22/01/2022 -

Tác phẩm mới

867
Tôi đói...

“Lạy Chúa, có một anh Lazarô và một lão phú hộ trong con!”
          
Nó đã khóc. Khóc vì hối tiếc? Khóc vì hạnh phúc? Những giọt nước mắt lăn nhanh trên khuôn mặt tròn trịa và trắng hồng của nó. Chẳng ai biết vì sao nó khóc, tiếng khóc cứ nghẹn ứ trong đêm…
         
Nó may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả. Từ khi còn bé, nó luôn xúng sính trong những bộ đầm mới và đẹp, trong khi các bạn của nó không có đủ quần áo mặc tới trường. Mỗi lần nhìn thấy những người ăn xin ở trên đường hay vào nhà nó xin một chút gì để có thể no bụng là nó sợ lắm. Nỗi sợ ấy lớn dần lên khi mỗi lần nó trông thấy hình dáng “quái đản” lấm lem đen đủi, quần áo rách dưới, đầu tóc thì bù xù và đặc biệt còn đeo một chiếc bị, nó tưởng tượng “ông ba bị” đến bắt nó.

Theo dòng thời gian, bé ngày xưa đã lớn, đã biết suy nghĩ, giờ nó không sợ “ông ba bị” đến bắt nữa nhưng kí ức tuổi thơ ngày nào vẫn làm nó sợ mỗi lần gặp người ăn xin. Nỗi sợ của ngày xưa đã thay thế bằng cái sợ bị dơ, bị bẩn và bị lây bệnh…đây là vách ngăn rất lớn không cho phép nó tiếp xúc với họ. Nó còn nhớ rất rõ: có lần một bà lão nghèo khổ đến nhà xin ăn, mẹ nó lấy một hộp cơm với đầy đủ thức ăn bảo nó mang ra, nhưng nó không muốn… nhất định không chịu đi. Mẹ nói mãi… nó cũng đành chấp nhận. Chao ôi! Những bước chân nặng nhọc vô cùng! Trên đường mang ra, nó phát minh ra cái gọi là “thượng sách”, nó buộc hộp cơm vào một chiếc que. Ra gần đến cổng, nó gằn giọng nói: “Cơm của bà nè.” và chìa chiếc que về phía bà lão. Mẹ từ trong nhà thấy vậy chạy ra, vội đỡ lấy hộp cơm, xin lỗi và hai tay đưa cho bà. Ngày hôm đó thật nhớ đời, nó bị mẹ cho một trận đau tới mấy ngày. Nó ấm ức lắm, cứ lẩm bẩm hoài: “cũng chỉ tại ăn xin, ghét ơi là ghét”. Nó đâu có biết rằng: Tấm lòng người mẹ là luôn muốn con cái của mình biết quan tâm đến người khác, đặc biệt là những người cùng khổ. Ai dè cưng quá nên...

 
****

Thời gian thấm thoát trôi, ấy thế mà giờ nó đã đi tu... cho dù ở trong Nhà Dòng nhưng chưa bao giờ nó từng biết đói là gì và nó có phần nào đó mừng rỡ vì nghĩ những con người nghèo khổ mà nó từng gặp ở nhà sẽ xa nó hoàn toàn. Mỗi khi có dịp đọc bài Tin Mừng theo thánh Mathêu: Dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khó là nó lại rùng mình vì người anh đầy mụn nhọt, ghẻ trốc, hôi thối… Nó nghĩ bụng nếu anh Lararô mà ngồi trước cửa nhà nó, thì có mà nó “chạy mất dép” còn lâu mới ra mở cửa như lão phú hộ kia.
         
Thời gian có chờ ai bao giờ, ngày qua ngày, rồi chữ “ngờ” cũng đến, đâu có ai học được chữ “ngờ” của cuộc đời từ bàn tay Thiên Chúa quan phòng. Đã đến lúc Thiên Chúa xót thương muốn thức tỉnh nó, chẳng biết là duyên hay nợ mà Ngài dùng chính người ăn xin để cảm hóa, đánh động nó và dạy nó biết sống đời dâng hiến một cách có ý nghĩa hơn…
         
Câu chuyện xảy ra vào một buổi tối nọ, hôm đó nó có công tác coi cổng. Trời mưa như trút nước, từng cơn gió thổi ào ào đập vào những ngọn cây trước nhà tạo nên một thứ âm thanh rất dữ tợn, làm nó lạnh cả người và lòng nó man mác buồn. Cái buồn đưa những suy nghĩ mông lung tràn ngập trong màn đêm, nó đâu có biết đó là cái đêm đáng nhớ…

Bỗng !!! “Reng, reng, reng

Tiếng chuông cửa reo mạnh, nó giật mình lẩm bẩm: “Mưa thế này không biết chị nào về muộn vậy ta?”. Nó bật dù lên rồi bước nhanh ra mở cửa… Cạch! Tiếng cửa thật giòn, nụ cười chớm nở trên môi nó đã vội vụt tắt, trước mặt nó là một ông cụ đội chiếc nón tả tơi, quần áo mỏng manh, rách nát lõm bõm toàn nước - nó đoán ngay là ăn xin. Trong bóng lờ mờ tối, nó nhận ra ông lão đang run run lên.

