CỘNG ĐOÀN YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA KITÔ
Chúa nhật XXXIII Thường niên năm C
Ml 3,19-20a; 2Tx 3,7-12; Lc 21,5-19
Bài Tin mừng Chúa nhật XXXIII Thường niên nhắc nhở chúng ta về những hệ luỵ khi tin vào Đức Kitô. Niềm tin ấy đi kèm với rủi ro bị ngược đãi, đau khổ và chịu chết vì danh Chúa Giêsu. Ngài cho thấy một viễn tượng nghiệt ngã dành cho những ai theo Ngài, khi họ sẽ phải chịu những hiểm nguy của người môn đệ, nhưng Chúa cũng thắp lên niềm hy vọng và khẳng định sẽ bảo vệ họ bất chấp những nghịch cảnh trước mắt:
“Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy”. (Lc 21,12)
Mặc dù cách nói rõ ràng toàn báo điềm gỡ, nhưng chúng ta vẫn có thể suy ngẫm về những hệ luỵ này dưới cái nhìn tích cực. Chúa Giêsu phác họa hình ảnh người môn đệ là tấm gương phản chiếu cuộc sống và sứ vụ của Ngài. Chúa đã bị bách hại, các môn đệ cũng sẽ chịu như vậy. Tuy nhiên, ngay cả khi bị bắt bớ, Ngài vẫn sống trọn vẹn sứ vụ xuất phát từ tình yêu, và các môn đệ cũng phải làm như vậy.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta noi gương Ngài như một cách thế để trở thành môn đệ của Ngài. Việc noi gương này đồng nghĩa với việc chúng ta đôi khi gặp phải những xung đột, nhưng đây lại là cơ hội để kiến tạo và bày tỏ Nước Thiên Chúa tại trần thế. Hành động nhân danh Chúa Giêsu đòi hỏi phải lưu ý đến những người dễ tổn thương và túng thiếu, cũng như chân thành quan tâm đến hạnh phúc của tha nhân.
Xuyên suốt Tin mừng, Chúa Giêsu tỏ lòng quan tâm đến những người bị áp bức và bị gạt ra bên lề xã hội. Các phép lạ và dụ ngôn biểu lộ sự quan tâm khi chữa lành các bệnh nhân, săn sóc người đau khổ và ban ơn tha thứ cho người biết ăn năn. Thêm vào đó, lời dạy của Ngài còn mời gọi cộng đoàn tín hữu trưởng thành và biến đổi bản thân.
Hằng ngày, đau khổ và bất công trên thế giới áp đảo chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ giải quyết những vấn đề đó như một yếu tố thiết yếu để sống đức tin. Lắng nghe lời mời gọi yêu thương của Tin mừng thúc đẩy chúng ta tìm ra những cách thức để đáp ứng nhu cầu của thế giới. Chúng ta có sáng kiến và quyết tâm đưa Lời Chúa vào hành động, qua các thực hành như giúp đỡ người yếu thế và giải quyết những bất công mang tính hệ thống trong xã hội.
Việc Chúa Giêsu tích cực dấn thân cho cộng đoàn và thế giới là mẫu gương cho chúng ta để góp phần kiến tạo một xã hội công bằng hơn, đây chính là điều Martin Luther King Jr. gọi là “cộng đoàn yêu thương” nhân danh Chúa Giêsu. Khi suy ngẫm về những hệ lụy trong cuộc đời môn đệ, chúng ta cần rút ra những hiểu biết sâu sắc và cảm hứng từ sứ điệp bao quát của Tin mừng về tình yêu.
CẦU NGUYỆN
Chúng ta có thể làm gì để kiến tạo một xã hội công bình hơn?
Những việc chúng ta làm phản ánh thế nào về sứ điệp tình yêu của Tin mừng?
Chúng ta có thể làm gì để bền đỗ trong những lúc khó khăn?
Jaime L. Waters
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (28/10/2022)
https://giaophannhatrang.org/