01/09/2022 -

Sư phạm giáo dục

280
Tản mạn mùa tựu trường

Mùa hè đã vội vã bước qua những ngày cuối cùng, cái nắng chói chang với tiếng ve kêu rả rích cùng sắc đỏ nồng nàn của hoa phượng đã tạm qua đi. Đất trời đã chính thức vào thu. Mùa thu được cảm nhận là mùa đẹp nhất trong năm. Vẻ đẹp của mùa thu không chỉ ở tiết trời nhưng đẹp ở tâm thức của con người, đó là mùa của sự khởi đầu mang theo bao ước mơ, bao niềm hi vọng của các thầy cô giáo, của các em học sinh và của tất cả những ai làm công tác giáo dục. Tiếng trống trường đã điểm báo hiệu một năm học mới bắt đầu. Hàng triệu các thế hệ học sinh, sinh viên trên cả nước lại cùng nhau hân hoan bước vào cuộc hành trình khám phá tri thức mới.

Năm nay - năm thứ 3 của Tổng Hội XI, toàn Dòng cùng nhau “Về nguồn” thế nên, mùa tựu trường năm nay chúng ta có nhiều lý do hơn để mỗi người làm công tác giáo dục suy nghĩ về sứ vụ của mình, để thấu hiểu hơn công lao to lớn đối với sứ mạng “trồng người” của các bậc tiền bối trong Dòng, những người không bao giờ mệt mỏi để truyền đạt kinh nghiệm và sự khôn ngoan, từ đó mỗi người sẽ có những sáng kiến, những định hướng cho sự kế thừa và phát huy sứ mạng “trồng người” của mình.

Thành ngữ Việt nam có câu “người làm sao chiêm bao làm vậy”. Con người có tốt thì xã hội mới đẹp mà muốn có con người tốt đẹp thì phải có một nền giáo dục đúng nghĩa. Việc giáo dục đúng nghĩa không phải chỉ giáo dục kiến thức mà phải giáo dục con người toàn diện: về thể lực, trí tuệ, đạo đức, tâm linh… Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai – Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo đã nói: là những người có niềm tin vào Chúa, ngoài việc thu nạp kiến thức văn hóa, xã hội, chuyên ngành, còn phải cố gắng học hỏi thêm những điều bổ ích cho đời sống đức tin của mình.”
[1]

Cùng dòng tư tưởng này, Đức Tổng Giuse Vũ Văn Thiên cũng nhắn nhủ rằng: “cây chỉ vươn lên mạnh mẽ khi được cắm rễ sâu trong lòng đất; con người chỉ trưởng thành và vươn xa khi hướng về cội nguồn”
[2] Thật vậy, “một thân cây muốn được vững vàng trước gió lớn, nó phải được cắm rễ sâu vào lòng đất, muốn được kiên vững trong đức tin, bảo đảm cho phần rỗi đời đời của mình, một cách nào đó, đời sống chúng ta cũng phải được cắm sâu vào Chúa Kitô như vậy.”[3]

Nói cách khác, con người chỉ thành người và đứng vững trong cuộc đời qua giáo dục và chỉ nhờ giáo dục. Đức Thánh Cha Phanxico trong tông huấn Laudato Si, số 213 cũng nói: “một sự giáo dục tốt ở trường học khi các em còn bé sẽ gieo được nhiều hạt giống, sản sinh những hiệu quả tốt đẹp trong suốt cuộc đời.”  Vì thế, giáo dục không phải như việc đổ đầy kiến thức vào đầu như đổ nước đầy thùng nhưng để thắp lên một ngọn lửa của sự ý thức và trách nhiệm.

Đối với các tu sĩ, giáo dục không đơn thuần chỉ là một nghề nghiệp, vì nghề nghiệp thì có sự trả vay với đời, còn sứ mạng là căn tính là lẽ sống của đời tu. Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, trong diễn từ nhân ngày công bố quyết định thành lập Học viện Công giáo 06-08-2015, đã phát biểu rằng: “Đối với Giáo hôi, giáo dục là chìa khóa và là một phương tiện quan trọng thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng cho xã hội hôm nay”. Vì sứ mệnh đó, nên đối với Dòng Đa Minh Rosa Lima, giáo dục thanh thiếu niên luôn là một mối bận tâm và ưu tiên hàng đầu trong sứ vụ của Dòng. Ngoài việc giáo dục văn hóa, giáo dục đức tin cho các cháu mẫu giáo, Hội Dòng còn muốn góp phần thăng tiến con người, xã hội và đất nước nơi mình đang sống qua các Lưu xá, các Mái ấm và các Nhà nội trú.

Một năm học mới bắt đầu với nhiều niềm vui và nhiệt huyết nhưng cũng đầy thử thách và hy sinh trên nẻo đường sứ vụ giáo dục. Là những nhà giáo dục mang tên Rosa Lima, mỗi người:
“hãy bám chặt vào Chúa Giêsu, vì Người là con đường duy nhất để dẫn đến Chúa Cha, vốn là mục tiêu cuối cùng và duy nhất của đức tin Kitô giáo (x. Cv 4, 12). Mặt khác, chúng ta là những Kitô hữu. Danh xưng này cũng nói lên toàn bộ linh đạo đời sống đức tin của mình, đó là luôn có Chúa Kitô hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống.”
[4] Bởi, trước khi giáo dục người khác, chúng ta phải đào luyện chính mình, trước khi trở thành nhà giáo dục, chính chúng ta phải bước đi trên con đường được giáo dục và thủ đắc những giá trị mà Thánh Phaolô đòi hỏi mang lấy:“ bác ái, hoan lạc, bình an, đại lượng, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22). Có như vậy chúng ta mới trở thành một nhà giáo dục như lòng Chúa mong ước.

 
 
[1] Uỷ Ban Giáo Dục Công Giáo: Thư gởi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2022-2023
[2] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tgp-ha-noi-thu-gui-cac-sinh-vien-hoc-sinh-cong-giao-dip-dau-nam-hoc-2022-2023-46413
[3] Uỷ Ban Giáo Dục Công Giáo: Thư gởi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2022-2023
[4] Uỷ Ban Giáo Dục Công Giáo: Thư gởi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2022-2023
 
114.864864865135.135135135250