Cách đây không lâu, trên trang báo mạng Dân Trí có đăng một bài viết với tựa đề: “NGƯỜI VỢ 10 NĂM CHĂM CHỒNG BẠI LIỆT KHIẾN NHIỀU NGƯỜI RƠI LỆ”[1] Đó là câu chuyện cảm động mang “dáng đứng thập giá” và đầy giá trị nhân văn.
Nội dung của câu chuyện kể lại sự hy sinh và tình yêu chung thủy của chị NTTT (Phú Thọ) với người chồng 10 năm bại lệt. Cưới nhau được 3 tháng, anh T bị tai nạn giao thông phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào người khác. Từ đó đến nay, ròng rã gần 10 năm, chị tần tảo làm đủ mọi việc để có tiền chạy chữa và chăm sóc chồng. Tuổi trẻ, tương lai rộng mở đón chị phía trước, có lúc chị cũng muốn buông xuôi, tháo chạy vì kiệt sức nhưng rồi nghĩ đến nghĩa vợ chồng và tình yêu anh đã dành cho chị trước đây, chị lại có thêm động lực để cố gắng bước tiếp. Vì với anh lúc này, chỉ có tình yêu của chị mới hy vọng cứu anh khỏi cú sốc quá lớn này. Thế rồi, sau bao nhiêu cay đắng, nhọc nhằn, hy sinh và khổ ải, tình yêu của chị dành cho anh đã vực anh từ nỗi thất vọng với cái chết cận kề, trở thành con người đầy hy vọng, biết đón nhận và bình an với số phận.
Đọc câu chuyện trên trong bầu khí của ngày thứ sáu tuần Thánh, chúng ta dễ dàng cảm nghiệm rằng, chị NTTT đã chấp nhận “đi con đường Thập giá của Đức Giêsu” để phục sinh niềm tin và niềm hy vọng cho người chồng đang ẩn khuất trong bóng tối của những nỗi chán nản thất vọng.
Những “câu chuyện tình mang dáng đứng thập giá” như thế không phải mới trong lịch sử nhân loại, nó đã xuất hiện cách đây hơn 2000 năm và hôm nay lại được tái diễn lại trong niềm tin của những người tin vào Người. Đó là câu chuyện tình mang tên Giêsu. Ngài đã vì yêu thương nhân loại mà tự nguyện vác thập giá lên đồi Sọ chịu đóng đinh và chịu chết trên đó.
Một câu chuyện mang những màu sắc và giai điệu trầm buồn, nhưng trong sự trầm lắng này, chúng ta như nghe được tiếng nói và đụng chạm được đến tình yêu của Thiên Chúa qua thập giá của Chúa Giêsu.
Mỗi bước đi, mỗi chặng dừng, từ phòng tiệc ly đến đỉnh đồi Calvê, là một chặng đường dài của tình yêu mà Ngài dành cho nhân loại. Ngài đã làm tất cả những gì có thể làm và cần phải làm với một trái tim yêu thương đến tận cùng. Cái tận cùng này của Chúa Giêsu chinh là việc Người đã trao ban chính mình cho nhân loại.
Chẳng còn lời nào hơn để nói về tình yêu của Đấng Cứu Thế, cũng chẳng có ngôn ngữ nào đủ nghĩa để diễn giải cho tình yêu này, nên chăng hãy thinh lặng, suy nghĩ và cảm nghiệm. Khi đó ta sẽ hiểu được; dáng đứng của cây thập tự, nơi Chúa bị đóng đinh và chết đau thương, chỉ muốn nói lên một điều; Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người, và “Ngài đã yêu thương đến cùng” (x.Ga 13,1). Vì thế, thập giá không chỉ là nơi Đức Giêsu bị đóng đinh, nhưng còn là đỉnh cao yêu thương, là nơi Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng của Người Tôi Trung theo ý muốn của Chúa Cha trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại, nơi Đức Kitô vực con người trỗi dậy từ cõi chết, là nơi Ngài đã đi đến cùng tận để ban phát ơn cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại. Ơn cứu độ từ nay không còn xa xôi, nhưng bắt đầu ngay trong lòng con người. Chính trong sự yếu hèn, tội lụy, trong những cay đắng của cuộc đời, những thập giá của cuộc sống, con người tìm được ơn cứu độ.
Hôm nay, một hình dáng xù xì, khẳng khiu, vươn cao, xòe rộng để ôm lấy chúng ta, bao phủ chúng ta, đó là bóng cây thập giá của Chúa Giêsu. Dáng đứng của cây thập giá không chỉ tạo nên một bầu không khí riêng cho câu chuyện tình của Thiên Chúa với nhân loại, đó còn là dáng đứng của tình yêu, là dấu chỉ, là tiếng nói của tình yêu, là sức mạnh của niềm hy vọng để dẫn chúng ta bước vào sự khởi đầu của một đời sống mới. Và “Thập giá” chính là định nghĩa thỏa đáng nhất về tình yêu mà chúng ta cần phải mang lấy trong cuộc đời, nơi tâm hồn mình. Để luôn xác tín, đường theo Chúa không phải “con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về,” nhưng là con đường đã in dấu chân, đã thấm mồ hôi, đã loang vết máu của Con Thiên Chúa – đường thập giá.
Thế giới hôm nay, con người hôm nay vẫn lẳng lặng, quằn quại nhìn dòng đời chảy trôi trong sự hủy diệt, nhìn cái đói, cái nghèo, cái bất công, bạo lực, chiến tranh, hận thù hoành hành mà chẳng thể nào làm gì khác hơn ngoài tựa nương nơi suối nguồn xót thương vô hạn được tuôn trào từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa trên thập giá.
Ngước nhìn thập giá, chúng ta được mời gọi mang trong tâm trí và trái tim những tất cả những khổ lụy của kiếp người. Đó là những thứ, những người mà chỉ có Chúa mới có thể mang lại cho họ sự an ủi và mang lại ý nghĩa cho đau khổ của họ.[2] Còn chúng ta chỉ “Xin một đời thập giá dẫn con đi. Xin một đời vượt qua những gian nguy. Xin một đời thập giá vác trên vai. Xin một đời được sống trong tình Ngài”( Đường Thập Giá – Giang Ân)
Tham Nguyen