04/03/2021 -

Tài liệu

3845
Ba lời khấn dựa trên nền tảng Thánh Kinh - (Lời khấn Khiết Tịnh)
LỜI KHẤN KHIẾT TỊNH


Chỉ có tình yêu Chúa mới kêu mời người ta dứt khoát giữ đức khiết tịnh tu trì. Vả lại tình yêu ấy đòi hỏi một cách khẩn thiết tình bác ái huynh đệ đến nỗi tu sĩ phải sống cách rất sâu đậm với người đồng loại trong trái tim của Đức Kitô[1]

Khiết tịnh giúp thanh luyện quả tim bằng thịt. Chọn sống độc thân khiết tịnh vì Nước Trời không phải là từ chối tình yêu con người, nhưng là chấp nhận đáp trả một tình yêu lớn hơn.

Người ta đã dùng nhiều từ ngữ để nói về lời khuyên phúc âm này, như:

 
- Đức khiết trinh (virginité),
- Đời sống độc thân (célibat),
- Sự thanh tịnh (pureté),
- Đức khiết tịnh (chasteté).

Công đồng Vat II sử dụng 2 hạn từ: Khiết tịnh dâng hiến và độc thân tự nguyện (chasteté và célibat). Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa hạn từ theo:
  •  
1.1. Cựu Ước
  •  
- Trinh khiết đồng nghĩa với hiếm con và hiếm con là một điều ô nhục (x. St 20,23; 1Sm 1,11) ngược với tự nhiên và sứ mạng nguyên thủy khi sáng tạo (x. St 1,22), ví dụ: con gái ông Giéptê (Tl 11,3240).
- Trinh khiết chỉ có tính cách giai đoạn, như trước khi lấy chồng (x. St 24,16 ; Đnl 19,24) nhưng đó chỉ là luật đòi buộc để giữ sự trong sạch theo lễ nghi (x. Lv 21,7)
- Cũng có những phụ nữ khi chồng chết thì thủ tiết thờ chồng như bà Giuđitha: sau khi chồng chết, bà sống thủ tiết và ăn chay thống hối (Gđt 8,4t), bà cũng xứng đáng như bà Đêbôra xưa (Tl 5,7) và là mẹ của dân tộc vì đã cứu khỏi đại hoạ do người Batư gây ra cho dân Israel. Đó là việc chuẩn bị cho Tân Ước như  Bà Anna thủ tiết để tôn thờ Thiên Chúa (Lc 2,37).
- Nhưng cũng có những người tiết dục tự nguyện hay vì sứ vụ: Theo lệnh Đức Chúa, Giêrêmia phải từ bỏ hôn nhân (Gr 16, 2). Sống khiết tịnh không phải nó có ý nghĩa cao cả hơn hôn nhân, nhưng đó chỉ là hình ảnh tượng trưng để cảnh tỉnh Israel về những hình phạt gần kề. Việc ông sống độc thân ở đây là một lời loan báo hiển nhiên cho đại hoạ đang chờ vương quốc Giuđa, khi đó không còn gia đình, không còn cư dân, không còn việc cử hành tang chế và chôn cất người chết, nghĩa là những bất hạnh sẽ xảy đến, nếu lấy vợ lấy chồng và có con cái thì chỉ tăng thêm nỗi đau. Việc độc thân của Giêrêmia loan báo thời tai ương xảy đến vì dân đã bỏ Chúa (16,3t).
Tuy nhiên, Cựu Ước cũng đã chuẩn bị cho Tân Ước về gía trị của trinh khiết :
 
- Dân Israel đã được đính ước cho Đức Chúa, họ phải giữ mình trong sạch, nghĩa là không được tôn thờ các thần khác, điều này được diễn tả qua việc ký kết giao ước: các ngươi sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi (Ed 36,28; Gr 31,33).
- Đức khiết tịnh cũng được miêu tả trong tương quan phuthê. Israel như một trinh nữ và họ có bổn phận phải chung thủy với Thiên Chúa là đức lang quân của họ, Đức Chúa yêu Israel bằng mối tình muôn thuở (x. Gr 31,3-4).
Vậy đời sống khiết tịnh trong Cựu Ước chưa rõ nghĩa như chúng ta hiểu ngày nay, nhưng điều đó sẽ được làm nổi bật và có nghĩa tròn đầy nơi Tân Ước.
 
