13/04/2016 -

Tài liệu

1031
Cộng đoàn - tt

Cộng đoàn

“Này xem, tốt đẹp và vui thích biết bao cho những người anh em được ở với nhau trong sự hiệp nhất !” (Tv 133,1). Trong những trang tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét một số hướng đi và những lệnh truyền Kinh Thánh cho chúng ta để chúng ta có được một đời sống với nhau dưới sự hướng dẫn của Lời.

Yên tâm vì được ban ân huệ này là : người Kitô hữu có đặc ân là được sống ở giữa nhiều Kitô hữu khác. Đức Giêsu Kitô đã sống ở giữa những kẻ thù địch với Người. Vào những giờ phút cuối, các môn đệ của Người đã bỏ rơi Người. Trên thánh giá, Người hoàn toàn chỉ còn một mình, chung quanh là những người hành hình và chế nhạo Người. Nhưng chính vì lý do đó mà Người đã đến, để mang bình an cho những kẻ thù địch với Thiên Chúa. Thế thì người Kitô hữu cũng vậy, không thuộc về một nơi riêng biệt với một đời sống khép kín, nhưng ở nơi đầy dẫy những kẻ thù. Chính ở đấy là nơi họ có trách nhiệm đã được giao phó, có công trình của họ. “Vương Quốc của Thiên Chúa phải ở giữa những kẻ thù địch của anh em. Và ai không chịu nổi điều này là người không muốn thuộc về Vương Quốc của Đức Kitô ;  người ấy muốn được ở giữa bè bạn, được ngồi giữa những hoa hồng hoa huệ, không muốn ngồi với những con người xấu xa mà với những con người đạo đức. Ôi, các bạn là những người phạm thượng và phản bội Đức Kitô. Giả như Đức Kitô đã làm những gì các bạn đang làm đó, thì thử hỏi ai sẽ được chừa ra ?” (Luther).

Ta sẽ gieo chúng vào giữa các dân : và ở những đất nước xa xăm, chúng sẽ nhớ Ta” (Dcr 10,9). Theo ý muốn của Thiên Chúa, Kitô giới là một dân được tung gieo đi khắp nơi, được tung gieo như thể hạt giống được gieo “vào mọi vương quốc trên cõi đất” (Đnl 28,25). Đó là nguy cơ nhưng cũng là hứa hẹn của họ. Dân Thiên Chúa phải cư ngụ trong những miền đất xa xăm, giữa những người không tin, nhưng Dân ấy sẽ là hạt giống của Vương Quốc Thiên Chúa trong toàn thế giới.

“Ta sẽ … thâu họp chúng lại ; vì Ta đã cứu chuộc chúng … và chúng sẽ trở về” (Dcr 10,8.9). Khi nào điều ấy diễn ra ? Điều ấy đã diễn ra nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết “để qui tụ lại với nhau thành một các con cái của Thiên Chúa được gieo tản mác ở bên ngoài” (Ga 11,52), và điều ấy cuối cùng sẽ xảy tới theo cách khả thị vào lúc kết thúc thời gian, khi các thiên thần của Thiên Chúa “thâu họp lại với nhau những kẻ được chọn của Người từ khắp bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia” (Mt 24,31). Nhưng từ nay cho tới lúc đó, Dân Thiên Chúa đã thành một trong sự kiện này là, khi đã được phân tán đến giữa những người chưa tin, họ nhớ đến Người ở những niền đất xa xăm.

Vậy giữa cái chết của Đức Kitô với Ngày Cuối Cùng, chỉ nhờ sự tham dự trước do ân sủng vào những điều sau hết mà các tín hữu là những người được đặc ân sống trong tình bằng hữu khả thị với các Kitô hữu khác. Chính nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà một đoàn hội được phép qui tụ lại cách khả thị trong thế giới này để chia sẻ Lời và bí tích của Thiên Chúa. Không phải mọi Kitô hữu đều lãnh nhận được phúc lành này. Những người bị cầm tù, những người đau yếu, những người bị tản mác đến những nơi chỉ có một mình, những người đang đi công bố Tin Mừng ở những miền đất ngoại giáo phải sống đơn độc. Họ biết rằng tình bằng hữu khả thị là một phúc lành. Họ nhớ, như tác giả Thánh vịnh, họ đã từng được “cùng với đoàn người đông đảo … đi lên nhà của Thiên Chúa, với tiếng reo vui và lời ca ngợi, với một đoàn người giữ ngày hưu lễ” (Tv 42,4). Nhưng họ vẫn đang phải ở một mình nơi những miền đất xa xăm, phải là một hạt giống được tung gieo theo ý muốn của Thiên Chúa. Họ đo lường điều họ không có được như là kinh nghiệm trong hiện tại nhờ đức tin nồng nhiệt. Vì vậy, người môn đệ của Chúa bị lưu đầy, thánh Gioan tác giả Khải huyền, trong sự cô đơn một mình ở đảo Patmos, đã mừng việc phụng tự thiên quốc với các đoàn hội của mình “trong Thần Khí vào ngày của Chúa” (Kh 1,10). Ông thấy bảy cây đèn tức là các đoàn hội của ông, bảy ngôi sao tức là các thiên thần của các đoàn hội, và ở chính giữa và trên tất cả là Con Người, Đức Giêsu Kitô, trong tất cả vẻ huy hoàng của sự phục sinh. Người gia tắng sức lực cho ông nhờ Lời của Người. Đây là tình bằng hữu thiên quốc, được chia sẻ bởi sự lưu đầy vào ngày mừng sự phục sinh của Chúa.

