06/06/2020 -

Cầu nguyện

2661
Lễ Chúa Ba Ngôi - Dạng tính con người (Lm John Trần Đình Khả)
Lễ Chúa Ba Ngôi
Dạng Tính Con Người
Mất Tính Dạng

Cái chết của anh George Floyd gây ra bởi một cảnh sát viên ở Miniapolis lấy đầu gối đè trên cổ của anh đã gây nên làn sóng phẫn uất của nhiều người khắp nơi trên nước Mỹ. Thảm cảnh này lại thêm một trường hợp một người da đen chết do hành xử của cảnh sát. Nỗi đau và phẫn uất của những người da mầu lại sôi lên. Nhiều người da mầu lại thêm cảm thấy bị đe dọa cho sự an toàn của chính họ chỉ vì mầu da. Một người chia sẻ, “Nó làm tim tôi vỡ ra khi nghe biết một người da mầu nữa bị mất mạng khi nó không đáng phải xẩy ra như thế. Tôi không thể hiểu được. Nếu một người không mang vũ khí, và đã bị còng tay, và có vài nhân viên cảnh sát đứng đó có mang khí giới. Nạn nhân kêu than, “Tôi không thể thở được! Bụng tôi bị đau.” Và quá cùng quẫn đã phải kêu than gọi đến mẹ của anh. Rồi những người đứng chung quanh đang dùng điện thoại quay phim chụp hình, cũng lên tiếng kêu la với cảnh sát, hãy nhẹ tay, thế mà viên cảnh sát vẫn cứ ghì đầu gối trên cổ và trên lưng của anh George Floyd. Không mấy người có thể nhìn đoạn phim đó mà không cảm thấy thương cảm như tim bị đau vỡ ra vì hành xử như mất tính dạng người.

Tất cả những ai xem đoạn phim này đều đồng thanh lên tiếng đòi công lý cho cái chết của anh George Floyd. Người thì lên tiếng đòi lẽ công lý, đòi bắt giữ, bỏ tù đòi kết tội sát nhân. Người thì lên tiếng kêu gọi yêu thương và hòa giải, người thi lên tiếng đòi thay đổi chính sách an ninh công cộng. Kẻ lại đòi ngưng mọi tài trợ cho cơ quan cảnh sát. Tất cả những tiếng nói này như đang kêu lên ‘hãy tìm lại dạng tính người của chúng ta.”

Là Ki-tô hữu, chúng ta cần nhìn vào Thánh Kinh và giáo huấn của Chúa Ki-tô trong Giáo Hội và coi đây là cơ hội để áp dụng giáo huấn của Chúa về công ly, công bình và hòa giải. Công chính và công lý và công bình có cội gốc trong Thánh Kinh. Chúng ta cũng cần suy nghĩ về cách Thiên Chúa muốn trồng cấy các mối tương quan hiện tại trong xã hội loài người của chúng ta ngày nay. Các tương quan liên hệ nhân loại đang trở nên đa dạng, đa văn hóa, đa sắc tộc nhưng lại rất gần kề với nhau trong hương sắc hoàn vũ. Chúng ta liên tục nhanh chóng tiếp nhận, nghe và chia sẻ những câu truyện, những mơ ước, và những nỗi đau của các nạn nhân trên khắp thế giới. Chúng ta cũng mau lẹ có những phản ứng, những phát biểu nói lên suy nghĩ mình. Điều này có thể đưa chúng ta xích lại gần nhau mà cũng có thể gây chia rẽ phân cách và tranh cãi thiếu khôn ngoan. Điều quan trọng là chúng ta cần học biết cách lắng nghe nhau và quan tâm đến mọi người. Người chết thì đã chết. Người gây nên thảm cảnh cũng chẳng bằng an. Chúng ta cũng không nên quên lời Chúa Giê-su nói, “Ai trong các ông vô tội thì hãy cầm đá ném trước đi.” Người cánh tả có thiên kiến chống người cánh hữu. Người cánh hữu có thiên kiến chống người cánh tả. Người giầu sống xa cách người nghèo. Giới người nghèo không có phương tiện và phương tiện tiêu xài như giới thượng lưu và có thể cảm thấy ghen tị. Chúng ta cần nhìn vào những nơi có nắm giữ quyền lực và được ưu đãi – và biến những chỗ đó cũng trở nên những nơi có phản ảnh sự đa dạng như trong xã hội con người thời đại. Tham, Sân, Si, hỷ, nộ, ai, ái, ố là những tính khí cắm rễ sâu trong mỗi con người. Mỗi người cần tự kỷ ám thị và biết tập luyện thăng tiến bản thân để trơ nên người tốt hơn. Làm thế nào để chúng ta trở nên con người tốt?