1.2.
Tân Ước 

Đức Maria là người phụ nữ đầu tiên đáng được coi là một trinh nữ. Khi thiên thần được sai đến với một trinh nữ, từ Hylạp gọi là parthenos (x. Lc 1,27), từ này chỉ mọi thiếu nữ, hiểu là những người đồng trinh, tuy nhiên để nói về  Đức Maria, đến câu 34 mới xác định việc đồng trinh theo đúng nghĩa: ...tôi không biết đến việc vợ chồng (Lc 1,34). Vì vậy Mẹ được gọi là “Nữ Vương các kẻ đồng trinh.”
 
    1. 1.2.1. Khiết tịnh để tôn thờ Thiên Chúa
    2.  
Đối với Đức Giêsu: trinh khiết không phải là một mệnh lệnh bắt buộc mọi người, nhưng là một ơn gọi cho một số người (Mt 19,22), đời sống gia đình mới là ơn gọi chung (x. 1 Cr 7,25).

Mặc dù đời sống hôn nhân là ơn gọi chung, vợ chồng phải yêu nhau, con cái phải thảo kính cha mẹ, nhưng tình yêu cha mẹ, vợ chồng, đều yếu đi trước sức mạnh và sự đòi hỏi của Nước Thiên Chúa và tình yêu dành cho Ngài: ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con thì không xứng đáng làm môn đệ tôi (Lc 14,26).

Người môn đệ Chúa yêu đã trở thành bạn hữu của Chúa. Theo truyền thống, người môn đệ này đáp lại tình yêu Chúa bằng đời sống độc thân. Nền tảng của việc độc thân là kinh nghiệm trao ban và đáp trả. Khi người thánh hiến đáp lại tình yêu Chúa, họ cố gắng thuộc về Chúa ngay khi còn tại thế.

Qua đời sống độc thân, người thánh hiến dâng chính con tim của mình cho Thiên Chúa, thánh hiến là để phụng sự và tôn thờ Thiên Chúa, yêu Ngài cách tha thiết chỉ vì Chúa mà thôi. Thánh Phanxicô Assisie kêu lên: Lạy Thiên Chúa, Ngài là tất cả của con.

Điểm nhấn là tình yêu Thiên Chúa: càng yêu mến Chúa càng yêu thương tha nhân cách sâu xa và thiết thực, nhất là những người nghèo. Nếu yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn (Đnl 4,6...) thì cũng phải yêu người như chính mình. Không có sự đối chọi giữa hai lệnh truyền này. Yêu tha nhân là cách thử lòng mến của ta với Thiên Chúa. Tình yêu với Chúa tuôn chảy thành tình thương đối với tha nhân và làm cho tình yêu ấy nên chân thực: Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó, tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy ( 1 Ga 4,20).

Mọi người kitô hữu đều hiến thân cho Chúa nhưng gián tiếp, qua bổn phận trong cuộc sống, còn người tu sĩ không có nghề nào khác ngoài Chúa, không gắn bó với ai ngoài Ngài. Điểm nổi bật của đời sống thánh hiến là cam kết tìm kiếm một mình Chúa, đó là lý do khiến họ không dấn thân vào nhiệm vụ khác; Đức Giêsu là ý nghĩa và trung tâm đời sống tình cảm của họ.

 
- Người thánh hiến là biểu hiện hiền thê của Đức Kitô, mọi kitô hữu đều là “hiền thê trong hiền thê”[2]. Tuy nhiên trong thực tế thì mỗi người thể hiện chức năng hiền thê với Thiên Chúa tuỳ theo bậc sống của mình. Dù sao người có gia đình cũng không biểu lộ tình yêu của mình đối với người phối ngẫu như đối với Đức Kitô được, còn người độc thân thánh hiến thì phải biểu lộ hành vi ấy cách minh nhiên, họ không còn ai để trao ban tình yêu cách trọn vẹn ngoài Đức Kitô.
- Yêu Chúa bằng tình yêu kiên định: Ta có tự do để yêu thương nhưng phải yêu bằng tình yêu kiên định vì Chúa yêu ta bằng mối tình muôn thuở: Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi thì Người không đổi ý (Rm 11,29), cũng như lời Chúa nói qua Grêrêmia: Ta đã yêu thương ngươi bằng mối tình muôn thuở (Gr 31,3). Khi nào ta trung tín trước sau như một, khi đó mới đạt được tự do viên mãn, tự do hệ tại việc chu toàn bổn phận với tình yêu chung thuỷ. Tự do là muốn yêu thương và yêu đến cùng, trao ban cách vĩnh viễn trong tình yêu. Nói vậy không có nghĩa là không còn vấp ngã trong đời sống, nhưng ngay từ ban đầu khi cam kết, trong ý muốn, ý thức và tự do là dâng hiến cách trọn vẹn. Sự trung tín này được xây dựng trên nền tảng vững chắc là Thiên Chúa. Nhờ luật Chúa mà con người tiến bước tự do: con thảnh thơi tiến bước, vì huấn lệnh Ngài con mải miết dõi theo (Tv 119,45)
 
