26/12/2024 -

Suy niệm

52
Bảy ngày bên Máng Cỏ - Ngày thứ hai: TÌNH YÊU TỰ HUỶ

Máng cỏ Bêlem không chỉ là nơi Chúa Giêsu giáng sinh, mà còn là dấu chỉ sống động của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trong sự nghèo khó, khiêm nhường và giản dị, máng cỏ mời gọi chúng ta bước vào một cuộc hành trình chiêm ngắm tình yêu ấy qua từng ngày ân phúc của Mùa Giáng Sinh. Đặc biệt, với bảy ngày dừng lại trước máng cỏ, chúng ta sẽ cùng nhau chiêm ngắm những khía cạnh sâu sắc và phong phú của tình yêu Thiên Chúa, những gì Ngài đã sống và giảng dạy qua sự hiện diện sống động và khiêm tốn của Ngài trên trần gian.
 
Ngày thứ hai: TÌNH YÊU TỰ HUỶ

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa – là Thiên Chúa Tối Cao - đã không giữ lại quyền uy và vinh quang của mình, nhưng đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân” (Pl 2,7).

Tình yêu tự hủy không phải là sự yếu đuối, cũng không phải là một sự thất bại, mà là một nguồn sức mạnh vĩ đại. Quả thế, khi một người dám từ bỏ quyền lợi của mình để mang lại sự sống cho người khác, thì đó chính là lúc người ấy tự huỷ mình đi để tình yêu vươn dậy. Chúa Giêsu đã chọn con đường tự hủy này, không chỉ qua việc hạ cố mặc lấy xác phàm trong máng cỏ nghèo hèn, mà Ngài còn tự huỷ trong suốt cả cuộc đời. Nói khác đi, hành trình dương thế của Chúa Giêsu là những mắt xích nối dài của mầu nhiệm tự hủy: Ngài huỷ mình trong hình hài thơ bé đơn sơ; Ngài tự huỷ để sống như bao phàm nhân, ngoại trừ tội lỗi; Ngài huỷ mình để chạm đến những phận người bệnh tật, tội lỗi, yếu đuối và hư hao… để đồng bàn với họ; Và đỉnh điểm của mầu nhiệm tự hủy ấy là khi Ngài đã trao hiến mạng sống của chính mình trên thập giá để cứu độ nhân gian.

Trong Tông thư Admirabile Signum, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Máng cỏ là dấu chỉ tình yêu tự hủy, khi Thiên Chúa đến với nhân loại trong sự nghèo khó và khiêm nhường. Máng cỏ mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận tình yêu ấy, tình yêu không giữ lại cho mình mà luôn luôn trao ban” (AS 9). Khi Chúa Giêsu giáng sinh trong một máng cỏ, Ngài không chỉ đến để cứu chuộc, mà còn đến để dạy chúng ta về tình yêu mà Ngài sống, một tình yêu không ngừng cho đi, không đòi hỏi sự đáp lại.

Tình yêu tự hủy là một tình yêu vượt lên trên mọi mong muốn cá nhân. Nó không tìm kiếm vinh quang hay sự khen ngợi, mà chỉ đơn giản là muốn phục vụ, muốn hiến dâng và trao ban. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Misericordia et Misera cũng đã nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ có thể hiểu được tình yêu trong sự tự hủy khi nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng đã không giữ lại gì cho mình, mà trao ban tất cả vì nhân loại” (Misericordia et Misera, 14). Chính trong sự tự hủy này, tình yêu của Chúa Giêsu đạt tới đỉnh cao của sự cứu độ.

Hôm nay, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu nơi máng cỏ, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có sẵn sàng từ bỏ cái tôi, từ bỏ quyền lợi cá nhân để phục vụ người khác không? Tôi có thể sống tình yêu tự hủy như Chúa trong công việc, trong đời sống gia đình, trong cộng đoàn hay trong những mối tương quan xã hội của mình không? Câu trả lời sẽ là: “CÓ!” – nếu chúng ta nuôi dưỡng trong tim mình một tình yêu đích thực, là tình yêu sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng từ bỏ chính mình để trao ban cho người khác.

Hãy để máng cỏ trở thành tấm gương soi chiếu tâm hồn chúng ta. Mỗi khi ta dám hạ mình, mỗi khi ta từ bỏ những ích kỷ để sống vì người khác, là lúc ta sống theo tinh thần tình yêu tự hủy của Chúa Giêsu. Chính trong sự từ bỏ ấy, chúng ta tìm thấy niềm vui trọn vẹn và sự bình an trong thâm sâu tâm hồn.

Lời nguyện

Lạy Chúa Hài Đồng, xin dạy con biết từ bỏ cái tôi ích kỷ để sống tình yêu tự hủy. Xin giúp con học theo gương Chúa, sẵn sàng hạ mình và trao ban tình yêu cho những người xung quanh, dù phải hy sinh và chịu thiệt thòi. Amen.


114.864864865135.135135135250