Sự hiện diện thể lý của những người Kitô hữu khác là một nguồn mạch của niềm vui và sức mạnh khôn sánh cho người tin. Trong tâm tình khát mong, Tông đồ Phaolô đang bị cầm tù, gọi “người con yêu dấu trong đức tin” của người là ông Timôthê đến gặp người trong tù vào những ngày cuối đời ; người muốn gặp lại người con tinh thần của mình và muốn ông ở gần người. Phaolô vẫn không quên được những giọt nước mắt của Timôthê khi lần cuối cùng họ chia tay (2 Tm 1,4). Nhớ lại đoàn hội ở Thêxalônica, Phaolô cầu nguyện “đêm ngày … rất muốn chúng ta gặp mặt nhau” (1 Tx 3,10). Gioan lúc tuổi đã cao, biết rằng niềm vui của mình sẽ chẳng trọn vẹn bao lâu người chưa thể đến với những người của mình và nói chuyện mặt gặp mặt thay vì dùng giấy trắng mực đen (2 Ga 12).

Người tin cảm thấy không xấu hổ, cho dù họ vẫn còn sống quá nhiều trong xác thịt như thế, khi họ ước mong để có sự hiện diện thể lý của các Kitô hữu khác. Con người được sáng tạo nên có thân thể, Con Thiên Chúa xuất hiện trên mặt đất trong thân thể, Người đã chỗi dậy trong thân thể, trong bí tích, người tin lãnh nhận Chúa Kitô trong thân thể, và sự phục sinh của kẻ chết sẽ đem lại tình bằng hữu hoàn hảo của các thụ tạo có tinh thần-thể lý của thiên Chúa. Vì thế, người tin ca ngơi Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Chuộc, Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì sự hiện diện trong thân thể của một người anh em. Người bị cầm tù, người bệnh nặng, người Kitô hữu phải lưu đầy nhìn thấy trong sự đồng bạn với một người bạn Kitô hữu một dấu chỉ phể lý về sự hiện diện đầy ưu ái của Thiên Chúa Ba Ngôi. Người thăm và người được thăm trong sự đơn độc nhận ra nơi nhau Đức Kitô đang hiện diện trong thân thể. Họ đón nhận nhau và gặp nhau như người ta gặp Chúa, trong sự kính trọng, khiêm tốn và vui tươi. Họ lãnh nhận phúc lành của nhau như phúc lành của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng nếu có phúc lành và niềm vui lớn lao quá như thế ngay trong chỉ một cuộc gặp gỡ giữa một người anh em với một người anh em, thì làm thế nào nắm bắt thấu đáo được tất cả những phong phú mở ra cho những ai do ý Chúa muốn được đặc ân sống cuộc sống bằng hữu hằng ngày với những Kitô hữu khác !

Dĩ nhiên, quả là điều gì là một quà tặng không thể nói lên được của Thiên Chúa cho chỉ một cá nhân đơn độc thì dễ bị coi thường và bị những người đang có ân huệ ấy mỗi ngày chà đạp. Cũng dễ quên rằng tình bằng hữu của những người anh em Kitô hữu là một quà tặng của ân sủng, một quà tặng của Vương Quốc Thiên Chúa mà một ngày nào đó có thể bị cất đi khỏi chúng ta, mà thời gian vẫn còn tách rời chúng ta khỏi sự cô đơn hoàn toàn có thể là vắn nữa. Cho nên, hãy để cho ai tới nay đang có đặc ân sống một đời sống Kitô hữu chung với các Kitô hữu khác ca ngợi ân sủng của Thiên Chúa từ đáy tâm hồn họ. Hãy để họ quì gối xuống mà cảm ơn Thiên Chúa và tuyên bố lên rằng : Là ân sủng, không là gì khác hơn là ân sủng khi chúng ta được sống trong cộng đoàn với những người anh em Kitô hữu.

