25/06/2017 -

Cầu nguyện

345
Người lén bước vào là một phụ nữ

Người lén bước vào là một phụ nữ

Mời bấm vào đây để nghe

Mục sư Tom Long đang đứng xếp hàng đợi mượn sách ở thư viện của Chủng Viện Princeton thì trông thấy một người bạn, cũng là nhà Tư Vấn tâm lý mục vụ, đang ôm một chồng sách khệnh khạng bước đi. Mục sư Tom Long hỏi đùa, “Này ông bạn, một nhà tư vấn tâm lý mục vụ làm gì với những cuốn sách đó.”

Người bạn trả lời, “Tôi đang cần làm một tra cứu về việc tha thứ.” Mục sư Tom Long bối rối hỏi lại, “Tại sao phải tra cứu về việc tha thứ?” Nhà Tư Vấn Tâm Lý suy nghĩ giây lát rồi giải thích, “Tôi nghĩ là tôi đang cố gắng tìm hiểu để biết xem là sự tha thứ có thực sự có ở đời hay không. Vì khi tôi làm trong nghề tư vấn tâm lý mục vụ, thật khó để tôi tìm thấy những chứng tích của tha thứ.”

Một người Biệt Phái giầu có tên là Simêon đã mời Chúa đến nhà để dùng bữa. Ông đã nghe nói về Chúa và nóng lòng muốn đích thân được gặp Ngài. Điều đáng ngạc nhiên là có một người khác trong vùng cũng mong mỏi gặp Chúa, nhưng cái người đó mong muốn lại cao cả hơn. Lương tâm cô có nỗi niềm nặng trĩu, và cô mong muốn gặp Ngài như Đấng Cứu cô thoát khỏi cái gánh nặng của tội lỗi.

Dù rất hổ thẹn về tội lỗi của mình, cô đã không để cho sự hổ thẹn ngăn cản cô trước mắt bá quan văn võ, những người có thể sẽ lên án cô. Chúa Giêsu đứng giữa một người hiếu kỳ muốn biết thêm về Ngài như một vị Thầy và một tội nhân hối cải đứng trước mặt Ngài như một Vị Cứu Tinh.

 Khi đến nhà, ông Simon đã không mấy nồng hậu trong việc chào đón và đã bỏ qua thủ tục tiếp khách. Thời bấy giờ, khi vào một nhà nào thì không mang giầy dép. Giầy dép được cởi bỏ để ở ngoài cửa. Khách được chủ nhà chào đón bằng một cái hôn trên má với lời chào, “Chúa ở cùng bạn.” Sau đó vị khách được ngồi tựa lưng vào một chiếc ghế và đầy tớ mang bình nước tới để rửa chân cho khách theo thủ tục thanh tẩy. Sau đó, chủ nhà, hay ít là một trong những người đầy tớ xức dầu thơm trên đầu và râu của vị khách. Trường hợp của Chúa Giêsu, chủ đã không có nước cho Ngài rửa chân, chẳng có cái hôn chào đón, và cũng chẳng có dầu thơm xức trên đầu Ngài. Có lẽ ông Simon biết là ông đang bị theo dõi bởi các con mắt của những người Biệt Phái khác, nên ông đã bỏ qua những thủ tục tiếp đón này. Các thực khách thời đó không ngồi ở bàn ăn, nhưng là nằm tựa lưng vào chiếc ghế dài,  chân duỗi thẳng ra và không mang giầy dép.

