07/05/2017 -

Cầu nguyện

502
Ngài sinh ra để chết

Ngài sinh ra để chết

Mời bấm vào đây để nghe


Tuần vừa qua trên trang báo LifeSiteNews có đăng hình ảnh bé Dexter Tyler vừa chào đời và tay cầm cái vòng xoắn bác sỹ tìm thấy sau lớp nhau trong bụng của bà mẹ. Vòng xoắn IUD tiếng Anh gọi là Mirena là một dụng cụ dùng để ngăn chặn thụ thai hay còn được gọi là phá hủy thụ thai. Công ty sản xuất ra dụng cụ này tự hào là nó có hiệu qủa đến 99% ngăn ngừa việc thụ thai.

Nhưng bé Dexter Tyler lại lọt vào số 1% sống sót. Cô Lucy mẹ của bé Dexter đã đặt vòng xoắn để ngừa thụ thai. Tuy nhiên cô đã có thai. Cô không thể sinh theo tự nhiên, nhưng phải qua cách mổ. Khi các bác sỹ mổ mở cửa sinh giúp em bé Dexter ra đời thì họ thấy chiếc vòng xoắn nằm ở phía sau lớp nhau trong bụng của cô. Một nữ y tá đã lấy cái vòng xoắn đó đặt vào tay của bé Dexter rồi chụp tấm hình cho lên mạng facebook của mẹ bé Dexter với tựa đề: Mirena thua cuộc! Dexter chào đời ngày 27 tháng 4 năm 2017.

Cô Lucy đã may mắn vì Vòng xoắn Mirena IUD đã không lấy đi mạng sống của con cô. Vòng xoắn có ba cách để ngăn ngừa thụ thai. Thứ nhất là nó làm đặc chất nhờn nơi người phụ nữ khiến cho tinh trùng không gặp được trứng. Thứ hai là nó ngăn chặn tinh trùng không phát triển trong trứng; và thứ ba là nếu tinh trùng chạy vào và kết hợp được với trứng thì vòng xoắn sẽ làm cho màng ở tường tử cung mỏng ra khiến không thể phát triển.

Tấm hình đã lan truyền nhanh chóng trên mạng. Cô Lucy chia sẻ: Mặc dù cô không có ý không muốn có con, nhưng Dexter ra đời là một phước lành cho cô và gia đình. Ai trong chúng ta khi nhìn vào một em bé cũng đều cảm thấy dạt dào tình cảm yêu thương. Chúng ta muốn ẵm, muốn hôn, muốn nựng, muốn chơi đùa và dỗ dành cho bé vui. Trẻ em là dấu chỉ của sự sống. Ở đời ai cũng muốn sống và thích sống. Chúng ta sinh ra để sống.    

Truyện đời của mỗi người được kể lại trong hai thời điểm: ngày sinh và ngày tử. Mọi người chúng ta sinh ra để sống. Nhưng buồn thay, mọi người chúng ta ai cũng phải chết. Duy cuộc đời của một Người trong mọi người có mặt trên cõi đời này thì ngược lại. Ngài sinh ra để chết. Nhưng cái chết của Ngài lại đem lại sự sống cho mọi người. Người đó là Đức Giêsu Kitô. Để được hưởng sự sống với Chúa Kitô, chúng ta cần nhận biết, hiểu và tin theo Ngài.