1.2.2. Sống khiết tịnh để chu toàn lề luật Yêu thương
 
Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em phải yêu thương nhau...mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này là anh em có lòng yêu thương nhau (Ga 15,12). Điều Thầy truyền dạy là: hãy yêu thương nhau (Ga 15,17)

Xét về phương diện tự nhiên, ai cũng muốn điều tốt cho mình, vậy đó là điều mà ta phải làm cho người khác, vì đây là luật: Những gì ta muốn người khác làm cho mình thì mình phải làm cho người khác trước đã, đó là luật Môsê và lời các ngôn sứ (Mt 7,12).

Chu toàn lề luật là mang gánh nặng cho nhau, là chấp nhận giới hạn, khuyết điểm của nhau để giúp nhau thăng tiến, không phải một kiểu nhượng bộ hay dung túng (x. Gl 6,2). Nếu người thánh hiến không yêu thương thì không thể chuyển thông năng lực bình an, chữa lành và niềm vui của Thiên Chúa được, họ cũng không thể nào sống độc thân được, hoặc chỉ là sự cưỡng ép, hoặc tâm tính trở nên khác thường, hoặc sợ hãi loại trừ giới tính. Người thánh hiến không yêu thương quả là người đáng thương, bởi họ bị tàn phế về mặt tâm linh vì họ không sống quà tặng của Chúa: Ta sẽ ban cho chúng một quả tim và đặt Thần Khí và đó , Ta sẽ lấy khỏi mình chúng quả tim chai đá và thay vào đó bằng quả tim biết yêu thương (Ed 11,19).

Vào thời cánh chung, Thiên Chúa căn cứ trên tình yêu mà xét xử mỗi người (x. Mt 25,35-45). Không có tình yêu, mọi sự hiến dâng của chúng ta đều vô ích, việc sống khiết tịnh cũng chỉ là thanh la phèng phèng mà không mang lại kết quả gì (x. 1 Cr 13,1-3)

Khiết tịnh là người giữ lòng trong trắng bằng một tình yêu trao hiến, cách cụ thể trong việc thăm viếng kẻ cơ bần, điều đó chứng tỏ tình yêu cách thiết thực: Có lòng đạo đức tinh tuyền không tì ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi vết nhơ của thế gian (Gc 1,27), chỉ có yêu thương, đời sống khiết tịnh mới có ý nghĩa, không yêu riêng một con người, nhưng tình yêu triển nở và lan tràn đến mọi người. Tình yêu của người tu sĩ phải đủ lớn vì đó là lệnh truyền: Trước hết hãy yêu thương nhau vì yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi (1 Pr 4,8).

 
    1. 1.2.3. Sống khiết tịnh là sống tương quan
    2.  
    3. - Tương quan ới Thiên Chúa
Đời sống khiết tịnh độc thân liên quan đến kinh nghiệm kết hiệp mật thiết với Chúa, say mê Chúa đến mức không có thể kết hiệp với ai thân thiết như Ngài. Họ không có khả năng kết hôn, không phải vì lý do thể lý nhưng là tâm linh, vì đã dành trọn tình yêu cho Chúa. Tin Mừng nói: có những hoạn nhân vì Nước trời (Mt 19,12) đó là những người thánh hiến. Theo Chúa thì đó là “hoạn nhân” vì Nước Trời. Đoạn này nói đến những người không thể kết hôn, hay nói đúng hơn họ không có khả năng kết hôn. Thuật ngữ “hoạn nhân” không muốn ám chỉ khía cạnh thể lý mà mà tâm lý và tâm linh. Họ là những con người bình thường như những người khác, nhưng không còn khả năng kết hôn vì tình yêu đã dành trọn vẹn cho Thiên Chúa, họ không thể lấy một ai ngoài người yêu duy nhất của họ; cũng như người phụ nữ yêu chồng say đắm, bà không còn khả năng yêu và kết hôn với bất cứ người nào khác ngoài chồng mình. Bà chỉ trao thân cho một mình chồng trong sự tự do và hạnh phúc.

