01/08/2024 -

Tâm lý

108
Chọn lựa lời nói một cách thận trọng và bác ái


Bằng cách lựa chọn cẩn thận khi nào nên nói và khi nào nên thinh lặng, chúng ta có thể vun đắp nhiều hơn cho những mối quan hệ đầy yêu thương và an bình.
 

Khi chúng ta cố gắng đạt được sự trung thực, minh bạch và chân thành thì nhân đức thinh lặng lại rất dễ bị bỏ qua. Chúng ta thường cảm thấy buộc phải bày tỏ mọi suy nghĩ và quan điểm (dù là trên mạng hay không) vì tin rằng việc giữ lại lời nói của mình là trái với sự trung thực. Tuy nhiên, có những lúc, sự thinh lặng không chỉ là cử chỉ lịch sự hay tử tế mà còn là sự khôn ngoan, bác ái và là điều đúng đắn phải làm. Như người xưa vẫn nói: “Phần lớn cuộc trò chuyện nên bao gồm việc lắng nghe.” Lời nói có chừng mực thực sự rất hiếm - và có giá trị.
 

Một trong những tình huống khó khăn nhất mà chúng ta phải đấu tranh với sự thinh lặng là khi tranh luận. Dường như có một sự thôi thúc muốn gọi tên lẫn nhau hoặc khăng khăng chứng minh quan điểm của chúng ta. Nhưng sách Châm ngôn 15:1 nhắc nhở chúng ta rằng: “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi đi cơn giận, còn lời nói cọc cằng làm nổi cơn thịnh nộ.” Trong những khoảnh khắc căng thẳng này, sự thinh lặng có thể đóng vai trò như một công cụ mạnh mẽ để giảm bớt căng thẳng - và thể hiện tình yêu cũng như sự tôn trọng đối với người kia. Bằng cách chọn không trả đũa bằng những lời lẽ gay gắt, đó là chúng ta “đưa má bên kia” [như lời dạy của Chúa Giêsu] (x. Mt 5:39)
 

Những vị thánh của sự thing lặng
 

Hơn nữa, việc thực hành sự thinh lặng có thể là một hình thức bác ái. Thánh Têrêsa Lisieux, Bông Hoa Nhỏ, nhấn mạnh tầm quan trọng của những hành động tử tế nhỏ bé. Thánh nữ đã viết một câu nổi tiếng rằng: “Không có tình yêu, những việc làm, ngay cả những điều xuất sắc nhất cũng chẳng có giá trị gì.”
 

Đôi khi hành động bác ái nhất mà chúng ta có thể thực hiện được là kiềm chế không nói những lời có thể gây tổn hại hoặc làm nản lòng người khác. Khi làm như vậy, chúng ta rèn luyện tính tự chủ và khiêm nhường khi nhận ra rằng sự thinh lặng của chúng ta có thể mang tính yêu thương hơn là lời nói.
 

Trong các cuộc thảo luận mà chúng ta có thể đúng, thì thinh lặng cũng có thể trở thành một nhân đức. Thánh Phanxicô Salêsiô từng viết: “Chưa bao giờ có một người nóng giận lại nghĩ rằng sự nóng giận của mình là điều bất công.” Thường thì việc khăng khăng cho mình là đúng lại bắt nguồn từ tính kiêu ngạo. Bằng cách chọn sự im lặng, chúng ta thể hiện thiện chí đặt sự hài hòa và an bình lên trên sự tự bào chữa của mình. Điều này không có nghĩa là chúng ta không bao giờ nên nói sự thật, mà đúng hơn là chúng ta nên phân định thời điểm và cách thức thích hợp để làm điều đó nhằm đảm bảo rằng lời nói của chúng ta sẽ mang tính xây dựng chứ không phá hoại.
 

Trong giao tiếp hàng ngày, sự thinh lặng có thể ngăn chặn những hiểu lầm và khuyến khích lối giao tiếp có suy nghĩ. Thư Giacôbê 1:19 đưa ra lời khuyên một cách khôn ngoan: “Mọi người phải mau nghe, chậm nói, chậm giận.” Tóm lại: Nghe nhiều hơn và nói ít hơn cho phép chúng ta đáp ứng bằng một sự đồng cảm và thấu hiểu nhiều hơn.
 

Thinh lặng là một nhân đức kiên cường phù hợp với các nguyên tắc khôn ngoan, bác ái và yêu thương. Bằng cách lựa chọn cẩn thận khi nào nên nói và khi nào nên thinh lặng, chúng ta có thể vun đắp nhiều hơn cho những mối quan hệ đầy yêu thương và an bình. Chúng ta hãy cố gắng noi gương khôn ngoan của các thánh và từ Kinh Thánh, đồng thời đón nhận sự thinh lặng như một món quà làm phong phú cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của những người xung quanh.
 


Daniel Esparza
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: Aleteia (05/7/2024); 
https://giaophanvinhlong.net/

114.864864865135.135135135250