04/03/2021 -

Tài liệu

2673
Ba lời khấn dựa trên nền tảng Thánh Kinh - (Lời Khấn Khó nghèo)
LỜI KHẤN KHÓ NGHÈO

 
1.1. Khó nghèo theo quan niệm của Cựu Ước


Trong Cựu Ước, nghèo tự nó không có giá trị; ai cũng mong ước giàu sang, của cải dư đầy, đông con nhiều cháu mới là người được chúc phúc (Tv 144,12-15)

Người nghèo của Cựu Ước là người Anawim, danh từ này muốn nói:

 

- Người nghèo về vật chất, địa vị xã hội, người còng lưng khuất phục, kẻ bị đàn áp, người không có chỗ nương thân (bà goá), người nhỏ bé thấp hèn, không được tôn trọng... (Tv 9, 10;149,4)
 

- Người được Chúa bảo vệ: Nếu người ấy nghèo...anh em phải đem trả lại đồ cầm cho người ấy khi mặt trời lặn; người ấy sẽ đắp áo choàng của mình mà ngủ, sẽ chúc phúc cho anh em; anh em sẽ là người công chính trước nhan Ðức Chúa. Theo luật, nếu người mắc nợ không có gì để trả thì có thể giữ quần áo làm vật thế chấp, nhất là chiếc áo choàng vì nó tương đối có giá trị, nhưng cũng phải trả lại áo này cho họ trước khi đêm về. Anh em không được bóc lột người làm thuê nghèo khó bần cùng... Chính ngày hôm ấy, anh em phải trả công cho họ, đừng để mặt trời lặn mà không trả công, vì họ nghèo khổ và nóng lòng mong đợi được trả công; như vậy họ sẽ không kêu lên Ðức Chúa tố cáo anh em, và anh em sẽ không mang tội (Đnl 24,1214). Người nghèo đi làm công nhật và mong nhận lương lúc chiều về, đó là nguồn sống của họ và gia đình, nên người chủ không được chậm trễ trả lương, nếu không họ sẽ kêu lên Đức Chúa và những người chủ sẽ không sạch tội đâu.
 

- Người nghèo có phúc trước hết vì Chúa đứng về phía họ, Ngài đã nghe tiếng họ kêu (Is 11,19; Đnl 10,17-19)[1].
 

- Nhưng nghĩa thứ hai còn lớn hơn nhiều, đó là người khiêm tốn đạo đức, thuộc mọi tầng lớp xã hội, và những người không được may mắn, chứ không hẳn chỉ có nghèo về vật chất. Đó là những con người đã được thử luyện qua đau khổ, người sống khiêm tốn và từ bỏ, phó thác cho Chúa, chính vì thế trong cơn thử thách: Xin dò xét con, tâm can này xin đem thử lửa, vâng con hằng nghĩ tới tình thương của Chúa và sống theo chân lý của Ngài (26,2,109,2122...). Vịnh gia biết rằng đau khổ đang chịu lớn chừng nào thì niềm an ủi được hưởng cũng cao chừng ấy (Tv 94,19)
 

- Người bần cùng bị bất hạnh trước mặt người đời, nhưng lại là may mắn vì có Chúa là nguồn hạnh phúc: Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con, vận mạng con chính Ngài nắm giữ, phần tuyệt hảo  may mắn đã về con. Vâng gia nghiệp ấy làm con thoả mãn (Tv 16, 56). Sống với Chúa là hạnh phúc tuyệt vời, vượt lên mọi của cải trần gian; không có nguồn hạnh phúc nào ở trần gian ngoài Chúa. Tv này cũng nói về sản nghiệp của chi tộc Lêvi, các chi khác đều có đất trừ chi Lêvi, chỉ có Chúa là gia nghiệp, đó là phần tuyệt hảo nhất mà tác giả đã may mắn nhận được: phần tuyệt hảo  may mắn đã về con!.

1.2. Khó nghèo theo quan niệm của Tân Ước


Trong các sách Tin Mừng, “khó nghèo” được dùng tới 25 lần và hầu như đều mang ý nghĩa khó nghèo vật chất hay sự túng thiếu. Bởi đó, khi nói Phúc cho người nghèo khó,  Đức Giêsu không muốn ám chỉ hạng người nào khác ngoài những người túng thiếu vật chất và những người bất hạnh như đui mù, què quặt, tù đày, tàn tật, bị xã hội rẻ rúng…(Lc.4,16).

