307 dòng tu, tu đoàn, tu hội và hiệp hội với tổng số 33.087 tu sĩ, gồm 28.099 nữ tu và 4.988 nam tu sĩ bao gồm 1.670 linh mục dòng. Các linh mục và các tu sĩ nam nữ đang xả thân phục vụ trong mọi lãnh vực trên toàn cõi Việt nam. Kỳ hè năm vừa qua, tôi đến thăm một linh mục ở miền tây mồ hôi nhễ nhãi trộn hồ, đổ cát đắp nền xây nhà tình thương cho người nghèo, và để tiết kiệm tiền nên cha đã tự tay xây cầu, xây nhà tình thương cho dân nghèo. Tôi thăm các linh mục tu sĩ chăm lo cho những người bệnh si-đa chung quanh thành phố Sài-gòn. Các nữ tu chăm sóc cho những người mắc bệnh phong rải rắc khắp nước. Nhiều dòng tu có nhà nuôi trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi. Tất cả đều tận hiến dấn thân phục vụ. Họ là những người đang học theo gương Chúa Giê-su và là hiện thân của Chúa Giê-su trong thế giới ngày nay.

Nhiều người chúng ta còn nhớ tên tuổi đức hồng y I-nha-xi-ô Kung, Giám Mục Thượng Hải. Ngài được phong làm giám mục Thượng Hải năm 1950 và bị nhà nước Cộng Sản Trung Quốc bắt giam năm 1955. Ngài là vị giám mục chủ chăn kiên cường và trung thành với Đức Tin và Giáo Hội Công Giáo. Bị ép buộc chối bỏ Thiên Chúa và Giáo Hội nhưng Ngài quyết tâm không tuân theo lệnh của nhà nước Cộng Sản. Ngài đích thân hướng dẫn phong trào Đạo Binh Đức Mẹ và hội giáo dân dâng hiến Cho Đức Mẹ Maria trong toàn giáo phận. Nhiều người trong nhóm Đạo Binh Đức Mẹ đã sẵn lòng bị bắt giam gồm cả nhiều sinh viên đã bị tù 10, 15, đến 20 năm lao động. Biết là sẽ bị bắt, Ngài đã huấn luyện hàng ngàn giáo lý viên, và sự hy sinh tử đạo của họ và của nhiều tín hữu trung tín khác đã trở thành nền móng cho giáo hội công giáo thầm lặng ở Trung Quốc ngày nay. Năm 1955 vài tháng sau khi bị bắt, ngài được điệu ra Sân Vận Động Đua Chó ở Thượng Hải. Nhiều ngàn người đã bị ép phải tham dự để nghe lời thú tội của Ngài. Tay của ngài bị trói tréo phía sau lưng, trong bộ quần áo tù nhân, thân hình bé nhỏ cao chỉ một thước năm mươi phân. Ngài bị đẩy ra đứng trước máy phóng thanh để thú tội trước công chúng. Nhân viên an ninh Cộng Sản đã giật mình nghe ngài dõng dạc tuyên bố, “Vạn Tuế Chúa Kitô Vua. Vạn Tuế Đức Giáo Hoàng.” Đám đông cùng đáp lại, “Vạn Tuế Chúa Kitô Vua! Vạn Tuế đức Giáo Hoàng.” Các nhân viên an ninh Cộng Sản đã nhanh chóng áp đảo ngài đưa đi mất.

Tối hôm trước ngày ra tòa năm 1960, quan tòa yêu cầu ngài lần cuối hãy hợp tác với nhà nước và với nhóm tự trị để thành lập Hội Công Giáo Yêu Nước. Ngài thẳng thắn trả lời, “Tôi là một giám mục Công Giáo. Nếu tôi chối bỏ Đức Giáo Hoàng thì tôi không những không còn là giám mục, mà tôi cũng chẳng còn là người Công Giáo nữa. Các ông có thể chặt đầu tôi, nhưng không thể chặt trách nhiệm và bổn phận của tôi.”