 Lúc đang ăn tiệc thì một việc tình cờ xẩy ra. Ông Simon nhìn lên và điều ông trông thấy đã làm ông đỏ mặt sững sờ. Ông không quan tâm nếu một người khác có mặt lúc đó, nhưng Vị Khách Này! Ông ta nghĩ thế nào? Người đột nhập vào bữa tiệc là một người phụ nữ; tên của người đàn bà đó là Maria; nghề nghiệp của bà, một người tội lỗi, một phụ nữ làng chơi. Cô đã từ từ đi vào phòng, tóc để rũ, giống như tránh cái nhòm ngó của những người Biệt Phái. Cô đứng ở phía chân của Chúa Giêsu, và để  những giọt lệ rơi đổ xuống trên bàn chân của Chúa như những hạt nước mưa đầu mùa hè oi ả. Trong hổ thẹn và hối hận vì những việc đã làm, cô cúi mặt sâu hơn như để che dấu mặt, nhưng những giọt nước mắt đã không thể cầm được. Mạnh dạn vì không chống lại được, cô đã qùi phục xuống và dùng mái tóc xõa dài của mình lau những giọt nước mắt rơi trên chân của Chúa. Xức dầu trên đầu là việc bình thường, nhưng cô đã không dám làm công việc xứng đáng đó, mà chỉ mạnh dạn trong khiêm tốn để xức dầu trên chân của Ngài. Lấy từ trong khăn bọc một lọ dầu thơm quí, cô đã không chậm rãi đổ từng giọt như để khoe sự quảng đại rộng rãi của mình. Trái lại cô đã đập bể lọ dầu thơm và đổ hết ra, vì tình yêu không còn biết tính toán. Cô không làm như một công việc bày t lòng hiếu khách đối với một vị thầy mà là trút bỏ con tim nặng gánh tội lỗi của cô. Chắc chắn cô đã từng gặp và nghe về Ngài, và cô vững tin là Ngài sẽ đem lại cho cô niềm hy vọng mới. Tình yêu tỏ ra nơi sự mạnh dạn của cô, lòng hối cải qua nước mắt của cô, sự hy sinh và từ bỏ mình đã bày tỏ qua dầu thơm của cô.

 Ông Biệt Phái Simon đã giật mình king ngạc vì một bậc Thầy nổi tiếng như Ngài mà lại để cho một người phụ nữ có tiếng xấu thuộc hạng gái làng chơi như thế đến gần Ngài, tuôn rơi nước mắt lên chân của Ngài, một việc làm hoàn toàn nghịch lại với truyền thống nghiêm ngặt dành cho những người Biệt Phái. Ông Simon đã không nói lớn tiếng, nhưng chỉ thầm nghĩ trong bụng: “Nếu người này thực là một tiên tri, hẳn ông phải biết người đàn bà đang chạm đến mình là ai, thuộc hạng người nào, một người tội lỗi. (Lc 7:39).

Làm thế nào ông ta biết được bà là hạng gái làng chơi? Khi ông lên án người khác là ông đã tự lên án chính mình. Dưới con mắt của Simon thì người phụ nữ đó là người tội lỗi và luôn luôn thuộc hạng người tội lỗi. Với ông thì ô uế luôn có trong sự đụng chạm của cô, tội trong nước mắt và sự gian trá trong dầu thơm. Người Biệt Phái đã không tìm hiểu, không cho phép có hy vọng. Ông quan niệm lý do duy nhất chỉ là ý xấu, tính phù vân, đói khát hay mê dâm dục đã đưa đẩy cô nàng đến sự phá hủy cuộc đời. Ông cho là cô đã trằn trọc trong đêm bị lương tâm cắn rứt và lên án cô hàng ngàn vạn lần vì đã làm những điều chính cô biết đã gây xáo trộn tâm hồn. Và với Đức Kitô, nếu Ngài biết lòng người thì Ngài phải nhận ra người phụ nữ đó là một cô gái điếm đàng.

Chúa Giêsu đọc được ý nghĩ của ông Simon y như đến một ngày kia Ngài sẽ đọc được tâm hồn của những người sống và kẻ chết. Ngài đã nói với ông: Simon, Tôi có điều muốn nói với ông. Simon trả lời, “Xin Thầy cứ nói.” Chúa tiếp tục: Hai người đều mắc nợ ông chủ: một người nợ năm trăm đồng bạc, và người kia năm mươi. Cả hai đều không có gì để trả và ông chủ đã tha cho cả hai. Vậy thì ai trong hai người đó yêu qúi chủ nhất?(Lc 741,42).