Tuy nhiên của cải vật chất theo cái nhìn của Cựu Ước là một ân lộc Chúa ban, là dấu chứng người được chúc phúc, với Tân Ước của cải vẫn là cần thiết:

 

- Phêrô vẫn có nhà ở Capharnaum (Mc 1,29)
 

- Lêvi, người thu thuế giàu có, có khả năng mở tiệc chiêu đãi Chúa và các tông đồ (Mc 2,1415)
 

- Đức Kitô và các tông đồ được các bà đạo đức lấy của cải mình mà giúp đỡ (Lc 8,3)
 

- Nhóm của Chúa cũng có quỹ chung và Giuđa là người giữ tuí tiền (Ga 12,6)
 

Như vậy, Đức Giêsu không chủ trương sống bần cùng khổ sở, một tình trạng không xứng với nhân phẩm con người và ngược với thánh ý Chúa (St 1,22). Khó nghèo, không phải là không có của cải riêng mà là bỏ tất cả làm của chung và phân phát cho  mỗi người tuỳ nhu cầu (Cv 2,44; 4,32)
 

1.3. Mục đích sống khó nghèo
 

- Không phải là để sống cơ cực thiếu thốn mà là để không ai phải túng thiếu (Cv 2, 4445)


- sống giản dị với một tâm hồn vô vị lợi, một lòng phó thác cho Chúa, việc giữ đạo là nguồn lợi lớn cho những ai lấy cái mình có là đủ (1 Tm 6,6). Với người đạo đức, tín thác vào Chúa và coi những gì họ có là đủ, không mơ ước viển vông, không tham lam quá độ, chế ngự được các ham muốn bất chính, sống đơn sơ với những gì mình sở hữu.


- Cùng với Đức Giêsu đứng về phía người nghèo, cảm thông với họ, chia sẻ cuộc sống của họ, chia sẻ thân phận của họ, bênh vực và thăng tiến đời sống của họ (Lc 1, 5253; 19, 1-10); vì Chúa Kitô, Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó vì chúng ta và cho chúng ta trở nên giàu có (2 Cr 8,9)


- Nghèo cũng là tiết kiệm trong chi tiêu riêng để chia sẻ cách cụ thể cho người nghèo. Sách Diaché (Giáo Huấn của các Tông đồ) nói rằng: nếu anh em chia sẻ với nhau của cải đời đời, anh em lại càng phải chia sẻ cho nhau của cải sẽ hư mất...đừng có những bàn tay mở thật rộng khi đón nhận và đóng lại khi trao ban [2]. Sách “Giáo Huấn của các Tông đồ”  dạy đừng có mở rộng tay khi đón nhận của người khác, còn khi chính mình phải trao ban thì tay lại khép vào. Chia sẻ không những của cải thiêng liêng mà cụ thể là vật chất nữa. Khi bàn tay mở ra trao ban là lúc chuộc lại lỗi lầm.


- Nhấn mạnh đến của cải đích thực đó là kho tàng trên trời: nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy đi bán tài sản, cho người nghèo…anh sẽ được kho tàng ở trên trời (x. Mt 19,21)
 

Sống nghèo theo Gioan Cassien, nhà tu đức học, đã tóm tắt đạo lý của các bậc thầy về Apotexis (từ bỏ):

- Từ bỏ tiền tài và của cải vật chất

- Từ bỏ tội lỗi và các đam mê xấu.

- Từ bỏ thực tại hữu hình để say mê thực tại vô hình

Sống nghèo còn để:

“Chiếm hữu tài sản trên trời
[3]. Công Đồng Vat II khuyến cáo điều này.
 

-  Điều căn bản của khó nghèo không phải là “ Từ bỏ mà là gắn bó”. Chính vì muốn gắn bó với Thiên Chúa mà người ta sẵn sàng từ bỏ những thứ khác.Việc này được thực hiện nhờ tác động của đức tin: Nếu anh muốn gắn bó với tôi, thì anh hãy về bán (từ bỏ) hết của cải, phân phát cho người nghèo rồi đến theo tôi (Mt 19,21)
 

Lao động cũng là một khía cạnh của cộng đoàn khó nghèo
 

- Người tu sĩ không được từ bỏ hay coi thường việc lao động, vì được cộng tác vào chương trình tạo dựng của Chúa, đồng thời cũng là thánh hoá bản thân: Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời (Ga 6, 27)
 

- Thánh Phaolô đã nêu gương lao động: đêm ngày chúng tôi đã làm lụng vất vả để không trở nên gánh nặng cho người nào...ai không làm cũng đừng ăn (2 Tx 3,710)
 