Ngày nay trên toàn thế giới vẫn còn nhiều người dấn thân trong ơn gọi tu trì. Nhiều linh mục tu sĩ nam nữ tiếp tục tận hiến cuộc đời của họ để phục vụ. Đây là truyền thống của Kitô Giáo phát nguồn từ tinh thần tâm linh truyền thống của Cựu Ước và được kiện toàn nơi Đức Giê-su Kitô.

Truyền Thống Dâng Hiến

Tin mừng thánh Luca kể lại, “Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.

Tại sao Đức Mẹ Maria đầy ơn phúc, được Thánh Thần bao phủ, và vô nhiễm tội lại phải thanh tẩy? Và tại sao Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, Đấng sẽ hiến tế chính mạng sống của Ngài làm của lễ đền tội cho mọi người thay thế việc sát tế loài vật mà còn cần đôi chim gáy hay đôi bồ câu làm lễ vật dâng hiến. Theo thánh Luca, Đức Mẹ và thánh Giu-se là những người khiêm tốn và trung tín giữ lề luật. Các ngài vẫn thuộc gia đình Do Thái Giáo. Chúa Giê-su nhập thể làm người trong gia đình Do Thái và lúc này vẫn còn là thời gian chuẩn bị chứ chưa đến giờ đến lúc để Ngài thực hiện cuộc hiến tế chính mình. Lễ vật dâng hiến theo luật là biểu tượng cho hiến tế của Chúa Giê-su sau này. Hai lề luật Do Thái giáo mà thánh Giu-se và Đức Mẹ thi hành, thứ nhất là mọi con trai đầu lòng, người hay thú đều thuộc về Thiên Chúa. Nếu là con thú đực đầu tiên thì phải sát tế con thú đó để hiến dâng cho Thiên Chúa; nếu là con trai đầu lòng thì phải giết một con thú để làm của lễ hiến tế thay cho người con trai đầu lòng đó. Lề luật thứ hai trong cựu ước là khi người phụ nữ sanh con thì bà không được tham dự các nghi lễ trong Đền Thờ suốt thời gian 40 ngày. Sau 40 ngày thì người phụ nữ phải cử hành nghi thức thanh tẩy và dâng lễ vật sau đó mới được tham dự vào việc thờ phượng chung.  

Con vật được dùng làm của lễ là đại diện cho con người. Khi sát tế con vật là có đổ máu. Máu là dấu chỉ đền bù cho tội lỗi. Muốn được tha tội thì phải có đổ máu. Ngay cả dân ngoại không được Thiên Chúa mạc khải nhưng cũng có những nghi thức sát tế con vật hay đôi khi sát tế một người nào đó làm của lễ tế thần hy vọng làm nguôi cơn thịnh nộ của vị thần họ tôn thờ. Thư gởi Do thái giải thích, “Chiếu theo Lề Luật, hầu hết mọi sự đều được thanh tẩy bằng máu. Không có máu đổ ra, thì không có ơn tha thứ” (DT 9:22). Tội đến từ bên trong con người. Chúng ta thường nghe nói ‘tội từ trong máu.” Điều này được nhận thấy trên khuôn mặt những con người sống phóng đãng trụy lạc, người nghiện rượu, những tội phạm và kẻ sát nhân. Sự xấu xa xuất ra từ giòng máu lưu thông trong họ. Do đó, đổ máu là dấu chỉ cho việc khử trừ tội lỗi. Và vì máu lưu truyền sự sống, và nếu không đổ máu đổi đời thì không xứng đáng đứng trước nhan Thiên Chúa.

Không thụ tạo nào xứng đáng đứng trước nhan Thiên Chúa. Đây là điều đã được mặc khải cho thấy ngay từ ban đầu. A-dong Evà đã nhận ra điều này khi họ dùng lá để che thân sau khi hai ông bà đã phạm tội. Các tấm lá sẽ khô héo không đủ khả năng để che đậy thân thể lõa lồ trần trụi và tâm linh xấu xa của họ. Vậy thì phải làm gì cho họ? Con vật phải bị giết để lấy da làm áo cho họ che thân, nghĩa là để phục hồi thể diện và nhân phẩm của họ, và như vậy thì phải có đổ máu. Và ai đã làm nên áo da cho họ che thân? Chính Thiên Chúa đã làm. Sách Sáng Thế Ký kể lại, “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (STK 3:21). Các tư tế Do Thái dâng các con vật, chiên, dê, bò, hay chim câu, chim gáy làm của lễ hiến tế. Những con vật này được dùng làm của lễ.