Nguồn Dạng Tính Con Người

Hôm nay Giáo Hội Công Giáo mừng lễ trọng thể kính Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi vị Cha, Con và Thánh Thần là diện mạo tính của Một Thiên Chúa. Giáo huấn này cũng phù hợp cho diện mạo tính của mỗi người chúng ta vì chúng ta tin là mỗi người cũng được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó khi chúng ta học biết về Thiên Chúa, chúng ta cũng học biết về chính mình. Khám phá và hiểu về diện mạo tính của mình, chúng ta cũng được thách đố sống theo căn diện tính đó của mình. Thật là trùng hợp đúng lúc để chúng ta suy nghĩ về diện mạo tính của mỗi người lập theo khuôn mẫu diện mạo tính của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Điều thứ nhất Chúa Giê-su tỏ cho biết về Thiên Chúa là sự hiệp thông liên quan của các Ngôi Vị. Danh vị “Cha” và “Con” là mối tình liên quan chia sẻ cùng một sự sống trong tình yêu thông hiệp. Đó là bản tính sâu đậm nhất về Thiên Chúa. Mối tình liên quan này có nghĩa là chúng ta như một cộng đồng nhân loại được bày tỏ bản tính và diện mạo sâu đậm nhất của mình khi chúng ta phản ảnh sự sống thông hiệp trong tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể trở nên trung thực nhất với chính mình, khi chúng ta trao đi cho nhau tình yêu hoàn toàn vô vị lợi. Không còn phân biệt chủng tộc hay mầu da. Người có tội hay người vô tội. Nạn nhân hay phạm nhân. Tất cả đều là con người mang hình ảnh của Thiên Chúa và cần được cứu chữa. Như thế cũng có nghĩa là chúng ta không thể thực sự là chính mình khi chúng ta sống cho cá nhân, tự cách ly, và tìm tư lợi cho bản thân hay cho một nhóm hoặc cho riêng một tổ chức đảng phái nào. Con người không thể nhận ra diện mạo bản tính sâu thẳm nhất của chính mình cho đến khi họ học biết yêu thương tất cả mọi người đồng đều và công bằng. Bất cứ sự chia rẽ phân cách nào đều là tội lỗi chống lại sự hiệp nhất của Thiên Chúa. Những người có tội, có lỗi lại càng cần được cứu chữa. Chính vì lý do này mà Ngôi Hai Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, chịu chết để cứu chuộc chúng ta. Tóm lại, sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa là mô phạm cho đời sống và sự tương quan của con người với nhau.

Lời xác nhận của thánh Gio-an tông đồ: “Chúa Cha quá yêu thương nhân loại nên đã gởi Con Một của Ngài đến trần gian.” Hay còn nói là ban Con của Ngài cho trần gian. Thiên Chúa được biết đến qua việc làm yêu thương sai gởi và trao ban. Đây là những lời công bố về lòng yêu thương rộng lượng hải hà của Thiên Chúa. Chúa Cha sai Chúa Con; và Chúa Con sai Thánh Thần đến khi Ngài sai các môn đệ tiếp tục sứ vụ của Ngài ở trần gian. Chúa Cha cũng trao ban Chúa Con cho thế giới khi Chúa Giê-su, Ngôi Lời của Thiên Chúa, nhập xác thể sinh xuống làm người. Rồi Chúa Giê-su hiến thân chết trên thập giá và tiếp tục trao ban chính Ngài trong Thánh Thể. Tin Mừng theo thánh Gio-an nhiều lần công bố về việc Thiên Chúa “gởi” và “trao ban.” Chúng ta tin là mình được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa; do đó, để chúng ta thực sự là mình, chúng ta cần trở nên những cán bộ trong tập đoàn tình yêu của Thiên Chúa; cán bộ không phải chỉ bởi việc tiếp nhận hồng ân bổng lộc tử tình yêu thương quảng đại của Chúa, nhưng còn là nhân viên chuyển giao tình yêu thương quảng đại đó tuôn chảy ra đến với những người khác. Chúng ta phải là những giòng điện nối liền với bình phát điện chứ không phải chỉ là những cục pin lưu trữ điện. Khi chúng ta là những giòng điện lực sự sống và tình yêu của Thiên Chúa thì đó là lúc chúng ta trở nên những cán bộ tích cực hoạt động trong sự sống của Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Cha yêu Chúa Con; Chúa Con yêu mến Chúa Cha và chúng ta. Chúa Con gởi Thánh Thần đến để chúng ta nhận lấy tình yêu thương và đáp lại tình yêu thương ấy và nhờ đó chúng ta có thể bước vào mối liên hệ ban sự sống và truyền sự sống cho trần gian. (Rm 5:5).