- Biết sử dụng của cải cho hợp lý: sau khi Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi 5 000 người, lúc mọi người đã ăn no, Chúa truyền cho các môn đệ thu lại những mảnh bánh thừa kẻo phí đi (Ga 6, 12)
 

- Nghèo cũng là để tôn trọng sản phẩm do người khác làm ra, sử dụng sản phẩm đó với lòng biết ơn những nhân công đã sáng chế ra, sử dụng trong chừng mực và với niềm tri ân Thiên Chúa cùng con người. Chia sẻ sức lao động với người cần lao, đổi những giọt mồ hôi của họ thành niềm vui của sự biết ơn: đi đến đâu, vào thành nào hãy ăn những thức người ta dọn cho các con (Lc 10,7). Đón nhận sản phẩm của người khác với sự trân trọng và lòng biết ơn là cách sống nghèo.
 

Khó nghèo không chỉ là lối sống giản dị và từ bỏ, chia sẻ cộng đoàn mà còn là say mê chia sẻ cố phận của Đức Giêsu hiện diện nơi những người túng thiếu nhất, chỉ vì muốn chia sẻ tất cả mọi sự nơi Người[4] Chính Chúa Giêsu chọn lối sống khó nghèo (2 Cr 8,9; Mt 8, 20).
 

- Người thánh hiến như kẻ lữ hành nghèo khó bước đi trên con đường dẫn đến quê trời (Pl 3, 2021), cuộc sống của họ là một chứng tá.
 

- Bỏ mọi sự, như đòi hỏi của Chúa với người thanh niên giàu có, không phải vì của cải xấu, nhưng vì Chúa mới có giá trị lớn nhất mà thôi, đó là viên ngọc và kho tàng chôn giấu trong ruộng. Phải yêu mến Thiên Chúa với tình yêu trọn vẹn, như Karl Rahner nói: Chúng ta đâu biết mình thật sự tin vào hai điều không chắc chắn, trừ phi chúng ta buông bỏ một điều chắc chắn mà mình đang nắm trong tay[5]. Việc sống khó nghèo giúp ta có khả năng chọn lựa và sử dụng của cải cách khôn ngoan, tình yêu trong sáng giúp hướng đến người khác, không xâm phạm họ, nhưng tôn trọng và khuyến khích họ trưởng thành. 
 

- Chúa Kitô vốn giàu sang phú quí nhưng tự trở nên nghèo khó vì anh em để lấy cái nghèo của mình làm cho anh em trở nên giàu có (2 Cr 8,9). Đức Kitô đi vào trần gian và tự huỷ mình ra không (hơn cái nghèo vật chất ). Sự nghèo khó của Chúa không chỉ là tự huỷ mà còn có nghĩa Ngài vươn mình ra, chia sẻ với tha nhân, vậy:
 

- Nghèo không chỉ trên bình diện kinh tế và luật pháp
 

- Nhưng còn những hình thức khác như: sự túng thiếu nơi hang Belem và cuối đời khi bị treo trên thập giá. Chúa sống giản dị nơi nhà Nazareth, đời sống công khai nay đây mai đó không nơi tựa đầu. Tuy nhiên Chúa cũng hiện diện, giao du, ăn uống với những người giàu. Ngài cũng hiện diện nơi bàn ăn và dùng hình ảnh tiệc cưới để nói về Nước trời. Khi bị bình phẩm là ăn uống với những người thu thuế tội lỗi (Lc 5, 33). Chúa cho thấy sự hoà điệu giữa việc ăn chay và tiệc tùng trong cuộc sống. Mỗi ý niệm có những giá trị khác nhau, sống cụ thể trong hoàn cảnh nào thì thực thi sự khó nghèo nơi đó.
 

- Vậy không thể định nghĩa khó nghèo Tin Mừng theo một lối sống nhất định. Khó nghèo là một định hướng cho toàn thể cuộc đời trong việc bước theo Chúa và trở nên môn đệ của Ngài. Cuộc sống của Chúa Giêsu bắt nguồn từ Chúa Cha và Ngài là điểm cho chúng ta quy chiếu, phải sống ra sao, đối xử như thế nào...trong mọi sự hãy lấy Chúa làm điểm tựa để thi hành
 

1.4. Tính hiện thực của khó nghèo

 

- Trước hết là sự tự do nội tâm: được giải thoát khỏi sự tham lam, bám víu và cậy dựa vào các phương tiện vật chất, địa vị xã hội. Khi coi trọng giá trị vật chất, tiền bạc, hẳn ta sẽ đi ngược lại với khó nghèo.
 