Hiến Tế Mới

Dùng tiền của người khác để tiêu xài thì dễ, nhưng chi tiền của mình ra là điều nhiều người so đo tính toán. Trong Cựu ước, của lễ dâng hiến không phải là chính các tư tế nhưng là các con vật. Các tư tế không phải đổ máu. Sát tế và đổ máu người khác thì dễ; hy sinh sát tế chính bản thân mình lại là điều khó không mấy ai dám làm. Nhưng khi Chúa Giê-su đến thì chính Ngài là của lễ. Chính Ngài sẽ bị sát tế. Chúa Giê-su sinh vào trần gian không phải để sống nhưng là để chịu chết. Chết để cứu chuộc chúng ta chính là mục đích của Ngài. Mọi dụ ngôn, các phép lạ, mọi việc Ngài làm trong suốt cuộc đời của Ngài, ngay cả việc gọi các môn đệ, chịu cám dỗ, cuộc biến hình, và các cuộc đàm đạo với người phụ nữ bên bờ giếng, với Ni-cô-đê-mô, đối thoại với những người biệt phái v.v. Tất cả đều hướng đến cái chết hiến tế trên Thập Gía đang chờ Ngài. Chúa Giê-su đến để hiến tế chính Ngài như lời thánh Phaolô nói với giáo đoàn Ê-phê-sô, “như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Epheso 5:2).

Thiên Chúa vẫn cần những tâm hồn quảng đại tự nguyện dâng hiến, để qua họ, Ngài có thể tiếp tục chương trình cứu chuộc nhân loại. Lễ dâng Chúa Giê-su vào Đền Thờ là nguồn hứng khởi cho mọi Ki-tô hữu, cách riêng cho các tu sĩ nam nữ sống đời thánh hiến đang quyết tâm dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa theo gương Chúa Giê-su. Tuy người tu sĩ có quyền sử dụng sự tự do của mình như mọi người, nhưng vì yêu Chúa hết lòng, họ bắt chước Chúa Giê-su từ bỏ ý riêng để chọn theo ý Chúa. Người tu sĩ cũng có tình cảm và cảm xúc và có quyền diễn tả cảm xúc của họ như những người khác, nhưng vì yêu mến Chúa và thương các linh hồn như chính mình, họ tự nguyện dâng hiến tình cảm riêng, sống hiến thân như Chúa Giê-su vì Nước Trời và vì phần rỗi cho các linh hồn. Họ không yêu riêng một ai, nhưng học theo Chúa Giê-su yêu thương mọi người. Người tu sĩ có quyền sở hữu như mọi người, nhưng vì yêu mến Chúa và làm chứng cho nước trời, họ quảng đại cống hiến hết những gì mình có cho việc truyền giáo mở mang Nước Chúa.

Mỗi lần mừng lễ Đức Mẹ Dâng Con là dịp chúng ta thêm lời cầu nguyện cho các linh mục tu sĩ được thêm tinh thần hăng hái can đảm tiếp tục hiến thân cho Thiên Chúa và Giáo Hội trong tinh thần hợp tác với Chúa Ki-tô cứu chuộc nhân loại.

Thánh Tê-rê-xa đã tự hỏi: “Thế giới này sẽ thế nào, nếu không có các tu sĩ?” Câu hỏi này càng thôi thúc tín hữu quý mến ơn gọi thánh hiến, cầu nguyện và cổ động để nhiều người trẻ dấn thân sống ơn gọi thánh hiến trong đời sống tu trì.

 
Lm. J Trần Đình Khả
114.864864865135.135135135250