Cho dù Ngài đến để chết, nhưng cái chết đó lại không phải chỉ vì danh nghĩa của sự chết. Bởi lẽ bất cứ khi nào có đau khổ và chết chóc, hay một sự hạ nhục nào đó được nói đến nơi Ngài, thì lại luôn luôn có đích điểm đối chiều trong vinh quang, chiến thắng hay tán dương ca tụng. Thần tính nơi Ngài chiếu soi bất cứ khi nào nhân tính của Ngài bị hạ nhục.
Mối liên hệ có tự bản chất này chạy dọc suốt cuộc đời của Ngài. Nếu Ngài đã sinh ra bởi một nữ tì hèn mọn nơi hang bò lừa, thì lại có các Thiên Thần của trời cao loan báo vinh quanh của Ngài. Nếu Ngài tự hạ nằm trong máng cỏ, và bên lũ bò lừa thì lại có vì sao soi sáng dẫn đường để những người dân Ngoại đến chầu Ngài như một Thượng Hoàng. Nếu Ngài đói và bị cám dỗ nơi hoang địa, thì lại có các thiên thần đến hầu hạ Ngài. Nếu máu Ngài tuôn đổ nơi vườn Cây Dầu thì đó lại là vì Cha Trên Trời trao cho Ngài cái chén. Nếu Ngài bị bắt vì giờ đã đến, thì có cả ngàn vạn vệ binh Thiên Thần giải thoát Ngài nếu như Ngài không muốn hiến thân chết cho nhân loại. Nếu Ngài tự hạ như một người có tội để lãnh nhận phép rửa từ Gioan, thì lại có tiếng nói từ trời cao tuyên bố sự vinh quang của Người Con Đấng không cần sự thanh tẩy. Nếu những người trong phố chối từ Ngài và muốn xô đẩy Ngài té xuống từ mỏm đá cao thì lại có sức mạnh siêu nhiên để Ngài bước xa khỏi đám đông mà không hề hấn gì. Nếu Ngài bị đóng đinh trên thập gía, thì không gian nên tối tăm vì mặt trời hổ thẹn không thể chiếu sáng và trái đất đã rung lên trong phản đối chống lại việc các thụ tạo đã đối xử với Đấng Tạo Hóa. Nếu Ngài được mai táng trong mồ, thì lại có các thiên thần loan báo việc Ngài sống lại.

Cái làm cuộc đời của Đức Kitô nên độc đáo là việc thiết lập triều đại của Ngài ở trần gian và trên trời, nơi sự thống khổ và cái chết của Ngài đã được xếp đặt theo qui trình. Chiến thắng sự dữ, bằng cách tiếp nhận sự tàn ác nhất của sự dữ đã làm cho Ngài trở nên vai vế thay thế và đại diện. Như lời tiên tri I-sa-i-a, Ngài nói Ngài đến để bị coi như đồng hàng với những phường tội lỗi.” Nhưng việc chiến thắng sự dữ của Ngài, qua Thập Gía, sẽ truyền sang cho những người muốn tái diễn cảm nghiệm của việc vác thánh gía trong đời sống của họ.

Thánh gía có mặt mọi nơi trong cuộc đời của Ngài. Ngài đã không thể dễ dàng nói về nó, vì khi Ngài nói, thì ngay cả những người thân cận nhất của Ngài, là các môn đệ, cũng không hiểu.

Lần đầu tiên công bố về việc Ngài đến để chịu chết là khi những người Biệt Phái tranh luận với Ngài về chế độ ăn uống. Họ đã phàn nàn với các môn đệ là Ngài đã ăn uống với những người tội lỗi. Họ đồng lòng với việc ăn chay kiêng cữ theo giáo thuyết của Gioan Tẩy Giả, và đã than phiền với Chúa và các môn đệ của Ngài là tại sao họ ăn uống trong khi các đồ đệ của Gioan thì lại ăn chay. Một người sùng đạo ở Is-ra-en ăn chay mỗi tuần hai lần, vào ngày thứ Hai và thứ Sáu. Đây là hai ngày được coi là thời gian ông Mai-sen lên núi Si-na-i. Rõ ràng là Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đã không kiêng cữ  giống như Gioan Tẩy Gỉa. Điều này đã khiến cho những người Biệt phái sau này than phiền là Ngài là người thích ăn nhậu chè chén. Câu trả lời của Chúa cho thắc mắc tại sao các môn đệ của Ngài không ăn chay kiêng cữ có tầm kích quan trọng hơn là khi vừa mới thoạt nghe.

Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. (Mc 2:19).

Ngài tự gọi mình là “Chàng Rể.” Những người Biệt Phái, am tường Cựu ước, rất quen thuộc với ý tưởng đó. Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Is-ra-en luôn luôn là liên hệ giữa Chàng Rể và Cô Dâu. Hơn bẩy thế kỷ trước, tiên tri Hô-sê-a đã nghe Chúa nói với dân Is-ra-en:

 Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu,
Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực,
trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành,
và ngươi sẽ được biết ĐỨC CHÚA. (Hôsêa 2:21-22).