Ý nói ở đây chính Chúa là ông Chủ, Người đã ủy nhiệm cho chúng ta tất cả những thứ tốt lành cho đến ngày chúng ta trả nợ và tính sổ về việc quản trị của chúng ta. Một số người mang nợ nhiều hơn người khác; một số người vì đã phạm nhiều tội hơn; một số khác nhận được nhiều đặc ân, một số có nhiều khả năng hơn, có người nhận được năm phần và cũng có người chỉ có một. Có thể là tội lỗi của người phụ nữ đó là món nợ nặng như năm trăm đồng tiền bạc, trong khi ông Simon chỉ nợ có năm chục đồng. Nhưng cuối cùng, cả hai con nợ đều không trả được. Ý của dụ ngôn thật rõ ràng. Thiên Chúa là ông chủ nợ, Đấng đã uỷ thác nơi con người các ơn huệ của Ngài về sự phong phú, thông minh, thịnh vượng. Nhưng ngày trả nợ đã được ấn định. Dù chẳng ai, theo lẽ công bằng, có thể trả nợ cho Thiên Chúa qua tội lỗi của mình, nhưng Thiên Chúa đã tha cho tất cả các con nợ, lớn hay nhỏ. Cái gía  mà sự tha thứ này phải trả trong ý nghĩa công bằng, Chúa không bàn đến ở đây. Nhưng Ngài đã chuẩn bị cho Simon để cho ông hiểu rằng Ngài đến để xóa bỏ tội lỗi.

Chúa hỏi: Ai sẽ yêu chủ nợ hơn? Simon trả lời, “Tôi trộm nghĩ người được tha nợ nhiều hơn.” “Ngươi đã nói đúng” Chúa Giêsu trả lời. Rồi Ngài quay nhìn sang người phụ nữ và nói với Simon, “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: ông đã không cho tôi nước để rửa chân; nhưng người phụ nữ này đã thấm ướt chân tôi bằng nước mắt của chị và lấy tóc mà lau chân tôi. Ông đã chẳng hôn chào tôi; nhưng chị ta đã không ngừng hôn chân tôi. Ông đã không xức dầu lên đầu tôi, nhưng chị đã xức dầu thơm đầy trên chân tôi.” (Lc 7:43-46).

Chúa có ý nói gì với Simon khi Ngài nói “Ông có thấy người phụ nữ này không?” Ngài có ý nói là Simon đã không thể nhìn ra bản chất thực của người phụ nữ đó, nhưng chỉ thấy con người cũ nơi cô, hay chỉ như một người đàn bà trpmg quan điểm của ông. Simon đã nghĩ thầm là nếu Chúa là một tiên tri hẳn Ngài phải biết cô ta là một người tội lỗi. Và bấy giờ Chúa quay sang hỏi Simon, “Ông có thấy người phụ nữ đó không hả ông Simon?” Cái sai của loại người như ông tự cho mình là công chính vì ông cho mình là đạo đức, bởi ông thấy người khác tội lỗi. Ông chẳng bao giờ sáng mắt. Ông nghĩ là ông thấy, nhưng không thấy. Tội lỗi luôn là do người hàng xóm chứ không phải là mình.

Chúa tiếp tục nói đến những tập tục hiếu khách thông thường đã bị bỏ sót, nhưng người phụ nữ này lại làm cho Ngài. “Chị đã rửa chân tôi bằng nước mắt của chị.” Chiếc áo bị bùn nhơ không thể tẩy sạch nếu không được giặt giũ trong nước. Khi một người đầm đìa trong tội lỗi thì không những chỉ được giặt giũ, nhưng phải được ngâm và tắm gội bằng những giọt nước mắt thống hối. Rồi chị đã lau chân của Ngài bằng tóc. Nơi lòng thống hối chân thành thì luôn luôn có sự thay đổi về những điều đã lỗi phạm, thay đổi đi từ việc phụng sự cho tội lỗi đến việc phụng sự Thiên Chúa. Trang sức đẹp nhất cho thân xác, theo quan niệm của hối nhân, thì không gì qúa đáng được dùng để bày tỏ ra đối với Chúa Giêsu.