Người tu sĩ hiến thân cho Chúa vì Nước Trời, như người đi tìm viên ngọc quý, khi đã tìm được, người ta bán mọi sự chỉ để chiếm được viên ngọc đó, họ không còn khả năng thấy điều gì quý hơn là viên ngọc mà họ bỏ cả đời tìm kiếm (Mt 13,14t).

Lý do thôi thúc người thánh hiến sống độc thân là họ khao khát được sống bên Chúa và nhận ra những giới hạn của thế giới này. Từ bỏ điều tốt nhất của thế gian để tìm cái tốt lành vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Nói cho cùng, độc thân vì Nước Trời là say đắm Chúa Kitô, Ngài là sự sống của chúng ta (x. Cl 3,4). Người quyến rũ chúng ta đến độ ta không thể kết hôn; đó là ý nghĩa sâu xa của độc thân thánh hiến.

 
- Tương quan với đồng loại
Con người ở một mình không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng (St 2,18). Sống khiết tịnh độc thân không phải để chết dần trong thế giới riêng mình nhưng là mở ra, vì con người có nhu cầu tương giao, họ không thể xác định được căn tính của mình trên bình diện cá nhân: Con người là một cá thể thuộc về một chủng tộc[3]. Việc tương quan với người khác không đơn thuần là một mệnh lệnh nhưng phát xuất từ bản tính con người. Nếu ta không trao ban tình yêu trong mối tương quan với người khác, ta tự làm cho mình bị tổn thương, vì ta không có khả năng đáp ứng nhu cầu nằm trong bản chất của mình đó là sống vì và sống cùng người khác. Con người có trợ tá tương xứng, trợ tá của người tu sĩ là tất cả nhân loại, đặc biệt những người họ gặp gỡ, làm việc, tương giao mỗi ngày.

Người môn đệ Đức Giêsu tìm kiếm sự độc thân cách tự do, nhưng có mục đích rõ ràng là vì Nước Trời. Phaolô nói nếu không lấy vợ lấy chồng là để cho công việc loan báo Tin Mừng hiệu quả hơn (1 Cr 9,12-23) và vì thời tận cùng đã gần đến.
 
1.3. Khiết tịnh mang nghĩa cánh chung
 
Hội Thánh được gọi là trinh nữ, người tín hữu muốn sống trinh khiết để tham dự vào sự trinh khiết của Hội Thánh, vốn là thực tại cánh chung, đức trinh khiết chỉ trọn vẹn ý nghĩa khi Đấng Messia cử hành hôn lễ vào thời cánh chung. Hội Thánh như các trinh nữ khôn ngoan cầm đèn đi đón phu quân để cùng với chàng rể vào dự tiệc cưới (Mt 23,1-13). Trong Nước Trời tất cả những người được chọn đều được gọi là trinh nữ (Kh 14, 4), vì họ đã không thờ ngẫu tượng, họ tận hiến hoàn toàn cho Đức Kitô (Ga 10,4-27), từ nay họ thuộc về thiên giới, hiền thê của Con Chiên (Kh 19,7.9).

Hội Thánh là hiền thê của Đức Kitô. Cũng như Cựu Ước, đề tài trinh khiết liên kết với đề tài hôn lễ: Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh (Ep 5,25). Hội Thánh ở Corinthô như một trinh nữ tinh tuyền (2 Cr 11,2).

Với Phaolô, sống khiết tịnh quả thích hợp với thời tận cùng đã đến (1 Cr 7,29) và những người này được thoát ly khỏi thế tục, người tu sĩ không thuộc về thế gian, một cảm nếm trước trạng thái ở thế giới mai hậu, nơi đó họ sống như các thiên thần, như con cái Thiên Chúa (Lc 20,34t).

Việc làm chứng cho đời sống khiết tịnh có giá trị đặc biệt trong thời đại này, đó là hân hoan sống khiết tịnh hoàn hảo, như chứng tá về quyền năng Thiên Chúa trong sự mỏng giòn của con người. Người thánh hiến chứng thực rằng điều mà con người cho là không thể, là nghịch lý, thì lại là sự thật giải phóng con người nhờ ân sủng Thiên Chúa. Chứng tá này cống hiến cho mọi người rằng: sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa có thể làm những điều lớn lao ngay giữa những thăng trầm của tình yêu nhân loại
[4].