Chúa quá yêu thế gian là câu Thánh Kinh được trích dẫn ở mọi nơi. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 5:16). Tuy nhiên, khi chúng ta tách câu này ra ngoài bối cảnh nội dung của nó, chúng ta có thể hiểu sai chủ đích ý nghĩa của nó. Điều quan trọng cần nhớ là ở câu 14 Chúa Giê-su nói với Ni-cô-đi-mô cách riêng về việc Mai-sen treo con rắn đồng lên cao nơi sa mạc và cách Người Con của Thiên Chúa được treo lên để bất cứ ai nhìn lên Ngài thì sẽ nhận được ơn sống đời đời. Do đó thật rõ ràng “tin” vào Người Con là tin vào Thiên Chúa hiện diện nơi Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá. “Được treo lên” trong Tin Mừng Gio-an ám chỉ đến đồi Can-vê-ri-ô. Chúa Cha gởi Chúa Con đến với sứ vụ đặc biệt là làm cho Danh của Ngài được nhận biết ở thế gian. Để làm cho Danh Cha được nhận biết, Chúa Giê-su phải làm cho Tình Yêu được nhận ra vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Do đó, Can-vê-ri-ô là đỉnh điểm tỏ cho thấy Thiên Chúa là ai. Khi chúng ta “tin” vào Người Con Thiên Chúa là đức Giê-su được treo lên, là chúng ta tin vào tình yêu của Thiên Chúa hiện diện và tuôn đổ ra cho chúng ta trên thánh giá ở đồi Can-vê-ri-ô. Khi chúng ta thưa “vâng” đối với tình yêu ấy, chúng ta cũng thưa vâng để biểu lộ tình yêu ấy ra trong đời sống để những người khác có thể thấy và tin vào Thiên Chúa qua chúng ta. Chúng ta thưa tiếng xin vâng để sống với thánh giá mỗi ngày. Không ai có thể tự mình chu toàn sứ vụ này; đó là lý do trong lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chúng ta được nghe đến việc Chúa Giê-su gởi Chúa Thánh Thần đến, và nhờ đó chúng ta, các môn đệ của Ngài, có thể được sai đi giống như Chúa Giê-su đã được sai đến và tiếp tục sứ vụ của Ngài để làm cho Danh Chúa được nhận biết ở thế gian (Ga 20:19-23). Việc Thiên Chúa tự tỏ mình ra có sự tham dự của Chúa Cha Đấng sai phái, và Chúa Con, Người làm cho Danh Cha được nhận biết, và Chúa Thánh Thần đấng làm cho chúng ta có sức mạnh tiếp tục công việc vĩ đại tự tỏ mình ra của Thiên Chúa. Chúng ta là những giòng điện nối liền với nguồn phát điện để thông truyền điện lực sự sống của Thiên Chúa.

Khi chúng ta cử hành Lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa vượt trên tầm hiểu biết của chúng ta và bất kể Thiên Chúa có bày tỏ cách nào cho chúng ta, thì Thiên Chúa vẫn luôn là huyền nhiệm. Do đó chúng ta tin nhận vào Ngài qua đức tin mà không cần phải hoàn toàn thấu hiểu, hay phải hiểu về Ngài theo luận lý nhân loại. Thánh Benard nói rằng khi chúng ta đi tìm Thiên Chúa, Ngài cho chúng ta cơ hội. Ngài tạo ra “cảm tính”, và Ngài hoàn tất khát vọng. Chúng ta cần ghi nhớ rằng Thiên Chúa không phải là một bài toán để giải trình nhưng là một mầu nhiệm để sống một chân lý để ước ao. Thiên Chúa Ba Ngôi thông hiệp chung tay tạo dựng, cứu chuộc và truyền ban sự sống là khuôn mẫu cho gia đình nhân loại chúng ta.

Tiếp Tục Tìm Về Dạng Tính

Xã hội loài người còn nhiều phe đảng, nhiều nhóm lợi ích, nhiều ích kỷ tư lợi, nhiều chia rẽ, hiềm khích, chiến tranh, nhiều bất công, không sống công bình, thiếu ôn hòa với nhau là vì nhân loại chưa thực sự nhận ra căn diện tính của mình là Hình Ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhiều người đang tìm phương cách để hàn gắn, ổn định xã hội và xây dựng.

