24/10/2024 -

Tâm lý

79
Đâu là vẻ đẹp đích thực?

Vẻ đẹp từ lâu đã là một yếu tố được con người đề cao và trân trọng. Tuy nhiên, khái niệm "đẹp" không cố định mà thay đổi qua thời gian, phản ánh những giá trị văn hoá và xã hội khác nhau. Ngày nay, vẻ đẹp hiện đại có xu hướng hướng về ngoại hình, sự hoàn hảo về diện mạo. Trong khi đó, vẻ đẹp truyền thống lại chú trọng đến nội tâm, sự dung dị và đức hạnh. Chính sự khác biệt này đã đặt ra câu hỏi: đâu là vẻ đẹp thực sự?

“Cái nết đánh chết cái đẹp”

Có lẽ bạn đã từng nghe câu hỏi khá phổ biến trong những buổi phỏng vấn: “Bạn hãy tự đánh giá vẻ ngoài của mình trên thang điểm 10. Từ đó, bạn cảm thấy mình có phù hợp với vị trí này hay không?” Đọc câu hỏi này trên mạng xã hội, tôi đã suy ngẫm: nếu đó là tôi, liệu tôi có trả lời dựa trên chỉ số của chính ngoại hình hay không?

Trong văn hoá Á Đông, đặc biệt là Việt Nam, vẻ đẹp truyền thống luôn được tôn vinh qua những giá trị đạo đức và phẩm chất nội tâm. Câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp”, một cách diễn tả cho thấy rằng nội tâm mới là giá trị lâu bền và ý nghĩa hơn cả. Đây không phải là một câu khẩu hiệu xa vời, mà là kim chỉ nam về cách nhìn nhận vẻ đẹp đích thực. Khi bạn dừng lại để suy ngẫm về vẻ đẹp nội tâm, bạn sẽ thấy rằng nó không bị bào mòn theo thời gian, không bị lệ thuộc vào lớp son phấn hay trang phục sang trọng.

Thánh Kinh cũng truyền đạt một thông điệp tương tự về vẻ đẹp nội tâm. Trong Thư Thánh Phê-rô, chúng ta đọc: “Ước gì vẻ đẹp của các chị em không phải là vẻ bên ngoài như việc bện tóc, đeo vàng ngọc hay mặc quần áo sang trọng, nhưng là vẻ đẹp của con người nội tâm, với sự dịu dàng và trầm lặng, một thứ không thể phai mờ, rất quý giá trước mặt Thiên Chúa” (1 Pr 3, 3-4). Kinh Thánh nhấn mạnh rằng vẻ đẹp chân chính là sự bình an, lòng bao dung và tình yêu thương, những phẩm chất không bao giờ cũ kỹ hay bị ảnh hưởng bởi thời gian.

 Đẹp là phải hoàn hảo?

Trong cuộc sống hiện đại, vẻ bề ngoài trở thành một yếu tố quan trọng, đặc biệt trong những ngành nghề đòi hỏi sự xuất hiện như thời trang, giải trí, hay tiếp thị. Từ xưa, ông bà ta vẫn khuyên rằng “ăn no mặc ấm” là đủ. Nhưng xã hội ngày nay đã bước vào giai đoạn “ăn ngon mặc đẹp”. Thế nên, câu tục ngữ xưa “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” dường như đã bị thay thế bởi quan điểm; đẹp là phải hoàn hảo

Người ta tin rằng ngoại hình ưa nhìn sẽ giúp người sở hữu dễ dàng hơn trong việc giao tiếp, gây ấn tượng, và cơ hội trong cuộc sống, công việc cũng sẽ mở ra nhiều hơn. Điều này không phải không có lý, khi mà ngành công nghiệp làm đẹp đang phát triển mạnh mẽ và thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên thế giới. Tuy nhiên, vẻ đẹp hiện đại thường bị xem là hời hợt khi nó chỉ tập trung vào những gì thuộc về bề ngoài. Sự hoàn hảo về hình thể, làn da, mái tóc không phải lúc nào cũng đi kèm với tâm hồn phong phú hay đạo đức tốt đẹp.

Một số ngôi sao nổi tiếng trong làng giải trí có thể là ví dụ điển hình cho sự thay đổi này. Họ có ngoại hình cuốn hút, phong cách sống xa hoa, nhưng đôi khi lại vướng vào các vụ bê bối liên quan đến đời tư hoặc lối sống thiếu chuẩn mực. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu vẻ đẹp bề ngoài có thực sự mang lại hạnh phúc và giá trị bền vững, hay chỉ là vẻ hào nhoáng nhất thời?

Đâu là vẻ đẹp đích thực?

Vẻ đẹp truyền thống và hiện đại tuy có sự đối lập rõ rệt, nhưng không thể phủ nhận rằng mỗi loại đều có giá trị riêng. Vẻ đẹp truyền thống chú trọng vào sự bền vững của tâm hồn và đạo đức, trong khi vẻ đẹp hiện đại nhấn mạnh sự tự tin và phong cách cá nhân. Vậy thì, làm thế nào để có thể dung hòa hai loại vẻ đẹp này trong cuộc sống ngày nay?

Có lẽ, câu trả lời nằm ở sự cân bằng giữa nội tâm và ngoại hình. Một người có thể chăm sóc cho vẻ bề ngoài của mình để thể hiện sự tôn trọng bản thân và xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó, cuộc sống sẽ trở nên hời hợt và thiếu ý nghĩa. Thánh Kinh khuyến khích chúng ta kết hợp vẻ đẹp nội tâm và vẻ đẹp bên ngoài: “Vẻ duyên dáng là giả dối, nhan sắc là phù hoa; chỉ người nữ nào kính sợ Đức Chúa mới xứng đáng được ca tụng” (Cn 31, 30). Đoạn này chỉ ra rằng vẻ bề ngoài có thể đẹp, nhưng vẻ đẹp thực sự phải xuất phát từ một tâm hồn đạo đức và kính sợ Thiên Chúa.

Trong lịch sử Giáo Hội, có những vị thánh đã để lại cho chúng ta những suy tư sâu sắc về vẻ đẹp thực sự, như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Cuộc đời của chị thánh là minh chứng tuyệt vời cho vẻ đẹp không nằm trong quy chuẩn của xã hội. Thánh Têrêsa không khao khát trở thành một đóa hoa rực rỡ giữa vườn hoa, nhưng đã chọn là một bông hoa nhỏ, giản dị mà tinh tế. Như chị đã từng nói: “Nếu mỗi bông hoa nhỏ đều muốn trở thành hoa hồng, mùa xuân sẽ không còn vẻ đẹp diệu kỳ nữa.” Qua lời dạy ấy, thánh nữ nhắc nhở chúng ta rằng vẻ đẹp chân thật không đến từ sự cân đo đong đếm của con ngườ, mà từ việc sống trọn vẹn với bản chất và sứ mạng riêng của mình.

Thánh Vịnh 139 đã nói: “Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu” (Tv 139, 14). Mỗi người là một kiệt tác, đều mang trong mình một nét đẹp độc đáo, và nếu vẻ đẹp ấy hài hòa, phù hợp với bạn và đẹp lòng Chúa, thì còn lý do gì để chần chừ không để nó tỏa sáng? Đó mới chính là vẻ đẹp đích thực – một vẻ đẹp không phô trương, nhưng dám buông bỏ những thứ phù phiếm để tập trung vào giá trị cốt lõi của cuộc sống.

Mưa HẠ
114.864864865135.135135135250