“Ông cần gì?” nó chành hảnh hỏi.

Cháu ơi, ông đói quá. Cháu cho ông xin miếng cơm” ông lão thều thào nói như “người hết hơi” rồi ông nhìn nó với ánh mắt như muốn xin ơn.

“Hết cơm rồi” câu trả lời cộc lốc…

Cho ông xin một chút gì đó thôi cũng được” lão chìa tay ra xin, đôi bàn tay ngấm nước mưa sưng húp, bẩn thủi.

Không có” nó trả lời với vẻ đầy bực mình, đóng sầm cửa lại.

Im bặt. Nó không nghe thấy tiếng nài nỉ nữa. Nó nhanh chân chạy vào nhà vì trời đang mưa to quá.

Ăn với chả xin, chín giờ tối sao vẫn còn ăn xin vậy trời” nó lải nhải một mình trong cơn bực tức.

Bực mình! Lúc nào cũng… Thiệt là…! “Tưởng vào đây thoát gặp mấy người này, ai ngờ đeo bám vậy?”
         
Quay trở vào, nó mở chiếc đài rađio ra nghe tin tức. Đài báo: “Thành phố Hồ Chí Minh đang bị ảnh hưởng của cơn bão, tâm bão đã vào đến Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhà cửa nghiêng ngả, cây cối bị đổ vì gió cấp 8, cấp 9; giật trên cấp 12”. Rõ tội nghiệp! Miền Trung luôn bị “dính” bão. Hậu quả để lại thật nặng nề.
        
  “Không biết có nhiều người bị lũ cuốn trôi không”. Nó đang miên man trong dòng suy nghĩ về cơn bão miền Trung thì tiếng chuông cửa lại reo.

 “Lại có người nào nữa vậy?” Nó uể oải bước từng bước ra mở cổng.
         
Cầu mong, không phải lão ta

Mở cánh cửa ra, nó vẫn thấy con người còm cõi khắc khổ với khuôn mặt đen sạm và vô số nếp nhăn, những hạt mưa làm cho đôi môi tái nhợt, sắc mặt lão nhạt nhòa như “người chết trôi”.

Sao ông dai dữ vậy? Đã nói là không có gì rồi mà” nó giẫy nẩy lên

Cho lão đi một chút gì đi, lão không chịu nổi nữa rồi” lão ta năn nỉ.

Sầm một cái. Nó vùng vằng, chẳng nói chẳng rằng. Đóng cánh cửa rõ mạnh, tỏ vẻ tức giận ra mặt.

Bực mình dễ sợ. Nó nói như phân trần: “Tôi không thích ông đó tý nào. Nói chung từ bé đến lớn tôi không có ‘khái niệm’ giúp đỡ người ăn xin”.

Như một thói quen, mỗi khi nó cảm thấy bực tức, bất an hay sợ hãi, nó thường lấy cuốn Kinh Thánh ra đọc. Lần này, như một sự tình cờ nhưng có lẽ đã được Chúa an bài, nó mở đúng đoạn Tin Mừng Maccô về ngày phán xét chung:

41Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó… "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy." 

Chưa kịp đọc. Lại tiếng chuông cửa reo lên.

 Lần này nó không còn đủ nhanh nhẹn để ra mở cửa như hai lần trước nữa. Nó chần chừ, chần chừ mãi vì trời vẫn đang mưa to và nó biết chắc lại ông lão ăn xin đây mà, ra lại chuốc thêm bực mình…Và cuối cùng, nó cũng ra mở cửa, trong thâm tâm nó thôi thúc nó làm như vậy.

Đúng là…” Nó đoán chẳng sai. Bóng ông lão đã dần khuất sau hẻm. Trong bức màn dày đặc của những hạt mưa thi nhau kéo sợi, nó chỉ còn nhìn thấy xa xa những bước chân siêu vẹo, thất thểu không đủ sức để bước của lão ăn xin.

 “Chậc, kể cũng khổ” Lần đầu tiên, nó cũng bắt đầu thương cảm, cho dù còn hờ hững. Chao ôi! Cảnh nghèo đói đã gặm nát ông lão nghèo khổ kia thành xấu xí biết chừng nào.

Khóa cửa thật chặt. Nó vào đọc đoạn Tin Mừng vừa kịp mở lúc nãy. Đọc xong, mặt nó “khờ” ra… Thay vì tức giận thì nỗi buồn ở đâu kéo tới như một cơn sóng thần đổ ập xuống đầu nó, nó như thấy Chúa đang quở trách nó: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”.

