Mọi trải nghiệm của chúng ta đều được lưu trữ trong tâm trí.
Kỉ niệm được cất giấu trong não bộ để có thể được ‘lưu xuất’ bất cứ lúc nào. Chúng ta có thể nhớ những cái tên, gương mặt, một địa điểm hay một mùi hương nào đó. Nhưng những ký ức cũng phai mờ theo thời gian và đổi thay cùng sự trưởng thành của mỗi người.
Mặc dù vậy, đôi khi những kí ức phai mờ đó không hoàn toàn mất đi mà vẫn tồn tại trong cơ thể chúng ta dưới hình thức những phản ứng, rung động vật lý và khuôn mẫu ứng xử.
Thực ra cơ thể chúng ta không hề quên.
Nhiều sự kiện diễn ra trong đời sống để lại những dấu hằn sinh lí trong cơ thể, đặc biệt là khi chúng ta bị tổn thương nặng nề hay phải trải qua những sang chấn tâm lý nghiêm trọng, căng thẳng tột độ, khiến cơ thể phải đấu tranh, trốn chạy hay gồng cứng để đương đầu với chúng.
Trong một thế giới hoàn hảo, chúng ta có thể xả bỏ mọi tổn thương hay làm dịu bớt căng thẳng sau khi chúng phát khởi. Nhưng thực tế không như vậy, và chúng ta luôn phải sống chung với những ‘khối nội kết’ tích tụ trong tâm trí, bắt nguồn từ những trải nghiệm trong quá khứ (dù tốt hay xấu). Hầu hết mọi người không biết làm cách nào để tháo gỡ những ‘nút thắt’ này bởi chúng ta thậm chí không nhận thức được sự tồn tại của chúng.
Chúng ta có thể cảm thấy căng thẳng khi phải nhờ vả hay vay tiền ai đó; hoặc nóng bừng mặt khi được yêu cầu phát biểu trước đám đông. Đó là một phản ứng đã được cơ thể ghi nhớ.
Bộ não đã ghi nhớ một sự việc trong quá khứ khi chúng ta cầu xin sự trợ giúp đỡ mà không được đáp ứng. Có thể ai đó đã khiến chúng ta cảm thấy xấu hổ vì thẳng thừng từ chối: “anh nên biết cách tự lo liệu cho bản thân”. Có thể cảm giác bị bẽ mặt đã in hằn trong tâm trí bạn từ thời học phổ thông, khi không thể trả lời câu hỏi của giáo viên trước cả lớp.
Những gì không thể hiện được bằng lời sẽ được biểu hiện qua những phản ứng, rung động của cơ thể.
Chúng ta có thể cố quên, ngăn cản, hoặc dùng lý trí đè nén những kí ức được lưu trữ trong bộ não, nhưng khi những kí ức sâu dày ấy đã trở thành những phản ứng tự động của cơ thể thì chúng ta phải làm như thế nào?
Động vật thường giãy giụa khi bị đau đớn hoặc run rẩy lúc sợ hãi. Hãy để ý 2 con chó đánh nhau: Một khi trận đánh kết thúc, cả hai sẽ lắc mạnh cơ thể để làm dịu lại hệ thần kinh và giảm bớt căng thẳng. Nhờ vậy mà kí ức vật lý về tình huống đó không bị lưu lại.
Tuy nhiên, con người thường lại không làm như vậy. Thay vào đó, hàng ngày chúng ta cứ vác trên vai những căng thẳng, lo lắng hay những tổn thương trong quá khứ, để rồi phải tìm đến ăn nhậu, hoặc những thú vui chóng vánh để giải khuây.
Nhưng… đó chỉ là giải pháp tạm thời, cảm giác bất an sẽ quay lại chừng nào chúng ta chưa giải phóng được những cảm xúc ách tắc ấy ra khỏi cơ thể.
Tôi từng nghiện đồ ngọt. Tôi thường ăn nhiều bánh ngọt, kem bất cứ khi nào cảm thấy buồn chán, tức giận hoặc cô đơn. Đồ ngọt giúp tôi đối phó với những cảm xúc phiền não và làm dịu nỗi đau tuổi thơ từng bị lạm dụng.
Nhưng chính thói quen ấy đã ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của tôi. Tôi bị bệnh ngoài da, đau nửa đầu và hay mệt mỏi suốt 10 năm trước khi tôi phát hiện ra rằng chính đồ ngọt là nguyên nhân. Tôi loại bỏ đồ ngọt ra khỏi chế độ ăn nhưng tình trạng sức khỏe vẫn không được cải thiện bao nhiêu.
Để thực sự chữa lành bệnh, tôi phải truy tìm gốc rễ của vấn đề – đó chính là những ‘nút thắt’ cảm xúc chưa được gỡ bỏ. Và ‘bộ công cụ’ dưới đây đã giúp tôi làm được điều đó.
Để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén và lấy lại sự bình yên cho tâm hồn, mỗi người cần tạo cho mình một ‘bộ công cụ cảm xúc’. Nó giúp chúng ta điều hòa hệ thần kinh và cảm thấy thanh thản hơn.
Công cụ đầu tiên: Đừng phán xét
Khi bạn bị một cảm xúc tiêu cực chi phối và mong muốn ‘tìm quên’ bằng những món ăn không có lợi cho sức khỏe hay những thú vui không lành mạnh, hãy cố gắng đừng phê phán hay tự trách mình. Cơ thể chúng ta được lập trình sẵn để tìm kiếm sự thoải mái, vì vậy việc nó luôn cố gắng chạy theo một điều gì đó nhằm làm dịu nỗi đau và để ta cảm thấy tốt hơn cũng là phản ứng tự nhiên.
