"Quá hiểu chuyện!" một câu cảm thán trong một vài trường hợp là sự khen thưởng tán dương, nhưng lắm lúc là sự thương xót, đồng cảm... Mình tâm đắc một câu mình biết được từ một đoạn phim ngôn tình: "Thứ cho đi là tự nguyện - Thứ nhận lại là tùy tâm”. Nên bạn thử tùy duyên, tùy tâm, tùy chọn trả lời giúp mình có nên là một người hiểu hay không nhé
Người quá hiểu chuyện thì luôn nhận lấy thiệt thòi...
Lúc mình còn bé, cái tuổi mà những bạn nhỏ khác chẳng bận bịu gì ngoài việc đến trường và vui chơi sau giờ tan học, mình đã phải lụi hụi trong bếp vì bà mình bảo rằng mình đến tuổi phải học làm việc nhà rồi. Mình cũng từng nũng nịu hỏi: “Thế sau em trai con chẳng phải học ạ?”, bà mình bảo: “Em con chưa tới tuổi” – Vậy là tận đến lúc mình lớn lên em trai mình vẫn chưa “đến tuổi” như bà từng dạy. Mình phải ngầm hiểu rằng, vì là mình nên mình phải học, phải biết điều đó
Lúc mình đi học ở trường, chắc do cái tính kỷ luật thép của bản thân, nên nhiều lần được cô chọn làm lớp trưởng. Mình cũng ở tuổi ăn, tuổi chơi, ít lần ngáp ngắn ngáp dài lê thê trên bàn học nhưng chẳng dám lười học, chẳng dám đi muộn, chẳng dám “cúp cua”. Có hôm sốt cao, dán tạm miếng hạ sốt trên trán rồi đạp xe bon bon tới trường. Bởi mình phải hiểu “Mình là mình mà, mình sai sẽ lệch kì vọng của cô lắm, mình là mình mà, mình sai thì sao có thể làm ‘mẫu’ cho các bạn.”
Lúc mình lớn hơn tẹo, mình chẳng có mẹ ở bên, mọi thứ xung quanh mình phải tự học. Từ việc nhỏ như mua quần áo, cho đến việc chăm sóc gia đình, cân bằng thu nhập cá nhân cũng như có thể duy trì con đường học hành. Đôi lần mình nhìn bạn bè, đầm váy, xúm xính túi này túi nọ, đi đến nơi này nơi kia,… mình phải dặn lòng: “Mình là mình mà, nếu mình không kiên trì, không đúng đắn, ai là người diều dắt em mình ở tương lai.” Mình trải qua ngần ấy năm phải tự dò tìm, mình chẳng muốn em mình có cảm giác con thơ lạc mẹ như mình ngày trước
Lúc mình biết yêu, biết thương một ai đó, mình học cách lắng nghe, thấu hiểu, kiên nhẫn. Bởi mình nhìn từ cuộc hôn nhân của ba mẹ mình, vô tâm sẽ dẫn đến xa cách, cá nhân hoá trong một mối quan hệ là cách nhanh nhất để phá huỷ nó. Mình quan sát, thay đổi cho phù hợp với người mình cạnh bên. Họ là người thích cơm nhà – mình sẽ nấu cơm, họ là người nóng tính – mình sẽ học cách êm dịu như một dòng suối mát. Họ yêu gia đình họ - mình yêu gia đình họ như yêu gia đình mình, họ không có nhiều thời gian – tất cả thời gian của mình là của họ. Bởi mình là mình mà, mình hiểu cho muôn vàng cái “khó” của họ mà…
Lúc mình bắt đầu với công việc đầu tiên sau tốt nghiệp Đại học, thu nhập của mình lúc đấy ba mình ví von rằng, chẳng bằng một nhân viên bưng bát ngoài quán phở. Sếp mình có hỏi lý do vì sao mình chấp nhận, nhận việc. Mình nghĩ đơn giản thế này, mình chỉ được quyền đòi hỏi, khi mình đã cho đi hoặc cống hiến gì đó, mình được nhận việc, được học việc và được trả lương cho sự học việc của mình. Bởi mình là mình mà, mình biết xuất phát điểm mình ở đâu, mình hiểu khả năng, tư duy của mình đừng ở mức độ nào.
Người hiểu chuyện là ngươi mang chính những trải nghiệm, những mất mát đau thương họ từng nhận lấy ở quá khứ, bởi lẽ quá hiểu cho những nỗi đau ấy, họ sợ mang điều đấy đến những người xung quanh mình. Hiểu chuyện có thể do được dạy, tự nhận thức, tự trải nghiệm mà ra, sau cùng lại trở thành thói quen, bản năng và nó đi vào cách hành xử của một người một cách tự nhiên.
Có lúc hiểu chuyện quá sẽ làm bạn khóc, có lúc hiểu chuyện quá người mất mát là chính bạn. Nhưng mình luôn tâm đắc rằng "Gieo nhân nào - Gặt quả đó". Mình nghĩ đơn giản cứ là người tử tế - tinh tế, cuộc đời này chẳng quá bạc đãi ai đâu, lấy của một hạt mầm sẽ gửi bạn lại một quả ngọt. Luật hấp dẫn luôn tồn tại mạnh mẽ ở chúng ta, bạn phát ra năng lượng nào, luật hấp dẫn sẽ đưa đường dẫn lối bạn thu hút những người cùng tần số năng lượng như thế. Mình cảm ơn những điều đã xảy ra, những người đã đến, họ giúp mình trưởng thành hơn mình của quá khứ. Cứ là một người hiểu chuyện, để gặp được người hiểu chuyện khác... Có mất mát gì đâu đúng không nè!