Lời tiên tri I-sa-i-a cùng với những vị khác cũng nói về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Is-ra-en trong bối cảnh liên hệ chàng rể và cô dâu.

Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt
chính là Đấng đã tác thành ngươi,
tôn danh Người là ĐỨC CHÚA các đạo binh;
Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Ít-ra-en,
tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất.(Isaia 54:5).

Những người nghe Ngài đều biết điều Ngài đang nói, Ngài là Thiên Chúa. Ngài là Chúa, Đấng mà Is-ra-en đã lập hôn ước. Ngài bước vào vai vế và ngôi vị của Thiên Chúa trong Cựu ước, tuyên bố những quyền hạn và ân huệ. Chúa cũng nói những lần khác đề cập đến việc chính Ngài là Chàng Rể trong dụ ngôn tiệc cưới của hoàng tử, và trong dụ ngôn mười trinh nữ đi đón Chàng Rể khi Chàng Rể đến trễ. Gioan Tẩy Gỉa trước đó, khi ông thấy Chúa Giêsu, cũng đã nhận diện Đức Kitô trong hình ảnh của Chàng Rể ở Cựu ước, khi ông nói:

Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của tôi, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi. (Gio 3:29).

Gioan Tẩy Gỉa chỉ là bạn của Chàng Rể, hay là người “phù rể” trong hôn lễ, hay là sứ giả của Đấng Cứu Thế. Nhưng chính Đức Kitô mới là Chàng Rể, vì khi mang lấy bản tính con người ở Bêlem, mà trước đó chưa từng làm người, Ngài đã lập hôn ước với toàn thể nhân loại. Cho đến thời điểm khi tội lỗi được tẩy xóa và Chàng Rể đón nhận Hôn Thê của Ngài để tái sinh nhân loại, hay Giáo Hội, Gioan đã chuẩn bị cho các cuộc đính hôn. Thánh Phao-lô sau này miêu tả chính ngài đóng vai trò giống như Gioan Tẩy Giả, chỉ khác là vai trò của Phaolô trong mối liên hệ với Giáo Đoàn Corintô:

Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Ki-tô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết.(2Cor 11:2).

Dân Is-ra-en xưa là Cô dâu trở nên dân Is-ra-en mới, là Giáo Hội, và đến cuối thời, những cuộc hôn ước giữa Chàng Rể và Cô Dâu sẽ được cử hành trên trời:

Vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên,
và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng,
nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền." (KH 19:7).
(Áo vải sáng chói biểu tượng những việc công chính của dân Chúa).

Trả lời cho câu hỏi của những người Biệt Phái lý do các môn đệ của Ngài không ăn chay là vì họ không u buồn; đúng vậy, họ đang hạnh phúc, vì Thiên Chúa đang đồng hành sánh bước với họ ở trần gian. Khi Ngài còn ở với họ, thì chỉ có vui mừng. Nhưng nó không kéo dài luôn mãi như thế ở trần gian. Ngài đến để chịu chết. Một lần nữa, lại có sự nối kết không phân ly giữa Cây Thánh Gía và sự vinh quang. Và Ngài nói về cái chết của mình:

 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.

(Mc 2:20).

Chàng Rể sẽ bị đóng đinh; Ngài sẽ khai chiến chống lại những quân binh của thần dữ và sẽ quyết chiếm lấy Hôn Thê của Ngài. Từ niềm vui của bữa tiệc các môn đệ của Ngài sẽ trải qua nỗi u sầu của chay tịnh khi Chàng Rể bị đánh và đè bẹp.