Điều đó không có nghĩa là bạn là một con người tồi tệ.
Công cụ thứ hai: Hãy cảm nhận
Hãy cho phép bản thân được cảm nhận – chúng ta cần phải cảm nhận để có thể chuyển hóa và chữa lành cảm xúc đó.
Thông thường, lý do khiến chúng ta cảm thấy cần kìm nén cảm xúc là niềm tin cho rằng cảm xúc ấy không nên có và không được phép có. Chúng ta cho rằng mình không được phép tức giận, hay phải mạnh mẽ và không được khóc.
Nhận biết và chấp nhận cảm xúc của mình giúp bạn có sức mạnh để vượt qua chúng. Chúng ta có thể kiểm soát cảm xúc thay vì bị chúng chi phối, và trong quá trình ấy, vết thương sẽ được chữa lành.
Quá trình ‘chữa lành vết thương’chắc chắn sẽ gợi lại rất nhiều cảm xúc khác nhau, kể cả những nỗi đau. Khi những cảm xúc ấy phát khởi, hãy cứ để chúng đến nhưng đừng bám chấp; nhận biết rõ ràng sự hiện diện của chúng và hiểu rằng chúng trào dâng rồi sẽ tan biến như những cơn sóng vậy.
Ban đầu, chúng ta có thể cảm thấy vô cùng khó chịu, nhưng hãy cứ quán sát mà không cần phán xét hay phản ứng lại. Nhờ vậy chúng ta mới có tự tỉnh táo cần thiết. Cảm xúc không kéo dài mãi mãi. Chúng đến và đi – nếu chúng ta cho phép.
Công cụ thứ ba: Giải phóng
Sau khi cho phép mình nhận diện cảm xúc, đây là lúc chúng ta giải phóng những cảm xúc tiêu cực ấy khỏi cơ thể.
Chúng ta có thể lắc nhẹ cơ thể, bắt đầu từ đôi chân rồi đi lên từng phần của cơ thể. Hoặc chúng ta có thể mở một bản nhạc phù hợp với tâm trạng và hát theo, nhún nhảy, thậm chí có thể khóc cho đến khi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Cách làm này giúp cảm xúc phiền não lên tiếng và giải phóng khỏi cơ thể chúng ta.
Nếu bạn chưa quen cách làm này thì hãy cầm bút lên và viết. Chẳng cần trau chuốt, chỉnh sửa; hãy đặt cơn giận, sự uất ức, nỗi buồn bực hay bất kì cảm xúc phiền muộn nào của bạn lên trang giấy. Sau đó, hãy xé trang giấy ấy hoặc đốt nó đi, như một cách đoạn tuyệt với những ký ức tổn thương.
Tất nhiên, không có một giải pháp duy nhất cho mọi trường hợp. Có những lúc chúng ta cần vận động cơ thể, có khi hát lên hay viết ra cảm xúc của mình giúp chúng ta xả bỏ được những uẩn ức trong lòng. Hãy lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với mình.
Công cụ thứ tư: Tha thứ
Đây là công cụ quan trọng nhất trong‘bộ công cụ cảm xúc’ này. Để thực sự chữa lành được những vết thương lòng, chúng ta phải học cách tự tha thứ cho bản thân mình.
Dằn vặt bản thân vì những lỗi lầm trong quá khứ không giải quyết được vấn đề gì, và chắc chắn cũn gkhông giúp bạn cảm thấy tự tin hơn.
Cho dù bạn đã từng bị sa đà vào thói quen xấu hay có những lúc ‘đánh mất mình’ nhằm trốn chạy một nỗi đau nào đó. Hãy hiểu rằng, thật ra chúng ta đã cố gắng hết sức nhưng sức mạnh nội tâm của mình vào thời điểm đó chỉ có vậy.
Khi sự việc đã xảy ra rồi, thật dễ dàng phán xét và mắc kẹt trong cái vòng xoáy của sự dằn vặt, trách cứ. Thật ra, chúng ta khó có thể suy nghĩ sáng suốt khi đang ở trong trạng thái bất an. Não bộ và cơ thể phản ứng với sự khó chịu dựa trên những suy diễn về một sự lựa chọn mà nó cho là an toàn nhất ngay tại thời điểm đó, và đôi khi điều đó có nghĩa là chúng ta quay trở lại với thói quen hoặc những hành vi tiêu cực.
Nhận thức được điều này, chúng ta sẽ biết tha thứ cho bản thân và tiếp tục tiến bước. Chúng ta đã có những công cụ cần thiết để thay đổi suy nghĩ và không lặp lại sai lầm.
Và cuối cùng là: Thời gian
Con người thường có xu hướng tìm kiếm giải pháp ‘mỳ ăn liền’, nhưng chẳng có một liều thuốc tiên có khả năng chữa lành vết thương ngay tức thì.Quá trình chữa lành cần có thời gian.
Hãy kiên nhẫn bởi sự hàn gắn là một hành trình đời người.
Tất nhiên, luyện tập sẽ giúp cho hành trình ấy trở nên dễ dàng hơn, nhưng sẽ không có sự hoàn hảo. Có những lúc chúng ta lại bị rơi vào bẫy của những thói quen cũ, nhưng một khi điều đó xảy ra, hãy nắm chắc những công cụ này và áp dụng những gì hữu ích. Chắc chắn chúng ta sẽ làm được và sống hạnh phúc.
Theo songhanhphuc.net