- Thứ hai: người thánh hiến sở hữu điều gì là để nhắm đến việc phục vụ tha nhân như sự sống, tiền của, thời gian, tài năng...Chúa không làm phép lạ để khoe trương, trên thập giá Chúa bị người ta nhạo báng vì điều này: nếu ông là vua dân Dothái thì hãy cứu lấy mình đi (Lc 23, 37). Vậy người thánh hiến cũng dùng những gì mình có để phục vụ và nhờ đó bản thân cũng được triển nở.
 

- Thứ ba: phải liên đới với mọi người và gắn bó với lao động như quy luật phổ quát, không nhằm tạo cuộc sống an nhàn, nhưng có điều kiện để phục vụ con người và chia sẻ với họ bằng sự lao nhọc: Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc (Ga 5, 17).
 

- Thứ tư: người thánh hiến phải tránh tích trữ, vì không biết giờ nào Chúa đến (x. Lc 12, 1621). Câu chuyện người giàu và anh Lazarô, đó là hậu quả của lối sống ích kỉ, thu thập cho mình cũng không lợi lộc gì. Tích trữ của cái là việc làm vô ích và lạm dụng của cải là sai mục đích: Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì chúng ta cũng chẳng mang gì ra đi được (1 Tm 6, 7).
 

Nghèo theo Tin Mừng: tự nó là một giá trị, giá trị nằm ở chỗ sống theo Chúa Giêsu, vậy nghèo khó có giá trị nguyên thuỷ là làm chứng cho Thiên Chúa, Đấng là kho tàng đích thực của con người. Người tu sĩ đích thực sống sung mãn cuộc sống của họ được tiềm tàng với Chúa Kitô nơi Thiên Chúa (x. Cl 3,3)

Nghèo để sống với người nghèo: Tiếng kêu của người nghèo khổ, Chúa chẳng quên bao giờ (Tv 9, 13). Đức Giêsu đến cũng là để sống cùng, chia sẻ và đồng cảm với người nghèo. Người tu sĩ cũng nghe tiếng kêu đó và quyết theo Chúa để ở cùng người nghèo. Câu chuyện người thanh niên giàu có: Đức Giêsu nhìn người ấy rồi đem lòng trìu mến Người nói với người ấy, nếu anh muốn nên trọn lành thì hãy đi và bán hết của cải anh có mà cho người nghèo, và anh sẽ có một kho tàng trên trời, đoạn hãy đến mà theo tôi (Mt 19, 21).Anh thanh niên không đón nhận lời mời này vì không dám bán của cải và cho người nghèo. Thật đáng tiếc! Không phải vì anh có tài sản mà vì anh không dám sống cùng người nghèo, anh gắn bó với của cải hơn tình yêu dành cho Chúa nên không dám hy sinh.

Chúa mời gọi khước từ một chương trình sống, trong đó việc chiếm hữu chiếm hàng đầu, thay vì sở hữu, thủ đắc, Chúa mời gọi hướng về giá trị của nhân vị. Của cải là cái , phẩm giá con người là cái , cái sẽ phải cao quí hơn. Từ bỏ cái để giữ cái , bỏ giá trị thấp để đón nhận giá trị tuyệt đỉnh.

Hiểu được như vậy là tạo được lý tưởng sống khó nghèo Phúc âm.

Từ bỏ để được kho tàng trên trời: hãy đi, hãy bán, và hãy cho, đó là tình trạng trước khi nhận ơn gọi, rồi   hãy theo... Của cải và tiện nghi mình chiếm hữu trước đây không phải là kho tàng để dừng lại, nhưng là trong con tim có khả năng trao tặng. Người giàu không phải là người chiếm hữu của cải mà là người có khả năng trao ban.

Từ bỏ để được nhận lãnh, bỏ để tìm thấy mình cách đầy đủ hơn trong Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, bỏ để nhận ra trong nhân tính của ta mức độ sâu xa của nó. Dẫu rằng con người bên ngoài chúng tôi tiêu hao tàn tạ, thì con người bên trong ngày ngày canh tân đổi mới
(2 Cr 4,16).
​​​​​​​

Catarina Thùy Dung

[1] Gruson P., Les Évangiles. Textes et commentaires, p. 60.

[2] Emile Besson, La Diaché et l’Église primitive, IV, 8; x, Cv 4, 32.

[3] Đức ái trọn hảo số 13, x. Mt 6,20

[4] Canh tân đời sống Thánh Hiến, tr. 89

[5] Ibid, tr. 147

114.864864865135.135135135250