Sự hiếu khách của Simon đã bỏ sót thói quen theo luật xã hội tự nhiên, Vị Khách tinh thần của ông bây giờ so sánh với những việc hiếu khách cao cả hơn và theo luật của ơn thánh. Những dấu của vinh dự được lần trở về tận nguồn, đó là lòng ước ao ơn tha thứ của người phụ nữ. Trong tất cả những phép xã giao lịch thiệp ở đời đều có gốc gác của tình cảm thắm nồng. Ông Simon nghĩ là ông đã bày tỏ đủ sự qúi trọng đối với người Con của bác thợ mộc bằng việc mời Ngài đến dùng bữa; nhưng tình yêu của người phụ nữ đã được Ngài tìm về tận nguồn cảm nghiệm sâu đậm qua ơn tha thứ tội lỗi: Và bởi thế, Ta bảo thật ông, tình yêu lớn lao của người phụ nữ chứng minh cho thấy rằng những tội lỗi chất chồng của bà đã được tha hết; bởi vì nơi nào được tha thứ ít thì nơi đó tỏ ra ít tình yêu (Lc 7:47). 

Nếu viện cớ suy diễn rằng cứ phạm tội thật nhiều hay cứ chồng chất nợ lên để nhờ đó, người có tội sẽ được tha thứ nhiều hơn, thì đó lại là một sai lầm. Bài học thực ra là những người có tội rõ ràng thường nhận ra tình trạng tội lỗi của họ dễ hơn là người coi mình là tốt lành. Như trong bệnh viện, một bệnh nhân có nhiều vết thương và bầm dập thường được đón nhận nhiều thương cảm hơn là những người không mang nhiều vết thương, cũng vậy, nhìn nhận tội lỗi không phải là một cản trở, nhưng là một biện luận cho ân huệ tình thương của Thiên Chúa. Tình yêu của người phụ nữ này tăng theo tỉ lệ cấp độ của lòng biết ơn nhờ được thứ tha. Nó không phải là số lượng tội lỗi, nhưng là sự ý thức về tội và về tình thương trong ơn tha thứ, được bày tỏ ra nơi tình yêu lớn lao của người phụ nữ thống hối này. Cô được tha nhiều vì cô đã yêu mến nhiều.

Không gì có thể đem một người gần gũi hơn với một người khác bằng việc xưng thú tội lỗi. Khi một người khoe với bạn về sự thành công của họ, thì người đó còn đứng ở một khoảng cách xa lòng của bạn; khi người đó nói cho bạn trong nước mắt về lỗi lầm của họ, thì người đó ở rất gần kề bên lòng của bạn. Thực vậy khi một người có sự ý thức về tội của họ, người đó không còn phân biệt giữa tình trạng tội của họ thuộc cấp độ năm trăm hay là năm chục đồng bạc. Cái làm cho họ lo buồn là họ đã xúc phạm đến người mà họ yêu mến. Thánh Phaolô coi mình là người tội lỗi nhất trong những người có tội, nhưng ngài không phải là người có tội to lớn nhất ngoại trừ tội mù quáng và bắt bớ đạo. Người nào coi thường tội lỗi thì cũng coi thường ơn tha thứ. Người nào coi thường những vết thương sẽ chẳng coi trọng khả năng cứu chữa của thầy thuốc.            

Ông Simon có cái phải học; do đó ông đã mời một vị thầy đến nhà; người phụ nữ có điều gì đó cần được thứ tha, nên cô đã tuôn đổ những giọt lệ thống hối trên Đấng Chủ Nợ Thánh Thiện, Người đã chứng tỏ là Vị Cứu Tinh của cô. Simon đã không chối tội; nhưng ông cảm thấy bản thân ông tương đối là trong sạch khi ông thấy người phụ nữ là một người tội lỗi. Tội lỗi không phải chỉ là phá đổ một tình yêu; nó còn là việc làm tổn thương người mình yêu. Cường độ tội nặng nhẹ lại tùy thuộc ở cấp độ khi gặp gỡ Đức Kitô. Đứng kề bên Thánh Gía và cảm thấy nỗi niềm đau đớn của Đấng mà cái chết của Ngài là điều cần thiết cho việc đền bù tội lỗi, đã có thể làm cho Phaolô, một Biệt Phái của lớp người biệt phái, tự nhận chính mình là “người tội lỗi nhất trong số những người tội lỗi.”