Lượng Thiên Chúa ban quà tặng được sống trong cộng đoàn khả thị lại khác nhau. Người Kitô hữu đang bị lưu đầy ảm thấy được yên ủi nhờ một cuộc thăm viếng chóng vánh của một người anh em Kitô hữu, một lời cầu nguyện chung với nhau và một phúc lành của người anh em ; thực ra thì người ấy cũng có thể được vững lòng hơn nhờ một bức thư do tay một người Kitô hữu viết và gửi đến. Lời chào trong những bức thư do chính tay Phaolô viết chắc chắn là những biểu hiện của cộng đoàn như thế. Có những người khác lại được ban quà tặng là được phụng sự Thiên Chúa vào các ngày Chúa Nhật. Lại có những người khác được đặc ân sống một đời sống Kitô hữu trong tình thân thiết của gia đình. Các chủng sinh trước khi lãnh chức thánh đón nhận được quà tặng là đời sống chung với những người anh em của họ trong một thời gian nhất định. Trong số những Kitô hữu nghiêm túc nhất trong Hội Thánh ngày nay, càng ngày càng có niềm mong ước được gặp các Kitô hữu khác trong những thời gian nghỉ việc để sống chung vối nhau dưới Lời. Đời sống chung ngày nay lại được nhìn nhận như là ân sủng tức là như là những “hoa hồng và hoa huệ” ngoại thường trong đời sống Kitô hữu.

Qua và trong Đức Giêsu Kitô

Kitô giáo có nghĩa là cộng đoàn qua Đức Giêsu Kitô và trong Đức Giêsu Kitô. Không có cộng đoàn Kitô hữu nhiều hay ít hơn điều đó. Cho dù đó là một bức thư, một cuộc gặp gỡ đơn độc hay tình bằng hữu thường ngày trong năm, cộng đoàn Kitô giáo chỉ là điều đó thôi. Chúng ta thuộc về nhau chỉ qua và trong Đức Giêsu Kitô.

Điều đó có nghĩa là gì ? Trước hết, nghĩa là một Kitô hữu cần gặp gỡ những Kitô hữu khác vì Đức Giêsu Kitô. Thứ hai, nghĩa là một Kitô hữu đến với những người khác chỉ qua Đức Giêsu Kitô. Thứ ba, nghĩa là trong Đức Giêsu Kitô chúng ta được chọn từ đời đời, được đón nhận trong thời gian, và được liên kết cho đến vĩnh cửu.

Thứ nhất, người Kitô hữu là người không còn tìm sự cứu thoát, sự giải phóng, sự công chính hóa của mình nơi bản thân nữa, nhưng nơi Đức Giêsu Kitô mà thôi. Người ấy biết rằng Lời Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô tuyên bố người ấy là có lỗi, thậm chí khi người ấy không cảm thấy lỗi của mình, và Lời Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô tuyên bố người ấy là không có lỗi và công chính, ngay cả khi người ấy không cảm thấy rằng mình là công chính chút nào. Người Kitô hữu không còn sống do chính mình, nhờ những tuyên bố của riêng mình và sự công chính của riêng mình, nhưng nhờ những lời tuyên bố của Thiên Chúa và sự công chính của Thiên Chúa. Người ấy sống hoàn toàn bởi Lời Thiên Chúa tuyên ra trên người ấy, hoặc Lời ấy tuyên bố người đó là có lỗi hay vô tội.

Cái chết và sự sống của người Kitô hữu không được xác định do sức riêng của họ. Đúng hơn, người ấy tìm cả hai chỉ ở nơi Lời đến với người ấy từ bên ngòai, nơi Lời Thiên Chúa gửi đến cho người ấy. Những người Cải Cách diễn tả điều ấy như sau : sự công chính của chúng ta là “sự công chính xa lạ”, một sự công chính đến từ bên ngoài chúng ta (extra nos). Họ từng nói rằng người Kitô hữu hoàn toàn phụ thuộc vào Lời Thiên Chúa đã nói với họ. Sống không phải là một thực tại lý tưởng nhưng là một thực tại thuộc về Thiên Chúa.

Rất rất nhiều lần, cả một cộng đoàn Kitô hữu bị tan vỡ vì nó phát sinh từ một ước muốn mơ mộng. Người Kitô hữu nghiêm túc, lần đầu tiên đặt mình vào trong một cộng đoàn Kitô hữu, có thể mang theo mình một ý tưởng rất xác định về vấn đề đời sống Kitô hữu chung với nhau phải là gì và cố gắng để thực hiện điều đó. Nhưng ân sủng của Thiên Chúa chẳng mấy chốc làm cho những giấc mơ như thế tan vỡ. Chắc chắn Thiên Chúa muốn dẫn chúng ta đến chỗ hiểu thế nào là tình bằng hữu đặc biệt của Kitô giáo, hẳn chúng ta cũng phải cố gắng tối đa để loại trừ nhiều ảo tưởng về những người khác, về các Kitô hữu nói chung và, nếu chúng ta may mắn, thì cả về bản thân chúng ta nữa.

 

 

 

114.864864865135.135135135250