Bà Kristi Noem, thống đốc tiểu bang South Dakota nhận định: Biểu tình có mục đích của nó. Người ta biểu tình khi họ cảm thấy tiếng nói của họ không được đón nhận. Những ngày qua chúng ta chứng kiến vô số những cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ, vì thảm cảnh đã xẩy ra cho anh George Floyd bởi sự hành xử của nhân viên cảnh sát. Biểu tình là quyền của người dân. Người biểu tình đã lên tiếng. Bây giờ chúng ta phải làm gì? Chúng ta muốn công việc của các nhân viên an ninh phải được thực hiện thế nào ở mọi cấp từ thành phố, đến quận và tiểu bang. Không thống đốc nào đã tin người dân của họ biết lựa chọn đúng hơn cho bằng tôi trong những ngày tháng qua. Và không thống đốc nào trên đất Mỹ hơn tôi trong việc mong muốn cùng làm việc với người dân để tìm giải quyết các khó khăn, trong việc bảo vệ an ninh cách này hay cách khác. Đây là lúc giải quyết vấn đề.

Giữ an ninh trật tự là trách nhiệm của tiểu bang và vấn đề của địa phương. Đa số các nhân viên cảnh sát làm việc ở lãnh vực địa phương chứ không thuộc liên bang, và luật lệ họ thi hành thuộc về địa phương, không thuộc liên bang. Nếu chúng ta muốn thay đổi cách hành pháp an ninh, chúng ta phải dẫn đầu ở địa phương.

Ở Mỹ, đường phố không phải là nơi ăn thua thắng bại hay giải quyết vấn nạn về kiểm soát an ninh, hay những chính sách công. Đây là vấn đề cần học hỏi nghiên cứu, kiểm điểm, tranh luận, đàm phán và tương trợ nhau trước khi đưa đến quyết định tốt nhất để hành động. Một hàng chữ trên mạng truyền thông không thể là câu trả lời cho vấn đề của chúng ta. Chúng ta cần hỏi chính mình: Đâu là sự thật? Hậu quả thế nào? Và lịch sử dậy chúng ta điều gì?

Hệ thống chính trị của Hoa Kỳ có suy nghĩ chín chắn, do đó chúng ta cần phải có thời gian làm việc cẩn thận để nhìn vào những điều này ở mọi góc cạnh.

Công luận ở Mỹ ngày nay xẩy ra rất nhanh. Thông tin mạng xã hội truyền đi rất lẹ. Đây là điều tiện lợi nhưng cũng dễ khiến cho nhiều người thông tin cách vô tâm và thiếu chính chắn. Trong việc chạy đua để được là người đưa tin nhanh nhất, và trước hết, nhiều người đã bỏ qua việc suy nghĩ và kiểm chứng tìm sự thật chính xác. Thay vào đó, nhiều người lại ganh đua xem ai có thể lên tiếng trước và có tiếng vang xa nhất.

Hoa Kỳ là nơi mọi tiếng nói có thể được nói lên và được lắng nghe. Tự do ngôn luận là quyền căn bản của con người. Biểu tình hợp lý hợp pháp để nói lên quan điểm của mình là điều được tôn trọng. Nhưng bạo loạn phá rối và uy hiếp bịt miệng người khác là điều không được phép. Họ không thể gạt bỏ tranh luận công khai đứng đắn bằng việc dùng bạo lực và bạo loạn. Họ muốn tạo hoang mang và lo sợ. Như thế không phải là Hoa Kỳ.

Bài học lớn nhất tôi học được khi đối phó với các vấn đề liên quan đến chính sách công đó là không có cơ chế nào quan trọng hơn là Gia Đình. Chúng ta may mắn có rất nhiều gia đình tốt ở South Dakota và ở Hoa Kỳ. Bất kể gia đình của các bạn như thế nào, hãy cố làm cho gia đình của các bạn vững vàng.

Tôi nói như thế là vì những gì đang xẩy ra trong đất nước của chúng ta cho thấy rằng các gia đình của chúng ta cần được để ý đến hơn. Cha mẹ cần biết có phải con cái của họ đã đi ra ngoài tham gia việc liệng đá vào các nhân viên cảnh sát. Anh chị em trong nhà cần biết liệu có phải người nhà của họ đã đi vào các cửa tiệm để cướp phá. Các ông bà cần biết xem con cháu của họ có cố ý phá đổ lối sống của xã hội. Bạo động không bao giờ là câu trả lời. Chúng ta không cho phép nó xẩy ra. Chúng ta có cơ hội để làm tốt hơn. Nhưng điều đó đòi chúng ta phải cương quyết, tôn trọng nhau, lắng nghe nhau, và cùng chung tay tiến bước. 

 
LM Trần Đình Khả
Houston, TX
https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif
114.864864865135.135135135250