Đây là lời công bố đầu tiên về cái chết của Ngài. Mục đích thứ nhất trong câu trả lời cho những người Biệt Phái không phải để nhấn mạnh đến việc ăn chay kiêng cữ, nhưng là để công bố việc ra đi của Chàng Rể. Ngài đã ám chỉ rằng cái chết của Ngài không phải là nhát búa giáng của định mệnh, nhưng là một phần tất yếu trong sứ vụ cứu chuộc của Ngài. Lúc Chúa nói về niềm vui của tiệc cước, Ngài đã nhìn vào cái vực sâu thẳm của Thập Gía và đã thấy chính mình chết treo trên đó. Bóng hình Thập Gía không bao giờ rời xa Ngài, ngay cả khi Ngài sung sướng hạnh phúc như Chàng Rể. Ngày Thứ Sáu Chịu Nạn và Ngày Phục Sinh khải hoàn lại một lần nữa liên kết với nhau, nhưng đảo ngược thứ tự. Từ niềm vui Ngài nhìn đến Thập Gía lúc Ngài công bố lần thứ nhất về chính Ngài như Chàng Rể. (Và bây giờ là thời điểm cho các môn đệ của Ngài sống trong chay tịnh!)

Đức Giêsu đã hoàn tất sứ vụ cứu chuộc. Bây giờ đến lượt các môn đệ của Ngài tiếp tục sứ vụ đó. Bây giờ là thời điểm để các môn đệ của Ngài đi rao giảng, ăn chay và đền tội.

Tuần này toàn thể Giáo Hôi mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Chúng ta làm mới lại tinh thần của lời Đức Mẹ nhấn nhủ: Ăn năn đền tội và lần hạt mân côi để cầu cho toàn thể nhân loại được sống trong hòa bình.

Trước hết chúng ta đọc lại bản dịch về Bí Mật Fatima thứ ba, do chính chị Lucia viết ra, ngày 3 tháng 1 năm 1944, như sau: Con viết ra trong sự vâng lời Ngài, lạy Thiên Chúa của con, Ngài ra lệnh cho con làm việc nầy qua Ðức Giám Mục của giáo phận Leiria, và qua Ðức Maria, Mẹ Chúa và là Mẹ của con.

 Sau hai phần (bí mật Fatima I và II ) mà con đã nói ra, chúng con đã nhìn thấy phía bên trái của Ðức Mẹ, và hơi cao hơn một chút, một Thiên Thần cầm một gươm lửa nơi tay trái; gươm nầy chớp sáng và chiếu ra những tia lửa dường như thể muốn đốt rụi thế giới; nhưng những tia lửa nầy bị tắt đi, khi gặp phải ánh sáng phát ra từ tay phải của Ðức Mẹ chỉ về phía Thiên Thần; Tay mặt của vị Thiên Thần chỉ vào trái đất, và vị Thiên Thần nói lớn: Ðền tội, Ðền tội, Ðền tội! Và chúng con đã nhìn thấy trong một ánh sáng bao la là Thiên Chúa: "một cái gì giống như thể người ta xuất hiện trong tấm gương khi họ đi ngang qua nó" một vị Giám Mục mặc Áo trắng, "chúng con có cảm giác như thể đó chính là Ðức Thánh Cha". Nhiều vị giám mục khác nữa, những Linh Mục, những tu sĩ nam nữ, đang leo lên một núi dốc cao, trên chóp núi nầy có một cây Thập Giá lớn có thân sần sù, giống như thể bằng cây sồi có võ cứng; trước khi lên đến nơi, Ðức Thánh Cha đi ngang qua một thành phố lớn phân nửa đã bị tàn phá và phân nửa bị rung động, ÐTC bước đi run rẩy, chịu đau đớn và sầu muộn, Ngài cầu nguyện cho những linh hồn của các người chết mà ngài gặp trên đường; khi lên đến chóp núi, quỳ gối phủ phục dưới chân Thập Giá lớn, ngài bị giết bởi một toán lính cầm súng bắn vào ngài và phóng các mủi tên vào ngài; và cũng bằng cách thức như vậy, hết người nầy đến người khác, các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và nhiều giáo dân thuộc hàng ngủ và địa vị khác nhau, cũng lần lượt bị giết chết nơi đó. Bên dưới hai cánh của Thập Giá, có hai Thiên Thần, mỗi vị cầm nơi tay một bình thủy tinh, trong đó các vị hứng máu của những người tử đạo, và dùng máu nầy rảy lên các linh hồn đang tiến lên gần Thiên Chúa. (Chương 9)
 

Lm John Kha Tran

114.864864865135.135135135250