Đêm đó, nó không sao ngủ được: hình ảnh ông lão cứ luẩn quẩn trong đầu nó. Nó bứt rứt mãi. Nó muốn tìm lấy một người chị em để nghe nó giãi bày nhưng mọi người trong nhà đã ngủ. Nó chợt nhớ tới Chúa: “giờ này chắc chỉ còn mình Chúa đang thức để chờ đợi nó thôi”. Nó vùng dậy, chạy thật nhanh lên nhà nguyện để có thể trút bỏ những gánh nặng trong nó. Nó lải nhải mãi…nhưng Chúa vẫn im lặng và kiên nhẫn để lắng nghe nó. Nó đâu có ngờ trong cõi thinh lặng chưa bao giờ nó có thể nghe được rõ tiếng lương tâm như lúc này. Đêm nay nó thấy lòng đau thật nhiều, hai hàng nước mắt cứ lả chã rơi; nó cúi đầu không dám nhìn lên Chúa nữa vì nó cảm thấy thật xấu hổ, mặc cảm tội lỗi bóp nghẹt con tim bé nhỏ của nó… Nó chột dạ và tự hỏi với lòng mình: “Bước vào đời tu tôi đi tìm gì? Tìm cái ghế cao sang, tìm danh dự cho bản thân, tìm miếng cơm manh áo, hay tôi tìm sự thiện hảo trong đức ái là cho đi tất cả, tìm bóng hình Người mà tôi bước theo là Đức Kitô trong tất cả mọi người…”.

Nếu như người mù thành Giêrikhô không được Chúa đụng chạm, chắc hẳn anh đã không nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Hôm nay, Chúa đã ân ban “đụng chạm” vào cõi lòng để nó nhận ra mình cũng là một Larazô nghèo khổ đang ngồi xin ăn. Từ trước tới nay, nó nghĩ mình luôn “no đủ” nhưng thực sự nó đang đói, rất đói… Cơn đói của nó chính là cái đói của linh hồn khao khát xin Chúa đổ vào lòng nó nguồn tình yêu, vì chỉ có tình yêu mới đủ sức khiến con người ta quên đi chính mình, bỏ đói cái tôi ích kỉ, đầy kiêu ngạo để có thể lắng nghe và đồng cảm với tất cả mọi người. Người đang đi tìm mà thấy thì phải vui mừng nhưng sao nó nhận ra cái đói của mình mà lại thấy lòng đau đáu đến lạ… Nó biết rồi, đêm nay thì nó đã rõ, trong nó cũng có một lão phú hộ luôn sợ phải hy sinh, sợ bị mất mát, sợ nhường chị em nó một câu nói, sợ thua người khác con điểm, chữ số… Đã đến lúc nó phải bắt đầu lại, bắt đầu hành trình bỏ đói “cái tôi” của nó cách thật sự. Bắt đầu… từ những gì nó có: một ánh mắt, một nụ cười, một lời hỏi thăm… Một hành động nhỏ đến thế đấy, vậy mà đâu chỉ có mình nó lãng quên…?

Giờ đây, người đứng ngoài cánh cửa kia không phải là ông lão nữa nhưng chính Đức Kitô, Ngài vẫn từng ngày gõ cánh cửa tâm hồn nó nhưng sao nó lại không nghe thấy bao giờ?... Nó cứ chấp nhất chị em từng việc nhỏ nhoi, tị nạnh đủ diều, xét nét mặt này mặt nọ… thì làm sao nó có thể thấy hình ảnh của Chúa nơi chị em, làm sao nó nghe được tiếng Ngài nói. Không bác ái, không hy sinh thì lấy gì để hương cầu nguyện nó vút cao, làm sao tâm hồn nó có thể no thỏa với cái đói của linh hồn, của tiếng lương tâm gào thét.

Tình yêu thương – một thứ tình cảm thiêng liêng khó có thể định nghĩa được. Con người sống không có tình yêu thương đồng loại thì chẳng khác gì là một vật vô tri vô giác. Yêu thương đem lại cho nó một niềm vui, hạnh phúc mà khó có từ ngữ nào có thể diễn tả được. Khi nhận ra cái đói, nó cảm thấy thật hạnh phúc. Hạnh phúc ấy làm nó muốn hy sinh thật nhiều, vì chỉ có hy sinh trong Đức Ái tâm hồn nó mới được no thỏa trong Chúa. Và chỉ trong cầu nguyện mới có thể đưa con người ta lên với Thiên Chúa, đến với chị em cách thực sự.

Đêm nay, lạnh thật! Cái đói thường đi đôi với cái lạnh, hình ảnh chiếc bếp lửa cứ hiện ra trong nó. Nó ước gì có một chiếc bếp lửa để sưởi ấm ông lão ăn xin, sưởi ấm những tâm hồn băng giá thì thật tuyệt! Càng nghĩ nó càng thấy hối tiếc và càng tự trách mình:Tại sao chính nó không phải là bếp lửa để sửởi ấm và xua tan đi cái lạnh…cái lạnh đến sợ...cái lạnh của lòng người, của cuộc sống khi con người mất đi sự thương cảm với nhau...

 

Têrêsa – Maria 
 
114.864864865135.135135135250