Bài học kết thúc và người phụ nữ được tha bổng với những lời: “Tội của chị được tha thứ.” (Lc 7:48).

Người mà ông Simon nghĩ là một vị thầy, đã không hợp thức hóa luật lệ. Nhưng Ngài đã tha thứ tội lỗi. Tuy vậy, ai có thể tha tội ngoại trừ Thiên Chúa? Đó là điều mọi người có mặt ở bàn tiệc suy nghĩ: Những khách dự tiệc bắt đầu hỏi nhau, Người này là ai mà có thể tha tội? (Lc 7:49).

Đây là thắc mắc của họ khi họ đứng lên rời khỏi bàn tiệc. Các bàn tiệc sẽ trở lại như một dấu chỉ về cái thế giới vô tội nhiều thế kỷ sau. Con người cũng chỗi dạy cắt nghĩa chữa chạy tội lỗi của họ. Nhưng những tâm hồn như thế sẽ không có niềm vui nội tâm của người phụ nữ, người đã nghe Đấng cao trọng hơn các tiên tri nói: Đức tin của chị đã cứu chị; hãy đi bằng an (Lc 7:50).

Đức tin của chị đã nói cho chị biết là Thiên Chúa yêu thích sự trong sạch, tốt lành và thánh thiện. Và trước mặt chị là Đấng duy nhất có thể phục hồi tình trạng thánh thiện đó cho chị. Nhưng cái gía Ngài sẽ trả cho sự bình an chỉ đến sau một cuộc chiến - cuộc chiến chống lại sự dữ. Ơn tha thứ mà người phụ nữ đón nhận không phải chỉ là việc được tha thứ; nhưng đó là một sự thứ tha mà công bằng đã được đền bồi. Phêrô, người có mặt nơi bàn tiệc, sau này đã ghi chép lại cái gía phải trả đó là: Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. (1 Phero 24).

Thực khách nơi bàn tiệc thắc mắc làm thế nào Ngài có thể tha tội. Họ nói đúng, ai có thể tha tội ngoại trừ Thiên Chúa? Mục đích Ngài đến trần gian như Con Người lại một lần nữa được tỏ hiện: Ngài được nhận diện với những kẻ có tội mang lấy tội lỗi của chính họ. Ngài sẽ được tách ra khỏi những người tội lỗi trong việc dâng hiến chính Mình Ngài cho việc cứu chuộc họ và, do đó, có thể tha thứ tội lỗi cho họ. Một đàng là việc nhận diện: Ngài được kể vào hàng những người tội lỗi (Lc 22:37).

Đàng khác là phân cách ra: Một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời.(DT 7:26).

Đây là những chân lý bổ xung. Điều thứ nhất là cái gía Ngài đã phải trả cho việc tha thứ tội lỗi, như trường hợp tha thứ cho người phụ nữ, điều thứ hai là sự sống Thiên Chúa nơi Ngài đã đem lại gía  trị vô cùng tận qua các đau khổ của Ngài. Người phụ nữ trước mặt Ngài đã được xóa bỏ hết nợ nần, nhưng cô không mường tượng ra được là Ngài đã phải trả gía đắt đến đâu. Tất cả những cử chỉ yêu mến của người phụ nữ tội lỗi bày tỏ ra với Ngài, thì Ngài sẽ lại đón nhận ở một hình thức khác. Đó là cái hôn phản bội từ Giuđa; việc rửa chân cho Ngài sẽ được đảo ngược lại khi Ngài thắt chiếc khăn và rửa chân các môn đệ của Ngài; và với dầu thơm xức trên đầu của Ngài thì sẽ có mão gai khi Ngài tuôn đổ ra những tia máu thơm của chính Ngài.
 

Lm John Kha Tran

114.864864865135.135135135250