Người thánh hiến sống khiết tịnh nhưng vẫn quân bình về mọi phương diện, trưởng thành về tâm linh và tâm lý, vì không phải sự cố gắng của họ mà là ân sủng Thiên Chúa, cùng việc họ sống theo mẫu gương yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa, một tình yêu triệt để mà phổ quát. Được soi sáng bởi niềm tin vào Chúa phục sinh và chờ mong Nước Trời sẽ đến, khi đó là trời mới đất mới, cái cũ không còn nữa (x. Kh 21,1). Người sống khiết tịnh thánh hiến tham sự vào mầu nhiệm cứu chuộc cách tự do khước từ niềm vui tạm bợ cuộc sống và gia đình, họ đang loan báo thế gian đang qua đi, sự phục sinh tương lai đang đến (Lc 20, 34-36), cuộc sống vĩnh cửu là cuộc sống kết hợp với Chúa trong cuộc hưởng kiến Nước Trời.

Khiết tịnh là một hồng ân: “Không phải ai cũng hiểu được, nhưng ai được Chúa ban cho hiểu mới hiểu” (Mt.19,11).

Tạm kết

Ba lời khấn đều đặt nền tảng trên Kinh Thánh, dù có khai triển theo hướng nào thì lời Chúa vẫn là đường rọi bước chân con, là ánh sáng chỉ đường con đi. Nêu các bản văn trên, tác giả không có tham vọng đưa đầy đủ các trích dẫn trong Kinh Thánh, chỉ xin gợi ra một số ý tưởng chính yếu để:

 
- Người thánh hiến tìm thấy nơi Đức Giêsu mẫu gương vâng phục, Ngài sống kiếp con người và hiến thân làm của lễ sống động cho Chúa Cha để cứu độ muôn người. Sống vâng phục là đáp lại lời mời gọi sống theo mẫu gương Đức Giêsu.
- Sống khó nghèo không để từ bỏ mà là để chọn lựa điều cao quý hơn, tốt đẹp hơn; không để sống cô độc, thiếu thốn mà là sống chung và sống tròn đầy; không để thu gom mà là chia sẻ, trao ban; là biết chân quý những sản phẩm do người khác làm ra; là bảo vệ người nghèo và giúp họ sống hạnh phúc hơn.
- Sống khiết tịnh không phải là không yêu thương mà là yêu cách trọn vẹn, kiên định và quảng đại, chỉ khác đời sống gia đình đó là tình yêu của người thánh hiến phải dành trọn vẹn cho Chúa. Giữa hai tình yêu đẹp, họ chọn lựa điều đẹp hơn, cao hơn và viên mãn hơn. Từ trải nghiệm tình yêu với Chúa sẽ dẫn đến đời sống chan hoà, độ lượng với anh chị em.
 
Catarina Thùy Dung

tài liệu tham khảo
 
  1. Công Đồng Vativcan II, Lumen Gentium, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Nxb Tôn Giáo, 2012.
  2. Emile Besson, La Diaché et l’Église primitive, Ed: Des Presses de l’Imprimerie Corbière et Jugain, Alencon, 1977.
  3. Eric Fuchs, Comment faire pour bien faire ? Ed: Labor et Fides, Genève, 1995.
  4. Felix Podimattam, OFM Cap., Canh tân đời sống Thánh Hiến, Nguyễn Ngọc Kính chuyền ngữ, NXB Đông Phương, 2014.
  5. Gioan Phaolo II, Vita Consecrata, Tông Huấn đời sống Thánh Hiến, Roma, 1996.
  6. Philomena Agudo, I chose you, Ta đã chọn con, Nguyễn Ngọc Kính chuyển ngữ, NXB: Đông Phương, 2011.
  7. René Latourelle (sous la direction), Dictionnaire de Théologie Fondamentale, Ed Bellarmin/Cerf, Montréal et Paris, 1992.
  8. Gruson P., (sous la direction), Les Évangiles. Textes et commentaires, Ed : Bayard Compact, Paris, 2007.
  9. Văn Kiện Đời Tu, Theo Chúa Kitô, Nxb: không, 2002.














 
 
[1] Văn Kiện Đời Tu, Theo Chúa Kitô, tr. 55.
[2] Canh tân đời sống thánh hiến, tr. 87
[3] Canh tân đời sống thánh hiến, tr. 129
[4] Gioan Phaolo II, Tông Huấn đời sống Thánh Hiến, tr. 170.

 
114.864864865135.135135135250